Ngày 06/7 Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc chiến thương mại (nói cho đúng là cuộc chiến đánh trả thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc), theo đó Mỹ áp thêm thuế quan 25% đối với hàng hóa Trung Quốc với tổng trị giá 50 tỷ USD (Đô la Mỹ), trong đó “phát súng” đầu tiên với 34 tỷ USD; còn Trung Quốc cũng đáp trả bằng áp đặt mức thuế quan 25% đối với hàng hóa Mỹ với tổng trị giá 50 tỷ USD, và cũng “khai hỏa” trước với 34 tỷ USD.

Embed from Getty Images

Cán cân Thương mại Trung-Mỹ vốn dĩ không bình đẳng, không cân đối, đặc biệt là quá chênh lệch về thuế quan (Ảnh: Getty Images)

 

Nhưng chỉ bốn ngày sau đó, ngày 10/7 Mỹ đã ra thông báo một danh sách hàng Trung Quốc áp thuế bổ sung với giá trị 200 tỷ USD, sau khi kết thúc điều trần công khai vào cuối tháng Tám sẽ áp thuế quan 10% đối với nhóm hàng hóa này. Động thái khiến nhà cầm quyền Trung Quốc phải la lên “quá sốc”! Nghĩa là không ngờ Mỹ lại ra tay nhanh như thế; không ngờ trong khi vòng chiến đầu tiên của cuộc chiến thương mại chưa ứng phó xong thì vòng chiến thứ hai đã mở màn; không ngờ Trump nói là làm ngay. Như Trump đã cho biết, nếu phía Trung Quốc có hành động trả đũa ngay trong vòng đầu tiên của cuộc chiến thương mại thì Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế quan hàng hóa Trung Quốc với tổng giá trị 200 tỷ USD; nếu sau đó phía Trung Quốc lại trả đũa thì Mỹ sẽ lại tiếp tục đợt tăng thuế quan khác đối với hàng hóa Trung Quốc giá trị 300 tỷ USD.

Lúc này, chắc hẳn rất nhiều vấn đề mà ông Tập Cận Bình thấy bế tắc để có thể xử lý:

Tại sao trước đây thì có thể, nhưng bây giờ lại lâm vào cảnh khó khăn như vậy? Ví dụ, Trung Quốc duy trì mức thuế quan cao đối với hàng hóa của Mỹ, trong khi đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ thì được hưởng mức thuế thấp; Trung Quốc thiết lập tiêu chuẩn tiếp cận thị trường khắt khe đối với Mỹ, trong khi Trung Quốc lại được hưởng tiêu chuẩn thị trường cởi mở của Mỹ? Câu trả lời là, Mỹ không thể tiếp tục chịu đựng cán cân chênh lệch thương mại Mỹ – Trung ngày càng gia tăng như vậy.

Tại sao trước đây giới chức Trung Quốc dễ dàng đưa ra các quyết định, chẳng hạn như đàm phán, cải cách cơ cấu mua sắm thay thế, chiến thuật trì hoãn (cam kết mở cửa khu vực thị trường nào đó trong một năm nào đó), nhưng bây giờ lại rất khó khăn trong việc đưa quyết định hành động? Câu trả lời là,  Mỹ đã thay đổi Tổng thống, và Tổng thống hiện tại là ông Trump.

Tại sao thời ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào thì làm được, còn bây giờ trong thời đại ông Tập Cận Bình lại không thể làm được? Chẳng hạn như đánh cắp và vi phạm bản quyền, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, các cuộc tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu qua mạng. Đó là vì Mỹ đã thức tỉnh, bắt đầu ngăn chặn hành vi đánh cắp này. Mặc dù thức tỉnh muộn, nhưng không quá muộn để cứu vãn tình hình.

Tại sao ông Trump nói những điều tốt đẹp với Trung Quốc và ông Tập Cận Bình, nhưng vẫn phải khởi động cuộc chiến thương mại? Đó là vì Mỹ là một đất nước văn minh, không có những thứ biểu hiện ngược ngạo hay bạo lực ngôn từ như các nước cộng sản kiểu Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Ông Trump là một doanh nhân, khi giao thiệp có thể nói lời xã giao, nhưng trong kinh doanh thì không thể ngồi nhìn những lợi ích bị tổn hại (ông Trump liên tục tuyên bố có mối quan hệ cá nhân rất tốt với ông Tập Cận Bình, ngay trước thời điểm khởi động chiến tranh thương mại ông Trump còn cho biết: “mối quan hệ của tôi với Trung Quốc là rất tốt, tôi có mối quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình”.)

