“Thế hệ Đỏ thứ hai” tại TQ và ý thức trả lại quyền lực cho nhân dân
- Y Bình
- •
Trong quan trường Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có nhận định cho rằng trong giới “thế hệ Đỏ thứ hai” (đời con cái của những công thần xây dựng ĐCSTQ từ thời kỳ đầu) lâu nay đã có những người vẫn mang sẵn tâm thái trả lại quyền lực cho nhân dân. Mới đây bà Thái Hà (Cai Xia), một cựu giáo sư (đã nghỉ hưu) của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, là người thuộc “thế hệ Đỏ thứ hai” đã tiết lộ rằng nhiều người thuộc thế hệ bà cảm thấy hổ thẹn với nhân dân, bất đồng với thể chế ĐCSTQ. Bà đặc biệt kể lại câu chuyện buổi thảo luận đầy bất ngờ tại một bữa tiệc buổi tối của nhiều người cùng trong thế hệ bà.
Câu chuyện buổi thảo luận của “thế hệ Đỏ thứ hai”
Hôm 12/9 khi Tiếng nói nước Mỹ (VOA) phỏng vấn bà Thái Hà (Cai Xia) đã được bà kể lại câu chuyện của những người thuộc “thế hệ Đỏ thứ hai” thảo luận với nhau trong một bữa ăn tối cách đây vài năm:
Có người nói rằng chúng ta nên nhìn lại về sự kiện ngày 4/6/1989: Sau thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn này thì đất nước đã đi sai hướng. Tuy nhiên có người lại cho rằng chỉ tính thực trạng từ năm 1989 là không đầy đủ, cần phải tính từ sau năm 1978 liệu con đường cải cách và mở cửa có thực sự giải quyết được những vấn đề của thời đại Mao Trạch Đông hay không.
Nhưng lại có người cho rằng phải suy ngẫm từ “thập niên thảm họa” Cách mạng Văn hóa khởi đầu từ năm 1966. Lập tức có người bắt bẻ nên xem lại từ năm 1956 tại Đại hội lần 8 ĐCSTQ nhấn mạnh dân chủ trong Đảng và chống sùng bái cá nhân. Trong hội trường thảo luận không có tượng Mao Trạch Đông, không cờ đỏ và huy hiệu của Đảng.
Thậm chí còn có người đề cập rằng chúng ta nên nhìn nhận lại về vấn đề thể chế do ĐCSTQ xây dựng từ năm 1949 có thực sự đúng đắn không.
Cuối cùng một người phát biểu: Việc nhìn nhận lại phải bắt đầu từ năm 1920: sự ra đời của ĐCSTQ và con đường mà Trung Quốc đã đi qua trong một thế kỷ qua, xem xét trong thời gian đó có logic lịch sử và mối liên hệ lịch sử nào đáng phải lật lại.
Bà Thái Hà cảm thấy ngạc nhiên về những nội dung mọi người chia sẻ. Bà nói: “Thực tế cho thấy chiều sâu tư duy của những người trong ‘thế hệ Đỏ thứ hai’ vượt xa tưởng tượng của người ngoài”. Bà cho rằng “thế hệ Đỏ thứ hai” có “tội tổ tông”, vì ĐCSTQ đã hứa với nhân dân rằng “nhân dân là chủ đất nước”, hứa rằng tương lai Trung Quốc sẽ tiến tới “dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Nhưng thực tế sau khi lên nắm quyền lại thiết lập chế độ đẳng cấp đặc quyền đặc lợi: cha mẹ của ai có đẳng cấp xã hội cao thế nào thì đặc quyền mà con cái được hưởng sẽ tương ứng theo đó.
Cựu giáo sư trường Đảng này cho rằng tư tưởng như vậy cả ở trong giới con cháu của “thế hệ Đỏ thứ hai” cũng đặc biệt phổ biến. Những “thái tử Đảng” là con của “thế hệ Đỏ thứ hai” ở tầng cấp cao nhất có nhiều người tư duy có chiều sâu, chẳng hạn như Mã Hiểu Lực (Ma Xiaoli) là con gái của Mã Văn Thụy (Ma Wenrui) cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Trung Quốc, hay như La Dụ Bình (Luo Yuping) là con gái của cựu Tổng tham mưu trưởng La Thụy Khanh (Luo Ruiqing)…
Bà kể rằng sau năm 2013, nhiều người là con cái của “thế hệ Đỏ thứ hai” đã trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa, cũng đã cảm thấy những vấn đề về tình hình thể chế ĐCSTQ, bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề thể chế Trung Quốc được dựng lên năm 1949 là đúng hay sai? Vì ban đầu ĐCSTQ chỉ nói về đất nước của nhân dân, không đề cập rằng đó là chính quyền đã giành được, không thể đề cập chiếm được chính quyền. Nếu từ 1949 đến đầu thập niên 1950, người dân thừa nhận chính đảng này là đảng cầm quyền, thì đến nay đã qua 70 năm mà tính hợp pháp của lịch sử đã không còn tồn tại. Bây giờ phải được bầu chọn thông qua bầu cử dân chủ. Thời điểm này ĐCSTQ đặc biệt sợ thế giới bên ngoài chia rẽ Đảng với nhân dân. Vì khi tách biệt như vậy thì hiển nhiên tính hợp pháp của ĐCSTQ không còn, lớp vỏ ngụy trang bị lột bỏ.
“Thế hệ Đỏ thứ hai” đại thể được chia thành ba loại
Theo VOA đưa tin vào ngày 12/9, trong nhìn lại “thế hệ Đỏ thứ hai” bà Thái Hà không nhắc đến ông La Vũ (Luo Yu) là con trai thứ hai của cố đại tướng ĐCSTQ La Thụy Khanh (Luo Ruiqing), cũng như không nhắc đến ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) mà gần đây rất được công luận quan tâm.
Trong “thế hệ Đỏ thứ hai”, ông La Vũ có thể xem là người đi đầu nhất quán tư tưởng. Năm 1989 khi ĐCSTQ thảm sát những sinh viên và người dân không vũ trang, ông La Vũ khi đó là Đại tá trong Không quân, đã giận dữ từ chức và ra nước ngoài sống lưu vong.
Trước Đại hội 19 ĐCSTQ, ông La Vũ đã liên tiếp công bố những bức thư ngỏ kêu gọi Tập Cận Bình từ bỏ ĐCSTQ, triệt để lên án Đặng Tiểu Bình nổ súng đàn áp sinh viên ngày 4/6/1989, lên án chính sách đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân; đồng thời kêu gọi Tập Cận Bình đi theo con đường dân chủ. Nhưng mong muốn của ông đã không thể toại nguyện.
Một người nữa được công luận chú ý là “thế hệ Đỏ thứ hai” Nhậm Chí Cường, người gần đây đã bị bắt điều tra vì một bài viết công bố hồi tháng Ba chỉ trích Tập Cận Bình. Ngay từ năm 2012, tại một hội nghị của Viện Quản lý Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh, ông đã lên án chế độ ĐCSTQ đã mục ruỗng. “Vấn đề then chốt mà chúng ta đang đối mặt hiện nay là không ai dám đứng lên đòi hỏi quyền lợi mọi người phải có, đẩy trách nhiệm xã hội cho người khác, chỉ muốn người khác gánh vác trách nhiệm thay cho mình, tôi nghĩ đây có thể là vấn đề lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt.”, ông chỉ ra.
Tại hội nghị, ông Nhậm Chí Cường cũng công khai kêu gọi người dân Trung Quốc “hãy lật đổ bức tường trước mặt”, thiết lập chế độ xã hội dân chủ.
