Đấu đá nội bộ gay cấn: Ông Tập Cận Bình tổn thất 2 tướng
- Dương Thiên Long
- •
Mới đây, ông Từ Lập Nghị (Xu Liyi), nguyên ủy viên thường vụ tỉnh Hà Nam và Bí thư thành ủy Trịnh Châu, bị lập án điều tra vì tắc trách trong vụ lũ lụt gây thiệt hại nặng về nhân mạng và tài sản tại Trịnh Châu hồi tháng 7/2021. Cùng thời điểm, ông Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), cựu Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh Chiết Giang và Bí thư Thành ủy Hàng Châu, cũng bị điều tra về tội tham nhũng. Hai ông Từ và Chu được cho là đều thuộc phe của ông Tập Cận Bình.
Ông Từ Lập Nghị bị Quốc vụ viện của ông Lý Khắc Cường lập án điều tra
Ngày 21/1, đoàn điều tra của Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xác định thảm họa mưa lớn “ngày 20/7” ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam “là do thời tiết khắc nghiệt”, nhưng Thành ủy và Chính quyền thành phố Trịnh Châu “có hành vi thất trách, không làm tròn trách nhiệm, đặc biệt là xuất hiện sự kiện thương vong liên quan đến tàu điện ngầm, đường hầm, v.v mà đáng lẽ không nên xảy ra”, do đó đã lập án điều tra đối với ông Từ Lập Nghị, nguyên ủy viên thường vụ tỉnh Hà Nam và bí thư thành ủy Trịnh Châu.
Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ cho biết, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã lập án đối với ông Từ Lập Nghị và thông báo rằng “Đồng chí Từ Lập Nghị có trách nhiệm lãnh đạo quan trọng đối với các vấn đề liên quan do thảm họa ở thành phố Trịnh Châu gây ra, và cần phải truy trách nhiệm nghiêm khắc… Thường vụ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã họp, nghiên cứu, đồng thời báo cáo Trung ương ĐCSTQ thông qua và quyết định cảnh cáo nghiêm khắc đối với đồng chí Từ Lập Nghị trong nội bộ đảng, và Ủy ban Giám sát Nhà nước đưa ra hình thức xử phạt cách chức các công việc của chính phủ.”
Nhật báo Hà Nam đưa tin cùng ngày rằng cộng sự thân cận của ông Tập Cận Bình là Lâu Dương Sinh (Lou Yangsheng), bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, chủ trì cuộc họp của Thường vụ Tỉnh ủy. Cuộc họp đã “hoàn toàn đồng ý” với báo cáo điều tra của Quốc vụ viện và “kiên quyết ủng hộ” việc điều tra truy trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Cuộc họp quyết định cách chức ông Từ Lập Nghị khỏi các chức vụ Bí thư, Thường vụ và Ủy viên Thành ủy Trịnh Châu.
Trận lũ lụt thảm khốc gây ra thảm họa lớn tại Trịnh Châu ngày 20/7/2021
Theo tin tức chính thức của ĐCSTQ, trận mưa lớn ngày 20/7 năm ngoái ở Trịnh Châu “là một thảm họa thiên nhiên đặc biệt lớn gây ra ngập úng nghiêm trọng cho đô thị, lũ lụt sông, lốc xoáy núi và lở đất do mưa bão cực mạnh, dẫn đến thương vong và thiệt hại tài sản nặng nề.”
Từ ngày 17 đến ngày 23/7 năm ngoái, tỉnh Hà Nam đã hứng chịu những trận mưa bão cực lớn hiếm có trong lịch sử, dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng. Thảm họa đã khiến tổng cộng 14,786 triệu người ở 150 huyện, thị, quận ở tỉnh Hà Nam bị ảnh hưởng, 398 người chết hoặc mất tích do thảm họa, trong đó có 380 người ở Trịnh Châu, chiếm 95,5% toàn tỉnh. Thiệt hại trực tiếp về kinh tế là 120,06 tỷ nhân dân tệ, trong đó Trịnh Châu là 40,9 tỷ nhân dân tệ, chiếm 34,1% toàn tỉnh.
Điều bị ngoại giới lên án hơn cả là không có ai đứng đầu ĐCSTQ đến hiện trường khi vụ việc xảy ra. Ông Tập Cận Bình đang đi thị sát ở Tây Tạng vào thời điểm đó, sau khi xảy ra thảm họa, ông ấy cũng không bỏ dở hành trình. Còn ông Lý Khắc Cường thì sau 9 ngày mới lần đầu tiên lên tiếng qua một hội nghị truyền hình. Chính quyền ĐCSTQ đã đe dọa và đàn áp các nhà báo nước ngoài đến Trịnh Châu để khảo sát và những người dân Trịnh Châu đến tế bái người thân đã chết, động thái này khiến người dân toàn quốc và các nước trên thế giới quan tâm và lên án.
