Bài chia sẻ dưới đây là của luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada, David Matas, trình bày tại Santa Barbara, California vào ngày 30 tháng 6 năm 2007. David Matas là một luật sư nhân quyền quốc tế chuyên hỗ trợ các vấn đề tị nạn, di cư và quyền con người. Ông nhận được giải thưởng nhân quyền năm 2009 của tổ chức Xã hội Quốc tế vì Nhân quyền (International Society for Human Rights) và từng được đề cử giải Nobel Hòa bình vào năm 2010 vì những nghiên cứu về tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Bài diễn thuyết này được đọc khi Hội đồng Luật sư Biện hộ Hoa Kỳ quyết định trao tặng giải thường Luật sư Biện hộ Dũng cảm cho luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh của Trung Quốc.

Diễn thuyết: "Nếu Gandhi sống dưới chế độ độc tài"
Luật sư nhân quyền David Matas. (Ảnh: Minghui.org)

*

Tôi chưa bao giờ gặp Cao Trí Thịnh, chưa bao giờ nói chuyện với anh qua điện thoại, chưa bao giờ liên lạc với anh qua e-mail hay thư từ. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng anh là một anh hùng, một hình mẫu luật sư lý tưởng.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi với Cao Trí Thịnh như sau. Một tổ chức phi chính phủ, Liên minh Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (CIPFG), vào tháng 5 năm 2006, đã yêu cầu David Kilgour và tôi, với tư cách là các chuyên gia độc lập, điều tra và viết báo cáo về cáo buộc thu hoạch nội tạng người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các cáo buộc cho rằng người tập Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng và thi thể của họ bị hỏa táng, nội tạng của họ được sử dụng để cấy ghép cho khách hàng từ khắp nơi trên thế giới, những người đã trả số tiền lớn để có nội tạng. David Kilgour từng làm việc trong chính phủ Canada, cựu Quốc vụ khanh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Đương nhiên, để thực hiện cuộc điều tra này, chúng tôi muốn đến Trung Quốc. Vì là một luật sư hoạt động trong lĩnh vực nhập cư ở Canada nên tôi biết rằng đơn xin thị thực có nhiều khả năng thành công hơn khi đi kèm theo lời mời từ một người nào đó ở quốc gia muốn xin thị thực. Chúng tôi đã tìm kiếm lời mời từ Trung Quốc để thực hiện công việc này theo nhiều hướng. Người trả lời yêu cầu của chúng tôi là Cao Trí Thịnh.

David Kilgour và tôi đã yêu cầu một cuộc gặp với đại sứ quán Trung Quốc tại Canada để thảo luận về các điều kiện nhập cảnh. Yêu cầu gặp mặt của chúng tôi đã được chấp nhận. Nhưng người tới gặp David Kilgour chỉ quan tâm đến việc phủ nhận các cáo buộc chứ không quan tâm đến việc sắp xếp chuyến thăm của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi chưa bao giờ nộp đơn xin thị thực chính thức và chưa bao giờ gửi lời mời của Cao Trí Thịnh tới đại sứ quán Trung Quốc.

Không lâu sau đó, vào ngày 15 tháng 8, Cao Trí Thịnh bị bắt, bị tra tấn, bị truy tố tội kích động lật đổ, bị kết án vào ngày 12 tháng 12 và bị kết án 3 năm tù treo vào ngày 22 tháng 12 thử thách trong 5 năm. Mặc dù đó là án tù treo nhưng Cao Trí Thịnh vẫn bị quản thúc tại gia cho đến hiện tại. David Kilgour và tôi không thể không chú ý. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Cao Trí Thịnh đã trở thành một luật sư thành công với xuất phát điểm bất lợi nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Anh được sinh ra trong một cái hang. Cha mẹ anh không đủ khả năng cho con đi học và Cao phải học lỏm từ bên ngoài cửa sổ lớp học. Vậy mà năm 2001, Bộ Tư pháp Trung Quốc đã đánh giá Cao là một trong 10 luật sư hàng đầu của Trung Quốc. Anh đã đại diện pháp lý cho rất nhiều thân chủ gặp hoàn cảnh khó khăn, chẳng hạn như những người khai thác than đòi chủ bồi thường hay một người yêu cầu bồi thường nhà bị tịch thu để chuẩn bị cho Thế vận hội 2008.

