Tổng kết 2021: 7 “tê giác xám” của ông Tập Cận Bình
- Ninh Hải Trung
- •
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã họp vào ngày 6/12 và nhấn mạnh rằng công tác kinh tế năm tới sẽ “coi ổn định đứng đầu.” Hội nghị cũng cho rằng cần mở rộng nhu cầu trong nước, tìm kiếm “6 ổn định, 6 bảo đảm”, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sự ổn định của Đại hội Đại biểu Toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20. Nhưng liệu có thể giữ vững được bao lâu?
Thông tin công khai cho thấy, vào tháng 7/2018, cuộc họp Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần đầu tiên đã đề xuất “6 ổn định”, tháng 4/2020 “6 đảm bảo” cũng được đưa ra.
“6 ổn định và 6 bảo đảm” lần lượt là: Ổn định việc làm, ổn định tài chính, ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài, ổn định đầu tư, ổn định công việc dự kiến; đảm bảo việc làm của người dân, đảm bảo sinh kế cơ bản, đảm bảo các đối tượng tham gia thị trường, đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, đảm bảo chuỗi cung ứng công nghiệp ổn định và đảm bảo nhiệm vụ hoạt động ở cơ sở.
Tiến sĩ Tạ Điền, giảng sư tại Học viện Kinh doanh Aiken, thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ, đã phân tích với Epoch Times rằng năm nay là một năm “bản lề”. ĐCSTQ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện. Ông tin rằng các nhà chức trách nhắc lại “6 ổn định” và “6 đảm bảo” của nền kinh tế, “chính vì lo sợ nền kinh tế sẽ rơi vào hỗn loạn và bất ổn. Đây là nỗi lo lớn nhất của họ.”
Gần đây, thông tin cho rằng chính quyền Tập Cận Bình “nuôi” nhiều “tê giác xám” đã được lan truyền rộng rãi trên các kênh truyền thông dòng chính. “Tê giác xám” vốn là một thuật ngữ tài chính, dùng để chỉ những sự kiện hiển nhiên nhưng bị bỏ qua và cuối cùng gây ra những cuộc khủng hoảng lớn.
Phóng viên Epoch Times đã thống kê tình hình kinh tế năm 2021, và có thể thấy ít nhất 7 con “tê giác xám” kinh tế.
1. Khủng hoảng nợ bất động sản
Thị trường bất động sản Trung Quốc đã “thịnh vượng ảo” trong nhiều thập kỷ. Ước tính có khoảng 20% đến 25% tổng số căn hộ ở nước này bị bỏ trống. Nhiều thị trấn ma và tòa nhà ma xuất hiện khắp nơi. Bước sang năm 2021, cuộc khủng hoảng nợ liên tục đã khiến ngành này rơi vào thảm cảnh.
Đầu năm 2021, tập đoàn bất động sản Trung Quốc – China Fortune Land Development (CFLD – Hoa Hạ Hạnh Phúc) lần đầu tiên đưa ra thông báo vỡ nợ. Trụ sở chính và các công ty con của tập đoàn này có các khoản nợ quá hạn, liên quan đến tổng số tiền gốc và lãi là 5,255 tỷ nhân dân tệ (NDT, khoảng 825,87 triệu USD).
Ông Vương Văn Học, Chủ tịch CFLD, tuyên bố tại cuộc họp điều phối nợ ngày 1/2 rằng China Fortune Land Development sẽ có hàng trăm tỷ nhân dân tệ đến hạn trong năm nay. Với quỹ sổ sách hiện có, công ty sẽ mất khả năng thanh toán. Tính đến ngày 30/11, China Fortune thông báo tổng gốc và lãi khoản nợ vỡ nợ của công ty đạt 101,304 tỷ NDT (khoảng 15,92 tỷ USD).
Tháng 9 năm nay, Evergrande Group (Hằng Đại), công ty bất động sản Trung Quốc nợ nần chồng chất, đã chính thức thông báo về sự bùng nổ của một cuộc khủng hoảng toàn diện trong ngành bất động sản Trung Quốc. Rủi ro vỡ nợ của Evergrande vượt quá 300 tỷ USD.
Ảnh trụ sở Thâm Quyến của Evergrande. (Ảnh: Noel Celis / AFP qua Getty Images)
Sau khi Tập đoàn Evergrande không thực hiện được khoản trái phiếu phát hành riêng lẻ trị giá 260 triệu đô la Mỹ vào ngày 3/12, ĐCSTQ đã ngay lập tức cử một nhóm công tác tới đóng quân tại đây.
Giới chức cho rằng cuộc khủng hoảng Evergrande là một trường hợp riêng lẻ. Nhưng ông Hoàng Thế Thông (Edward Huang), chuyên gia tài chính Đài Loan nói với Epoch Times rằng tuyên bố này là một biểu hiện nhằm ngăn tình hình trở nên tồi tệ hơn.
“Kỳ thực, đây không phải chỉ là một trường hợp riêng lẻ. Ngoại trừ Evergrande, còn có rất nhiều công ty như Fantasia Holdings (Hoa Dạng Niên) của Tăng Bảo Bảo, Tập đoàn công nghệ Kaisa (Gia Triệu Nghiệp) có thể sẽ đều lần lượt xuất hiện vấn đề. Trên thực tế, đây là cách nói có đôi chút bị che đậy.”
Ngoài Evergrande, Fantasia, Kaisa, Greenland Holdings, Sunshine City, Công ty bất động sản R&F Properties, Xinyuan (Hâm Uyển) Real Estate, Modern Land, China Aoyuan (Úc Viên), Sunshine 100 liên tiếp gặp sự cố. Sunshine 100 vỡ nợ và lãi lên đến 179 triệu USD đáo hạn thanh toán vào tháng 12/5.
Ngày 3/12, Kaisa đã thông báo rằng lời đề nghị trao đổi và lời kêu gọi đồng ý cho các trái phiếu ưu đãi 6,5% đến hạn vào ngày 7/12 đã hết hạn, nghĩa là nỗ lực tìm kiếm thêm thời gian để trả nợ đã thất bại. Tổng nợ gốc của trái phiếu này là 400 triệu USD. Ngày 8/12, công ty này đã thông báo về việc tạm ngừng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, “chờ công ty đưa ra thông báo có chứa thông tin nội bộ.”
Trước đó, ông Nhâm Trọng Đạo, nhà nghiên cứu Nhóm Chính trị Kinh tế Thiên Quân đã nói với Epoch Times: “Nếu khoản nợ (bất động sản) ngày càng lớn hơn, nó sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính. Đối với hệ thống tài chính, một khi khủng hoảng xảy ra, chắc chắn sẽ khiến toàn bộ nền kinh tế sụp đổ.”
Trong vài tháng qua, khi các nhà phát triển ngày càng khó kiếm được tiền mặt để trả các khoản nợ tăng cao, ngành bất động sản của Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu rơi vào trạng thái căng thẳng.
Kể từ giữa tháng 10 năm nay, với lý do khủng hoảng tài chính, 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng quốc tế gồm Fitch, S&P Global Ratings (S&P) và Moody’s đã nhiều lần hạ bậc xếp hạng các công ty bất động sản Trung Quốc, như China Aoyuan (Úc Viên), Kaisa Group, Fantasia, Greenland Holdings và R&F Properties. Điều này gần như đã đóng lại cánh cửa mở ra thị trường tài chính nước ngoài cho các công ty bất động sản.
Nguồn vốn trong nước càng khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân thông thường, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà ở có rủi ro cao. “Ba lằn ranh đỏ” do ĐCSTQ đặt ra vào tháng 8/2020 đã trở thành “chốt chặn” trên con đường cung cấp tài chính cho các công ty bất động sản. Đây chính là ngòi nổ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng này.
“Ba lằn ranh đỏ” chỉ tỷ lệ nợ là hạn mức tài trợ cho các công ty bất động sản. Nghĩa là tỷ lệ nợ/ tổng tài sản sau khi loại trừ các khoản dự thu lớn hơn 70%; tổng nợ vay ròng/ vốn chủ sở hữu tối đa 100%; và tỷ lệ tiền mặt/nợ vay ngắn hạn dưới 1,0. Những doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu trên sẽ bị hạn chế vay tiền từ ngân hàng.
Theo số lượng “đường vi phạm”, các công ty bất động sản được chia thành 4 cấp độ “đỏ, cam, vàng và xanh lá cây”. Nếu cả 3 lằn ranh đỏ bị vi phạm, một nhà phát triển Bất động sản sẽ không được phép tăng cơ sở nợ.
2. Chính sách phòng chống dịch “zero COVID” đánh vào nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp vốn nước ngoài rút về nước
Để khống chế sự lây lan của virus Trung Cộng (COVID-19), ĐCSTQ vẫn luôn áp dụng chính sách nghiêm ngặt “xóa sổ ca nhiễm về 0” hay còn gọi là “zero COVID”. Hễ phát hiện những những ca lây nhiễm được chẩn đoán xác nhận, chính quyền sẽ huy động rất nhiều người tiến hành phong tỏa, xét nghiệm toàn dân và cách ly tập trung.
Nhưng trong khi số lượng ca nhiễm đã trở nên “đẹp đẽ” thì chính sách này lại trực tiếp cản trở sự phát triển kinh tế của chính Trung Quốc. Chính sách “xóa sổ ca nhiễm về 0” đại diện cho chi phí kinh tế tăng cao. Việc hạn chế đi lại và phong tỏa hết lần này đến lần khác, sẽ có tác động nghiêm trọng đến người tiêu dùng tuyến đầu, như ngành dịch vụ và tiêu dùng hộ gia đình, khiến niềm tin bị suy yếu.
Theo báo cáo của CNBC, trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước, Hao Zhou, nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Ngân hàng Deutsche Bank (Commerzbank), cho biết nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục kiên trì chiến lược “zero COVID”, nhu cầu nội địa của Trung Quốc sẽ bị gây áp lực.
Nhưng chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ nới lỏng các hạn chế trong một thời gian ngắn. Vậy nên trong vài quý tới, ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc về cơ bản sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại.
Theo số liệu GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) do Cục Thống kê ĐCSTQ công bố, quý đầu tiên của năm nay tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, quý II tăng 7,9% và quý III chỉ tăng 4,9%.
Trong 3 quý đầu năm 2021, tỷ lệ vỡ nợ trong nước của các công ty phi tài chính Trung Quốc đã tăng 19% lên 15,5 tỷ USD. Trong khi tỷ lệ vỡ nợ nước ngoài tăng 28% lên 7,8 tỷ USD.
Kể từ tháng 11, Thủ tướng Lý Khắc Cường của ĐCSTQ đã thừa nhận tại nhiều diễn đàn rằng các yếu tố bất ổn trong môi trường trong nước và quốc tế đã gia tăng, và nền kinh tế đang phải đối mặt với áp lực đi xuống mới.
Ông Lý Khắc Cường tuyên bố rằng để “chịu được áp lực đi xuống của nền kinh tế, chúng ta phải nỗ lực cải cách và mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hội nhập và ổn định chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng quốc tế.”
Tuy nhiên, chính sách “zero COVID” trong đại dịch đã khiến dòng vốn nước ngoài tiếp tục rút ra nhiều hơn.
Ông Ker Gibbs, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, đăng trên Facebook ngày 18/11, xác nhận rằng nhiều người nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc, “Tôi là một trong số họ.” Ông cho biết các hạn chế đi lại liên quan đến dịch bệnh là một phần lý do.
Ngày 6/10, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Hồng Kông cho biết, nhiều công ty Châu Âu đang cân nhắc rút khỏi Hồng Kông. Vì đặc khu này sử dụng chiến lược “zero COVID” của ĐCSTQ trong chính sách chống dịch, khiến nhiều công ty gặp khó khăn.
Về vận tải hàng hóa quốc tế, để ngăn chặn virus, Trung Quốc tiếp tục cấm tàu nước ngoài thay đổi thuyền viên và yêu cầu cách ly bắt buộc trong 7 tuần đối với các thuyền viên Trung Quốc trở về nước. Ngay cả những tàu thay đổi thủy thủ đoàn ở nơi khác cũng phải đợi 2 tuần mới được phép vào các cảng của Trung Quốc.
