Quản lý người Mỹ trong doanh nghiệp TQ phải đưa ra lựa chọn: Giữ công việc hay quốc tịch
- Hạ Vũ
- •
Cách đây không lâu, Chính phủ Mỹ đã ban hành các quy định mới nghiêm ngặt nhất trong lịch sử, gần như ngăn chặn dã tâm về chip của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên mọi phương diện. Những người Mỹ giữ chức vị cao trong các doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với sự lựa chọn trước những quy định mới này của Mỹ.
Ít nhất 43 giám đốc điều hành làm việc với 16 công ty bán dẫn niêm yết của Trung Quốc là công dân Mỹ, theo một đánh giá của Tạp chí Phố Wall (WSJ) về các tài liệu của công ty và các trang web chính thức. Nhiều người trong số họ nắm giữ các chức danh quản lý cấp cao từ giám đốc điều hành đến phó chủ tịch và chủ tịch.
Các tài liệu của các công ty này cho thấy, hầu hết các giám đốc điều hành đều chuyển sang ngành công nghiệp chip Trung Quốc sau nhiều năm làm việc cho các nhà sản xuất chip hoặc các công ty thiết bị bán dẫn của Mỹ ở Thung lũng Silicon. Một số được tuyển dụng vào các công ty Trung Quốc thông qua các sáng kiến như “Chương trình ngàn nhân tài” của ĐCSTQ, chương trình này do Chính phủ ĐCSTQ phát động vào năm 2008 để tuyển dụng nhân tài kỹ thuật cấp cao từ nước ngoài.
Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một loạt chip và công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc vào ngày 7/10, đây là đòn giáng mạnh nhất vào ngành công nghệ Trung Quốc của Mỹ cho đến nay. Trong một động thái hiếm hoi khiến ngành công nghiệp trở tay không kịp, quy tắc mới của Mỹ cũng hạn chế việc Trung Quốc sử dụng công nghệ của Mỹ để phát triển quân đội và giám sát người dân ở trong và ngoài nước (Trung Quốc), bằng cách cấm “người Mỹ” hỗ trợ Trung Quốc (ĐCSTQ) phát triển hoặc sản xuất chip tiên tiến trong tình huống không được cấp phép. Định nghĩa “người Mỹ” bao gồm công dân Mỹ, thường trú nhân, những người cư trú tại Mỹ và các công ty Mỹ.
WSJ đưa tin, các công ty phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng bao gồm nhà thiết kế chip nhớ flash Trung Quốc GigaDevice Semiconductor Inc., công ty thiết kế chip nhớ flash được sử dụng trong ô tô và máy tính cá nhân. Theo báo cáo, Phó Chủ tịch Thư Thanh Minh (Shu Qingming), Chủ tịch Trình Thái Nghị (Cheng Taiyi), đều có hộ chiếu Mỹ. GigaDevice đã không trả lời yêu cầu bình luận của WSJ.
Advanced Micro là một trong những nhà cung cấp thiết bị chip lớn nhất Trung Quốc. Theo trang web và báo cáo thường niên mới nhất của công ty, người sáng lập kiêm chủ tịch công ty, ông Doãn Chí Nghiêu (Gerald Yin), cùng 6 quản lý cấp cao và nhà nghiên cứu cốt lõi hiện tại đều là công dân Mỹ.
WSJ đưa tin, công ty KingSemi Co., công ty sản xuất thiết bị và vật tư phát triển và sơn phủ tiên tiến nhất của Trung Quốc, cung ứng cho các công ty bao gồm cả TSMC, nói với các nhà đầu tư rằng họ đang đánh giá chỉ thị mới của Mỹ. Báo cáo thường niên mới nhất của công ty cho biết giám đốc điều hành công ty này là ông Trần Hưng Long (Chen Xinglong) có thẻ xanh Mỹ.
Ông Dane Chamorro, giám đốc rủi ro toàn cầu và tình báo của công ty tư vấn kinh doanh Control Risks ở Washington, D.C., nói với WSJ rằng việc hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận tài năng Mỹ đã đánh trực tiếp vào trọng tâm của nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường chuỗi công nghệ. Ông nói: “Công nghệ sẽ chẳng là gì nếu không có người đến làm cho nó phát huy tác dụng.”
Ông Dane Chamorro nói, đối với nhiều quản lý cấp cao tại các công ty Trung Quốc, quy tắc mới này của Mỹ có thể buộc họ phải lựa chọn giữa công việc và quốc tịch Mỹ hoặc tình trạng thường trú nhân. Quy tắc yêu cầu tất cả người Mỹ phải xin giấy phép để tiếp tục công việc nghiên cứu phát triển chip tiên tiến của Trung Quốc.
WSJ đưa tin, lệnh cấm mới của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến nhân viên của các công ty Trung Quốc ở Mỹ. Công ty Yangtze Memory Technologies Co., (YMTC) có văn phòng tại Santa Clara, California và hàng chục nhân viên ở Mỹ, bao gồm giám đốc kỹ thuật, người phụ trách thiết kế NAND (chip nhớ) Mỹ và người phụ trách bán hàng Bắc Mỹ.
Ngoài ra, nhiều công ty đã đình chỉ việc cung cấp nhân sự và dịch vụ kỹ thuật cho các công ty Trung Quốc, hoặc rút người Mỹ làm việc tại Trung Quốc, hoặc đình chỉ “người Mỹ” ở Mỹ cung cấp dịch vụ cho khách hàng Trung Quốc. Các công ty bao gồm NAURA Technology Group có trụ sở tại Bắc Kinh, nhà sản xuất thiết bị Hà Lan ASML, Applied Materials, KLA Corp. và Lam Research Corp., v.v,
Hoa Kỳ đang dần thắt chặt các hạn chế về chip bán dẫn đối với Trung Quốc, và lần này các quy định mới thậm chí còn khắt khe hơn. Đối với chip bán dẫn logic được sử dụng cho các phép toán số học, định nghĩa “cao cấp” có độ rộng mạch từ 10 nanomet hoặc nhỏ hơn đã được mở rộng từ đến 14 nanomet đến 16 nanomet.
Một người trong ngành Nhật Bản nói với Nikkei Asia: “Tác động lên ngành sẽ rất lớn”, đồng thời lưu ý rằng các hạn chế hiện cũng được áp dụng đối với chip nhớ.
Mỹ đặt mục tiêu ngăn Trung Quốc sử dụng chip bán dẫn hiệu suất cao để phát triển tên lửa và các loại vũ khí khác bằng cách thắt chặt các quy định, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh công nghiệp nội địa của Mỹ.
Từ khóa sản xuất chip chip Trung Quốc Ngành chip Trung Quốc