Trong số các thân chủ của Cao đáng chú ý có Quách Phi Hùng, Trịnh Di Xuân và Mục sư Thái Trác Hoa. Quách Phi Hùng bị giam giữ vì tư vấn pháp lý cho dân làng thôn Thái Thạch, tỉnh Quảng Đông, cố gắng phơi bày việc một trưởng làng tham nhũng. Trịnh Di Xuân, một nhà báo và cựu giáo sư, đã bị kết án 7 năm tù vì viết bài trực tuyến. Mục sư Thái Trác Hoa bị bỏ tù 3 năm vì những hành vi như in và bán bản sao Kinh Thánh.

Cao Trí Thịnh vẫn an toàn khi đảm nhận những trường hợp pháp lý như vậy, miễn là anh tránh xa Pháp Luân Công. Chính việc anh lên tiếng về sự ngược đãi người tập Pháp Luân Công đã khiến anh gặp rắc rối.

Tuy nhiên, thực tế này lại đặt ra một câu hỏi khác. Tại sao Cao Trí Thịnh lại gặp rủi ro lớn hơn nhiều khi nhận các trường hợp của người tập Pháp Luân Công so với các thân chủ khác? Tại sao, đối với chính phủ Trung Quốc, việc ủng hộ Pháp Luân Công lại tệ hơn việc ủng hộ những người theo đạo Cơ đốc?

Tôi nghĩ có thể nhiều người trong các bạn không biết Pháp Luân Công là gì. Nhưng hiểu Pháp Luân Công là gì vẫn không trả lời được câu hỏi mà tôi đã nêu ra.

Pháp Luân Công là sự kết hợp hiện đại của 3 nét truyền thống cổ xưa của Trung Quốc: khí công, Đạo giáo và Phật giáo. Khí công là một tập hợp các bộ động tác, nổi tiếng nhất trong số đó ở phương Tây là Thái Cực Quyền. Giáo lý cốt lõi của Pháp Luân Công là tôn trọng các nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn. Pháp Luân Công không có chương trình nghị sự hay cương lĩnh chính trị. Môn này khuyên răn và thực hành bất bạo động, ngay cả trong việc tự vệ. Tại sao trên thế giới, hơn bất kỳ nhóm nào khác, chính phủ Trung Quốc lại truy lùng một nhóm người vô tội không làm gì khác ngoài tập các động tác và thiền định?

Giống như ở mọi hành vi ngược đãi khác, câu trả lời nằm ở thủ phạm chứ không phải ở nạn nhân. Lấy một ví dụ, chúng ta không học được gì về chủ nghĩa bài Do Thái khi nhìn vào người Do Thái; chúng ta chỉ có thể hiểu nó bằng cách nhìn vào những người chống Do Thái. Để hiểu được sự ngược đãi của Pháp Luân Công không cần phải có kiến thức về Pháp Luân Công; nhưng đòi hỏi sự hiểu biết về Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Pháp Luân Công xuất hiện vào năm 1992, vào thời điểm Bức màn sắt sụp đổ và Liên Xô tan rã. Người sáng lập là ông Lý Hồng Chí. Ông đã viết sách và thuyết giảng, tạo nên cảm hứng cho phong trào Pháp Luân Công hiện nay. Chính phủ Trung Quốc ước tính vào năm 1999 có 70 triệu tín đồ Pháp Luân Công. Vào thời điểm đó, Pháp Luân Công có nhiều người theo tập hơn số đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ước tính lúc đó khoảng 60 triệu người.

Không có hệ thống tín ngưỡng phi Cộng sản nào có thể thu hút được nhiều tín đồ như vậy ở Trung Quốc mà không tạo ra xung đột. Hệ tư tưởng cộng sản bắt đầu chỉ trích Pháp Luân Công, trước tiên là ở cấp thấp nhất của Đảng. Nhưng phản ứng dữ dội về hệ tư tưởng này cuối cùng đã lên tới đỉnh điểm. Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã lo lắng trước sự phát triển của Pháp Luân Công. Theo quan điểm của ông ta, uy quyền tối cao về mặt tư tưởng của Đảng Cộng sản đang gặp nguy hiểm. Ông ta đã thuyết phục Đảng cấm phong trào này vào tháng 7 năm 1999.

