Điều phối viên nội tạng: Người ‘hiến’ tạng co giật khi bị mổ lấy tạng
- Epoch Times
- •
Các điều phối viên hiến tạng được Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thổi phồng là “cầu nối” giữa sự sống và cái chết. Ngoài việc vận động gia đình người hiến tạng đồng ý cho mổ lấy nội tạng, thì hỗ trợ hoàn thành việc mổ lấy nội tạng cũng là một mắt xích quan trọng của quá trình làm việc của họ. Do đó họ cũng chứng kiến nhiều câu chuyện sau bức màn đen mà người ngoài không biết.
Xem lại Phần 1: Sự thật đằng sau cái gọi là “tự nguyện hiến tạng” qua Chữ thập Đỏ TQ
và Phần 2: Điều phối viên nội tạng ở TQ tiết lộ việc phân chia lợi nhuận cấy ghép tạng
-***-
“Tôi cũng đã vào phòng phẫu thuật. Khi (nội tạng) được mổ, người này đã chết não, nhưng có thể không chết não hoàn toàn, mà vẫn còn một chút tri giác. Khi (nội tạng) được thu hoạch, người ấy sẽ nẩy người lên và co giật. Điều này đã phản ánh rằng họ chưa chết não hoàn toàn.”
Ông Lương Tân (bút danh), điều phối viên ghép tạng tại tỉnh Liêu Ninh, đã mô tả cảnh tượng mà ông nhìn thấy với phóng viên của Epoch Times: “Ví dụ, cánh tay và tứ chi sẽ co giật một chút khi con dao phẫu thuật cắm xuống và lồng ngực được mở ra.”
“Những người hiến tạng này đều (được nói là) chết não, nhưng họ chưa chết, mà chỉ rơi vào tình trạng hôn mê, không thể thở chủ động. Nhưng xét một cách nghiêm khắc, một số người không đến mức chết não, và số này cũng rất nhiều.”
Ông cũng nói: “Tôi có cả giấy tờ chứng minh của người hiến tạng và giấy chứng tử. Việc cấp giấy chứng tử là chuyện bình thường. Nhưng nguyên nhân tử vong sẽ được ghi là suy hô hấp tuần hoàn. Ghi như vậy là vì điều này thuộc về cái chết tự nhiên.”
Thời gian chết của người cấp tạng do bác sĩ quyết định
Giới truyền thông Đại Lục mô tả công việc của điều phối viên nội tạng là một cuộc chạy đua với thời gian. Bởi việc lấy tạng trong vòng 2 tuần trở xuống từ hệ thống tim phổi của người hiến tạng là rất quan trọng đối với tỷ lệ thành công của ca cấy ghép.
Tuy nhiên, các báo cáo của giới truyền thông Đại Lục cũng tiết lộ những điều kỳ quặc. Trong một báo cáo trên kênh truyền thông Đại Lục “Cover News” ngày 1/4/2021, cô Lưu Linh Lị, điều phối viên hiến tạng của Bệnh viện Hoa Tây (West China Hospita) thuộc Đại học Tứ Xuyên cho biết: “Trước khi hệ thống hỗ trợ tim phổi bị loại bỏ, mới là thời khắc khó khăn nhất.” Nhịp tim của bệnh nhân, nhịp thở vẫn còn, nhưng não bộ đã mất chức năng kiểm soát. Họ chỉ cách quan niệm “chết” truyền thống bằng khoảng cách của một chiếc máy thở.
Sự sống chết của người cấp tạng chỉ được đo bằng khoảng cách của máy thở, và người quyết định sự sống chết ấy chính là các bác sĩ.
Ông Lương Tân nói với Epoch Times: “Như một người tôi gặp trước đây, hoàn cảnh gia đình anh ấy rất nghèo. Anh ấy vẫn có thể được cứu sống, nhưng gia đình không cho chữa trị. (Bác sĩ) đã bỏ đói anh ấy một tuần rồi. Cuối cùng khi đủ điều kiện, (tạng này) mới được hiến.”
Ông Lương Tân gặp phải tình huống này không chỉ một lần. Ông đã gặp lại sự việc như thế này một lần nữa vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái. Người hiến tạng là một tù nhân được gửi đến từ nhà tù.
Người đầu tiên mà ông Lương Tân và các đồng nghiệp của mình tiếp xúc là cai ngục. Những gì họ biết được từ cai ngục là người hiến tạng là người dân tộc Di ở Tứ Xuyên, bị bắt vì buôn bán ma túy ở Vân Nam. Đầu tiên người này bị giam giữ tại một nhà tù ở Vân Nam, sau đó bị chuyển đến Liêu Ninh. Ông Lương Tân nói: “Có rất nhiều nhà tù ở Mã Tam Gia, tỉnh Thẩm Dương. Cụ thể là những nhà tù nào tôi cũng không biết.” “Anh ấy được đưa đến bệnh viện từ nhà tù, nhưng nguyên nhân gây bệnh cụ thể có thể là do bị đánh đập.”
Ông Lương Tân cho rằng đồng nghiệp của ông đã lừa dối gia đình người hiến tạng đến từ Tứ Xuyên. Gia đình người cấp tạng quả thực rất khó khăn và thuộc nhóm yếu thế. Họ thương lượng qua lại giá nội tạng chừng 5, 6 ngày. Cuối cùng cũng xong, giá thương lượng là 50.000 tệ (khoảng 178 triệu VNĐ).
Khi đó, bệnh viện nơi người cấp tạng ở không có điều kiện lấy tạng nên giám đốc bệnh viện đã cung cấp thông tin người cấp tạng cho những người như ông Lương Tân. “Nói thẳng ra (bệnh viện) đã dùng thuốc để kéo dài sự sống của người đàn ông này. Họ tiêm cho anh ấy một loại thuốc kích thích, gây hưng phấn.” Ông Lương Tân cho biết, sau khi chuyển người cấp tạng đến Bệnh viện Đại học Y, “người nhà đột nhiên đổi ý, không đồng ý nữa. Nên tạm thời phải đưa thêm 50.000 nhân dân tệ (khoảng 178 triệu VNĐ) cho họ.”
Trong quá trình thương lượng giá bán nội tạng, người cấp tạng sẽ được các bác sĩ kéo dài sự sống. “Dùng thuốc có thể kéo dài sự sống khoảng 5 hoặc 6 ngày. Theo lời của ICU, có thể sử dụng thuốc, muốn để anh ấy sống đến lúc nào thì sống, chết lúc nào thì chết. Việc kiểm soát thời gian tử vong có thể đạt được về mặt y học”, ông Lương Tân nói.
“Người này đã ‘hiến’ một lá gan và hai quả thận. Người hiến tạng được đưa đến sẽ được tận dụng triệt để.” Ông nói: “Tất cả các loại tạng phù hợp đều có trong kho phù hợp.”
Nội tạng của học viên Pháp Luân Công có lẽ vẫn đang được sử dụng
Ông Lương Tân cũng nói với Epoch Times rằng: “Không thể tìm thấy nội tạng ở nước ngoài, nhưng lại có thể tìm thấy nội tạng bất cứ lúc nào ở chỗ chúng tôi. Bởi tất cả dữ liệu và thông tin trên khắp đất nước đều ở đây.”
Ông cho biết: “Tôi nghĩ (nội tạng của học viên) Pháp Luân Công có lẽ vẫn đang tồn tại. Bởi hàng năm họ đều phải viết một số báo cáo chính trị, và sẽ đề cập đến Pháp Luân Công. Tôi nghĩ tình trạng này sẽ vẫn tồn tại, nhưng tôi không thể đụng đến.”
Ông Lương Tân cũng tiết lộ trải nghiệm đặc biệt trong công việc của giám đốc bộ phận thuộc Bệnh viện Đại học Y. Ông cho rằng họ sớm đã biết về việc mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công.
“Năm 2003, ông ấy (giám đốc) được nhận vào bệnh viện này (Bệnh viện Đại học Y) từ Bệnh viện Huyết khối ở Tô Gia Đồn (Bệnh viện Huyết khối tỉnh Liêu Ninh kết hợp Trung y và Tây y). Nhưng ông ấy thi vào khoa cấy ghép tạng. Bệnh viện Huyết khối Tô Gia Đồn sao lại nhận người thi cấy ghép tạng? Sao lại thi vào đây?”
“Năm 2003 là thời kỳ cao điểm thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công mà các bạn (Epoch Times) đã nói. Nhưng người ngoài cuộc sẽ không hiểu. Tôi chỉ phân tích tình hình theo mốc thời gian. Tại sao giám đốc lại đột ngột chuyển từ bệnh viện đó (Bệnh viện Huyết khối) đến bệnh viện này”, ông Lương Tân phân tích.
“Một số điều chúng tôi cũng không nắm rõ. Như người tù nhân đó, giám đốc của chúng tôi biết rất rõ nhưng ông ấy sẽ không nói. Ông ấy chỉ thương lượng giá cả, thành công là xong chuyện. Ông ấy sẽ không nói cho chúng tôi biết tình hình thực tế.”
Tội ác thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân còn sống của ĐCSTQ lần đầu được phơi bày tại Bệnh viện huyết khối Tô Gia Đồn. Kể từ tháng 3/2006, nhiều nhân chứng đã cáo buộc ĐCSTQ giam giữ hàng ngàn học viên Pháp Luân Công ở Tô Gia Đồn, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Họ đã thu hoạch một lượng lớn nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống để kiếm lời, và thiết lập một lò đốt riêng để đốt xác của các học viên nhằm bịt đầu mối.
Ngày 20/3 năm đó, Epoch Times đã đăng một bài báo với tiêu đề “Vợ của bác sĩ phẫu thuật chính tiết lộ bức màn đen thu hoạch nội tạng tại Tô Gia Đồn”. Annie, người có chồng cũ tham gia mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công, đã làm chứng rằng Trại tập trung Tô Gia Đồn được thành lập tại Bệnh viện Huyết khối kết hợp Trung y và Tây y Tô Gia Đồn, tỉnh Liêu Ninh. Từ năm 2001 đến năm 2003, bệnh viện này đã giam giữ khoảng 6.000 học viên Pháp Luân Công và hơn 4.000 người đã bị thu hoạch tạng khi vẫn còn sống. Chồng cũ của Annie là một bác sĩ phẫu thuật não tại Bệnh viện Huyết khối.
Sự kiện Tô Gia Đồn đã đưa tội ác mổ cướp sống nội tạng các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ ra ánh sáng, khiến cộng đồng quốc tế chấn động. Luận điệu của ĐCSTQ về nguồn nội tạng cũng đầy mâu thuẫn.
Ngày 10/4/2006, ĐCSTQ tuyên bố nguồn cấy ghép nội tạng chính ở Trung Quốc là do các công dân tự nguyện hiến tặng khi qua đời. Nhưng đến tháng 11/2006, ông Hoàng Khiết Phu, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế ĐCSTQ, đã đổi giọng khi thừa nhận rằng: “Phần lớn các ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc đều đến từ các tù nhân bị hành quyết.”
Dưới áp lực quốc tế, tháng 3/2010, ĐCSTQ tuyên bố khởi động chương trình thí điểm hiến tạng người. Công việc của ông Lương Tân, với tư cách là một điều phối viên nội tạng người, đã ra đời trong bối cảnh này.
Viện trưởng Viện Ghép tạng của Đại học Y vào phòng chăm sóc đặc biệt ICU
Ông Lương Tân cho biết: “Điều tôi có thể khẳng định bây giờ là sau năm 2015, tôi chưa thấy (nội tạng của) tử tù nào được công khai. Nhưng điều đó đã xảy ra trước năm 2015. Cụ thể là, sau năm 2015 sẽ không sử dụng nội tạng của tử tù nữa. Tôi không có cơ hội tiếp xúc, hoặc không có việc đó.”
Tuy nhiên, ông Lương Tân nói rằng ông đã nghe nói về các tử tù, họ bị mổ cướp nội tạng khi còn chưa chết. “Kéo lên xe cấp cứu và trực tiếp cắt đứt động mạch của người đó. Điều này tương tự như việc mổ cướp tạng khi người vẫn còn sống. Bởi họ không chết hoàn toàn tại thời điểm đó. Vì tử hình rồi thì còn tiêm thuốc mê làm gì. Nên họ sẽ cảm thấy đau đớn, thậm chí la hét. Nếu nói là cắt đứt động mạch sau khi mở lồng ngực thì không đúng, bởi cắt đứt động mạch thì người ấy đã chết rồi”, ông nói.
“Cũng có những người hiến tạng nguồn gốc bất minh. Chúng tôi từng gặp trường hợp này trước đây.” Ông cho rằng từ góc độ của Hội Chữ thập Đỏ, họ sẽ chỉ đôn đốc bệnh viện tìm người nhà trực hệ của người hiến tạng.
Tổ chức Điều tra Quốc tế ở nước ngoài đã công bố “Báo cáo Điều tra về Tội phạm quy mô quốc gia của ĐCSTQ – Thu hoạch sống nội tạng các học viên Pháp Luân Công.” Báo cáo nói rằng ĐCSTQ tuyên bố sử dụng nội tạng của tử tù trước năm 2015 để cấy ghép tạng, sau năm 2015 họ chỉ sử dụng nội tạng được hiến. Tuy nhiên, đây chỉ là những trò gian lận khác nhau vào những thời điểm khác nhau.
Ông Lương Tân, người biết về tội ác mổ ghép tạng ở Trung Quốc Đại Lục, tin rằng ông Lưu Vĩnh Phong, Giám đốc Viện Cấy ghép Nội tạng của Đại học Y Trung Quốc, có thể đã bị quả báo.
Ông tiết lộ với các phóng viên rằng: “Ông Lưu Vĩnh Phong đang hấp hối. Hiện ông ấy đang ở trong phòng ICU. Căn bệnh mà ông ấy mắc phải không nặng lắm, nhưng không hiểu sao bệnh tình lại đột ngột xấu đi và ông ấy đang hấp hối. Căn bệnh ông ấy mắc phải 2 tháng trước hình như là u mạch máu. Đây không phải là một căn bệnh quá phức tạp, nhưng đột nhiên bệnh tình lại xấu đi. Tôi đoán đây chính là quả báo.”
Ông Lương Tân đã tiếp xúc với một số bức màn đen trong lĩnh vực cấy ghép tạng ở Trung Quốc Đại Lục vì ông là một điều phối viên ghép tạng. Ông nói: “Tôi muốn nhiều người hơn biết về điều này. Tôi hy vọng hy sinh bản thân, để có thể thức tỉnh hàng chục ngàn người.”
Hết.
Theo Cố Hiểu Hoa, Trương Hồng & Cao Tịnh, Epoch Times
Từ khóa Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng Cấy ghép tạng thu hoạch tạng mua bán nội tạng Hội Chữ Thập Đỏ Dòng sự kiện Tự nguyện hiến tạng