Công ty Trung Quốc tuyển dụng 85 nhân viên đều là những kẻ lừa đảo
- Lý Mộc Tử
- •
Theo báo cáo, một quỹ đầu tư tư nhân của Trung Quốc Đại Lục đã thành lập một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của mình, và tuyển dụng 85 nhân viên đều là “những kẻ lừa đảo tiền lương chuyên nghiệp”. Hôm 12/4, cụm từ “85 nhân viên đều là những kẻ lừa đảo tiền lương chuyên nghiệp!” đã lọt vào danh sách tìm kiếm nóng tại nước này.
Theo tờ “Giang Nam Đô Thị Báo” đưa tin ngày 12/4, vào đầu năm 2023, cảnh sát Phố Đông Thượng Hải liên tiếp nhận được tin báo từ các công ty rằng họ bị những kẻ lừa đảo lừa tiền lương, khiến các công ty tổn thất, thậm chí dẫn đến đóng cửa. Một quỹ đầu tư tư nhân thành lập công ty con 100% vốn tự thân, tuyển dụng gấp 85 nhân viên kinh doanh để mở rộng khách hàng, kết quả gặp phải nhóm “lừa đảo tiền lương chuyên nghiệp”. Các “nhân viên kinh doanh” này mỗi lần chi hàng chục nhân dân tệ để tìm những người lớn tuổi ở Thượng Hải giả làm khách hàng giàu có, dùng các từ ngữ tài chính để giao tiếp nhằm lấy lòng tin, sau đó giả vờ mượn danh nghĩa đi thăm khách hàng để đến công ty khác để “kiêm chức” (làm nhiều việc tại nhiều công ty cùng lúc).
Một số “kẻ lừa đảo lương” làm việc bán thời gian cho 16 công ty cùng lúc trong một tháng và đã gia nhập 197 công ty trong 3 năm, với mức lương hàng tháng lên tới 200.000 nhân dân tệ. Thậm chí khi bản thân không làm kịp thì còn giới thiệu người khác tham gia vào, và mỗi người sẽ được hưởng hoa hồng từ 20% đến 40% cho mỗi công việc. Hiện tại, những kẻ lừa đảo tiền lương chuyên nghiệp này đã lần lượt bị truy tố, 178 người trong số họ đã bị kết án tù có thời hạn vì tội lừa đảo.
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” đưa tin, vào đầu năm 2023, cảnh sát Phố Đông Thượng Hải lần lượt nhận được báo cáo từ các công ty, cho rằng họ đã thuê phải những kẻ lừa đảo lừa tiền lương, khiến công ty thua lỗ, thậm chí khiến công ty phải đóng cửa. Sau khi bị cảnh sát điều tra, một nhóm tội phạm lừa đảo lương chuyên nghiệp đã xuất hiện, chuyên lừa đảo lương cơ bản, khiến hơn 100 công ty rơi vào “bẫy lừa đảo lương”. Trong 2 – 3 năm qua, những người này đã lừa đảo ít thì vài trăm nghìn nhân dân tệ tiền lương, nhiều nhất lên tới hơn 2 triệu tệ, số người trong nhóm lừa đảo này lên tới hơn 200 người.
Những người này hoặc đang đi xin việc ở công ty mới mỗi ngày, hoặc đang trên đường đến công ty mới để xin việc, họ không có thực sự tạo ra hiệu quả công việc ở bất kỳ công ty bán thời gian nào. Một người phụ nữ họ Quản mặc dù chỉ học hết cấp ba nhưng cô và chồng đã làm việc cho hơn 100 công ty ở Thượng Hải trong vài năm qua. Cô cho biết kỷ lục cao nhất của cô và chồng là mỗi tháng mỗi người đều làm việc bán thời gian tại hơn 10 công ty cùng lúc, và thu nhập cá nhân hàng tháng của họ là hơn 200.000 nhân dân tệ (~ 700 triệu VNĐ). Chồng cô, anh Từ, trong thời gian hơn 2 năm đã làm việc ở 197 công ty và nhận mức lương gần 2 triệu nhân dân tệ.
Lựa chọn đầu tiên của các băng nhóm lừa đảo tiền lương thường là những công ty có quy trình xác minh nhân sự lỏng lẻo, sau đó hầu hết những kẻ lừa đảo chỉ có bằng cấp 3 hoặc cao đẳng ngụy tạo giả mạo học vấn giả, thậm chí là giả bằng cấp du học về nước để thuận lợi vào làm việc cho công ty tài chính quy mô nhỏ, họ sẽ nói dối rằng họ có nguồn khách hàng có giá trị ròng cao, nhưng trên thực tế, những khách hàng có giá trị ròng cao mà họ đưa đến công ty đều là những người được thuê với giá vài chục nhân dân tệ. Công ty bị lừa gạt thừa nhận khi tuyển dụng, họ cũng nghĩ đến việc sẽ có một số ít người trà trộn vào thừa nước đục thả câu, nhưng không ngờ tất cả người họ tuyển dụng lại đều là lừa đảo.
Ngày 12/4, vụ việc nói trên từng lọt vào danh sách tìm kiếm nóng, nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi rằng các công ty này có lẽ không tuân thủ quy định, không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên.
Một số cư dân mạng Đại Lục đặt câu hỏi:
“Nhiều công ty không không mua bảo hiểm xã hội cho nhân viên thế này ư?”
“Làm sao một người như vậy lại trở thành ông chủ? Tiền của công ty là di sản được kế thừa phải không?”
“Không kiểm tra lý lịch?”
“Làm việc ở hàng chục công ty cùng lúc? Họ không cần phải quẹt thẻ khi đến làm việc à?”
“Đây phải chăng là không có bảo hiểm xã hội nên mới có nhiều người cùng làm việc nhiều công ty cùng lúc? Nếu mua bảo hiểm đầy đủ cho nhân viên, chẳng phải là sẽ sớm phát hiện ra có vấn đề sao?”
Một số cư dân mạng cho rằng công ty này là bất hợp pháp:
“Loại công ty này có một số vấn đề, nếu không sẽ không như vậy, ‘ruồi không tấn công một quả trứng còn nguyên vẹn’.”
“Thủ tục của các công ty này không chính thức và không hợp pháp, trong thời gian thử việc một tháng mà đều không đóng bảo hiểm xã hội. Kẻ lừa đảo lại bị kẻ lừa đảo lừa.”
“Từ khóa quan trọng – công ty tài chính quy mô nhỏ, dự đoán những công ty này cũng là lừa đảo tiền của người khác, không ngờ là họ lại bị nhân viên của mình lừa trước khi đi lừa người khác. “
“Công ty quỹ cũng là một kẻ lừa đảo, kẻ lừa đảo bị kẻ lửa đảo khác lừa đến phá sản.”
“10 công ty tài chính thì có 9 công ty lừa đảo, còn 1 công ty không lừa được sắp ngừng hoạt động.”
Có cư dân mạng chỉ ra, “Mô hình lừa đảo lẫn nhau, lương của người bình thường không thể duy trì cuộc sống được, nên mới dẫn đến mô hình này, cuối cùng chính là xã hội không có sinh khí, mọi người không có việc làm, không có tiền. Tiền đều ở trong tay những người kia, nhưng tiền không lưu thông, không lọt xuống được tầng thấp, tầng thấp thì lại không có khả năng tiêu dùng vì không có tiền”.
Lý Mộc Tử, Vision Times
Từ khóa kinh tế Trung quốc Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc việc nhẹ lương cao