Bầu cử Hội đồng quận khóa 6 tại Hồng Kông được xem như đợt “trưng cầu dân ý” đối với chiến dịch biểu tình vì dân chủ đẫm máu nhiều tháng qua tại Hồng Kông. Kết quả kiểm phiếu hôm 25/11 đã cho thấy chiến thắng áp đảo cho phe dân chủ khi được 389 ghế trong Hội đồng quận, còn phe kiến chế thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ có 59 ghế. Có thể nói bối cảnh chính trị của Hồng Kông đã thay đổi mạnh mẽ chỉ sau một đêm.

1911242018192188
Mở thùng phiếu tại trạm bỏ phiếu ở  Trường tiểu học công Cửu Long trong bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông ngày 24/11/2019 (Hình: Epoch Times).

Bắc Kinh phản ứng cứng rắn

Về kết quả bầu cử Hồng Kông, Bộ trưởng Ngoại giao của ĐCSTQ Vương Nghị một lần nữa cho thấy bản sắc của Bộ trưởng “bộ phận chiến đấu” khi tuyên bố hùng hồn với truyền thông Nhật Bản trong chuyến công du nước này mới đây: “Bất kể tình hình ở Hồng Kông thay đổi như thế nào thì Hồng Kông vẫn là một phần của lãnh thổ Trung Quốc, là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc. Bất kỳ nỗ lực nào để làm loạn Hồng Kông và làm suy yếu sự ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông sẽ không thể thành công.”

Phát ngôn cay nghiệt của Vương Nghị hàm chứa tâm trạng hoang mang như không biết vì sao các nhà lập pháp thân ĐCSTQ đã thất bại. Nhưng dù thế nào, thực tế bầu cử đã chứng minh những trò bôi nhọ của Bắc Kinh đối với người Hồng Kông đã không thể rửa sạch.

>> Bầu cử Hồng Kông: Trò “tẩy não” của ĐCSTQ đã thảm bại

Truyền thông của ĐCSTQ tạo thanh thế trước bầu cử

Trước cuộc bầu cử, phe kiến chế đã có nhiều động thái tạo uy quyền, còn bộ máy truyền thông của ĐCSTQ thì không tiếc công sức tuyên truyền giúp phe kiến chế. Thúc giục và cảnh báo công dân Hồng Kông “ngăn chặn bạo loạn bằng lá phiếu”. Thời báo Hoàn Cầu đã nêu câu hỏi các cử tri Hồng Kông, “Bạn có muốn một Hồng Kông hòa bình và thịnh vượng hay một Hồng Kông ngang tàng hung bạo?”

Một bài xã luận trên Tân Hoa Xã đã chỉ ra rằng còn bạo loạn khủng bố ở Hồng Kông thì lấy đâu ra bầu cử công bằng? CCTV (Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc) cho biết: “Đây là cơ hội dùng phiếu bầu trừ bạo loạn, cứu vãn Hồng Kông”, kêu gọi đa số người đang im lặng phải đáp trả….

Qua những lời kêu gọi của truyền thông ĐCSTQ cho thấy dường như họ nghĩ họ đang rất được lòng dân, nhưng kết quả đã làm bẽ mặt họ. Sự thật đã chứng minh, Bắc Kinh không hiểu ba vấn đề thông thường liên quan đến chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ.

Thứ nhất: Không có dân chúng bạo loạn, chỉ có chính quyền bạo loạn

ĐCSTQ luôn gọi những người biểu tình ở Hồng Kông là “dân chúng bạo loạn”, bắt đầu từ đấu tranh của Hội đồng Lập pháp vào ngày 12/6. Đặc biệt là sau Hội nghị toàn thể lần 4 ĐCSTQ khóa 19, thái độ “ngăn chặn bạo lực và đàn áp hỗn loạn” của Bắc Kinh và Chính phủ Bắc Kinh đã bất ngờ leo thang.

Nhưng ngay từ ngày 12/6, những người biểu tình đã cho biết rõ rằng “không có người dân bạo loạn, chỉ có chính quyền bạo loạn”. Mặc dù Bắc Kinh luôn mượn bộ máy truyền thông bội nhọ người biểu tình, nhưng điều này không tác động đến dân ý của Hồng Kông.

Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền (CHRF) cho biết, người dân Hồng Kông đã sử dụng lá phiếu thiêng liêng để đạt được kết quả chưa từng có trong bầu cử Hội đồng quận. Trong nhiều tháng, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã không ngừng nhân danh dân ý vu oan những người phản đối ở tuyến đầu là côn đồ, nhưng thực tế như thế nào thì giờ đây rất rõ ràng.

