Điều phối viên nội tạng ở TQ tiết lộ việc phân chia lợi nhuận cấy ghép tạng
- Epoch Times
- •
Ông Lương Tân (bút danh), điều phối viên ghép tạng ở Liêu Ninh, thuộc khoa ghép gan và thận. Ông nói: “Một ca phẫu thuật ghép gan (phí) là 550.000 nhân dân tệ (khoảng 1,9 tỷ VNĐ), (ghép) thận là 450.000 nhân dân tệ (khoảng 1,6 tỷ VNĐ). Hai quả thận là 900.000 nhân dân tệ (khoảng 3,2 tỷ VNĐ). Tổng cộng là 1.450.000 tệ (khoảng 5,2 tỷ VNĐ). Đây là nội tạng được thu hoạch từ một người và được bán với giá 1,45 triệu tệ.” Vậy 1,45 triệu tệ này được phân bổ như thế nào? Ông Lương Tân đã giới thiệu việc phân phối lợi ích của từng bộ phận trong chuỗi cung ứng nội tạng với Epoch Times. “Việc phân phối lợi ích trước hết là cho bệnh viện. Bệnh viện là một mắt xích của việc phân phối và cũng liên quan đến việc cảnh sát kiểm tra thông tin giúp bạn.”
Mời xem Phần I: Sự thật đằng sau cái gọi là “tự nguyện hiến tạng” qua Chữ thập Đỏ TQ
-***-
Người nhà đưa tiền, giám đốc trung tâm ghép tạng nhanh chóng tìm được tạng phù hợp
Ông Lương Tân nói với Epoch Times: “Rất nhiều việc, ngoài mặt thì những người này đều rất đường hoàng nói trước mặt mọi người rằng chúng ta hiến tạng, trao yêu thương và cống hiến. Nhưng thực tế trong tâm họ đều chỉ nghĩ về chúng như một món hàng.”
Ông nói rằng việc cấy ghép tại Liêu Ninh khá nổi tiếng. “Nó có thể được thực hiện bất cứ lúc nào, thậm chí là (nội tạng) được gọi từ bên ngoài.”
“Nhưng làm thế nào để nhanh chóng tìm được tạng phù hợp? Điều này phụ thuộc vào việc gia đình người cấy ghép tạng có đưa tiền không, hoặc các biện pháp khác. Chẳng hạn như tìm giám đốc trung tâm cấy ghép, sau đó thực hiện một số thủ thuật phía sau, để có được hạn ngạch cấy ghép. Ở Trung Quốc Đại Lục chỉ cần có tiền là có thể làm được.”
Ông Lương Tân nói: “Ngay khi tôi gặp được tạng phù hợp sẽ lập tức ghép cho bạn. Đôi khi phải mất một tuần để tìm được người cấp tạng phù hợp.”
Nguyên ban đầu nói với người nhà cậu thanh niên hiến tạng 28 tuổi vào tháng 10 năm ngoái rằng chỉ lấy một lá gan và hai quả thận. Nhưng ông Lương Tân tiết lộ: “Sau đó, giám đốc trung tâm cấy ghép tạng của chúng tôi đã liên hệ với giám đốc phẫu thuật lồng ngực, nói rằng hiện giờ có một người cấp tạng như vậy, để giám đốc phẫu thuật lồng ngực bên đó có thể tiến hành ghép tim.”
Ông cho biết do phải lấy thêm một quả tim nên khi ký lời khai, Hội Chữ thập đỏ đã không đồng ý. Kết quả là không mổ lấy gan, mà lấy thận và tim. “Trái tim đã được trao cho một chàng trai 27 tuổi”. “Kỳ thực, thủ đoạn này rất vô liêm sỉ.”
Nếu người nhà của người cấp tạng bị lừa “trao yêu thương”, bệnh viện thậm chí còn tiết kiệm được một khoản chi phí dành cho người cấp tạng
Một lá gan và hai quả thận có thể ghép cho 3 người. Nếu lấy được tim thì người thứ 4 có thể được cấy ghép. Điều kiện bảo quản giác mạc rất khắc nghiệt. Nên bình thường ông Lương Tân và những nhân viên phân phối nội tạng khác thường không nói về việc lấy giác mạc, trừ trường hợp đặc biệt.
Đối với một ca ghép tạng được thực hiện nhờ hiến tạng, bệnh viện tính phí lên tới 1,45 triệu nhân dân tệ (khoảng 5,2 tỷ VNĐ). Ông Lương Tân giới thiệu chung về việc phân phối số tiền 1,45 triệu nhân dân tệ này.
Ông Lương Tân nói: “Trong số 1,45 triệu tệ đó, trừ đi các khoản chi phí (liên quan đến việc cấp tạng) mà bệnh viện có thể chịu, như chi phí y tế 100.000 nhân dân tệ (khoảng 356 triệu VNĐ), chi phí tang lễ khoảng 20.000 nhân dân tệ (khoảng 71 triệu VNĐ). Ngoài ra còn có một khoản phí cấp tạng tối đa là 10.000 nhân dân tệ (khoảng 35,6 triệu VNĐ). Đại khái còn lại khoảng hơn 1,2 triệu tệ (khoảng 4,2 tỷ VNĐ).”
“Trung tâm cấy ghép cụ thể sẽ ra ngoài thỏa thuận chi bao tiền cho người cấp tạng. Bệnh viện sẽ không lo việc này. Bệnh viện chỉ đưa ra khung phí. Ví dụ, bệnh viện nói với bạn rằng số tiền này tối đa có thể lên đến 200.000 nhân dân tệ (khoảng 713 triệu VNĐ). Sau đó họ sẽ nói cho phía dưới biết rằng tối đa có thể thỏa thuận ở mức 100.000 nhân dân tệ (khoảng 356 triệu VNĐ).”
Ông Lương Tân nói rằng đôi khi bệnh viện còn tiết kiệm được cả một khoản trả cho người cấp tạng.
Ông kể một ví dụ. Một người đàn ông ngoài 50 tuổi được đưa đến bệnh viện vì đột nhiên bị xuất huyết não. Sau đó bệnh viện đến nói chuyện với người nhà bệnh nhân về việc mổ lấy nội tạng. “Gia đình này rất tử tế. Khi nghe thấy đây là việc trao yêu thương, họ cũng muốn làm điều tốt, bèn nói rằng họ không cần số tiền này. Cuối cùng họ không lấy số tiền này, nên bệnh viện đã tiết kiệm được một khoản.”
Ông nói rằng bệnh viện sẽ lừa dối người nhà bệnh nhân bằng những lời dối trá như “trao yêu thương” này. “Nhưng thực chất phía sau lại là một mạng lưới lợi ích, là việc tiết kiệm một khoản chi phí cho họ.”
Ông Lương Tân nói rằng việc phân chia lợi ích trước hết là dành cho bệnh viện. Điều phối viên chỉ nhận được 2.000 hoặc 3.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu hoặc 10 triệu VNĐ) cho mỗi lần thành công. “Số tiền này cũng không đến lượt chúng tôi (điều phối viên nội tạng). Giám đốc trung tâm cấy ghép và bác sĩ sẽ kiếm được số tiền đó. Các bác sĩ kiếm được tiền hoa hồng nhờ vào phẫu thuật. Tôi cũng không biết chi tiết.”
Giám đốc trung tâm ghép tạng phải chia chác cho công an, lãnh đạo bệnh viện…
Ông Lương Tân nói rằng 1,45 triệu nhân dân tệ thực sự là phí cấy ghép do người được ghép tạng chi trả. Nhưng chi phí thực tế chỉ dùng đến khoảng một nửa.
“Nói thế này nhé. Một ca phẫu thuật ghép gan 550.000 nhân dân tệ (khoảng 1,96 tỷ VNĐ), thì có đến 250.000 nhân dân tệ (khoảng 891 triệu VNĐ) được dùng để mua thuốc men. Loại thuốc đó rất đắt, là thuốc nhập khẩu, gồm cả dung dịch bảo quản UW mà tôi đã nói. Loại dung dịch đó cần khoảng 8 túi để bảo quản một lá gan, mỗi túi có giá 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu VNĐ).”
Ông Lương Tân nói: “Sau khi trừ tiền thuốc men (những chi phí loại này), vẫn còn khoảng 600.000 đến 700.000 nhân dân tệ (khoảng 2,1 tỷ VNĐ đến 2,48 tỷ VNĐ). Số tiền đáng hổ thẹn này đều nằm trong tay giám đốc trung tâm cấy ghép tạng.”
“Ông ấy sẽ không nuốt hết một mình. Ông ấy cần trích một khoản cho người cung cấp thông tin cho mình, hoặc lãnh đạo bệnh viện cũng được chia phần.”
Ông nói rằng nếu phải nhờ đến cảnh sát giúp kiểm tra thông tin, thì cũng phải chia chác một chút cho cảnh sát. Thông tin của điều phối viên đều đến từ các giám đốc. Còn thông tin cần kiểm tra đến từ hệ thống an ninh công cộng. Hệ thống an ninh công cộng ở Đại Lục có đầy đủ mọi thông tin. “Có thể kiểm tra tình hình gia đình của người cấp tạng. Thông thường giám đốc trung tâm ghép tạng sẽ kiểm tra thông tin của người này ở nông thôn thông qua hệ thống an ninh công cộng, sau đó xem xét nghề nghiệp của họ.”
Sau khi tiếp xúc với thứ gọi là hiến tạng và lợi nhuận khổng lồ phía sau việc cấy ghép tạng, ông Lương Tân thở dài: “Mỗi lần nhìn thấy người nhà của người hiến tạng, tôi thực sự không nhẫn tâm. Nói thẳng ra, đây chính là việc người giàu dùng tiền để đổi lấy mạng sống của người nghèo.”
Ông Lương Tân cũng nói: “Rất nhiều nội tạng ở Thiên Tân có nguồn gốc không chính đáng.”
Truyền thông Đại Lục vạch trần hoạt động phân phối nội tạng hỗn loạn
Ngày 17/4 “South-West Commercial News” đưa tin rằng các bác sĩ ở nhiều nơi đã bị kết án vì mổ lấy nội tạng bất hợp pháp. Thông tin này đã tiết lộ bức màn đen về việc nhanh chóng thu thập nội tạng của người cấp tạng tại Bệnh viện Cấy ghép tạng Bắc Kinh thuộc các quận xa xôi ở An Huy. Điều này cũng xác nhận các tình huống do ông Lương Tân tiết lộ thực sự có tồn tại tại các bệnh viện khắp Đại Lục.
Tài liệu pháp lý liên quan cho thấy người hiến tạng là Lê Bình, một phụ nữ đến từ thị trấn Hà Lưu, huyện Hoài Nguyên, tỉnh An Huy. Cô bị con riêng của chồng mình dùng rìu chặt vào đầu và cổ ngày 11/2/2018 và được đưa đến điều trị tại phòng ICU (phòng chăm sóc đặc biệt) tại Bệnh viện Nhân dân huyện Hoài Nguyên.
Ông Dương Tố Huân, giám đốc ICU của bệnh viện, đã ngay lập tức thảo luận về việc thu nhận nội tạng với chồng và một cô con gái của người hiến tạng. Đồng thời chuyển thông tin về người hiến tạng cho các bác sĩ tại Bệnh viện ghép tạng Bắc Kinh. Sau đó, bác sĩ Vương Hải Lương khoa lồng ngực Bệnh viện Lô Lĩnh, trực thuộc Bệnh viện mỏ Hoài Bắc, tỉnh An Huy, và thân nhân của người hiến tạng đã ký một thỏa thuận về đơn đăng ký hiến tạng. Giá một lá gan và hai quả thận là 200.000 nhân dân tệ (khoảng 713 triệu VNĐ).
Ba ngày sau, ngày 15/2, người hiến tạng được tuyên bố là đã chết. Gan và thận của cô được lấy ra trên một chiếc xe cấp cứu cải trang và đưa đến một bệnh viện ghép tạng ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tại Trung tâm quản lý hiến tạng Trung Quốc vẫn chưa có thông tin về việc “hiến” tạng của những người này.
Theo báo cáo, 11 trường hợp mổ lấy nội tạng kiểu này đã được thực hiện tại huyện Hoài Viễn. Ba bác sĩ liên quan đến vụ án từng có tư cách OPO (tổ chức thu thập tạng được cấp phép). Trong đó ông Hoàng Tân Lập là ủy viên Nhóm Quản lý và Hiến tạng thuộc Chi nhánh Cấy ghép tạng của Hiệp hội Y tế Giang Tô lúc đó.
Trước đó Epoch Times đã có được một tài liệu nội bộ của COTRS (Hệ thống máy tính phân phối và chia sẻ nội tạng người ở Trung Quốc). Tài liệu liệt kê sự hỗn loạn trong việc phân phối nội tạng, cho thấy COTRS chỉ là một chiêu bài.
Sự hỗn loạn được liệt kê trong tài liệu gồm nhiều vấn đề thao túng dòng chảy của nội tạng rất đáng ngờ. Ví như nguồn cấp tạng bất minh, cấp tạng trước, phân phối sau, tỷ lệ “đăng ký tình huống đặc thù” quá cao, làm sai lệch dữ liệu người hiến tạng một giờ trước khi OPO cấp bệnh viện phân bổ. Ngoài ra còn thay đổi dữ liệu người chờ ghép tạng một giờ trước khi bệnh viện cấy ghép phân phối, hay tạm thời bổ sung danh sách người chờ vào danh sách chờ và lấy tạng đã được phân bổ.
“Hệ thống máy tính chia sẻ và phân phối tạng Trung Quốc” (COTRS) được Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra vào năm 2011. Hệ thống này đã được triển khai tại 165 bệnh viện được ĐCSTQ chứng nhận đủ điều kiện cấy ghép tạng được thành lập tại các bệnh viện Trung Quốc (Gọi tắt là OPO).
Xem tiếp Phần 3
Theo Cố Hiểu Hoa, Trương Hồng, Cao Tịnh, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Cấy ghép nội tạng hiến tạng mua bán nội tạng Hội Chữ Thập Đỏ Dòng sự kiện Mổ cướp nội tạng Ghép tạng