Cựu giáo sư ĐCSTQ nói về “hội chứng Stockholm” của người TQ hiện nay
- Thiên Bình
- •
Cựu giáo sư trường đảng Trung ương ĐCSTQ, bà Thái Hà – trước đó đã bị khai trừ đảng tịch, hủy bỏ đãi ngộ hưu trí và đóng băng tài khoản ngân hàng trong nước vì lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ là “thây ma chính trị” và “hành vi cực kỳ ngu ngốc” của ông Tập. Mới đây, trong lần đầu tiên nhận lời phỏng vấn trực tuyến, bà Hà đã chỉ ra, Trung Quốc phải từ bỏ tư duy văn hóa đảng trước khi có thể hướng tới phát triển hiện đại hóa mạnh mẽ. Nhưng bà Hà cũng nói, người dân Trung Quốc đã bị ĐCSTQ cai trị trong một thời gian dài, sinh ra một loại tâm lý “hội chứng Stockholm” phổ biến khiến xã hội không còn đủ tinh thần để tìm kiếm những thay đổi cơ bản.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do (RFA), bà Thái Hà nói rằng chế độ ở Trung Quốc Đại Lục hiện tại có thể thực hiện giám sát dân chúng cả ba chiều suốt 24 giờ một ngày trong bất kể điều kiện thời tiết nào. Sau thời kỳ độc tài những năm 1980, phe đối lập từ lâu đã buông lỏng; nền kinh tế thị trường đã tạo cho các cán bộ đảng viên rất nhiều chỗ hở để có cơ hội tham nhũng, khiến mọi người “đều không trong sạch”.
Bà nhấn mạnh, để phá vỡ thế bế tắc hiện tại và tạo một khởi đầu mới cho Trung Quốc, không thể nào mong đợi ở cải cách nội bộ đảng. Chỉ có cách duy nhất là phải vứt bỏ chế độ hiện nay, giải phóng 90 triệu đảng viên và không còn cho phép mức độ tập trung quyền lực cao nữa. “Không dựa theo phương thức phân quyền của chế độ dân chủ, thì không cách nào để giải quyết nó (siêu độc tài) ”,“ các hành động mang tính kỹ thuật và cục bộ là vô ích”.
Bà Thái Hà thẳng thắn chỉ ra, chỉ có thay đổi sang chế độ mới thì mới có thể đảm bảo cuộc sống an cư lạc nghiệp cho người dân. Tuy nhiên, người Trung Quốc nhìn chung đã có tâm lý phức tạp của hội chứng Stockholm, vừa rất sùng bái quyền lực, đồng thời lại cảm ơn chính người đã ngược đãi mình. “Vì vậy, giới tinh hoa xã hội càng phải có nghĩa vụ hơn và trách nhiệm thực hiện điều này (thúc đẩy sự thay đổi)”.
Hội chứng Stockholm là một hiện tượng tâm lý phức tạp, trong đó nạn nhân lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm với quan điểm và ý tưởng nhất định của kẻ hại mình, và thậm chí giúp đỡ chúng. Những cảm xúc này được coi là phi lý trí.
Bà Thái Hà tin rằng, nội bộ bên trong thể chế, không ít người có tư tưởng tương tự với bà, “Tôi không muốn cứu một đảng phái, tôi muốn đất nước và dân tộc thoát khỏi bế tắc này và tiến lên phía trước.” Tuy nhiên, bà biết rằng để phát triển xã hội đòi hỏi một quá trình, không phải một khi thu nhập cá nhân đạt đến tầng lớp trung lưu thì đương nhiên phẩm chất tư tưởng và chính trị đạt được yêu cầu của xã hội chủ lưu.
Bà cho rằng hệ thống ĐCSTQ hiện tại không phải là không có cơ hội thay đổi, “Trung Quốc từ trong đến ngoài nước hiện nay là một hoàn cảnh phức tạp và có nhiều thay đổi, và tương lai sẽ có rất nhiều cơ hội”. Cũng sẽ có rất nhiều sự kiện có thể bất ngờ đồng thời “làm bùng nổ cục diện”.
Thông tin công khai cho thấy, bà Thái Hà là Hồng Nhị Đại chính thống (con cháu của các nhân vật trong đảng và chính phủ) của ĐCSTQ, ông nội bà là một nguyên lão trong đảng. Bà Thái Hà sinh ra ở Thường Châu, Giang Tô, là giáo sư Khoa Nghiên cứu và Giáo dục Xây dựng Đảng của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ. Bà nghỉ hưu vào năm 2012. Vào tháng 6/2020, một đoạn băng ghi âm bà Thái Hà chỉ trích Tập Cận Bình đã được lan truyền trong cộng đồng, vì thân phận là một học giả thuộc thế hệ Hồng Nhị Đại và là cốt cán của hệ thống, video đã lập tức thu hút sự chú ý của xã hội. Ngày 17/8/2020, Trường Đảng Trung ương khai trừ bà ra khỏi đảng và hủy đãi ngộ hưu trí. Hiện bà đang sống ở Hoa Kỳ.
Thiên Bình
Xem thêm:
Từ khóa bà Thái Hà hội chứng Stockholm ĐCSTQ Dòng sự kiện