Có thông tin cho rằng vào tối ngày 9/10, chính quyền Trung Quốc đã cho hồi hương hơn 600 người đào thoát Triều Tiên bị giam giữ ở tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh qua các cảng khác nhau. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời hôm 12/10 rằng không có cái gọi là “người đào thoát Bắc Triều Tiên” ở Trung Quốc. Cư dân mạng chỉ trích chính quyền Trung Quốc “ăn cắp khái niệm”, “làm thế này bảo sao thế giới văn minh không thể không có thái độ thù địch với mình”.

Bien gioi Trieu Tien va Trung Quoc
Cột mốc biên giới Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. (Nguồn: Prince Roy/ Wikimedia)

Trung Quốc trục xuất hơn 600 người đào thoát Triều Tiên

Theo báo cáo của Thông tấn xã Yonhap (Hàn Quốc) hôm 11/10, nhóm dân quyền Hàn Quốc “Liên minh Chính nghĩa Bắc Triều Tiên” cho biết, vào khoảng 8h tối ngày 9/10, hơn 600 người Triều Tiên đào tẩu từ các tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh của Trung Quốc đã bị trục xuất về Bắc Triều Tiên qua các cửa khẩu như Hồn Xuân, Đồ Môn, Nam Bình, Trường Bạch, Đan Đông. Nhóm nhân quyền cho biết, Trung Quốc đã sử dụng 2 xe buýt để trục xuất hồi hương hơn 90 người đào thoát Triều Tiên vào cuối tháng 8. Quá trình trục xuất hồi hương những người Triều Tiên bắt đầu kể từ đó, và một lượng lớn người đã được hồi hương sau Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu (Asian Games 19), quá trình đã hoàn tất và tổng số người bị trục xuất hồi hương về Triều Tiên là 2.600 người.

Đài Á Châu Tự Do (RFA) trích dẫn thông tin được tổ chức nhân quyền quốc tế “Theo dõi nhân quyền” (HRW) tiết lộ, nói rằng trong số hơn 500 người Triều Tiên được Trung Quốc trục xuất hồi hương là phụ nữ. Họ bị một đoàn xe đưa đi vào tối ngày 9/10 và hồi hương về Triều Tiên qua 5 cửa khẩu khác nhau giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Những người đã trốn khỏi Triều Tiên và bị hồi hương sẽ bị chính quyền Triều Tiên coi là phản quốc và có thể bị đưa đến các trại lao động hoặc phải đối mặt với nhiều hình thức tra tấn và tử hình.

HRW cũng xác nhận từ nhiều kênh khác nhau rằng chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trục xuất hồi hương 80 người Triều Tiên vào ngày 29/8 năm nay, và 40 người khác vào ngày 18/9. Vào tháng 7 năm ngoái, Chính phủ ĐCSTQ đã trục xuất hồi hương gần 50 người. HRW và nhiều tổ chức nhân quyền khác kêu gọi chính quyền ĐCSTQ chấm dứt “hoạt động cưỡng chế hồi hương” này.

Đáp lại điều này, có cư dân mạng Weibo cho biết: “Nó làm tôi nhớ đến ‘JKang Sae-byeok’ trong “Squid Game”, còn có người đào thoát Bắc Triều Tiên sắp mãn hạn được thả khỏi nhà tù Cát Lâm nhưng vẫn chọn vượt ngục để trốn thoát – Zhu Xianjian (Chu Hyon-kyon). Xin Chúa phù hộ cho những người đang đau khổ này, và nếu có kiếp sau, hãy đầu thai về phương nam (chỉ Hàn Quốc).” (Theo Wikipedia: Zhu Xianjian là một người đào thoát khỏi Triều Tiên, bị kết án 11 năm tù vì tội cướp tài sản và vượt biên trái phép qua biên giới Trung Quốc-Triều Tiên. Năm 2021, anh ta vượt ngục được 40 ngày nhưng bị cảnh sát Trung Quốc bắt lại.)

Bắc Kinh nói không có cái gọi là “người đào thoát Bắc Triều Tiên”

Theo Reuters đưa tin hôm 12/10, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ tuyên bố không có người đào thoát Triều Tiên ở Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng không có cái gọi là “người đào thoát Triều Tiên” chạy trốn khỏi chế độ Triều Tiên ở Trung Quốc, và Trung Quốc luôn xử lý những người Triều Tiên vào nước này bất hợp pháp vì lý do kinh tế theo đúng luật pháp. Ông Uông cho biết, Trung Quốc sẽ xử lý “thỏa đáng” các vấn đề liên quan theo nguyên tắc kết hợp luật pháp trong nước, luật pháp quốc tế và tinh thần nhân đạo.

Đáp lại nhận xét của ông Uông Văn Bân, một số cư dân mạng chỉ ra: 

“Đánh tráo khái niệm, không có ‘người đào thoát Bắc Triều Tiên’ có thể định nghĩa là ‘không có người tị nạn phi pháp’, sau đó trục xuất hồi hương về Triều Tiên, hãy thử tưởng tượng họ sẽ như thế nào sau khi về nước.” 

“Một thế hệ người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên có rất nhiều ở Đan Đông và Đồ Môn, nhiều người trong số họ đã có gia đình, 600 người có nghĩa là 600 gia đình!” 

“Tôi đã sống ở Trung Quốc nhiều năm và có họ hàng là người Trung Quốc.” 

“Đã từng chứng kiến ​​​​những người đào thoát Bắc Triều Tiên trong trại giam của Cộng phỉ, rất đáng thương!”

Một số cư dân mạng phẫn nộ nói: 

“Xuyên qua xương bả vai, dùng dây xâu lại rồi đuổi về! Sau đó…” 

“Đối mặt với việc hành quyết chó, bắn súng, v.v., Kim Jong-un chính là đồ tể!” 

“Cái chết đau khổ nhất đang chờ đợi họ.”

“ĐCSTQ vĩnh viễn luôn sát cánh cùng các thế lực tà ác! Bởi vì trong lòng nó sợ hãi!”

Một số cư dân mạng Weibo cho biết: 

“Đừng đuổi những người đào thoát Bắc Triều Tiên trở về đất nước của họ. Họ không làm điều gì xấu cả. Họ chỉ đang theo đuổi một cuộc sống hạnh phúc mà thôi.”

“Thật đúng là vùng đất trũng của văn minh nhân loại, tính ưu việt của một chế độ nào đó được thể hiện một cách sống động ở đất nước này.” 

“Xong rồi, về nước một cái là hoặc là vào tù hoặc bị bắn!”

“Làm thế này bảo sao thế giới văn minh không thể không có thái độ thù địch với mình?”

LHQ phỏng vấn 100 phụ nữ đào thoát Bắc Triều Tiên

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 28/7/2020, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra một báo cáo về nhân quyền sau khi thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với 100 phụ nữ Bắc Triều Tiên. Trong đó chỉ ra rằng các nhân viên an ninh quốc gia và cảnh sát Triều Tiên đã thực hiện hàng loạt các hành vi vi phạm nhân quyền kinh khủng đối với những phụ nữ bị giam giữ trong nước. Theo báo cáo, những người phụ nữ được phỏng vấn được cho là đã bị cưỡng bức trục xuất và bỏ tù vì cố gắng đào thoát khỏi Triều Tiên trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2019, nhưng cuối cùng họ vẫn không rời khỏi Triều Tiên được.

Báo cáo chỉ ra rằng sau khi được hồi hương về Triều Tiên, họ thường bị Bộ An ninh Quốc gia hoặc Bộ An ninh Nhân dân Triều Tiên bỏ tù mà không xét xử hoặc thủ tục tố tụng không tuân thủ các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế về thủ tục tố tụng hợp pháp và xét xử công bằng. 

Báo cáo cho biết, đặc biệt những người bị coi là “kẻ phản bội” vì cố gắng đến Hàn Quốc hoặc liên lạc với các giáo hội Thiên chúa giáo thường phải chịu sự trừng phạt có hệ thống và hàng loạt vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Một người được phỏng vấn cho biết: “Tôi đã bị một quan chức tiến hành điều tra sơ bộ đánh bằng gậy và đá. Bộ An ninh Nhà nước đối xử với chúng tôi đặc biệt tàn khốc. Một khi có người bị phát hiện đã đến giáo hội Hàn Quốc trong thời gian họ ở Trung Quốc, thì sẽ bị hạ lệnh xử tử.” Một người được phỏng vấn khác cho biết: “Vì không muốn bị đánh nên tôi không ngủ và tiếp tục làm việc. Đánh đập đau đớn đến mức tôi thậm chí muốn tự tử”. Còn có người cho biết, “Trong thời gian tôi bị giam, năm sáu người đã chết, hầu hết là do suy dinh dưỡng”.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet cho biết: “Thật đáng thương khi thấy những người phụ nữ này đã bỏ trốn khỏi đất nước để đáp ứng nhu cầu đời sống cơ bản của họ, nhưng lại bị giam giữ và trừng phạt. Những người phụ nữ này thường là nạn nhân của nạn khai thác và buôn bán người, và họ xứng đáng được chăm sóc và hỗ trợ thay vì bị giam cầm và bị xâm hại nghiêm trọng hơn về nhân quyền. Họ có quyền có được công lý, sự thật và bồi thường.”