Ở một mức độ nào đó, việc đàn áp Pháp Luân Công của Cộng sản Trung Quốc dường như hoàn toàn là một sự điên rồ toàn trị, tự mình biên tạo ra kẻ thù. Đảng Cộng sản cần kẻ thù để biện minh cho việc họ tiếp tục nắm giữ quyền lực và Pháp Luân Công đã không may mắn khi ở vị thế sẵn có để trở thành “kẻ thù”.

Đối với một chế độ cộng sản, việc không có kẻ thù nào cả là tệ hơn nhiều so với việc có một kẻ thù nó ghét cay ghét đắng. Khi không có ai để ma quỷ hóa, những người cộng sản sẽ không thể biện minh cho việc bản thân nắm giữ quyền lực.

Đối với tham vọng toàn trị, tất nhiên là sẽ tồn tại cách suy nghĩ điên rồ này. Tuy nhiên, còn có một vấn đề khác, vấn đề cụ thể của Trung Quốc. Pháp Luân Công là sự phát triển thoát thai từ các truyền thống cổ xưa của Trung Quốc; là một phiên bản hiện đại. Nói theo thuật ngữ Hegel/Marx, đó là giai đoạn hiện tại của phép biện chứng lịch sử Trung Quốc. Đó là bộ mặt của Trung Quốc thực sự, cội rễ của Trung Quốc, Trung Quốc của nhân dân, và theo thuật ngữ Marx, Trung Quốc của giai cấp vô sản.

Không phải ngẫu nhiên mà Pháp Luân Công xuất hiện vào năm 1992, vào thời điểm thế giới đã hoàn toàn không còn tin vào Chủ nghĩa Cộng sản. Điều gì sẽ lấp đầy khoảng trống ý thức hệ mà sự sụp đổ toàn cầu của Chủ nghĩa Cộng sản để lại? Đối với Trung Quốc, câu trả lời là Pháp Luân Công.

Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Pháp Luân Công là một sự thụt lùi, một bước nhảy lùi khổng lồ, quay trở lại vị thế của Trung Quốc trước khi Đảng Cộng sản tiếp quản. Để Pháp Luân Công chiếm ưu thế có nghĩa là một Trung Quốc sẽ tiếp tục tồn tại như thể Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa từng tồn tại, ngoại trừ những vết sẹo mà Đảng để lại.

Vấn đề đối với những người Cộng sản không chỉ là việc Pháp Luân Công rất mang nét truyền thống; mà còn là việc chủ nghĩa Cộng sản là một thứ ngoại lai. Chủ nghĩa cộng sản là một hệ tư tưởng phương Tây du nhập vào Trung Quốc. Những người Cộng sản cho rằng một thứ dựa nền tảng truyền thống Trung Quốc trở nên quá phổ biến sẽ làm lung lay chủ nghĩa Cộng sản khỏi gốc rễ mà nó bám vào.

Khoan dung với Pháp Luân Công, ít nhất trong ngắn hạn, không có nghĩa là chế độ hiện tại sẽ sụp đổ. Nhưng việc khoan dung đó rồi sẽ làm ý thức hệ của Đảng Cộng sản trong trái tim và tâm trí người dân Trung Quốc biến mất. Một khi không còn ai tin vào Chủ nghĩa Cộng sản, ngay cả trong Đảng Cộng sản, Đảng Cộng sản sẽ không còn có thể nắm giữ quyền lực nữa. Và có vẻ như đó là nguyên nhân dẫn đến sự đàn áp tàn ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một cuộc đàn áp không giới hạn, một cuộc đàn áp tồi tệ hơn nhiều so với điều bất kỳ nhóm nạn nhân nào khác từng trải qua.

Người ta có thể thấy nỗi sợ hãi về mặt ý thức hệ này từ lời lẽ công kích mà Đảng sử dụng để chống lại Pháp Luân Công. Toàn bộ cơn giận dữ từng nhắm vào các nhà tư bản, giai cấp tư sản, những kẻ bóc lột, giờ đây chuyển sang Pháp Luân Công. Pháp Luân Công bị chụp mũ là tà giáo, người tập bị chụp mũ là bị ông Lý Hồng Chí tẩy não để giết hại chính họ và những người khác.

