ĐCSTQ bác tin đồn về việc ông Chung Nam Sơn chưa tiêm vắc xin COVID-19
- Dị Phàm
- •
Từ tuần trước, thông tin về việc chuyên gia chống dịch Chung Nam Sơn của Trung Quốc “chưa tiêm phòng” COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bắt đầu phổ biến trên mạng xã hội. Tuy nhiên đến nay, ông Chung vẫn hoàn toàn giữ im lặng, trong khi đó cái gọi là “bác bỏ tin đồn” của cơ quan chức năng lại càng khiến người dân nghi ngờ.
Ngay sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, những loại vắc-xin do Trung Quốc sản xuất đã rất nhanh chóng được tung ra thị trường, nhưng hiệu quả của chúng luôn bị nghi ngờ. Với tư cách là chuyên gia phòng chống dịch bệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Chung Nam Sơn đã nhiều lần đóng vai trò là “người tiên phong” thúc đẩy mọi người tiêm vắc-xin sản xuất tại Trung Quốc và không ngừng khuyến khích người dân đi tiêm phòng, bản thân chuyên gia này cũng tuyên bố đã tiêm 3 mũi vắc-xin. Ngày 14/5 năm ngoái, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã phát hành một đoạn video về việc ông Chung Nam Sơn công khai tiêm vắc-xin sản xuất tại Trung Quốc, xem đó như là “tấm gương” cho công chúng.
Tuy nhiên gần đây, một bức ảnh chụp màn hình cáo buộc ông Chung Nam Sơn chưa từng tiêm phòng vắc-xin COVID-19 đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Twitter. Ảnh chụp màn hình cho thấy trên một ứng dụng có tên “Health Kit” hiển thị tình trạng tiêm chủng của ông Chung là “không có hồ sơ tiêm chủng”, còn thời gian truy vấn là ngày 18/6. Nhiều người chia sẻ lại tweet bày tỏ nghi vấn: chẳng lẽ ông Chung Nam Sơn lại không tiêm vắc-xin COVID-19?
钟南山老贼被有心的人民群众查询出来,没有打过疫苗,近30天也没做过核酸,共匪不是提出要举报违反“防疫”规定的行为吗?他这算不算弄虚作假,严重违反“防疫”规定呢?要不要举报它!? pic.twitter.com/K4FZtx4oG4
— 淘喵先生 (@Baoliaogeming64) June 18, 2022
Sau khi thấy thông tin này, có nhiều người nghĩ đã bị ông Chung Nam Sơn lừa dối liền chửi bới trong khu vực tin nhắn, tuy nhiên cũng có những người hoài nghi về tính xác thực của thông tin.
Đến ngày 20/6, trang chống tin đồn của chính quyền Thượng Hải (nền tảng “bác tin đồn Thượng Hải”) đã công bố thông tin cho biết, phương thức truy vấn thông tin tiêm vắc-xin COVID-19 [qua APP Health Kit] này là của một nơi nào đó ở phía bắc Trung Quốc (nhưng thực tế được biết là do Chính quyền thành phố Bắc Kinh đưa ra), chỉ để truy vấn tin tiêm chủng của người dân địa phương đó, chứ không hỗ trợ truy vấn thông tin của người ở địa phương khác. Thông báo nêu dẫn chứng nhiều phóng viên ở Thượng Hải cũng kiểm tra cách truy vấn này, và kết quả của họ cũng tương tự như trường hợp truy vấn của chuyên gia Chung Nam Sơn; họ cũng truy vấn về tình trạng tiêm chủng của một số người trên 60 tuổi ở địa phương khác (ông Chung Nam Sơn năm nay 86 tuổi) và kết quả cho thấy “Tạm thời không nắm được tình hình sức khỏe người truy vấn liên quan”. Việc “bác bỏ tin đồn” này đã được một số phương tiện truyền thông lớn của ĐCSTQ đăng lại, bao gồm Tân Hoa xã, Mạng Tin tức Trung Quốc (CNS) và Nhân dân Nhật báo.
Dù vậy, nhiều cư dân mạng không đồng tình với cách bác bỏ tin đồn này, vì cho rằng vấn đề phóng viên cũng không truy vấn được hồ sơ của họ thì nhiều nhất chỉ có thể chứng minh APP này không đáng tin cậy, chứ không thể chứng minh ông Chung Nam Sơn thực sự đã được tiêm phòng. Bản tin đăng lại trên trang web NetEase của Trung Quốc đã nhận được 290.000 tin nhắn bình luận, trong đó những bình luận bình luận được yêu thích nhất là thể hiện sự hoài nghi. Một tin nhắn bình luận có hơn 24.000 lượt thích cho biết: “Để bác bỏ tin đồn này rất đơn giản, chỉ cần mở mã số sức khỏe của ông Chung Nam Sơn và cho công khai”.
Một số cư dân mạng “có xu hướng tích cực hơn” đã cố gắng truy vấn qua các phương pháp khác cho kết quả là ông Chung Nam Sơn đã được tiêm phòng COVID-19, tuy nhiên có vấn đề là thời gian và số lần tiêm phòng lại không nhất quán với thông tin được chính quyền Trung Quốc công bố làm dấy lên những nghi vấn.
Tính đến hôm qua (26/6), bản thân chuyên gia nổi tiếng Trung Quốc này vẫn chưa đứng ra giải thích. Tại Quảng Đông, nơi ông Chung Nam Sơn sinh sống, cũng không cho công khai thông tin tiêm chủng tại địa phương. Phóng viên của Epoch Times cũng không thể liên lạc được với người liên quan.
Theo báo mạng “Quang minh” (Gmw.cn) của ĐCSTQ, tính đến ngày 23/6 Trung Quốc báo cáo tổng cộng gần 1,3 tỷ người (1,259987 tỷ) đã hoàn thành toàn bộ quá trình tiêm chủng với số liều tiêm gần 3,4 tỷ liều (3,397993 tỷ). Số người đã được tiêm và số người đã được tiêm đầy đủ lần lượt chiếm 91,74% và 89,37% tổng dân số cả nước Trung Quốc. Ngoài ra, gần 800 triệu người (788,701 triệu) đã hoàn thành tiêm chủng tăng cường.
Tháng Tám năm ngoái, ông Chung Nam Sơn cho biết sau khi hơn 80% dân số Trung Quốc đã được tiêm phòng vắc-xin COVID-19 thì Trung Quốc có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, thời gian có thể đạt được là vào cuối năm 2021. Tính từ tuyên bố đó đến nay đã được nửa năm, và tỷ lệ người được tiêm chủng tại Trung Quốc là hơn 80%, thế nhưng ĐCSTQ không hề nới lỏng chính sách phòng chống dịch bệnh ‘Zero-COVID’. Nhà bình luận Đại Khang (Dakang) cho rằng một trong những lý do quan trọng khiến ĐCSTQ không dám từ bỏ chính sách ‘Zero-COVID’ là chính họ cũng không tin chắc vào vắc-xin sản xuất trong nước.
Đáng chú ý là đến nay chưa có quan chức cấp cao nào của ĐCSTQ công khai vấn đề tiêm vắc-xin sản xuất tại Trung Quốc.
Từ khóa vắc-xin Trung Quốc COVID-19 Vắc xin COVID-19 Chung Nam Sơn