Cao Nghĩa: Nhiều dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đã cạn kiệt tài chính
- Cao Nghĩa
- •
Bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, đặc biệt là 3 năm zero-COVID, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gặp khủng hoảng tài chính. Hàng loạt dấu hiệu gần đây cho thấy, bước sang năm 2023, tình hình tài chính của Trung Quốc không những không được cải thiện mà sẽ tiếp tục xấu đi.
Tổng thu ngân sách giảm
Quý đầu tiên của năm 2023 đã trôi qua. Trang web chính thức của Bộ Tài chính ĐCSTQ đã công bố dữ liệu từ tháng 1 – 2/2023. Trong số 13 mục doanh thu thuế chính của chính phủ, 9 mục đã giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, thuế đất đai, bất động sản, thuế nhập khẩu, thuế quan, thuế tem đối với các giao dịch chứng khoán giảm nghiêm trọng.
Bị ảnh hưởng bởi yếu tố này, tổng thu ngân sách công của Trung Quốc đã giảm 1,2%, doanh thu thuế giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không nhờ các loại tiền phạt, phí hành chính tăng mạnh, thì tình hình thu ngân sách quý I còn thê thảm hơn.
Nợ địa phương ngày càng chồng chất
Ngày 11/4, trang web của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Chính quyền tỉnh Quý Châu công bố một tài liệu cho biết, gần đây Sở Nghiên cứu Tài chính, Thuế và Tài chính thuộc trung tâm này đã đến các thành phố Quý An, Tôn Nghĩa, Tất Tiết, Lục Bàn Thủy thuộc tỉnh Quý Châu, để “nghiên cứu đặc biệt về cách giải quyết các khoản nợ của chính quyền địa phương Quý Châu.”
Sở này phát hiện ra vấn đề nợ đã trở thành một “vấn đề lớn và cấp bách” mà chính quyền địa phương phải đối mặt. Nhưng do “nguồn lực tài chính hạn chế”, việc đẩy nhanh công tác xóa nợ là “cực kỳ khó”, “chỉ dựa vào năng lực của chính mình thì không thể giải quyết một cách hiệu quả.”
Tài liệu công khai thừa nhận rằng chính quyền địa phương “không có khả năng giải quyết các khoản nợ”, và tuyên bố họ sẽ “yêu cầu chính quyền trung ương giúp đỡ.”
Một số người cho rằng điều này làm nổi bật cuộc khủng hoảng nợ cục bộ của ĐCSTQ, đặc biệt là các tỉnh lạc hậu về kinh tế đã không còn khả năng chống đỡ. Một số người còn suy đoán, có thể chính quyền Quý Châu đang công khai “nằm ngửa” và “ép buộc” chính quyền trung ương phải cứu trợ.
Theo báo cáo của truyền thông Đại Lục, vào cuối năm 2022, tỷ lệ nợ của tất cả các tỉnh đã tăng lên ở các mức độ khác nhau so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tỷ lệ nợ của Hắc Long Giang, Tân Cương, Thiên Tân và Quý Châu đã tăng lên đáng kể, vượt quá 400%.
So với cuối năm 2021, tỷ lệ nợ của ít nhất 10 tỉnh đã tăng hơn 100%. Quy mô nợ của tỉnh Quý Châu không phải là lớn nhất.
32 đơn vị sự nghiệp công lập đã chuyển đổi sang chế độ lao động hợp đồng
Theo báo cáo của truyền thông Đại Lục, các ngành giáo viên, y tá và nhân viên trước đây có tính cạnh tranh cao được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập (do chính phủ quản lý) sang công việc hợp đồng. 32 lĩnh vực khác đã được chuyển đổi thành lao động hợp đồng, như khách sạn, nhà khách, nông trường, trang trại chăn nuôi, dịch vụ tư vấn, thu gom và lưu trữ ngũ cốc, sách, nhà hát. Từ nhân viên biên chế đổi thành nhân viên hợp đồng, nhiều lợi ích như lương hưu và bảo hiểm y tế sẽ bị hủy bỏ.
Chính quyền địa phương tăng tốc điều chỉnh đồng hồ nước, điện và gas của người dân
Ngày 7/1/2023, nhiều gia đình ở Thượng Hải đã nhận được hóa đơn tiền điện vượt quá 2.000 tệ, hoặc thậm chí là 3.000 nhân dân tệ (290 – 436 USD).
Trong khi trong tháng 11/2022 lạnh giá, hóa đơn tiền điện của họ thường chỉ vài trăm nhân dân tệ (100 tệ tương đương 15USD). Một cư dân mạng phàn nàn: “Hôm nay, nhận được hóa đơn tiền điện khiến tôi bị sốc, hơn 2.600 tệ (khoảng 378 USD). Tôi sống một mình, hóa đơn tiền điện của tôi trong tháng 11 chỉ hơn 140 tệ (khoảng 20 USD), nhưng tháng 12 đã hơn 2.600 tệ…”
Chuyện này xảy ra cách đây 3 tháng, lúc đó người dân Thượng Hải cho rằng giá điện tăng, nhưng chính quyền địa phương đã đứng ra bác bỏ tin đồn, và nói rằng họ không hề tăng giá. Cư dân mạng chế giễu rằng giá điện chưa tăng có nghĩa là đồng hồ điện chạy quá nhanh.
Không ngờ 2 tháng sau, tin nội bộ lộ ra, tình hình thực sự vẫn như cũ. Trong các cuộc trò chuyện riêng, những người từ các bộ phận liên quan tiết lộ, chính quyền địa phương đã điều chỉnh đồng hồ đo nước, điện và gas trong lĩnh vực dân sinh của người dân, từ mức tăng tối thiểu 5% đến mức tăng tối đa 50%, với mục đích trợ cấp chi phí vận hành cho các chính phủ địa phương.
Đẩy mạnh “quy hoạch tổng thể” lương hưu
Tháng 2/2022, truyền thông nhà nước thông báo rằng tất cả các tỉnh đã đạt được “thu chi thống nhất” cho bảo hiểm hưu trí của tỉnh, và sẽ bắt “quy hoạch tổng thể quốc gia”.
Tháng 2 năm nay, tại Diễn đàn quản lý tài sản toàn cầu lần thứ 5, ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho biết, để việc quy hoạch tổng thể lương hưu quốc gia đạt được “mức thỏa đáng hơn”, cần “sự hỗ trợ và hợp tác của tài khoản lương hưu cá nhân.”
Vào thời điểm đó, một số cư dân mạng Trung Quốc lo lắng rằng đây là “ý tưởng muốn đánh vào lương hưu cá nhân.”
Trước đó, truyền thông nhà nước của Thượng Hải đưa tin, theo “sự sắp xếp của công tác xây dựng hệ thống thông tin quy hoạch tổng thể quốc gia về bảo hiểm hưu trí cơ bản cho nhân viên doanh nghiệp” của Bộ Nhân sự và An sinh xã hội của ĐCSTQ, hệ thống thông tin an sinh xã hội của Thượng Hải dự kiến chạy từ 17h ngày 20/3 – 24h ngày 10/4/2023, và chuyển sang hệ thống kế hoạch tổng thể quốc gia. Khi đó một số bộ phận nhân sự và xã hội sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ.
Vào lúc 0h ngày 11/4, hệ thống an sinh xã hội của Thượng Hải đã hoạt động trở lại. Cùng ngày, một cư dân mạng Thượng Hải được chứng nhận là “nhà kinh tế quản lý kinh doanh bậc trung” trên Weibo đã đăng một bài viết, nói rằng anh ấy đã thay mặt cha mẹ mình kiểm tra vào sáng hôm đó.
Lương hưu của cha mẹ anh mỗi tháng khoảng 6.000 tệ (872 USD), hiện tại sau khi sáp nhập, chỉ còn lại khoảng 3.000 tệ (436 USD).
Ngoại giới tin rằng chính sách zero-COVID kéo dài 3 năm của ĐCSTQ đã làm cạn kiệt bảo hiểm y tế, và chính quyền đã cắt giảm chi phí bảo hiểm y tế dưới chiêu bài “quy hoạch tổng thể”.
Các quỹ hưu trí của Trung Quốc cũng bị cáo buộc đã thâm hụt rất lớn. Hiện giờ ĐCSTQ thúc đẩy “quy hoạch tổng hợp quốc gia” lương hưu, có lẽ là vì không có tiền để lấp đầy các khoản thâm hụt.
Sự suy thoái của cuộc khủng hoảng tài chính chắc chắn sẽ khiến cuộc khủng hoảng quản trị trở nên trầm trọng hơn, đây là điềm báo chính cho sự sụp đổ của ĐCSTQ.
Từ khóa Dòng sự kiện kinh tế Trung quốc khủng hoảng tài chính