Trong tình cảnh nền kinh tế và cuộc sống người dân Hồng Kông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 83% người dân Hồng Kông vẫn tin rằng trách nhiệm chính cho vòng luẩn quẩn “dùng bạo lực dẹp bạo lực” thuộc về Chính phủ Hồng Kông. 73% số người được hỏi tin rằng cảnh sát nên chịu trách nhiệm chính.

Khoảng 10 ngày trước, trong cuộc thăm dò do Viện Nghiên cứu Dân ý (PORI) của Hồng Kông thực hiện đã cho thấy 80% số người được hỏi đã đồng ý thành lập ban điều tra độc lập, còn 60% yêu cầu có chế tài đối với Cảnh sát trưởng Hồng Kông, muốn ông ta phải chịu trách nhiệm đối với việc giới cảnh sát lạm dụng bạo lực và vi phạm các quy tắc.

Trong hơn 160 ngày, người dân Hồng Kông đã phải trả giá thê thảm trong đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp và bảo vệ tự do. Đặc biệt việc cảnh sát Hồng Kông tấn công vào Đại học Trung văn có thể ví như sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Cho đến nay, trường Đại học Bách khoa (PolyU) vẫn bị cảnh sát bao vây.

Financial Times (Thời báo Tài chính) của Anh có nhận định, Chính phủ Hồng Kông và nhà cầm quyền Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm chính trong thảm họa tại Hồng Kông hiện nay.

Thứ hai: Không có vấn đề Hồng Kông độc lập

Một ngày trước bầu cử Hội đồng quận, giới truyền thông thân ĐCSTQ ở Hồng Kông đã cố tình hướng dẫn dư luận rằng mọi người đi bầu cử là muốn “Hồng Kông độc lập”, không để cho bầu cử Hội đồng quận biến thành “cuộc chiến Hồng Kông độc lập”. Tờ Hk01 (Hồng Kông 01) cho biết bất kỳ ứng viên nào chủ trương “Hồng Kông độc lập” đều không xứng đáng được công chúng ủng hộ.

Bài viết chỉ ra, ứng viên Eddie Chu của khu bầu cử Pat Heung South tại Yuen Long thừa nhận rõ ràng rằng sau khi ông từ bỏ lập trường “Hồng Kông độc lập” đã được bật đèn xanh cho ứng cử; còn Hoàng Chi Phong thuộc  khu vực bầu cử South Horizons West vì không rõ ràng quan điểm về “Hồng Kông độc lập” nên đã bị phán quyết ghi danh vô hiệu.

Nhưng bất chấp bộ máy truyền thông thân ĐCSTQ bỏ nhiều công sức tuyên truyền thảo luận, người dân Hồng Kông không lắng nghe. Bởi vì hồi tháng Tám bản thân Hoàng Chi Phong đã tuyên bố rằng “không chủ trương Hồng Kông độc lập”, chỉ theo đuổi “quyền tự quyết” đối với Hồng Kông. Hãy để người Hồng Kông tự do quyết định tình trạng kinh tế và chính trị của mình chứ không phải Bắc Kinh chỉ định các nhà lãnh đạo của Hồng Kông.

“Quyền tự quyết” mà Hoàng Chi Phong đề cập bao gồm bầu cử phổ thông đầu phiếu Trưởng Đặc khu và Hội đồng lập pháp, là quyền lực được Luật Cơ bản trao cho người Hồng Kông, không có gì là “Hồng Kông độc lập”.

Người dân Hồng Kông không lắng nghe tuyên bố của giới truyền thông thân ĐCSTQ, minh chứng rõ nhất là kết quả bầu cử.

Bau cu Hong Kong HKFP
Người Hồng Kông mở sâm panh mừng chiến thắng bầu cử cho phe dân chủ (Ảnh: HKFP)

Thứ ba: Ai can thiệp vào công việc nội bộ?

Mới đây, cả hai viện của Hội đồng quận Mỹ đã thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, hiện đã được đệ trình lên Nhà Trắng để xin chữ ký của Tổng thống.

Hôm 25/11 Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đã công bố bài viết bình luận về Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông rằng, việc dự luật không nhìn nhận phần tử tội phạm bạo lực (người biểu tình) gây ra ở Hồng Kông cho thấy Mỹ có ý đồ “can thiệp vào công việc nội bộ” của Trung Quốc.

Có vẻ như cứ khi nào cộng đồng quốc tế lên án sự tàn bạo của ĐCSTQ và đưa ra biện pháp chế tài để ngăn chặn thì ĐCSTQ lại phản hồi như vậy.

