Lệnh chế tài mới nhất của Chính phủ Mỹ về lĩnh vực chip và chất bán dẫn đã gây khốn khó cho Trung Quốc. Bloomberg đưa tin rằng chính quyền Bắc Kinh đã triệu tập họp khẩn các công ty chip để thảo luận biện pháp đối phó.

shutterstock 2171952485
(Ảnh minh họa: William Potter/ Shutterstock)

Ngày 20/10, Bloomberg đưa tin, trong tuần qua Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã tổ chức một loạt cuộc họp khẩn cấp với các công ty bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc, nhằm tìm cách đánh giá thiệt hại do lệnh hạn chế chip của Mỹ.

Nguồn tin cho hay Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã triệu tập các giám đốc điều hành của các công ty bao gồm Công ty Công nghệ Lưu trữ Trường Giang (Yangtze Memory Technology Corp, YMTC) và chuyên gia siêu máy tính Dawning Information Industry (Sugon) để họp kín. Nhiều người tham dự cho rằng trước mắt các hạn chế của Mỹ khiến lĩnh vực này của Trung Quốc “tê liệt”.

Ngày 20/10, Reuters cũng đã đưa ra yêu cầu bình luận, nhưng các bên liên quan phía Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức.

Ngày 16/10, trong báo cáo trước Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã nhắc lại sự cần thiết phải “giành chiến thắng trong trận chiến của các công nghệ cốt lõi quan trọng”.

Ông Tập nhấn mạnh mục tiêu tự lực tự cường về khoa học và công nghệ, ông đã 4 lần đề cập đến các từ liên quan trong toàn văn báo cáo, so sánh tại Đại hội 19 vào năm 2017 chỉ 1 lần nhắc vấn đề này. Ông đã đề cập đến từ “khoa học công nghệ” 40 lần trong báo cáo Đại hội 20, còn năm 2017 chỉ 17 lần.

Ông Tập Cận Bình không giải thích mục tiêu này trong báo cáo trước Đại hội 20 cũng như không đề cập đến các ngành cụ thể, nhưng giới quan sát bên ngoài cho rằng mục tiêu chủ yếu nhằm vào các hạn chế kỹ thuật của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Nhiều chuyên gia cho rằng báo cáo Đại hội 20 của ông Tập có thể báo trước một cuộc đại tu về cách thức Bắc Kinh thúc đẩy ngành công nghệ, tăng chi tiêu do nhà nước lãnh đạo và các biện pháp can thiệp để đối phó với áp lực của Mỹ.

Nhà kinh tế trưởng Iris Pang của Tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan ING cho biết tuyên bố của ông Tập đề cập đến “nhu cầu cấp bách về tài năng và khả năng tự cung cấp để thúc đẩy tiến bộ công nghệ”. Pang nói: “Chúng tôi tin rằng điều này là để đáp lại ‘Đạo luật CHIPS’ của Mỹ. Chi tiêu nghiên cứu cho các công nghệ bán dẫn như vậy của Trung Quốc sẽ tăng lên. Thông thường sau các cuộc họp lớn như vậy thì nhà chức trách Trung Quốc sẽ công bố chính sách”.

Về động thái của Mỹ

Ngày 7/10, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã thông qua biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm làm chậm các tiến bộ công nghệ và quân sự của Bắc Kinh, bao gồm hạn chế đối với việc bán một số chip tiên tiến và các công cụ thiết bị chip.

Giới chuyên gia cho rằng các quy định mới sẽ có tác động trên diện rộng, làm Trung Quốc bị chậm phát triển ngành công nghiệp chip và ảnh hưởng hưởng thúc đẩy các nỗ lực liên quan đến vũ khí quân sự, trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu và nhiều siêu máy tính.

Khác với những hạn chế về công nghệ và thiết bị trước đây, vấn đề quan trọng trong lệnh cấm mới nhất của Mỹ nằm ở việc hạn chế nhân tài, tức là những người làm trong lĩnh vực bán dẫn có quốc tịch Mỹ và thẻ thường trú (thường được gọi là “Thẻ Xanh”) phải chọn giữa làm việc tại Trung Quốc hoặc phải thôi quốc tịch Mỹ. Chính sách đó khiến không ít nhân tài người Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc đang rời khỏi Trung Quốc.

Có thông tin cho rằng nếu người trong ngành bán dẫn có quốc tịch Mỹ tiếp tục phát triển hoặc cung cấp dịch vụ cho các công ty chip Trung Quốc, họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị bắt khi trở về Mỹ hoặc đi qua các nước mà Mỹ có thể dẫn độ họ. Giờ đây mọi người có quốc tịch Mỹ, dù ở bất cứ đâu trên thế giới, nếu họ hỗ trợ các công ty Trung Quốc dưới hình thức nào cũng là vi phạm luật của Mỹ.

Phóng viên Vision Times đã hỏi về trang web ecfr.gov do Văn phòng Đăng ký Liên bang (OFR) thuộc Cục Quản lý Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Mỹ (NARA) và Văn phòng Xuất bản Chính phủ Mỹ (GPO) đồng quản lý, được biết cơ sở pháp lý cho các tình huống có thể xảy ra được thể hiện tại đường dẫn này. Vấn đề quan trọng là xem hành vi của người đó có cung cấp hỗ trợ, trợ giúp… trong vấn đề chất bán dẫn của Trung Quốc hay không: chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển, mua thiết bị… Nếu Trung Quốc có trung tâm R&D ở Mỹ thì về cơ bản trung tâm đó phải ngừng hoạt động.