Với việc phỉ báng cực độ như vậy, dễ hiểu là các nạn nhân cũng sẽ phải đối diện với điều khủng khiếp, hơn nhiều so với bất kỳ nhóm nào khác. Đầu tiên là kích động hận thù. Sau đó là bị phi nhân cách hóa, bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị đối xử vô nhân đạo. Cuối cùng là tra tấn và giết chóc.

Báo cáo đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tra tấn tháng 3 năm 2006 chỉ ra rằng 66% nạn nhân được cho rằng bị tra tấn và ngược đãi ở Trung Quốc là người tập Pháp Luân Công. Tiếp theo là người Duy Ngô Nhĩ với tỷ lệ 11%. Tỷ lệ những nhóm người khác đều là một chữ số. Tính đến ngày 22 tháng 12 năm 2006, David Kilgour và tôi đã xác định được hơn 3.000 người tập Pháp Luân Công đã chết do bị bức hại.

Cao Trí Thịnh đã lao vào chính vòng xoáy này. Anh viết ba bức thư ngỏ phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Những bức thư này được viết vào tháng 12 năm 2004, tháng 10 năm 2005 và tháng 12 năm 2005.

Sau lá thư thứ 2, Văn phòng Tư pháp thành phố Bắc Kinh đã đình chỉ hoạt động văn phòng luật của Cao trong 1 năm. Vào tháng 12, giấy phép hành nghề của anh bị thu hồi.

Phản ứng của Cao Trí Thịnh đối với hành vi này là công khai thoái khỏi Đảng Cộng sản và viết lá thư thứ 3. Sau lá thư thứ 3, anh nhận được cuộc gọi từ cảnh sát. Cảnh sát nói với anh rằng anh đã vượt quá giới hạn và tự đặt mình vào tình thế khó khăn. Cảnh sát cho biết anh, vợ và các con anh đều đang bị điều tra. Bắt đầu từ tháng 12, anh và gia đình bị công an theo dõi liên tục.

Cảnh sát bắt Cao Trí Thịnh vào tháng 1 năm 2006 vì tội quay phim cảnh sát sau khi anh nhận thấy họ quay phim mình. Lần này cảnh sát dọa giết anh. Vài ngày sau, cũng trong tháng 1, một chiếc ô tô che biển số, theo sau là một chiếc xe quân sự cũng che biển số đã cố ý tông vào anh nhưng không thành.

Cao Trí Thịnh đáp lại bằng cách tổ chức tuyệt thực tiếp sức. Các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền lần lượt nhịn ăn 1 hoặc 2 ngày để phản đối sự đàn áp của chế độ. Phản ứng lại, chế độ đã bắt giữ nhân viên văn phòng của Cao Trí Thịnh. Cao vẫn giữ văn phòng của mình mở cửa bất chấp việc bị tước quyền tư vấn luật; nhưng từ giữa tháng 2 anh phải tiếp tục công việc mà không có nhân viên.

Sau khi có những báo cáo đầu tiên về việc thu hoạch nội tạng người tập Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 2006 – những báo cáo đã thúc đẩy cuộc điều tra của chúng tôi, Cao Trí Thịnh vẫn tiếp tục lên tiếng. Anh đã viết và lên án hành vi này. Anh bày tỏ sẵn lòng tham gia Liên minh Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (CIPFG), tổ chức đã ủy quyền cho chúng tôi thực hiện cuộc điều tra.

Sau đó Cao Trí Thịnh mời David Kilgour và tôi tới Trung Quốc để tiếp tục điều tra. Bản thân điều này đã là một hành động dũng cảm. Nhưng cách anh mời còn can đảm hơn.

Tôi bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách nói rằng tôi chưa bao giờ liên lạc trực tiếp với Cao, nhưng Cao đã mời chúng tôi đến Trung Quốc, hai tuyên bố có vẻ trái ngược nhau. Nhưng cả hai đều đúng.

Trong thư mời, Cao Trí Thịnh viết:

“Vì tất cả điện thoại có dây và mạng của tôi đã bị cắt, tôi chỉ có thể liên lạc thông qua điện thoại di động tới các phóng viên và giới truyền thông.”

