Ngày 31/5 vừa qua, Trung Quốc đã xác định việc thực hiện chính sách các cặp vợ chồng có thể sinh 3 con. Chính sách này có giúp nhà cầm quyền Trung Quốc sớm giải quyết được những nhu cầu mà họ đang theo đuổi?

shutterstock 1250093980
Việc thực hiện chính sách 3 con của Trung Quốc không phải biện pháp có thể giải quyết được nhu cầu cấp bách của nước này. (Ảnh minh họa: StreetVJ / Shutterstock).

Theo Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc đưa tin ngày 31/5, ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị đề xuất việc thực hiện chính sách và các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh 3 con nhằm cải thiện cơ cấu dân số của Trung Quốc, để thực hiện chiến lược quốc gia chủ động ứng phó với tình trạng già hóa dân số và duy trì nguồn nhân lực dồi dào cho Trung Quốc.

Nan giải bài toán áp ức cuộc sống của giới trẻ

Nhìn lại trước đó vào năm 2015 sau khi Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách cho phép sinh 2 con, ngoài việc tỷ lệ sinh tạm thời tăng đột biến vào năm 2016 thì số trẻ sơ sinh trong 4 năm tiếp theo đã liên tục suy giảm, số trẻ sơ sinh năm 2020 giảm gần 15% so với năm 2019. Lý do được nhiều người chỉ ra vì chi phí nuôi dạy con cái ngày càng cao và áp lực giá nhà đất cao…, những áp lực cuộc sống này đã trở thành khoảng cách không thể vượt qua để người Trung Quốc sẵn sàng sinh thêm con cái.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do hôm 31/5, giáo sư nghỉ hưu Cố Quốc Bình (Gu Guoping) ở Thượng Hải nói rằng hiện nay nhiều người lo ngại sinh thêm con sẽ không đủ khả năng chăm sóc vì chi phí quá nhiều, thu nhập không thể đáp ứng được. Ngoài ra ông cũng cho biết những năm 1950 và 1960 Trung Quốc không bất bình đẳng thu nhập lớn như hiện nay.

Về cách thức thực hiện chính sách một cặp vợ chồng nên sinh 3 con, giới chức Trung Quốc đề nghị phải thúc đẩy nhận thức của mọi người Trung Quốc về vấn đề kết hôn và sinh con cái, quan niệm về vấn đề gia đình trong cuộc sống… Điều này có nghĩa là chính phủ sẽ bắt đầu một đợt tuyên truyền dư luận mới nhằm thúc đẩy chính sách 3 con trong mỗi gia đình.

Sau khi Trung Quốc công bố thúc đẩy chính sách 3 con, cổ phiếu của nhiều công ty liên quan đã đồng loạt tăng giá. Thị trường chứng khoán Hồng Kông ngày 31/5 ghi nhận làn sóng tăng giá cổ phiếu của các công ty liên quan như: Goodbaby International tăng hơn 30%, Jinxin Fertility tăng hơn 15%, Beikang Medical tăng hơn 15%, Beinmate tăng 8,09%…

Mục tiêu trước mắt khó cải thiện vì già hóa dân số

Trước đó chuyên gia kinh tế trưởng Nhậm Trạch Bình (Ren Zeping) của Công ty chứng khoán Soochow Securities tại Trung Quốc đã phát hành một báo cáo nghiên cứu cho rằng theo dữ liệu điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 của Trung Quốc cho thấy 5 đặc trưng của dân số Trung Quốc: già hóa, giảm tỷ lệ sinh, không muốn kết hôn, vấn đề đô thị hóa, vấn đề kiên cố hóa giai tầng xã hội.

Theo Tiếng nói nước Pháp (RFI) đưa tin ngày 9/5, nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin luôn quan tâm đến chính sách dân số của Trung Quốc là ông Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian) chỉ ra rằng các chính sách của Trung Quốc, bao gồm cả chính sách đối ngoại, được hoạch định dựa trên dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc, cả vấn đề tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và sau đó các chính sách xã hội khác nhau cũng được lập kế hoạch dựa trên dân số đó. Nhưng thực tế dân số Trung Quốc không đến 1,4 tỷ người, thậm chí không đến 1,3 tỷ người. Điều này có nghĩa là các chính sách khác nhau của Trung Quốc về xã hội, kinh tế, giáo dục, quốc phòng và ngoại giao… đều dựa trên dữ liệu dân số không chính xác.

Ông nhấn mạnh dân số Trung Quốc không cao như vậy, nếu dân số già đi nhanh thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm và xu thế ngày càng giảm nhanh. Như vậy hệ quả kéo theo là Trung Quốc khó đạt được các mục tiêu tăng trưởng như dự kiến, chính phủ phải đối mặt khủng hoảng nợ công.

Chi phí lao động tăng mạnh là một trong những vấn đề mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Nguyên nhân cơ bản khiến chi phí nhân công tăng mạnh là do số người trong độ tuổi lao động giảm mạnh.

Nhìn chung, tình trạng cho thấy chính sách 3 con của Trung Quốc hiện nay không thể giải quyết được những vấn đề trước mắt, vì dù số trẻ sinh tăng lên thì cũng phải mất cả 20 năm nữa mới có thể trở thành lực lượng lao động.

Đồng thời, chiến lược “tuần hoàn nội bộ” do chính quyền ông Tập Cận Bình đề xuất chủ yếu dựa vào tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu bây giờ nhiều người trẻ do áp lực cuộc sống mà không muốn kết hôn và sinh con thì chính sách ba con chẳng có ích gì, ít nhất trước mắt không thể cải thiện được kinh tế Trung Quốc.

Chính Hâm, Vision Times

Xem thêm: