Tái cơ cấu quyền lực tại Đại hội 19: Những được mất của ông Tập Cận Bình
- Trí Đạt
- •
Dưới đây là những nhận định bình luận của ba nhà phân tích chính trị nổi tiếng về được mất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi tái cơ cấu quyền lực tại Đại hội 19.
Theo ông Ngô Quốc Quang, tác giả cuốn sách “Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc: quyền lực, tính hợp pháp và thao túng chế độ”, giáo sư khoa Chính trị và khoa Lịch sử trường Đại học Victoria (Canada): Từ góc độ được mất của ông Tập Cận Bình mà xét, ông Tập đã thông qua Đại hội 19 để thực hiện tập trung quyền lực trong 5 năm qua; ông ấy có lẽ sẽ không mất đi điều gì. Đương nhiên, thành viên trong Ban Thường vụ không hoàn toàn là người của ông Tập, mà là vẫn duy trì sự hài hòa giữa các phe phái. Trong 5 năm tới đây, vẫn cần xem với thế mạnh của ông Tập, ông ấy sẽ làm thế nào để vận hành Ban Thường vụ qua sự cân bằng các phe phái.
Ông Ngô Quốc Quang nhận định: Từ góc độ phá vỡ quy tắc trò chơi của nhiệm kỳ trước, tôi cho rằng ông Tập Cận Bình đã chiếm được ưu thế. Có thể nói ông ấy đã phá vỡ 70% quy tắc, 30% còn lại là sự thỏa hiệp. Ông Tập Cận Bình là người đi theo quy tắc trò chơi từ sau năm 1989, tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền tại Đại hội 19, ông ấy bắt đầu dồn sức vào phá vỡ những quy tắc trước đó. Và sau đó quán tính đã rất lớn, không chỉ có được sự ủng hộ của tập đoàn lợi ích, mà cũng có được những nhận thức chung của những tinh anh trong nội bộ đảng muốn phá vỡ trở lực tương đối lớn. Trước khi Đại hội 19 khai mạc, ông Tập đã gặp phải trở lực rất lớn. Cuối cùng, ông ấy đã có được thành quả cũng rất lớn, đây là thành quả có được sau một cuộc đấu tranh vô cùng kịch liệt, và cũng nói lên rằng ông ấy có cách làm rất khác thường.
Về việc hình thành Ban Thường vụ khóa mới có thể dự đoán được điều gì về phương hướng chấp chính và phong cách của ĐCSTQ trong tương lai, ông Ngô Quốc Quang đánh giá: Ở đây có vài điểm chú ý, thứ nhất là các thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, trong quá khứ không có ảnh hưởng gì lớn đến sự chấp chính và phong cách cũng như đường lối của ĐCSTQ, chỉ khi ông Tập Cận Bình lên lãnh đạo mới đóng lên đó dấu ấn cá nhân; thứ hai là, tôi cho rằng, ở ông Lật Chiến Thư có điểm đáng chú ý lớn, ông ấy là nhân vật đáng tin của phe ông Tập, hiện nay lại nắm giữ 3 vị trí quan trọng trong nội bộ đảng, đồng thời còn là Ủy viên Trưởng Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, quyền lực có thể lớn có thể nhỏ, lớn thì có thể khống chế Quốc vụ viện. Nếu ông Tập Cận Bình muốn tiếp tục làm lãnh đạo nhiệm kỳ thứ 3, thì cũng liên quan tới cải cách chế độ, điều này cần phải được Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc thông qua sửa đổi hiến pháp. Ông Lật Chiến Thư nắm giữ vị trí quan trọng trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, cũng sẽ đặt định cơ sở cho việc này; thứ 3 là, ông Triệu Lạc Tế làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, sang năm 2018, tức sau Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân kết thúc sẽ thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia, lúc này quyền lực thực tế của ông Triệu Lạc Tế có thể sẽ lớn hơn nữa, cũng có thể thu nhỏ lại, tuy nhiên hiện nay chưa thể đưa ra phán đoán chính xác, mà cần chờ đợi thêm; thứ 4 là ông Vương Hỗ Ninh, sự nghiệp chính trị của ông chưa từng trải qua lãnh đạo ở cấp cơ sở (tức chưa từng làm quan địa phương), có người nói đây là mở ra một tiền lệ mới, nhưng thực ra không phải. Ví dụ như ông Lý Bằng, Kiều Thạch, Ôn Gia Bảo, Lưu Vân Sơn, Tăng Khánh Hồng cũng đều như vậy. Thực ra, đây cũng là một ưu điểm của ông Vương Hỗ Ninh, bởi vì ông không có không gian để hình thành phe phái hoặc tập đoàn lợi ích của chính mình, vì thế mà ông Tập Cận Bình có thể yên tâm. Nhưng từ góc độ phản ứng của dư luận sau khi ông Vương Hỗ Ninh trúng cử vào Ban Thường vụ, chúng ta cũng không thể đánh giá quá thấp phạm vi thế lực của ông ấy. Chúng ta cũng cần xem ông ấy quán triệt ý chí của ông Tập Cận Bình thế nào, đồng thời phụ trách đi đường cân bằng giữa các phe phái.
Còn về vấn đề ông Vương Kỳ Sơn rút lui khỏi chính trường, ông Ngô Quốc Quang nhìn nhận: Ông Vương đã quá mạnh tay chống tham nhũng trong 5 năm qua, do đó mà ông ấy gặp phải sự phản kháng cũng rất lớn. Việc chống tham nhũng mang tính phi pháp, tính phi chế độ của ĐCSTQ bị đùa cợt giống như tác phong của đặc vụ Quảng Đông trong lịch sử. Về phương diện này có thể giành được sự kỳ vọng của người dân, mặt khác cũng vì phi chế độ hóa trong chống tham nhũng mà bị chỉ trích. Nhất là sau sự việc tỷ phú Quách Văn Quý vạch trần ông Vương Kỳ Sơn, sau khi một số sự việc cá nhân của ông Vương bị phơi bày, dù đó là thật hay giả nhưng hình tượng ông Vương cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ, ông ấy lãnh đạo công cuộc chống tham nhũng mang tính hợp pháp cũng theo đó mà bị phai mờ. Ông Tập vốn muốn để ông Vương lưu nhiệm, muốn dùng ông Vương để phá vỡ quy định “7 lên 8 xuống” để làm bước dò đường, nhưng đến cuối cùng vẫn phải quyết định từ bỏ quân cờ này, đây cũng có thể nói là lựa chọn sáng suốt khi biết nắm giữ và buông bỏ. Chiến dịch chống tham nhũng tiếp theo liệu có giảm sức tiếp tục “đả đại lão hổ” không, cần phải xem sự cân bằng trong Ban Thường ủy hiện nay. Nếu như ông Tập Cận Bình độc chiếm quyền lực, có thể kiềm chế được các phe phái khác, thì uy hiếp đối với ông Tập cũng không còn lớn, khả năng “đả hổ” có thể giảm; nhưng nếu uy hiếp từ các phe phái vẫn rất lớn, thì ông Tập sẽ tiếp tục “đả hổ”. Trước Đại hội 19 từng có tin đồn chính biến, nhưng hiện nay có thể thấy, các phe phái sẽ có thể lựa chọn phương thức chính biến phi chế độ, bao gồm việc các phe phái do nguyên lão chủ trì để làm suy yếu phe ông Tập Cận Bình cũng ngày càng ít. Điều có thể khẳng định chính là, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương sẽ tiếp tục nắm kỷ luật trong tầng trung và tầng cơ sở. Tuy nhiên chỉ dựa vào kiểm tra đôn đốc thì rất khó, các quan chức từ tầng trung trở xuống sẽ dùi vào sơ hở và dối trá vẫn sẽ còn rất nhiều, hiệu quả thực sự như thế nào thì vẫn là dấu hỏi lớn.
Tôi cho rằng, Trung Quốc cần khai hóa trí tuệ người dân, thông tin được truyền tải rộng hơn nữa, thì người dân mới nhận thấy được chuyên chế không thể đem lại hiện thực mở cửa ra thế giới. Trở lại vấn đề chính, quyền lực không chịu sự khống chế, tức là cực quyền, và nó nhất định sẽ mang đến tai nạn, cực quyền nhiều bao nhiêu sẽ mang đến tai nạn lớn bấy nhiêu. Rất nhiều sai lầm của ĐCSTQ bắt nguồn từ chế độ cơ bản của ĐCSTQ. Nếu như ông Tập Cận Bình đi theo con đường của Mao, thì sẽ đối mặt với thách thức rất lớn, những nguy cơ mà ông ấy phải đối mặt sẽ lớn hơn so với 20 năm trước.
Ông Cao Văn Khiêm, học giả lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, tác giả cuốn sách “Những năm cuối đời của Chu Ân Lai”, cho rằng: Ông Tập Cận Bình có thu hoạch lớn tại Đại hội 19, đã leo lên đỉnh cao quyền lực cá nhân, rõ ràng là được nhiều hơn so với mất. Có hai điểm đáng chú ý nhất: thứ nhất là tên của ông Tập được viết vào Điều lệ đảng, việc này cho thấy ông Tập đã vượt qua ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, và sánh ngang với Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông, về chính trị chiếm được vị trí rất cao, không chỉ chính thống và dựa vào nên tảng pháp luật, mà còn có thể hiệu lệnh toàn đảng; thứ hai là lật đổ chế độ người kế nhiệm từ thời ông Đặng Tiểu Bình, để làm bước đệm cho mình được tại vị sau Đại hội 20. Điều ông Tập mất, từ bề ngoài mà xét, dường như là không thể thay đổi chế độ thành công, hủy bỏ Ban thường vụ, thực hiện chế độ Chủ tịch đảng, tuy nhiên hiện nay trong Ban Thường vụ, người của ông Tập chiếm đa số. Thực ra đây là chỗ sáng suốt của ông Tập, không tranh giành cái trước mắt, mà nhìn xa hơn tới Đại hội 20. Ông ấy đã hình thành cục diện độc tôn trong Bộ Chính trị, trải con đường bằng phẳng cho cải cách sau 5 năm nữa.
Ông Cao Văn Khiêm còn nói: Tôi không cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ không để ý tới những đánh giá tiêu cực trong lịch sử để tập trung quyền lực trong tay, ông ấy đã đi con đường không thể quay đầu. Lịch sử có logic tự thân của nó, dù có tâm muốn làm những việc để cứu vãn, quán tính lịch sử to lớn cũng sẽ kéo ông ấy không thể nhúc nhích được, giống như năm xưa Mao Trạch Đông muốn kết thúc Cách mạng Văn hóa nhưng muốn ngưng mà không được. Kết thúc Đại cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ tổng kết bài học lịch sử, và thực hành tập thể lãnh đạo, xóa bỏ chế độ lãnh đạo trọn đời, xây dựng chế độ người kế nhiệm, không còn làm cái gọi là tranh đấu một mất một còn nữa, đây là nguyên nhân mà thế cục chính trị Trung Quốc tương đối ổn định trong gần 40 năm qua. Hiện nay, ông Tập Cận Bình lại xóa bỏ chế độ người kế nhiệm, thực tế là rơi vào vũng bùn thay đổi quyền lực của chế độ chuyên chế cực quyền, tự đặt mình vào thế nguy hiểm và đối mặt với hoàn cảnh khó khăn tương tự như Mao Trạch Đông khi xưa. Xuống thuyền của cướp thì dễ, ra khỏi thuyền mới khó, nếu làm không tốt thì sẽ giống như dự ngôn của Mao Trạch Đông năm xưa, chuyển giao quyền lực trong mưa gió máu tanh, thậm chí còn hại đến cả người nhà.
Theo ông Trần Phá Không, nhà bình luận thời sự, tác giả các bài viết bình luận chính trị: Trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, phe ông Tập Cận Bình chỉ hơi chiếm ưu thế. Nhưng trong Bộ Chính trị, phe ông Tập chiếm ưu thế toàn diện. Phán đoán về thành bại của ông Tập Cận Bình tại Đại hội 19, cần phải xem những quy tắc hoặc quy tắc ngầm mà ông Tập đã thay đổi được bao nhiêu trong số đó, có những gì chưa được thay đổi ? Ông ấy chưa thay đổi được quy tắc “7 lên 8 xuống”, bởi vì đồng minh Vương Kỳ Sơn của ông ấy không được lưu nhiệm; ông ấy chưa đổi danh xưng Tổng bí thư đảng thành Chủ tịch đảng. Hai điều này đều được bàn tán xôn xao trước Đại hội 19.
Ông Trần Phá Không nói: Ông Tập Cận Bình đã thay đổi được chế độ người kế nhiệm cách khóa, sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của mình, dư luận vẫn chưa thể thấy được người kế nhiệm tiếp theo. Ông Tập thể hiện tư thế chuẩn bị chấp chính cả đời. Điều này một khi thay đổi, là sự thành công trong thủ đoạn của ông ấy, đồng thời cũng đánh dấu bước lùi về chính trị của ĐCSTQ. Đương nhiên, dưới chế độ độc đảng chuyên chính, điều mà ĐCSTQ gọi là tập thể lãnh đạo hay độc tài cá nhân, đối với người Trung Quốc mà nói, thì không có gì khác biệt nhiều. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, xóa bỏ chế độ người lãnh đạo cả đời và xác lập chế độ lãnh đạo theo nhiệm kỳ, vốn là một thành quả trong thời kỳ cải cách mở cửa của ĐCSTQ, nó đánh dấu Cách mạng Văn hóa đã kết thúc và sự phủ định đối với kẻ độc tài Mao Trạch Đông. Ý đồ muốn kéo dài nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình đã rõ ràng, chế độ lãnh đạo suốt đời có thể được khôi phục lại bởi tay của ông Tập. Và như thế, cuối cùng thành quả của cải cách mở cửa của ĐCSTQ coi như trôi theo dòng nước.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Giang Trạch Dân Mao Trạch Đông Vương Kỳ Sơn Hồ Cẩm Đào Đại hội 19 Đặng Tiểu Bình Tái cơ cấu quyền lực