Và đó là cách chúng tôi nhận được thư mời của Cao – thông qua các phương tiện truyền thông. Cao đã gọi điện gửi lời mời chúng tôi tới thông qua một phóng viên. Phóng viên lại gọi điện cho một trong những thông dịch viên của chúng tôi để chuyển lời mời. Sau đó, phóng viên đã gửi lời mời đến tờ báo của cô, Epoch Times, và tờ báo này đã đăng nó trong số ra ngày 11 tháng 6 năm 2006.

Tôi phải thú nhận rằng tôi cảm thấy không yên tâm về những gì Cao Trí Thịnh đã làm, rằng anh ấy đang tự đặt mình vào nguy hiểm khi mời chúng tôi theo cách này. Anh đã đoán trước và trả lời mối quan tâm này trong bức thư của mình. Anh viết:

“Các ông có thể lo lắng rằng sự ủng hộ và lời mời của tôi dành cho các ông có thể gây nguy hiểm cho tôi. Nhưng mối nguy hiểm mà tôi đang gặp phải không phải do tôi ủng hộ và mời gọi các ông, mà là vì chúng ta đang phải đối mặt với một hệ thống độc tài tà ác. Vì vậy, mối nguy hiểm vốn đã tồn tại. Nguồn gốc của mối nguy hiểm nằm ở hệ thống tà ác vô nhân đạo này chứ không phải ở việc chúng ta chọn làm điều gì.”

Báo cáo của chúng tôi, được công bố lần đầu vào ngày 6 tháng 7 năm 2006, đã đi đến kết luận rằng các cáo buộc là đúng, rằng có nạn thu hoạch nội tạng trên quy mô rộng từ người tập Pháp Luân Công, giết chết họ trong quá trình này. Chúng tôi đã làm những gì có thể để bảo vệ Cao Trí Thịnh trong phiên bản đầu tiên của báo cáo, bằng cách không đề cập đến anh ấy, không đề cập tới lời mời cũng như những bức thư ngỏ phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công của anh. Tuy nhiên, chúng tôi mang ơn anh không chỉ vì tấm gương mà còn vì sự phân tích và hiểu biết sâu sắc của anh.

Khi Cao Trí Thịnh gần như ngay lập tức bị bắt, bị tra tấn, kết án và tuyên án, chúng tôi rất kinh hoàng. Tuy nhiên, với những gì chúng tôi đã biết về Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng tôi không hề ngạc nhiên.

Điều đáng ngạc nhiên về Cao Trí Thịnh không phải là việc anh đã đứng lên đấu tranh cho công lý và pháp quyền, dù điều đó là đáng ngưỡng mộ, cũng không phải việc anh bị bức hại, dù điều đó là xấu xa. Điều đáng ngạc nhiên là anh đã đứng vững khi sự đàn áp ngày càng tích lũy, ngày càng gia tăng. Anh biết rõ rằng điều mình đang làm sẽ mang tới tai họa; nhưng dù vậy anh vẫn làm.

Đó là thời điểm David Kilgour và tôi quyết định đề cử Cao Trí Thịnh cho giải Nobel Hòa bình. Chúng tôi đã gửi thư đề cử tới Viện Nobel Na Uy vào cuối tháng 1 năm 2007.

Cá nhân tôi vui mừng vì giải thưởng [Luật sư Biện hộ Dũng cảm của Hội đồng Luật sư Biện hộ Hoa Kỳ] hôm nay [ngày 30 tháng 6 năm 2007] được trao cho Cao Trí Thịnh, về mặt nào đó, nó còn là một vinh dự lớn hơn cả Giải Nobel Hòa bình. Tôi biết rằng Cao Trí Thịnh là người thứ 3 nhận được giải thưởng này trong vòng 50 năm và là cá nhân duy nhất nhận được giải thưởng này. Hơn nữa, anh phù hợp với mô tả về một luật sư biện hộ dũng cảm.

Chúng ta đều hy vọng rằng không bao giờ rơi vào hoàn cảnh như Cao Trí Thịnh. Nhưng chúng ta cũng phải hy vọng rằng nếu rơi vào hoàn cảnh như vậy, chúng ta sẽ có thể hành động như anh đã làm.

Cao Trí Thịnh, chúng tôi xin gửi lời chào anh.

Tác giả: David Matas
Minh Nhật biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: