Cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ góc nhìn của các luật sư nhân quyền TQ
- Minh Nhật
- •
Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, nhiều luật sư nhân quyền hàng đầu của Trung Quốc đã dũng cảm bảo vệ những người tập Pháp Luân Công bất chấp chỉ thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những luật sư này đã bảo vệ những người tập tại tòa, đưa ra những lập luận chi tiết về sự vô tội của họ và rộng hơn, là nói về sự tuân thủ hiến pháp, đảm bảo quyền tự do tôn giáo. Đáp lại, họ phải đối mặt với nhiều hình thức quấy rối, theo dõi, thậm chí bị giam giữ hoặc tra tấn của chế độ Trung Quốc.
Sau đây là một số bình luận của các luật sư nhân quyền Trung Quốc về cuộc đàn áp Pháp Luân Công được các phương tiện truyền thông và các nhóm nhân quyền đưa tin.
Cao Trí Thịnh
Cao Trí Thịnh là một luật sư Trung Quốc nổi tiếng, từng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Vì bảo vệ nhân quyền cho người tập Pháp Luân Công, Cao Trí Thịnh đã bị tước quyền hành nghề luật sư và đã bị giam giữ và tra tấn nhiều lần. Ông đã bị bắt cóc vào năm 2017 khi đang bị quản thúc tại gia và không còn có tin tức gì kể từ đó.
Ông đã viết về cuộc đàn áp Pháp Luân Công trong một số bức thư ngỏ như sau:
“Trong lịch sử thế giới, chưa từng có một nhóm người nào lớn đến vậy lại phải chịu đựng một cuộc bức hại tàn bạo và kéo dài tới như thế trong thời bình chỉ bởi vì đức tin của họ. Thảm họa này đã lấy đi mạng sống của hàng ngàn người dân vô tội đáng quý và đã cướp đi tự do của hàng trăm ngàn người. Cuộc bức hại hoàn toàn vô nhân tính này đã gây đau đớn cho hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công cùng gia đình họ. Nó thật phi lý, dối trá, và vô đạo đức! Đó là một sự chà đạp người dân Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa, và đạo đức của toàn nhân loại!”
“Điều khiến tôi cảm thấy sốc nhất là việc chính quyền cho phép lạm dụng tình dục cả những công dân nữ và những công dân nam. Đó là điều mà tôi không thể tưởng tượng được. Việc hành hung bộ phận sinh dục của cả nam và nữ là thường xuyên và có hệ thống. Loại đối xử vô đạo đức và tục tĩu này đã khiến tôi ghê tởm. Hơn nữa những hành động đó lại được thực hiện bởi những kẻ mang trên mình huy hiệu quốc gia.”
Ngô Thiệu Bình
Ông Ngô Thiệu Bình từng làm việc cho Hiệp hội Luật sư Thượng Hải ở Trung Quốc và làm việc cho Đài Á Châu Tự Do sau khi nghỉ việc vào năm 2020. Hiện ông là một luật sư nhân quyền tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài NTDTV:
“Bất kể Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng lý do gì để bắt giữ người tập Pháp Luân Công, đó đều là hành vi bất hợp pháp. Nó không có cơ sở pháp lý nào, dù là ở Trung Quốc hay quốc tế.”
Giang Thiên Dũng
Giang Thiên Dũng là một luật sư nhân từng hoạt động tại Bắc Kinh. Ông là một nhân vật nổi bật trong phong trào “Vệ quyền”, và đã bảo vệ người Tây Tạng, người thỉnh nguyện, người tập Pháp Luân Công, nạn nhân HIV/AIDS và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông đã khiến chính quyền Trung Quốc tức giận. Đơn xin gia hạn giấy phép hành nghề luật sư của ông đã bị từ chối và ông đã bị giam giữ nhiều lần.
Trong báo cáo của Tổ chức Đoàn kết Kitô giáo trên toàn thế giới (CSW), ông Giang Thiên Dũng nói:
“Trong mắt cảnh sát, người tập Pháp Luân Công không phải là con người… Họ không được phép có bất kỳ cơ hội nào để bào chữa… Họ không có những quyền mà ngay cả nghi phạm giết người cũng có. Điều đó hoàn toàn không thể tưởng tượng được.”
Ông Giang Thiên Dũng cũng nhận xét với Đài Á Châu Tự do vào tháng 4 năm 2010:
“Các trường hợp Pháp Luân Công bị phán xét theo yêu cầu của Phòng 6-10. Đôi khi thẩm phán nói với chúng tôi rằng họ nhận được ‘yêu cầu’, nhưng chúng tôi không được phép nhìn những yêu cầu đó.
Thỉnh thoảng họ cho phép chúng tôi liếc qua, và, chúng tôi có thể thấy một danh sách các yêu cầu như thành viên gia đình không được phép tham dự phiên tòa, luật sư không được phép trình bày biện hộ đầy đủ; và, đặc biệt trong các trường hợp Pháp Luân Công, không được phép đề cập đến Hiến pháp, luật pháp và nhân quyền tại tòa án.”
Lưu Nguy
Lưu Nguy là một luật sư tại Bắc Kinh. Bà từng kêu gọi chính quyền Trung Quốc cải tổ để có một hệ thống pháp luật độc lập, cho phép tự do lập hội nhóm và xóa bỏ chế độ độc đảng. Giấy phép hành nghề luật sư cá nhân của bà đã chính thức bị thu hồi sau khi bà bảo vệ một người tập Pháp Luân Công tại Tứ Xuyên. Bà từng cùng 18 luật sư khác công bố thư ngỏ lên án việc cảnh sát tra tấn các luật sư nhân quyền như Cao Trí Thịnh.
Bà Lưu Nguy nói vào tháng 5 năm 2009:
“Những người tập Pháp Luân Công mà tôi gặp đều rất tốt, rất chân thành. Thông qua nghề luật sư của mình, chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy ngành tư pháp có sự công bằng về mặt thủ tục trong quá trình tố tụng khi giải quyết những trường hợp Pháp Luân Công, và bảo vệ họ một cách thỏa đáng trong phiên tòa. Ngày nay, Pháp Luân Công đang bị đàn áp, và tôi lên tiếng thay cho họ. Tôi lên tiếng thay cho Pháp Luân Công; và trên thực tế, tôi cũng đang lên tiếng cho tương lai của chính mình.”
Tạ Yên Ích
Tạ Yên Ích là một luật sư nhân quyền tại Bắc Kinh. Năm 2008, ông đã đệ đơn kiện Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc vì vi phạm quyền công dân khi lắp đặt thiết bị giám sát trên tất cả các máy tính được bán tại Trung Quốc. Ông cũng đại diện cho một số người tập Pháp Luân Công và thách thức sự lạm dụng quyền lực của chính quyền địa phương.
Theo báo cáo của Tổ chức Đoàn kết Kitô giáo trên toàn thế giới, ông Tạ Yên Ích đã nói về cuộc đàn áp Pháp Luân Công như sau:
“Điều kinh khủng nhất là, để có được một bản án oan, tòa án sẽ lạm dụng quyền lực của mình và tước đi quyền bào chữa cho bị cáo bằng cách báo cáo sai sự thật với cảnh sát… Đó là sự phá hủy cơ bản hệ thống tư pháp hình sự Trung Quốc và làm mất đi phẩm giá của luật pháp.”
Trương Khải
Trương Khải là một luật sư nhân quyền nổi tiếng với việc bảo vệ các nhà thờ ở Trung Quốc bị đàn áp và ép buộc gỡ bỏ Thánh giá. Ông cũng được biết đến với việc đại diện pháp luật hoặc vận động nhân quyền cho những người yếu thế. Tháng 5 năm 2009, khi cố gắng điều tra cái chết của một người tập Pháp Luân Công trong trại lao động, ông bị cảnh sát bắt giữ và bị tra tấn bằng cách treo lên trong lồng sắt.
Ông nói:
“Đây là hành vi côn đồ điển hình. Họ chỉ muốn đe dọa chúng tôi và buộc chúng tôi phải rút khỏi vụ án [về người tập Pháp Luân Công bị chết]. Họ rất sợ hãi; họ hẳn đang che giấu điều gì đó về vụ án này.”
Lý Tô Tân
Ông Lý Tô Tân từng hành nghề luật sư tại Lạc Dương, Hà Nam và sau đó là tại Bắc Kinh. Năm 2002, vì kiện chính quyền địa phương thu phí trái phép từ luật sư, ông đã bị tước giấy phép hành nghề. Ông tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, và từng hỗ trợ luật sư mù Trần Quang Thành cũng như luật sư Cao Trí Thịnh. Ông được cấp lại giấy phép luật sư vào năm 2011.
Tháng 5 năm 2009, ông nói với đài NTDTV về một phiên tòa đối với người tập Pháp Luân Công như sau:
“Đây là trường hợp liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. Thẩm phán dường như đã nhận được lệnh từ cấp trên rằng ông ta có thể hoàn toàn phớt lờ luật pháp và công khai vi phạm luật pháp trong quá trình thực thi pháp luật. Vì vậy, họ muốn tổ chức một phiên tòa nội bộ. Chúng ta cần bảo vệ quyền bào chữa của thân chủ và cũng nên nộp đơn khiếu nại thẩm phán theo luật pháp và quy định tương ứng.”
Lý Hòa Bình
Lý Hòa Bình là một luật sư nhân quyền tại Bắc Kinh. Ông là một nhân vật nổi bật trong phong trào “Vệ quyền”. Ông đã bảo vệ những người Kitô giáo, người tập Pháp Luân Công, các nhà bất đồng chính kiến và nạn nhân bị cưỡng chế trục xuất, cùng nhiều người khác. Ông đã tìm cách kháng cáo thay mặt cho các luật sư nổi tiếng khác của của phong trào “Vệ quyền” là Trần Quang Thành và Cao Trí Thịnh. Ông từng bị bắt cóc vào năm 2015 trong cuộc đàn áp luật sư nhân quyền 709 và được thả vào tháng 5 năm 2017.
Tháng 12 năm 2008, ông Lý Hòa Bình đã nói với tờ Epoch Times:
“Vì Hiến pháp Trung Quốc quy định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, nghĩa là bất cứ điều gì liên quan đến tín ngưỡng, chẳng hạn như truyền bá đức tin và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tôi không nghĩ là bất hợp pháp.
Tôi hy vọng nhiều người hơn nữa có thể chú ý đến nhóm Pháp Luân Công. Sự bất công mà họ phải đối mặt là ở quy mô lớn, và là một loại bất công và bất công rất tàn bạo và rất độc ác. Đối với người dân Trung Quốc và người dân thế giới, đây là một thách thức đối với lương tâm của nhân loại và là một thách thức đối với bản chất con người.”
Trình Hải
Trình Hải là một luật sư nhân quyền tại Bắc Kinh. Ông từng đại diện cho các nạn nhân bị phân biệt đối xử về hộ khẩu và người tập Pháp Luân Công, cùng nhiều người khác. Ông cũng là người lên tiếng ủng hộ việc bãi bỏ chế độ cải tạo lao động tại Trung Quốc, vốn là một hình thức lao động cưỡng bức mà trại cải tạo lợi dụng để thu lợi và ngược đãi tù nhân lương tâm.
Ông Trình Hải nói:
“Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng. Các nguyên tắc cốt lõi được thúc đẩy trong học thuyết của Pháp Luân Công là ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ không gây hại cho xã hội. Pháp Luân Công nên là một hình thức tín ngưỡng mới hợp pháp và các hoạt động của những người theo tập phải được bảo vệ bởi luật pháp.”
Vương Vĩnh Hàng
Ông Vương Vĩnh Hàng là một luật sư nhân quyền đã dũng cảm đứng ra bảo vệ người tập Pháp Luân Công kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp nhóm này vào năm 1999. Giống như Cao Trí Thịnh và nhiều luật sư khác, ông Vương đã bị chính quyền trừng phạt, bị giam giữ trái phép 7 năm và bị tra tấn.
Trong một bức thư, ông Vương Vĩnh Hàng viết:
“Vào cuối năm 2007, trong quá trình cung cấp trợ giúp pháp lý cho một người tập Pháp Luân Công, tôi bắt đầu đau đớn nhận ra rằng nhóm người đang đau khổ này đã bị tước mất quyền bảo vệ pháp lý cơ bản… Tôi đã suy ngẫm về con đường lập pháp và tư pháp mà Trung Quốc đã đi kể từ năm 1999 khi điều gọi là “trị vì đất nước bằng pháp luật” được đưa vào Hiến pháp.
Những sự việc xảy ra trong 9 năm này cho thấy những khó khăn về mặt pháp lý mà người tập Pháp Luân Công phải chịu đựng trong quá khứ, ít nhiều cũng sẽ xảy ra với các nhóm khác hiện nay… Có thể nói rằng việc người tập Pháp Luân Công bị từ chối sự bảo vệ về mặt pháp lý đã trở thành hiện thân thực sự của con đường lập pháp và tư pháp mà Trung Quốc đã đi kể từ năm 1999.
Hôm nay tôi… đặc biệt chỉ ra thực tế rằng người tập Pháp Luân Công đang bị kết án hình sự và trừng phạt, và tôi sẽ phân tích toàn diện về việc áp dụng sai Mục 1 của Bộ luật Hình sự Điều 300. Tôi nhấn mạnh rằng việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền được sống cơ bản của hàng chục ngàn người tập Pháp Luân Công và gia đình họ, mà còn liên quan đến sự tôn trọng và duy trì cơ bản nhất của luật pháp hiện hành bởi quyền lực tư pháp.”
Theo FalunInfo.net
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
- Luật sư Cao Trí Thịnh ghi chép về tra tấn tình dục tù nhân tại TQ
- Cao Trí Thịnh: Từ anh nông dân đến vị luật sư hàng đầu Trung Quốc
- Tâm sự của luật sư nhân quyền về một đề cử Nobel Hòa bình
- Chuyện về hai luật sư “chưa từng gặp mặt” chung tay vạch trần tội ác thu hoạch tạng
Mời xem video:
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công luật sư nhân quyền