Nhưng vấn đề nội bộ không là khái niệm chỉ thuần túy giới hạn trong một khu vực, nếu hành vi của một quốc gia trong lãnh thổ của họ lại vi phạm luật pháp quốc tế và các công ước quốc tế và chà đạp lên các giá trị phổ quát, ví như đàn áp nhân quyền, diệt chủng… thì không còn là vấn đề nội bộ. Những tội ác này sẽ buộc cộng đồng quốc tế phải quan tâm và lên án, thậm chí cả áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Nhà bình luận thời sự Viên Bân (Yuan Bin) đã dẫn một ví dụ cho biết, trong gia đình người Mỹ, khi người chồng đánh người vợ thì đó là bạo lực gia đình bất hợp pháp, khi đó người chồng phải bị pháp luật xử phạt, còn hàng xóm có quyền đứng lên để ngăn chặn. Nếu kẻ đánh người cãi “tôi đánh là vợ của tôi, đây là chuyện gia đình của chúng tôi” thì hiển nhiên xã hội không thể thừa nhận.

Trong hơn 5 tháng người Hồng Kông biểu tình chống Dự luật Dẫn độ, giới cảnh sát Hồng Kông và công an Đại Lục dưới thao túng của ĐCSTQ đã dùng dùi cui, hơi cay, đạn cao su để điên cuồng tấn công người biểu tình làm nhiều người trọng thương và thiệt mạng, tội ác của ĐCSTQ tại Hồng Kông đã không còn là vấn đề nội bộ, cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa cần thiết phải lên tiếng và có biện pháp chế tài.

Nhưng trong vấn đề này cũng một lần nữa phải nhắc lại, Mỹ chỉ sửa đổi luật riêng của họ chứ không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa Mỹ cho biết, Mỹ ứng xử với Hồng Kông “là chuyện riêng của chúng tôi, là chính sách công của chúng tôi, vì về tài chính và thương mại thì chúng tôi đối xử với Hồng Kông khác với Trung Quốc, đây là pháp luật của Mỹ, chúng tôi có quyền sửa đổi luật của mình”. Ông trả lời hãng tin CNBC, “Trung Quốc (ĐCSTQ) nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ.

Đấu tranh vì dân chủ của người Hồng Kông được cả thế giới ngưỡng mộ

ĐCSTQ quy kết người dân Hồng Kông, đặc biệt là những người dũng cảm ở tuyến đầu đấu tranh là “côn đồ bạo loạn”, cáo buộc rằng người Hồng Kông muốn độc lập, tách khỏi Đại Lục, thậm chí dựa vào Anh và Mỹ. ĐCSTQ đã dùng mọi mọi thủ đoạn để bôi nhọ người biểu tình, tẩy não người Trung Quốc.

Tuy nhiên, phiếu bầu của thị dân Hồng Kông đã thể hiện rõ cho ĐCSTQ rằng thủ đoạn bôi nhọ này không chỉ người Hồng Kông không thể chấp nhận mà còn một lần nữa cho thế giới thấy bản chất lưu manh của ĐCSTQ. Trong các cuộc đấu tranh và bầu cử Hội động quận vừa qua, người Hồng Kông đã thể hiện phẩm chất cao quý, đã hoàn toàn chinh phục thế giới và cũng truyền cảm hứng cho người dân Trung Quốc Đại Lục.

Trên VOA (Mỹ), ông Diêu Lập Pháp (Yao Lifa), cựu Đại biểu Nhân đại tỉnh Hồ Bắc cho biết, cuộc đấu tranh của người Hồng Kông chủ yếu để giành quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu, mong sao thành công của bầu cử Hội đồng quận sẽ giúp mong muốn của người Hồng Kông sớm thành hiện thực. Hy vọng ngày mai sẽ tốt hơn, bầu cử ở Hồng Kông sẽ đóng một vai trò tích cực trong tiến trình dân chủ của Trung Quốc.

Học giả về chính trị dân chủ là Trần Vĩnh Miêu (Chen Yongmiao) cho rằng, tác dụng của con đường nghị trường cần lớn hơn đường phố, hai con đường kết hợp nhau là “một tiến bộ”, “đó là một tiến bộ từ phong trào đường phố để sau đó tiến đến con đường tại nghị trường.”

Ông nhận định, người Hồng Kông ngoài việc phản đối trên đường phố và sử dụng tiếng nói tại nghị trường để bảo vệ giá trị tự do và dân chủ, cũng nên xem xét vấn đề “quốc tế hóa” tình hình thiệt hại trong nguyên tắc người Hồng Kông cai trị Hồng Kông được quy định trong Tuyên bố chung Trung-Anh.

Có cư dân mạng Đại Lục đã chia sẻ rằng, người Hồng Kông dùng phương thức dân chủ biểu đạt yêu cầu chính trị, tỷ lệ bỏ phiếu đã đạt kỷ lục mới. Đây là “may mắn cho Hồng Kông, may mắn cho Trung Quốc. Mong cho tương lai của Hồng Kông trở lại tuyệt vời như xưa”.

Tuyết Mai

Xem thêm