Tại sao các quốc gia khác, chẳng hạn như EU, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mexico, cũng có xung đột thương mại với Mỹ nhưng lại không muốn kết đồng minh với Trung Quốc để đối phó Mỹ? Đó là vì, mặc dù những nước này cũng có vấn đề thương mại với Mỹ, nhưng khi đối mặt với Trung Quốc thì họ cũng giống như Mỹ, là nạn nhân chịu thuế quan cao, tiếp cận thị trường không bình đẳng từ Trung Quốc và bị Trung Quốc  đánh cắp công nghệ. Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các nước này, so với mức thâm hụt thương mại Mỹ – Trung là không cùng cấp độ, có khoảng cách khá xa.

Tại sao quân bài Bắc Triều Tiên lại không còn linh nghiệm? Mặc dù Bắc Triều Tiên chưa thực sự từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng mối quan hệ Mỹ – Triều đã được hòa giải; thỉnh thoảng ông Kim Jong-un có thái độ cứng giọng đối với Mỹ là vì Bắc Triều Tiên cần viện trợ kinh tế của Trung Quốc, ông Kim Jong-un diễn kịch cho ông Tập Cận Bình xem, vì ông Kim Jong-un không thể thay đổi cảm giác hữu hảo đối với Mỹ và hướng đi quan trọng là hòa giải với Mỹ. Thời điểm này mà Tập Cận Bình còn dùng lá bài Bắc Triều Tiên thì càng lạm dụng sẽ khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Bởi vì, điều này sẽ làm cho Mỹ càng khó ưa hơn, và cuộc phản công thương mại sẽ càng mạnh mẽ hơn. Chính quyền Trump đã chỉ rõ: Thái độ thất thường của Bình Nhưỡng lặp đi lặp lại là do bị Bắc Kinh giở trò phía sau.

Tại sao Trung Quốc không nên trả đũa? Đó là vì thương mại Trung – Mỹ vốn dĩ không bình đẳng, không công bằng, đặc biệt là chênh lệch thuế quan. Ví dụ, từ số liệu của WTO cho thấy: về hàng hóa thông thường (phân biệt với hàng đặc thù và mặt hàng xa xỉ), Mỹ thu thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc là là 3,6%, nhưng Trung Quốc lại áp thuế quan 9% với hàng hóa Mỹ; về sản phẩm nông nghiệp, thuế quan của Mỹ đối với hàng nông sản Trung Quốc là 4,4%, nhưng Trung Quốc lại áp thuế quan các sản phẩm nông nghiệp Mỹ trung bình là 15,6%; về ô tô, Mỹ áp đặt mức thuế 2,5% đối với xe ô tô nhập khẩu, trong khi Trung Quốc áp đặt thuế quan 25% đối với ô tô nhập khẩu.  

Khi Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc tăng 25%, trong khi Trung Quốc trả đũa cũng áp đặt mức thuế quan 25% đối với hàng hóa Mỹ, như vậy xét theo ba loại hàng hoá kể trên thì tỷ lệ thuế quan Mỹ – Trung trở thành: hàng hóa thông thường là 28,6% đối với 34%; sản phẩm nông nghiệp là 29,4% đối với 40,6%; ô tô là 27,5% đối với 50%. Như vậy rõ ràng mức thuế quan của Trung Quốc đối với hàng hóa của Mỹ vẫn vượt trội mức thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.

Nói cách khác, hàm ý trả đũa của Trung Quốc rất rõ ràng: là để duy trì mức thuế siêu cao đối với hàng hóa Mỹ, là để duy trì thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Mỹ, là để chiếm lợi thế có được hàng hóa giá rẻ hơn hàng hóa Mỹ.

Như vậy thật dễ hiểu, ông Trump phải áp đặt mức thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ hoặc thậm chí 500 tỷ USD, cho đến khi phía Trung Quốc không còn có thể áp thêm thuế quan bổ sung được nữa đối với hàng hóa Mỹ mà phải chấp nhận bại trận. Vì lượng hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc có tổng giá trị hơn 130 tỷ USD, dưới sự trả đũa của Trung Quốc, dù Mỹ đã dùng đến 50 tỷ USD trong đó thì vẫn còn lại đến hơn 80 tỷ USD, như vậy thì làm thế nào Trung Quốc có thể tiếp tục ứng chiến được với Mỹ?

Đối với người dân Trung Quốc, hành động trả đũa thuế quan của Trung Quốc làm cho thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc bị tăng cao đột biến, hệ quả của điều này là chính người tiêu dùng Trung Quốc phải gánh chịu thông qua các hóa đơn mua hàng. Ngược lại, nếu Trung Quốc ngừng trả đũa thương mại, đáp ứng kêu gọi của Mỹ triệt tiêu hàng rào thuế quan và hạn chế về tiếp cận thị trường không công bằng, để thực hiện đối ứng thương mại công bằng, như vậy người tiêu dùng Trung Quốc sẽ trực tiếp được hưởng lợi, vì có thể mua được hàng tốt giá rẻ của nước ngoài sau khi thuế quan hàng nhập khẩu đã được hạ thấp.

(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm của cá nhân tác giả).

Blog Trần Phá Không

Xem thêm: