Trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua, gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra 24 biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên nhiều nhận định cho rằng biện pháp khó xoay chuyển tình hình, vì hiện giới kinh doanh chú trọng việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng hơn là cả tin vào Trung Quốc.

Currencies
FDI tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm. (Nguồn ảnh: AFP qua Getty)

ĐCSTQ xem năm 2023 là “Năm đầu tư vào Trung Quốc”, nhưng khẩu hiệu lại làm dấy lên hoài nghi của các công ty nước ngoài – họ lo ngại về môi trường kinh doanh khó khăn của Trung Quốc, hoạch định chính sách khó đoán, địa chính trị xấu đi và điều kiện kinh tế trong nước của Trung Quốc…

Chính số liệu của nhà chức trách ĐCSTQ phản ánh những hiện trạng nêu trên.

Kể từ đầu năm nay, một số dữ liệu kinh tế ở Trung Quốc đã xuống thẳng đứng, trong khi FDI cho thấy tình trạng đứt đoạn.

Vấn đề lòng tin

Theo dữ liệu Quý II vừa được Cục quản lý ngoại hối (SAFE) của Trung Quốc công bố, FDI của Trung Quốc từ tháng 4 – 6 giảm mạnh xuống còn 4,9 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái khi ĐCSTQ còn phong tỏa xã hội vì đại dịch COVID-19, được cho là con số nhỏ nhất trong một quý kể từ năm 1998.

Theo Bloomberg, nhà kinh tế Trung Quốc Michelle Lam tại công ty dịch vụ tài chính Societe Generale cho biết, sự sụt giảm chỉ số FDI của Trung Quốc là đáng báo động với việc một số công ty giảm tái đầu tư lợi nhuận hiện có khi họ chú trọng hơn về đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng tin rằng dữ liệu SAFE có thể phản ánh xu hướng lợi nhuận của các công ty nước ngoài và những thay đổi về quy mô hoạt động của họ ở Trung Quốc. Ngoài ra, việc tăng thuế quan do chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đã dẫn đến chi phí tăng cao, thêm việc ĐCSTQ hạn chế tiếp cận Trung Quốc trong 3 năm dịch bệnh COVID-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng đã khiến các công ty phải xem xét lại rủi ro, khiến Trung Quốc đã trở nên kém hấp dẫn hơn đối với đầu tư nước ngoài.

Dự theo số liệu chính thức của Trung Quốc, chuyên gia tại công ty nghiên cứu Rhodium Group chỉ ra, Quý I năm nay FDI vào Trung Quốc đã giảm xuống còn 20 tỷ USD, trong khi một năm trước còn là 100 tỷ USD.

Đài VOA hôm 17/8 dẫn nhận định của ông Paul Triolo là người phụ trách chính sách Trung Quốc và công nghệ tại Tập đoàn Albright Stone cho biết, một trong những yếu tố chính khiến FDI Trung Quốc sụt giảm mạnh là việc các công ty nước ngoài ở Trung Quốc mất lòng tin vào sự lãnh đạo chính trị và kinh tế của ĐCSTQ: nổi bật là chính sách ‘Zero COVID’ trong 3 năm đại dịch và vấn đề trấn áp giới doanh nghiệp công nghệ.

Thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) và là người phụ trách chuyên mục của tờ Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy), ông Elisabeth Braw gần đây đã viết trên tờ Wall Street Journal rằng các công ty nước ngoài ngày càng khó tìm được “bảo hiểm rủi ro chính trị” (political risk insurance) khi kinh doanh tại Trung Quốc.

Trong số 60 công ty bảo hiểm cung cấp bảo hiểm rủi ro chính trị, chỉ một số ít vẫn cung cấp dịch vụ này cho Trung Quốc nhưng kèm theo những hạn chế rất nghiêm ngặt, đây là thay đổi quan trọng.

“Việc Jack Ma không còn an toàn ở Trung Quốc là một cú sốc lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu hóa, bởi đây là minh chứng rõ ràng về sự can thiệp chính trị của ĐCSTQ”, Braw nói.

Vấn đề Luật Chống gián điệp (sửa đổi)

Nói với VOA, giám đốc Anna Ashton của chương trình các vấn đề doanh nghiệp Trung Quốc tại công ty tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group cho biết thêm, rằng các cuộc tấn công nhắm mục tiêu vào một số công ty thương mại nước ngoài cũng như vấn đề mơ hồ trong Luật Chống gián điệp (sửa đổi) khiến các công ty nước ngoài có lý do để xem xét lại kế hoạch đầu tư của họ ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc hôm 13/8 ban hành một văn bản liên quan đến 24 biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những thay đổi trong môi trường kinh doanh của Trung Quốc vài năm gần đây và phiên bản mới của “Luật Chống gián điệp” khuyến khích toàn dân truy bắt gián điệp đã khiến các công ty nước ngoài mất niềm tin vào Trung Quốc.

Trong một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (American Chamber of Commerce in China) công bố vào mùa xuân năm nay, 55% các công ty được khảo sát cho biết họ không đặt Trung Quốc trong “ba ưu tiên đầu tư hàng đầu” của họ – đây là tỷ lệ cao nhất trong 25 năm thực hiện khảo sát.

Tương tự, một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc (European Chamber of Commerce in China) công bố vào tháng 6 năm nay, 2/3 trong số 570 công ty tham gia khảo sát cho biết việc kinh doanh tại Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Có đến 3/5 số công ty tin rằng môi trường kinh doanh hiện tại của Trung Quốc đã “gia tăng chính trị hóa”.