Liệu tư tưởng tiến bộ này trong “thế hệ Đỏ thứ hai” ĐCSTQ có phổ biến? Trước đây chia sẻ trên Tiếng nói nước Đức (DW) nhà bình luận thời sự Trường Bình (Chang Ping) đã dẫn lời một người trong cuộc tiết lộ rằng “thế hệ Đỏ thứ hai” không phải như một khối thống nhất, mà đại khái được chia thành ba loại: một là nhóm đặc quyền chiếm được lãnh thổ rộng lớn, đắm mình trong các hoạt động kinh doanh; hai là nhóm rất bất mãn với Tập Cận Bình, nhưng vui mừng khi giang sơn về tay họ; nhóm còn lại trăn trở sâu sắc về con đường cách mạng của thế hệ cha ông, đau lòng thấy Trung Quốc ngày nay bị bộ máy chính trị độc tài thao túng, làm trái con đường dân chủ và tự do mà họ theo đuổi.
Bài viết cho rằng sau nhiều trăn trở, ông Nhậm Chí Cường đang vào nhóm thứ ba trong “thế hệ Đỏ thứ hai”. Mặc dù lý tưởng trước đây của ông là “trở thành người Cộng sản ưu tú”, thậm chí còn từng bảo vệ cho chiến dịch đàn áp phong trào dân chủ ngày 4/6/1989, nhưng thực trạng chuyên quyền của ông Tập Cận Bình đã giúp ông nhìn rõ tình trạng tệ hại của thể chế và tàn độc của ĐCSTQ. Các phê bình của ông không phải là một phần của âm mưu cung đình, mà là một tiếng kêu xuất phát từ trái tim của cá nhân ông.
Trong bài viết khiến ông Nhậm Chí Cường bị bắt giam, ông cho biết: “Nguyên nhân khiến dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát vì Đảng cầm quyền ở Trung Quốc che giấu khi dịch bệnh khởi phát, sau đó dựa vào việc phong tỏa để đánh lừa được niềm tin của WHO và giành được sự khen ngợi của quốc tế. Nhưng khó có thể lừa được người dân Trung Quốc đích thân chịu tai họa, người dân sống trong quốc gia dân chủ với tự do ngôn luận có thể không hiểu hết nỗi đau của mất tự do ngôn luận, nhưng người Trung Quốc biết sự bùng phát của đại dịch và mọi đau khổ mà nó đã gây ra có thể tránh được, nguyên do vì thể chế cấm tự do báo chí và tự do ngôn luận này.”
Ông Trường Bình cho rằng ông Nhậm Chí Cường đã thể hiện suy nghĩ thấu đáo và tinh thần dũng cảm qua bài viết mô tả của về mối quan hệ giữa quyền tự do báo chí và vấn đề ngăn chặn dịch bệnh, cũng như xung đột lợi ích giữa ĐCSTQ và người dân.
Cuối cùng ông Trường Bình cũng đặt vấn đề rằng không biết liệu ông Nhậm Chí Cường có đoạn tuyệt như vậy đối với ĐCSTQ như thế hay không, nhưng tiếng kêu của ông ấy rõ ràng đã vượt xa khả năng chịu đựng của chế độ. Điều này cho thấy con đường hợp tác của ông ấy với chế độ đã đi đến hồi kết.
Nhiều người muốn trả quyền lực cho dân
Về vấn đề này, nhà phê bình người Mỹ gốc Hoa là ông Trần Phá Không (Chen Pokong) cũng từng có bài viết nói rằng, theo những gì ông hiểu về tình hình nội bộ ĐCSTQ thì “thế hệ Đỏ thứ hai” và giới “thái tử Đảng” không phải ai cũng muốn bảo vệ “giang sơn Đỏ” của cha ông họ. Thực tế nhiều người chán ghét những gì Tập Cận Bình hiện nay đang làm, mong muốn trả lại quyền lực cho nhân dân.
Ông cho biết đất nước Trung Quốc vốn dĩ là của người dân Trung Quốc, nhưng thực tế lại do một nhóm lợi ích nhỏ chiếm làm của riêng, đạp lên bao hy sinh xương máu của đông đảo nhân dân.
Ông cho rằng đông đảo người thuộc “thế hệ Đỏ thứ hai” và “thái tử Đảng” cũng có ý thức này, nhưng chẳng qua họ không thể hiện công khai ra mà thôi.
Y Bình
Xem thêm:
Từ khóa ĐCSTQ Thế hệ đỏ Dòng sự kiện Hồng Nhị đại