Bắc Kinh ‘la làng’ vì Mỹ yêu cầu hủy bỏ địa vị ‘nước đang phát triển’
- Huệ Anh
- •
Hôm 26/7 Tổng thống Mỹ Trump đã gây áp lực với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để yêu cầu hủy bỏ địa vị “nước đang phát triển” của nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc, nhằm thay đổi thói quen xấu “chiếm ưu đãi”. Thông tin này đã khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải khẩn cấp “la làng”.
Trung Quốc “la làng” vì đề nghị của Trump
Trong một tuyên bố của Nhà Trắng, Trump chỉ ra rằng kể từ khi thành lập WTO đến nay nền kinh tế toàn cầu đã không ngừng thay đổi, nhưng WTO vẫn tiếp tục sử dụng nguyên tắc phân đôi lỗi thời gọi là nước phát triển và đang phát triển, giúp một số nước thành viên WTO được hưởng ưu đãi thương mại quốc tế gây bất công.
Trump đã điểm danh một số thành viên của WTO đang lợi dụng ưu thế gây bất công trong vai trò “nước đang phát triển”, đề nghị WTO hủy bỏ danh vị “nước đang phát triển” của các nước như Trung Quốc, Brunei, Hồng Kông, Ma Cao, Kuwait, Qatar, Singapore, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trump đã chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer rằng, nếu trong 90 ngày WTO không đạt được “tiến bộ đáng kể” trong việc thay đổi các quy tắc, Mỹ sẽ không tiếp tục cung cấp đãi ngộ tương ứng cho các quốc gia mà Mỹ tin rằng không phải là “nước đang phát triển”. Mỹ cũng sẽ không ủng hộ việc đưa các quốc gia này vào nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), tổ chức bao gồm 36 quốc gia phát triển nhất thế giới.
Hãng tin AP chỉ ra, rằng mặc dù tuyên bố này cáo buộc nhiều quốc gia được hưởng lợi từ việc này, nhưng mục tiêu chủ yếu vẫn là Trung Quốc.
Liên quan đến phát biểu của Trump, trong họp báo hôm 29, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã phản ứng mạnh rằng “Mỹ ngông cuồng, muốn gì làm nấy, tự tư tự lợi”.
Nhật báo Nhân dân của Trung ương Trung Quốc cũng “tung hỏa lực” với bài viết chỉ trích Mỹ bá đạo, ngông cuồng, thách thức và coi thường trật tự kinh tế và thương mại quốc tế thông thường.
“Nước đang phát triển” được đãi ngộ gì đặc biệt?
Theo quy định của WTO, việc ứng xử với nước đang phát triển và nước phát triển rất khác biệt. Ví dụ, về tốc độ và biên độ giảm thuế trong thuế quan các loại sản phẩm, nước đang phát triển được ưu đãi hơn nước phát triển, đồng thời cũng không cần phải bám theo các ưu đãi thương mại do các nước phát triển đề xuất.
Hãng thông tấn trung ương Đài Loan (CNA) chia sẻ ý kiến của ông Li Chun (Lý Thuần), phó giám đốc điều hành Trung tâm WTO và RTA thuộc Viện Kinh tế Trung ương Đài Loan, theo đó chuyên gia này chỉ ra rằng việc đối xử đặc biệt và khác biệt chủ yếu là từ đàm phán giữa hai bên, các nước đang phát triển có thể đề xuất ít cam kết hơn, đồng thời cũng có thể kéo dài thời gian thực hiện, ví dụ như trong hiệp định thương mại được thông qua từ vài năm trước, kỳ hạn được chia thành những mức khác nhau là 12, 24, và 36 tháng, trong khi đối với nước kém phát triển thì không giới hạn thời gian.
Ông Li Chun cũng chỉ ra rằng, trong địa vị “nước đang phát triển” và “nước phát triển” hiện nay WTO đang áp dụng nguyên tắc tự thừa nhận, còn đề xuất của Mỹ hồi đầu năm nay cho rằng WTO nên định nghĩa rõ trong vấn đề này, ví dụ, nếu một nước có một trong những điều kiện như sau đều không thể tự nhận là một quốc gia đang phát triển: được Ngân hàng Thế giới xếp vào nền kinh tế thu nhập cao, là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chiếm từ 0,5% thị phần thương mại toàn cầu trở lên.
Còn với Trung Quốc (Đại lục), kể từ năm 2001 khi gia nhập WTO với tư cách là nước đang phát triển, họ không chỉ thực hiện ít cam kết hơn (như đã cam kết) với các nước phát triển mà còn áp dụng mức thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu nước ngoài.
Nhưng trên thực tế, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong 18 năm qua thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp 8 lần, lên mức gần 10.000 đô la Mỹ, nhiều thành viên WTO cho rằng Trung Quốc nên nhận trách nhiệm của một nước phát triển.
Về vấn đề này, Trung Quốc Đại lục lập luận rằng, dù họ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng “phát triển nội bộ không đồng đều”, về tổng thể vẫn thuộc cấp độ “nước đang phát triển”.
Tuy nhiên, trong nhiều tuyên bố, giới chức ĐCSTQ thường đề cập đến những thành tựu phát triển như một cách “tự kiêu”. Tiêu biểu như gần đây (01/7) trang mạng của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố “Báo cáo về những thành tựu phát triển kinh tế và xã hội kỷ niệm 70 năm thành lập Trung Quốc mới”, theo đó cho biết “Tổng kinh tế của Trung Quốc năm 2018 đạt 90.030,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 13.285,75 tỷ USD), chiếm gần 16% kinh tế thế giới. Tỷ lệ đóng góp hàng năm cho tăng trưởng kinh tế thế giới là khoảng 18%, trên thế giới chỉ đứng sau Mỹ”.
Đàm phán thương mại Trung-Mỹ được tổ chức tại Thượng Hải
Đàm phán thương mại Trung-Mỹ được tổ chức tại Thượng Hải vào ngày 30/7.
Nhà Trắng đã cho biết, nội dung đàm phán liên quan các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, ép chuyển giao công nghệ, hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại, và cách thực hiện các thỏa thuận tiếp theo.
Đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Trump và Tập Cận Bình kể từ cuối tháng Sáu sau khi han bên đồng ý nối lại đàm phán để kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài một năm.
Theo tin từ Bloomberg, dựa theo thái độ hiện tại, cả hai bên cùng cho thấy rằng họ không vội vàng thỏa hiệp, các tín hiệu được đưa ra cũng lẫn lộn tốt xấu không thể đoán được.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc WTO nước đang phát triển