Thiệt hại của người dân Hà Nam là nặng nề, ông Tập bỏ xe giữ tướng
Ông Lâu Dương Sinh và ông Từ Lập Nghị đều là thuộc hạ cũ của ông Tập Cận Bình ở Chiết Giang. Theo thông tin công khai, ông Từ Lập Nghị từ Phó bí thư kiêm Thị trưởng Hàng Châu vào tháng 6/2019 được điều chuyển làm Bí thư Thành ủy Trịnh Châu. Ông Lâu Dương Sinh từ Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam được điều chuyển làm Bí thư tỉnh ủy Sơn Tây vào tháng 5/2021. Người ta suy đoán rằng ông Lâu Dương Sinh có thể là một thành viên quan trọng trong phe Tập tại Đại hội 20 của ĐCSTQ.
Sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông đã giương cao ngọn cờ chống tham nhũng để thanh trừng phe chống Tập, tấn công tầng lớp quyền quý đặc quyền đặc lợi và thế hệ đỏ thứ hai, đồng thời tìm cách tái cử, điều này đã gây ra nhiều bất mãn trong nội bộ đảng. Theo đồn đoán, với sự ủng hộ của các phe phái khác nhau, ông Lý Khắc Cường đã mở cuộc điều tra về thảm họa lũ lụt ngày 20/7/2021 ở Trịnh Châu, và thành lập nhóm điều tra của Quốc vụ viện vào ngày 2/8/2021.
Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng thì nhóm điều tra mới đến Trịnh Châu, điều này làm dấy lên nghi ngờ cho rằng ông Lý Khắc Cường bị gây sức ép. Hơn 2 tháng sau, ngày 29/10, kết quả Đại hội Đảng bộ ĐCSTQ của tỉnh Hà Nam cho thấy, ông Từ Lập Nghị không còn giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiêm Bí thư Thành ủy Trịnh Châu, và ông Lâu Dương Sinh vẫn tại chức. Giới phân tích cho rằng rất có thể phe Tập đã ‘bỏ xe giữ tướng’.
Theo Nhật báo Hà Nam ngày 21/1/2022, tại cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy, ông Lâu Dương Sinh nhấn mạnh: “Sau khi trận lũ lụt thảm khốc xảy ra, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã hết sức coi trọng và hết sức quan tâm, đã đưa ra chỉ thị ngay lập tức, cung cấp cho chúng ta nền tảng để làm theo và động lực lớn mạnh để làm tốt việc phòng chống và cứu nạn, cũng như công tái thiết sau thiên tai.” Theo tuyên bố của ông Lâu, lòng trung thành và” điều cấm kỵ” là rất rõ ràng.
Ngày 12/8/2015, kho chứa hóa chất độc hại Tân Hải Thiên Tân phát nổ, đoàn điều tra của Quốc vụ viện đề nghị 5 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ phải chịu trách nhiệm. Kết quả truy trách nhiệm lần lượt là cảnh cáo trong nội bộ đảng, ghi tội, giáng cấp, nhưng không ai trong số họ bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra. Vào tháng 5/2021, thảm họa thời tiết khắc nghiệt trong cuộc thi Marathon ở Cam Túc khiến nhiều người thiệt mạng, quan chức phải chịu trách nhiệm và trừng phạt cấp cao nhất là Tô Quân (Su Jun), Bí thư Thành ủy thành phố Bạch Ngân, chính quyền tỉnh Cam Túc đã xử lý cảnh cáo về mặt chức vụ trong chính phủ đối với ông ta. Trường hợp này cũng không bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương lập án điều tra.
Từ đó có thể thấy rằng trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, cường độ đấu đá nội bộ của ĐCSTQ không thể bị ngoại giới phát hiện. Quan chức cấp phó bộ phải hạ đài, bị lập án điều tra do xử lý thảm họa không hiệu quả gần đây càng ngày càng hiếm gặp.
Vụ án Chu Giang Dũng có liên quan mật thiết với Jack Ma, phe Tập tự ‘thanh lý môn hộ’?
Trong tập thứ năm “Luôn đi trên con đường [chống tham nhũng]” của loạt phim tài liệu “Không khoan nhượng” do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương phát sóng gần đây, Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), cựu Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh Chiết Giang và Bí thư Thành ủy Hàng Châu, đã xuất hiện để phát biểu. Trong phim, Chu Giang Dũng lần đầu tiên tiết lộ rằng ông ta và em trai mình là Chu Kiến Dũng (Zhou Jianyong), một phó giáo sư tại Trường Quản lý của Đại học Khoa học và Công nghệ Thượng Hải, đã sử dụng quyền lực trong tay để tham gia vào “một gia đình, hai hệ thống“, một trong kinh doanh và một trong chính trị, và thu được nhiều lợi ích. Chu Giang Dũng coi Chu Kiến Dũng như một bức tường lửa, truyền đạt mệnh lệnh từ xa, Chu Kiến Dũng thông qua công ty TNHH dầu mỏ Tường Nhuận Ninh Ba để hợp tác với người khác, nhận lượng lớn tiền hối lộ trong các dự án ở Chu Sơn, Ôn Châu.
Ngày 21/8/2021, Chu Giang Dũng bị điều tra, truyền thông Đại Lục là tờ Tạp chí Tài chính Kinh tế đã đăng một bài viết đưa tin sâu “Chuyện cũ chính trị kinh doanh của Chu Thị ở Ninh Ba”. Bài viết tiết lộ gia đình Chu Giang Dũng, gồm cả vợ, chị, em trai, và người thân thích khác, đã xây dựng mối quan hệ chính trị kinh doanh tại Chiết Giang.
Bài viết tiết lộ, phạm vi nghiên cứu của Chu Kiến Dũng từ lĩnh vực dầu mỏ thời gian đầu, về sau chuyển sang trí tuệ nhân tạo, phương pháp và ứng dụng phân tích dữ liệu, nghiên cứu mô hình truyền thông mới dựa trên dữ liệu lớn, phân tích phương án cải tạo thanh toán di động tàu điện ngầm, v.v. Năm 2016, Chu Kiến Dũng thành lập công ty TNHH Phát triển Công nghệ Thông tin Ưu Thành Liên Hợp (Ninh Ba), năm 2019 hợp tác với Ant Group của Jack Ma, trở thành một phần trong bản đồ đầu tư của Alibaba.
Vào tháng 5/2018, khi đó Chu Giang Dũng đang là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang từ tháng 6/2017, được điều động giữ chức Bí thư Thành ủy Hàng Châu. Theo Nhật báo Hàng Châu, vào ngày 7/9/2019, chính quyền thành phố Hàng Châu đã tổ chức lễ công bố Chu Giang Dũng trao tặng Jack Ma danh hiệu danh dự “Người Hàng Châu ưu tú”. Jack Ma phát biểu đã nói, không có Hàng Châu thì không có Jack Ma, và sẽ không có Alibaba. “Tôi nghĩ rằng chính quyền Hàng Châu và Alibaba đại diện cho một mối quan hệ hoàn toàn mới giữa chính phủ và doanh nghiệp, một loại quan hệ tình thân.”
Vào ngày 21/1/2022, tờ Ming Pao tại Hồng Kông đã đăng một bài báo có tiêu đề “Tập đoàn Ant được cho là đã mua đất ở Hàng Châu với giá chiết khấu, bị cuốn vào vụ án tham nhũng của Bí thư Thành ủy”. Bài báo nêu rõ, “Financial Times trích dẫn hồ sơ công khai của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và nguồn tin cho biết, Ant Group có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng của cựu Bí thư Hàng Châu.”
Hiện nhiều kênh truyền thông đưa tin về nội dung bài viết của Financial Times, trích dẫn nội dung của bài viết này, có một doanh nghiệp tư nhân đã trả “một khoản tiền cao bất hợp lý” cho anh em cựu Bí thư Hàng Châu Chu Giang Dũng và Chu Kiến Dũng, để giúp đỡ “doanh nghiệp không rõ thân phận này” có được đất giá rẻ và ưu đãi chính sách. Bộ phim chống tham nhũng “Không khoan nhượng” mặc dù không trực tiếp điểm tiên công ty của Jack Ma liên quan đến vụ án tham nhũng ở Hàng Châu, nhưng tài liệu công khai cho thấy, năm 2019, công ty Vân Tín Thượng Hải thuộc Ant Group đã mua 14,3% cổ phần ban giám đốc của công ty Ưu Thành Liên Hợp của Chu Dũng với giá 1,7 triệu nhân dân tệ.
Trong cùng năm, công ty Vân Tín Thượng Hải lại bỏ ra 1,4 triệu nhân dân tệ để mua 13,5% cổ phần của nhà cung cấp thanh toán tàu điện ngầm Hàng Châu, công ty này cũng là của Chu Kiến Dũng sở hữu. Ngoài ra, hồ sơ đấu giá đất cũng cho thấy chưa đầy một năm sau khi hoàn thành khoản đầu tư thứ hai, Ant Group đã mua lại một mảnh đất ở Hàng Châu với mức giá 5.194 nhân dân tệ mỗi m2, trở thành nhà thầu duy nhất đủ điều kiện. Theo trang web dữ liệu bất động sản, giá nhà trung bình trong cộng đồng là hơn 45.000 nhân dân tệ mỗi mét vuông.
Sau khi Chu Giang Dũng xảy ra chuyện vào tháng 8/2021, trên Internet đã lan truyền thông tin nói rằng manh mối tố cáo cho thấy Chu Giang Dũng đã từng mua cổ phiếu với giá 500 triệu nhân dân tệ của một công ty tài chính ở Chiết Giang trước khi niêm yết trên thị trường cuối năm 2020. Sau đó, do so sự cố trong quá trình niêm yết nên Chu Giang Dũng đã được nhận lại khoản tiền hoàn trả là 520 triệu nhân dân tệ. Công ty này bị nghi là Ant Group của Alibaba, đã tìm cách IPO vào ngày 3/11/2020 và đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc tạm dừng. Ant Group đã phủ nhận tin đồn vào ngày hôm sau. Đánh giá từ những tin đồn khi Chu Giang Dũng “ngã ngựa” và tin tức từ Financial Times, khả năng cao là anh em nhà họ Chu có dính líu sâu đến vụ Ant Group của Jack Ma. Và Jack Ma được đồn đoán là ‘găng tay trắng’ của gia đình cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Xét từ góc độ này, việc ông Tập Cận Bình tấn công Chu Giang Dũng, một ngôi sao mới ở Chiết Giang, có ý nghĩa to lớn là phe Tập ‘thanh lý môn hộ’.
Đấu đá nội bộ ngày càng kịch liệt, chống tham nhũng chỉ là công cụ
Ông Từ Lập Nghị đảm nhiệm chức Bí thư Thành ủy Ôn Châu vào tháng 1/2016, đến tháng 2/2017 thì Chu Giang Dũng trở thành Bí thư Thành ủy Ôn Châu. Tháng 5/2018, hai người họ trở thành anh em và cùng quản lý Hàng Châu. Từ Lập Nghị và Chu Giang Dũng được ngoại giới coi là thế hệ nhân vật mới thuộc “tân quân Chiết Giang” của ông Tập Cận Bình.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ đang đến gần, và cuộc đấu tranh quyền lực trên chính trường ngày càng gay gắt. Từ ông Trương Cao Lệ, Thận Hải Hùng đến Lưu Á Châu có tin đồn bị kiểm soát nội bộ, rồi đến tin đồn ông Lật Chiến Thư ‘ẩn thân’ xuất hiện khắp nơi, cho đến hiện nay truyền thông của ĐCSTQ phát bộ phim tài liệu “Không khoan nhượng” với Tôn Lực Quân, Chu Giang Dũng, Từ Lập Nghị bị lập án điều tra, tất cả những điều này cho thấy cuộc đấu đá nội bộ kịch liệt chưa từng có, và cuộc đấu giữa ông Tập Cận Bình và ông Tăng Khánh Hồng hai bên đều có thắng và thua. Có những biến số nào trước Đại hội 20 của ĐCSTQ? Cuối cùng thì con nai sẽ chết trong tay ai? Ngoại giới không thể đoán trước được. Tuy nhiên, chống tham nhũng suy cho cùng chỉ là một lưỡi dao đẫm máu, từ góc độ này trong chính quyền của ĐCSTQ hầu như không có phe phái nào, không có quan chức nào không tham nhũng, ai giành được con dao chống tham nhũng trong tay, thì coi như người đó hung hãn, phe chống Tập cũng có thể sử dụng nó. Đối với người dân, ai thắng cũng không quan trọng, sự sụp đổ hoàn toàn của ĐCSTQ mới có thể giúp người Trung Quốc có ngày được giải thoát.
Dương Thiên Long
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Từ Lập Nghị Chu Giang Dũng Tập Cận Bình Chính trị Trung Quốc