Đại án ngân hàng Nội Mông: Vương Kỳ Sơn đã nắm rõ hồ sơ Lưu Vân Sơn?
- Mộc Vệ
- •
Nối tiếp vụ án ông Dương Thành Lâm (Yang Chenglin) hồi đầu năm nay (ngày 7/3), hôm thứ Năm (ngày 8/12) vừa qua lại tiếp tục mở phiên tòa vụ án ông Diêu Vĩnh Bình (Yao Yongping). Như vậy, trong đại án tham nhũng ngành ngân hàng Nội Mông Cổ, cả hai ông Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Bí thư Đảng ủy ngân hàng Nội Mông Cổ đều đang chờ ngày tuyên án.
Nhìn lại tình hình đại án ngân hàng Nội Mông Cổ 2014, trong 4 tháng (từ tháng 6 – 10/2014) đã liên tục bốn quan to ngành tài chính ngân hàng vùng này “ngã ngựa”, ngoài ông Dương Thành Lâm và Diêu Vĩnh Bình thì còn có ông Chủ nhiệm Liên hợp Tín dụng nông thôn Nội Mông Cổ Võ Văn Nguyên (Wu Wenyuan) và ông Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư tài chính Nội Mông Cổ Vương Chấn Khôn (Wang Zhenkun).
Theo thông tin, đại án bê bối ngân hàng Nội Mông Cổ này bị sa lầy mười tỷ tiền cho vay, được xem là cột mốc chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Trung Quốc năm 2014.
Cùng thời gian hai ông Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Nội Mông Cổ bị “ngã ngựa”, đầu tháng 7/2014 ông Bí thư Ban Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn đã đích thân đi tuần tra Nội Mông Cổ. Vậy là, sau khi ông Dương Thành Lâm “ngã ngựa” vào tháng Sáu thì ông Vương Kỳ Sơn đã lập tức đến Nội Mông Cổ, và đến tháng Mười thì ông Diêu Vĩnh Bình không còn giữ được chức.
Trong thời điểm này truyền thông nhà nước Trung Quốc đã liên tục nhắc việc ông Vương Kỳ Sơn tập trung chống tham nhũng tại địa bàn Nội Mông Cổ, trong một buổi hội nghị từng đập bàn nói, “giám sát trong Đảng không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Còn truyền thông Hồng Kông thì nhận định ông Vương Kỳ Sơn đi tuần tra Nội Mông Cổ để thu thập tài liệu về ông Lưu Vân Sơn, giới chức cấp cao Trung Quốc ai cũng biết.
Trong đại án ngành ngân hàng Nội Mông Cổ này, ông Dương Thành Lâm là vai chính số một, là nhân vật thuộc hàng nguyên lão trong giới ngân hàng Nội Mông Cổ. Nhưng theo thông tin, nhân vật liên quan quan trọng trong vụ án không chỉ có quan to trong hệ thống ngân hàng địa phương mà còn có hai nhân vật “con ông cháu cha”: Bào Học Phong (Bao Xuefeng), cháu của Ba Đặc Nhĩ (Ba Teer), cựu Chủ tịch Nội Mông Cổ; và Trần Hiểu Vũ (Chen Xiaowu), cháu cựu Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trần Khuê Nguyên (Chen Kuiyuan).
Ông Trần Khuê Nguyên là cựu Phó Chủ tịch Nội Mông Cổ, còn Ba Đặc Nhĩ là thuộc cấp của Trần Khuê Nguyên vào đầu thập niên 80. Ông Trần Khuê Nguyên trước khi làm Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc từng là Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, là phe cánh của ông Lưu Vân Sơn tại Nội Mông Cổ. Tương tự gia tộc Lưu Vân Sơn, gia tộc Trần Khuê Nguyên cũng phát tài nhờ kết hợp chính trị và kinh doanh.
Đáng chú ý là khi mở phiên tòa vụ án ông Dương Thành Lâm vào đầu tháng Ba năm nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã có nhận định, “cơ quan điều tra chưa thể nắm vững sự thật phía sau vụ án”. Có nhận định, vụ án Dương Thành Lâm còn có gì nữa hiện không còn quan trọng, vì cơ quan điều tra đã nắm rõ tình hình.
Theo thông tin, hai đối tượng “con ông cháu cha” liên quan trong vụ án là Bào Học Phong và Trần Hiểu Vũ hiện đã trốn ra nước ngoài. Nếu đây là sự thực thì có thể thấy trong vụ án này còn “có can thiệp của một thế lực có quyền lực ngang hàng với ông Vương Kỳ Sơn”.
Giới truyền thông độc lập có nhận định, ông Lưu Vân Sơn không chỉ là đại diện cho lợi ích của phe cánh ông Giang Trạch Dân trong quan trường, quan trọng hơn là bảo vệ lợi ích của gia tộc họ Lưu, còn Nội Mông Cổ là đại bản doanh kinh tế của ông Lưu, vì người con thứ Lưu Lạc Đình (Liu Leting) của ông Lưu Vân Sơn luôn túc trực tại đây. Theo tình hình hiện nay, ông Vương Kỳ Sơn đã nắm vững tình hình hủ bại của ông Lưu Vân Sơn tại địa bàn Nội Mông Cổ. Từ sau khi hai quan to chủ chốt ngành ngân hàng Nội Mông Cổ “ngã ngựa” năm 2014, đến nay phiên tòa xét xử đã hoàn tất (vào đầu và cuối năm). Phiên tòa thẩm vấn ông Dương Thành Lâm kéo dài suốt 4 ngày với nhiều thông tin bàn luận bên lề tiết lộ vụ án vô cùng phức tạp. Hiện nay cả hai quan to này đều chưa thể tuyên án được. Dường như trên từng giai đoạn vụ án (“ngã ngựa”, khai thẩm, thậm chí việc tuyên án tiếp theo) đều hướng tiếng chuông vào ông Lưu Vân Sơn.
Mộc Vệ
Xem thêm:
Từ khóa tham nhũng Vương Kỳ Sơn Lưu Vân Sơn Nội Mông Cổ