Đặc quyền thời đại Mao: Tám khách sạn lớn không cho dân thường cư trú
- Tần Toàn Diệu
- •
Trong thời đại Mao, “tám khách sạn lớn” ở Bắc Kinh chỉ dành cho giới quan to và chi trả bằng tiền ngân sách nhà nước, thường dân khó có đủ khả năng tiền bạc chi trả, nhưng dù có tiền cũng không được vào. Đây chính là “đặc sắc” của khách sạn Trung Quốc trong một thời lịch sử đen tối. Thế nào gọi là “vì nhân dân phục vụ” khi ngay cả khách sạn cũng không cho phép nhân dân cư trú?
Nếu nói di chứng thời đại Mao ảnh hưởng đến người dân Trung Quốc còn chưa hết thì biểu hiện rõ nhất là ngày nay nhiều người Trung Quốc Đại lục lớn tuổi vẫn không dám bước chân vào khách sạn, họ nghĩ rằng đó là nơi dân thường không được phép vào. Mặc dù đã từ lâu nhiều khách sạn và nhà khách cho mở cửa thoải mái nhà vệ sinh, nhưng nhiều người lớn tuổi thà nhịn mà không dám bước vào. Một ngày bị rắn cắn, mười năm chưa hết sợ!
Trước khi “cải cách mở cửa”, khách sạn lớn ở Bắc Kinh còn hiếm hoi; các khách sạn như Minzu (Dân Tộc), Beijing (Bắc Kinh), Qianmen (Tiền Môn), Xinqiao (Tân Kiều), Heping (Hòa Bình), Liuguo (Lục Quốc), Xiyuan (Tây Uyển), Xiangshan (Hương Sơn) được mệnh danh là “tám khách sạn lớn”. Vào thời đó, người đến trú trong những khách sạn này toàn giới quan to, thanh toán bằng tiền ngân sách nhà nước, thường dân chưa kể khó có đủ tiền để đến trú mà thậm chí có tiền cũng vào không được. Đây chính là “đặc sắc” của các khách sạn Trung Quốc trong thời đại Mao Trạch Đông. Thế nào gọi là “vì nhân dân phục vụ” khi ngay cả khách sạn cũng không cho phép nhân dân cư trú?
Theo ông Đàm Đông Phương (Tan Dongfang), phó tổng giám đốc điều hành khách sạn Bắc Kinh giới thiệu, muốn trú tại những khách sạn như Bắc Kinh hay Dân Tộc đều phải xin giấy giới thiệu của Cục Phục vụ Số 1 Bắc Kinh, sau đó mang giấy giới thiệu cho khách sạn xem.
Thời đó cả “tám khách sạn lớn” đều thuộc quản lý trực tiếp của Văn phòng Quản lý khách sạn Thành phố Bắc Kinh, thuộc đơn vị sự nghiệp công, chủ yếu phục vụ những hội nghị của trung ương và thành phố Bắc Kinh, không nhận khách vãng lai ngoài xã hội, du khách nước ngoài nếu muốn ở lại khách sạn phải xin thư giới thiệu của cơ quan chức năng tỉnh, thành phố, hoặc khu tự trị, xem người muốn ở thuộc cấp bậc nào, sau đó lại mang thư giới thiệu đến Văn phòng Quản lý khách sạn Bắc Kinh để đổi giấy giới thiệu mới vào trú được.
Trong những năm 1960, một lần cụ Tần (Qin) sau khi rời chợ Đông An (Dongan) đã mạnh dạn bước vào khách sạn Hòa Bình “bí ẩn”. Nào ngờ vừa đặt chân vào cửa đã bị một đòn choáng váng bật ra ngoài. Sau này mỗi lần nghĩ lại chuyện này cụ lại liên tưởng đến cái bảng hiệu “người Trung Quốc và chó không được vào”. Người nước ngoài luôn minh bạch hơn người Trung Quốc, người ta biết dựng bảng hiệu cảnh báo, còn người Trung Quốc thường tù mù làm đối phương rối bù.
Sau đó, các khách sạn đã phải ghi rõ đây là nơi chỉ tiếp quan chức Chính phủ, không làm kinh doanh. Năm 1962, chính quyền trung ương đã tổ chức một hội nghị gồm 7.000 người, đại biểu của các tỉnh và thành phố khác nhau trên cả nước đều được cư trú trong “tám khách sạn lớn”. Khách sạn được bố trí an ninh hạng nhất, phục vụ kiểu khép kín, hơn 300 nhân viên của từng khách sạn không được phép về nhà, phải ăn uống và sinh sống trong khách sạn để đảm bảo an toàn cho đại biểu. Loại tiếp đãi hội nghị kiểu này chỉ được thay đổi cho đến những năm 1980, kể từ đó mới bắt đầu nhận khách vãng lai trong nước và quốc tế, mọi người dân thường mới bắt đầu được trú trong những khách sạn này.
Dấu ấn ban đầu vào ngày 10/4/1979, khi doanh nhân Henry Fok của Hồng Kông đầu tư 50 triệu đô la Mỹ để cung cấp nghiệp vụ quản lý và kỹ thuật, còn chính quyền tỉnh Quảng Đông cung cấp vật liệu xây dựng, đất đai và người lao động để cùng xây dựng khách sạn Thiên Nga Trắng (White Swan Hotel) 34 tầng ở Sa Diện (Shamian) Quảng Châu. Sau khi hoàn thành khách sạn Thiên Nga Trắng, Henry Fok chủ trương rằng khách sạn phải mở cửa cho toàn bộ mọi người, vì như thế là phù hợp với sự tôn trọng các giá trị phổ quát của thế giới. Động thái này bị thế lực “đặc sắc Trung Quốc” nhất loạt phản đối. Phó tổng giám đốc khách sạn Thiên Nga Trắng là Bành Thụ Đình (Peng Shuting) cho biết: “Chúng tôi đều không thể chấp nhận, khi ‘bốn cửa rộng mở’, thế lực thù địch dễ dàng vào phá hoại, không chỉ lo lắng về an toàn của khách mà còn lo lắng trang thiết bị hư hỏng”. Henry Fok cho biết thứ gì hư hỏng tôi mua lại cho, mọi người không phải mất tiền”. Hai bên tranh cãi không có hồi kết, thư ký của Henry Fok là Kha Tiểu Kỳ (Ke Xiaoqi) gọi điện thoại cho lãnh đạo Dương Thượng Côn, Dương Thượng Côn cho biết: “Chuyển lời ông Fok rằng, khách sạn trước đây ngày càng trở nên tiên tiến, nhưng ngày càng bế kín nghiêm ngặt, không cho dân chúng vào. Bây giờ đã ‘cải cách mở cửa’, Quảng Châu là nơi thí điểm, nên cho công chúng được phép vào, bốn cánh cửa phải mở ra”.
Nếu cho rằng “chủ nghĩa tư bản vạn ác” là chỉ cần có tiền sẽ có tất cả, vậy thì tôi cho rằng đặc sắc lớn nhất của nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa của thời đại Mao là có quyền lực chính trị sẽ có tất cả. Trong xã hội tư bản, tiền là toàn năng, không có tiền là không thể làm được gì. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, quyền lực chính trị là toàn năng, không có quyền lực chính trị thì sinh mệnh luôn bấp bênh.
Chính từ lời của Dương Thượng Côn mà các khách sạn trên toàn Trung Quốc Đại lục mới lần lượt học theo khách sạn Thiên Nga Trắng để mở rộng cánh cửa đón công chúng. Kể từ đó, lịch sử khách sạn không cho phép dân chúng đến cư trú của thời đại Mao Trạch Đông mới thay đổi.
Blog Tần Toàn Diệu
Xem thêm:
Từ khóa Mao Trạch Đông Cải cách mở cửa