Ông Guy Platten, tổng thư ký của Phòng Vận chuyển Quốc tế (ICS), nói với Bloomberg rằng: “Bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động của tàu sẽ có tác động tích lũy đến chuỗi cung ứng.”
Ông Trương Chí Vỹ, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, đã viết trong một báo cáo vào tháng 8 rằng: “Giá của chính sách xóa sổ ca nhiễm về 0 là Trung Quốc sẽ bị cô lập.”
3. Tình hình thất nghiệp ngày càng xấu đi
Dưới danh nghĩa chống độc quyền, các nhà chức trách đã đi từ việc trấn áp những ‘gã khổng lồ’ công nghệ và chấn chỉnh ngành tài chính vi mô, sang đàn áp ngành giải trí, đến lệnh cấm “giảm kép” đối với giáo dục và đào tạo (giảm gánh nặng của bài tập về nhà quá mức và đào tạo ngoài trường cho học sinh trong giai đoạn giáo dục bắt buộc).
Điều này đã gây ra làn sóng đóng cửa doanh nghiệp tư nhân và cắt giảm nhân sự. Cùng với sự bùng nổ của các công ty bất động sản và quy mô của thương mại điện tử xuyên biên giới bị thu hẹp, ít nhất 10 triệu người đã mất đi kế sinh nhai.
Ví dụ như ngành bất động sản. Tờ Times Weekly của Đại Lục từng thống kê rằng tính đến đầu tháng 9 năm nay, ít nhất 274 công ty bất động sản ở Đại Lục đã tuyên bố phá sản. Trung bình mỗi ngày có một công ty đóng cửa. Trong năm qua, đã có hơn chục công ty bất động sản cắt giảm nhân sự, như Greenland, Evergrande, Suning Real Estate, Fantasia, Sunshine City, v.v.
Ngày 19/10, ByteDance xác nhận thông tin công ty này đã sa thải tới 70% nhân viên là sự thực. Kênh truyền thông Đại Lục ước tính điều này đồng nghĩa với việc gần 70.000 người có thể phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.
Trong những năm gần đây, khi năm mới đang đến gần, tin tức về việc sa thải nhân viên của các ‘gã khổng lồ’ Internet Trung Quốc nối tiếp nhau. Ngoài Tencent và ByteDance, Kuaishou, một nền tảng video ngắn, cũng báo cáo rằng họ sẽ sa thải 30% nhân viên.
Do nguyên liệu thô tăng cao và cắt điện, nhiều công ty sản xuất vừa và nhỏ cũng gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Điều này cũng khiến nhiều người thất nghiệp hơn.
Ngày 20/10, ông Ha Tằng Hữu, Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển ĐCSTQ, đã tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở khu vực thành thị của Trung Quốc trong tháng 9 là 4,9%, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm theo tháng là 0,2%, mức thấp nhất kể từ năm 2019. Con số này đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ.
Ngày 31/10, Tiến sĩ Tạ Điền tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ, nói với Thời báo Epoch Times: “Nền kinh tế hiện tại quá tệ. (ĐCSTQ) không thể thu hút đầu tư bằng cách bịa đặt tin tức giả về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.”
Ông nói rằng dữ liệu tỷ lệ thất nghiệp của ĐCSTQ rất dễ sai lệch và không có giá trị tham khảo thực sự. Ngoài ra, dữ liệu này không bao gồm dân số có hộ khẩu thường trú ngoài thành thị và lao động nhập cư.
Ông Lý Hằng Thanh, một nhà kinh tế tại Hoa Kỳ, nói với Epoch Times: “Không có thống kê chi tiết về lao động nhập cư ở Trung Quốc. Ngay cả khi Cục Thống kê Quốc gia có nó, họ cũng sẽ không công bố. Ngoại giới ước tính rằng lượng lao động nhập cư có lẽ chiếm từ 150 triệu đến 250 triệu người.”
Tháng 12 năm ngoái, ông Diêu Dương (Yao Yang), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, đã công khai tuyên bố rằng tỷ lệ thất nghiệp do Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ khảo sát, được công bố này ở mức khoảng 6%, chỉ gồm dân số có hộ khẩu ở thành phố. Nhóm người thất nghiệp chính là những người có hộ khẩu thường trú ngoài thành thị.
Cuối tháng 6 năm ngoái, một cuộc khảo sát với hơn 6.000 người của Viện này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc cao tới 15%. Ngoài ra còn có 5% ở trong tình trạng bán thất nghiệp. Tính trên dân số gần 800 triệu người có việc làm ở Trung Quốc Đại Lục, thời điểm đó có hàng trăm triệu người đã thất nghiệp.
Về việc ĐCSTQ thúc đẩy “ổn định việc làm” vào năm 2018 và “đảm bảo sinh kế cơ bản của người dân” từ năm 2020, Tiến sĩ Tạ Điền tin rằng điều này cho thấy việc “ổn định việc làm” đã không thành công. Vì nền tảng kinh tế đã bị lung lay, nên mới phải nhắc đến việc đảm bảo sinh kế cơ bản của người dân, “nghĩa là đảm bảo rằng về cơ bản bạn vẫn có thể sống tiếp.”
Ông Lý Hằng Thanh cho biết, gần 200 triệu lao động nhập cư hiện đã về quê và thất nghiệp. Hơn 10 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học cũng sẽ bước vào đội quân thất nghiệp, hiện đang là vấn đề đau đầu nhất của Bắc Kinh.
Theo số liệu từ Cơ quan Tài chính và Phát triển Quốc gia của ĐCSTQ, năm nay tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 20-24 tuổi có trình độ học vấn đại học ở Trung Quốc, vẫn luôn cao hơn 20%.
Trước đó học giả Trình Hiểu Nông cho biết trong một cuộc phỏng vấn với “Sound of Hope” (Đài Tiếng nói Hy Vọng) rằng nhiều sinh viên đại học đến từ các vùng nông thôn hoặc các thành phố vừa và nhỏ, khi về quê đã trở thành những kẻ “ăn bám người già”.
“Họ giờ đều là gánh nặng của gia đình. Họ nghĩ mình được học hành nên không thể đi làm công nhân nhập cư nữa, và cũng không muốn đi làm ruộng, nên ăn bám bố mẹ, dựa dẫm vào bố mẹ. Đồng thời trong lòng họ cũng tức giận. Sau đó hỏa khí bốc lên thành việc hàng ngày họ đều lên mạng xã hội hoặc vượt tường lửa đọc các tin tức hải ngoại và chửi bới ĐCSTQ. Vì họ hoàn toàn không còn lối thoát.”
4. Cuộc khủng hoảng năng lượng làm tăng nguy cơ gián đoạn kinh tế
Tháng 8 năm nay, ĐCSTQ chính thức bắt đầu chiến dịch “giảm lượng carbon”, và các chính sách như hạn chế sản xuất và dùng điện được đưa ra ở nhiều nơi. Nhưng một tháng sau, lại kéo theo tình trạng thiếu than và mất điện ở một số nơi. Tình trạng thiếu điện đã lan rộng ra hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và đời sống của người dân. Mạng xã hội đầy rẫy những tình huống gây ra bởi sự cố mất điện …
Trong nền kinh tế lấy công nghiệp làm chính của Trung Quốc, khoảng 56% nguồn năng lượng được cung cấp từ than đá.
Sau đó, các cơ quan chức năng lại yêu cầu đảm bảo nguồn cung ứng than, nỗ lực tăng sản lượng và cung ứng than trong điều kiện an toàn, tập trung đảm bảo nhu cầu than cho sản xuất điện và sưởi ấm.
Ngày 12/10, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của ĐCSTQ đưa ra thông báo cho phép tăng giá điện 20%. Theo đó, Trung Quốc Đại Lục mở ra làn sóng tăng giá. Giá dầu diesel liên tục tăng. Nhiều trạm xăng ở Trung Quốc cũng hạn chế đổ xăng, dẫn đến việc phải xếp hàng dài tại các trạm xăng.
Không chỉ các nguyên liệu thô như năng lượng, hóa chất tăng, giá dầu ăn, rau quả và trứng đều tăng. Thậm chí giá thịt lợn cũng tăng.
Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khủng hoảng mất điện. Các nhà quan sát ở nước ngoài đã đúc kết ra nhiều giả thuyết và lý do.
Ngoài việc các kênh truyền thông cửa giới chức công bố nguyên nhân là do bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Một lý do khác được lan truyền rộng rãi là do mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Úc, nên nước này đã ngừng nhập khẩu than của Úc (chiếm 28% lượng nhập khẩu của Trung Quốc).
Cũng có quan điểm cho rằng Trung Quốc cắt điện để mở đường cho việc tăng giá cung cấp điện. Cũng có ý kiến cho rằng việc cắt giảm điện có nghĩa là ĐCSTQ đã bước vào trạng thái thời chiến, chuẩn bị cho chiến tranh ở eo biển Đài Loan, Biển Đông, hoặc cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, v.v.
Bất kể vì lý do gì, việc Trung Quốc cắt điện ở nhiều nơi đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Nhiều thể chế phương Tây đã hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
5. Các doanh nghiệp Trung Quốc chịu áp lực cả bên trong và bên ngoài, nguồn vốn từ nước ngoài gặp trở ngại
Ngày 2/12, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã hoàn thành kế hoạch cuối cùng để tiến hành luật mới. Luật này yêu cầu các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ, phải tiết lộ liệu họ có thuộc sở hữu hoặc sự kiểm soát của một tổ chức chính phủ hay không. Đồng thời cung cấp bằng chứng các cuộc thanh tra kiểm toán.
Cổ phiếu khái niệm Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ đã giảm mạnh vào ngày 3/12. Tổng giá trị thị trường của chúng bốc hơi 108,3 tỷ USD chỉ sau một đêm.
Cùng ngày, ‘gã khổng lồ’ gọi xe trực tuyến Didi Chuxing của Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ hủy niêm yết tại Hoa Kỳ và chuyển đến niêm yết tại Hồng Kông. Chỉ trong vài giờ, giá cổ phiếu của công ty này đã đảo chiều từ mức tăng 16% thành mức giảm 12%.
Didi Chuxing bất ngờ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào tháng 6 năm nay. Sau đó hãng này đã phải hứng chịu hàng loạt đòn giáng từ phía Bắc Kinh. Được biết ngày 26/11, Cơ quan Quản lý Không gian mạng của ĐCSTQ đã yêu cầu Didi Chuxing lập kế hoạch hủy niêm yết khỏi Sàn giao dịch Chứng khoán New York, với lý do bảo mật dữ liệu và trình chính phủ phê duyệt.
Bloomberg chỉ ra rằng giá cổ phiếu của Didi giảm mạnh do áp lực hủy niêm yết từ ĐCSTQ. Điều này đã khiến cổ phiếu khái niệm Trung Quốc lỗ lũy kế hơn 1 nghìn tỷ USD kể từ mức cao nhất trong tháng Hai.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Lâm nói với The Epoch Times rằng nguồn tài chính ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc, hiện đang chịu áp lực cả bên trong và bên ngoài. Một mặt, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cảnh giác với việc đầu tư vào khoa học và công nghệ của ĐCSTQ. Mặt khác, ĐCSTQ yêu cầu các công ty Trung Quốc phải tuân theo luật của đảng. Nếu không, dù có niêm yết ở nước ngoài thì họ cũng phải trả giá đắt cho sự bất tuân này.
Ông nói rằng các công ty Trung Quốc hiện đang bị cản trở trong việc cung cấp tài chính tại Hoa Kỳ. Trong tương lai, về cơ bản họ sẽ tập hợp lại và niêm yết tại Hồng Kông. Trên thực tế, về phía Hồng Kông, các công ty đa quốc gia cũng đang rút lui khỏi đây. Kỳ thực, vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông đã bị lung lay. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến nguồn tài chính của các doanh nghiệp Trung Quốc trong tương lai.
Ngoài ra, một tình huống có thể dự kiến khác là đầu tư ra nước ngoài của ĐCSTQ vào các nước phát triển phương Tây cũng sẽ giảm. Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị loại khỏi giới kinh tế hàng đầu thế giới ở một mức độ nhất định. Điều này khá bất lợi cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc.
Thông tin mới nhất là ‘gã khổng lồ’ truyền thông xã hội Weibo của Trung Quốc đã lên sàn tại Hồng Kông vào thứ Tư (8/12). Ngay ngày đầu tiên niêm yết, cổ phiếu hãng này đóng cửa giảm 7,18%. Điều này càng phủ bóng đen lên khái niệm “rút khỏi Hoa Kỳ và trở lại Hồng Kông” của cổ phiếu khái niệm Trung Quốc.
Dưới áp lực chịu sự giám sát chặt chẽ kép của Trung Quốc và Hoa Kỳ, việc định giá các cổ phiếu khái niệm Trung Quốc từng “rất được săn đón” trên thị trường quốc tế ngày càng giảm.
6. Trước cú sốc chính trị, các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm, các doanh nghiệp Đài Loan rút lui
Dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nền kinh tế tư nhân chiếm hơn 60% nền kinh tế Trung Quốc và tạo ra hơn 80% việc làm, đang bị tấn công. Do ảnh hưởng từ các yếu tố chính trị, triển vọng của nó khó có thể dự đoán.
Tháng 4 năm nay, Alibaba đã bị phạt 18,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,85 tỷ USD), lập kỷ lục về số tiền phạt chống độc quyền của Trung Quốc từ trước đến nay. Những doanh nghiệp tư nhân khác cũng bị phạt nặng ở những mức độ khác nhau.
Theo dữ liệu, báo cáo tài chính quý 3 do Alibaba và JD.com (Công ty Thương mại Đông Kinh) công bố cho thấy lợi nhuận ròng của Alibaba là 28,52 tỷ NDT (khoảng 4,48 tỷ USD), giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. JD.com chuyển từ lãi thành lỗ, với mức lỗ một quý là 2,8 tỷ NDT (khoảng 439,97 triệu USD).
Xu hướng của chính trị Trung Quốc thường bắt đầu từ việc lấy ý kiến công chúng dưới sự “định hướng” của giới chức hoặc có đồng thuận ngầm. Sau khi nghị quyết lịch sử thứ 3 được ban hành tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa XIX vào tháng 11, Tư Mã Nam, một người cánh tả theo chủ nghĩa Mao, đã bất ngờ thách thức việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước của Tập đoàn Lenovo năm đó.
Trước đó, vào tháng 8 năm nay, các nhà chức trách đã cao giọng thúc đẩy “thịnh vượng chung” và “3 phân phối”. Sau đó, vào ngày 29/8, một bài báo của nhà văn Lý Quang Mãn, một người cánh tả theo chủ nghĩa Mao, đã được các trang web truyền thông lớn của đảng chuyển tiếp.
Bài báo tuyên bố rằng ĐCSTQ “đang trải qua một cuộc cải cách sâu sắc”, đồng thời điểm danh Ant Group, Didi, v.v., là những tập đoàn tư bản lớn, đi theo hướng “đối lập với chủ nghĩa xã hội”, nói rằng các công ty này cần được thanh lọc và chấn chỉnh.
Ngày 18/11, ĐCSTQ đã thành lập Cục Chống độc quyền Quốc gia. Tất nhiên không phải chống lại các xí nghiệp trung ương và xí nghiệp quốc doanh, dẫu rằng bản thân họ mới chính là những kẻ độc quyền. Nhiều dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đang có kế hoạch đàn áp hơn nữa các công ty tư nhân khổng lồ.
Mặt khác, môi trường cho các doanh nhân Đài Loan tại Đại Lục cũng trở nên căng thẳng.
Tháng trước, Tập đoàn Viễn Đông của Đài Loan (Far Eastern Group) đầu tư tại Đại Lục, đã bị ĐCSTQ phạt gần 500 triệu NDT (khoảng 78,56 triệu USD). Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng những người ủng hộ “Đài Loan độc lập” và phá vỡ quan hệ hai bờ eo biển không được phép kiếm tiền tại Đại Lục.
Ngày 30/11, trên mạng xã hội, ông Từ Húc Đông (Douglas Hsu), Chủ tịch Tập đoàn Viễn Đông, đã vội vàng bày tỏ sự phản đối của mình đối với nền độc lập của Đài Loan. Ông ủng hộ cái gọi là sự đồng thuận năm 1992, nguyên tắc một Trung Quốc, và hy vọng sẽ duy trì hiện trạng.
Ngày 7/12, Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân xuyên eo biển đã được tổ chức tại Nam Kinh, Giang Tô. Ông Uông Dương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị của ĐCSTQ, tuyên bố trong bức thư chúc mừng rằng ông mong muốn Hiệp hội các doanh nhân Đài Loan sẽ “vạch rõ ranh giới với các lực lượng ly khai đòi độc lập cho Đài Loan.”
Ông Tằng Kiến Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Đại học Dân chủ Trung Quốc Đài Loan, nói với Epoch Times rằng đầu tư vào Trung Quốc có mức độ rủi ro chính trị cao. Trung Quốc thiếu pháp quyền để duy trì công bằng và công lý, các nhà đầu tư nước ngoài phải cẩn trọng hơn.
Ngày 23/11, ông Tạ Kim Hà, Chủ tịch SEEC Media của Đài Loan, đã chỉ ra trên Facebook rằng việc ĐCSTQ đàn áp các doanh nhân Đài Loan, sẽ khiến họ trở về nước đầu tư vào Đài Loan và giúp nước này phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngày 5/12, ông Hứa Duy Trí, giáo viên kiêm nhiệm và nhà bình luận cấp cao của Khoa Tài chính thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Đài Trung ở Đài Loan, đã tiết lộ với Epoch Times. Ông nói rằng nhiều khu công nghiệp tại thị trấn Chương Mộc Đầu, thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, dọc theo bờ biển châu thổ sông Châu Giang và khu vực Thuận Đức, Trung Sơn, Thâm Quyến, đều đã đóng cửa. Các doanh nhân Đài Loan cũng “bỏ chạy hết.”
Ông Hứa Duy Trí dẫn thông tin từ Cơ quan giám sát tài chính Đài Loan cho biết: Năm 2011, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan là 18 tỷ USD. Trong đó đầu tư vào Đại Lục là 14,38 tỷ, chiếm gần 79,5%. Nhưng đến năm 2020, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan là 17,7 USD, trong đó đầu tư vào Đại Lục giảm xuống còn 5,90 tỷ USD, chỉ chiếm 33,3%. Số liệu thống kê cho thấy tỷ trọng đầu tư của Đài Loan đã nhanh chóng giảm dần trong một thập kỷ qua, mức cắt giảm hơn một nửa.
7. Dân số già có lẽ sẽ giáng cho Trung Quốc một đòn nghiêm trọng
Tháng 5/2021, dữ liệu của giới chức trong đợt Điều tra dân số Trung Quốc lần thứ 7 cho thấy, dân số từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc là 264,02 triệu người, chiếm 18,70%, tăng 5,44 điểm phần trăm so với một thập kỷ trước.
Đồng thời, “Niên giám thống kê Trung Quốc năm 2021” cho biết, tỷ lệ sinh trên toàn quốc năm 2020 là 8,52 ‰, lần đầu tiên giảm xuống dưới 10 ‰. Trong khi tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong cùng kỳ chỉ là 1,45 ‰.
Chính ủy Lỗ, nhà kinh tế trưởng của Industrial Bank và Huafu Securities, đã viết vào tháng 9 rằng đánh giá từ dữ liệu điều tra dân số lần thứ 7 cho thấy, dự kiến mức độ già hóa dân số của Trung Quốc sẽ tiếp tục sâu sắc hơn.
Từ góc độ tổng thể kinh tế, đối với sự tăng trưởng kinh tế, già hóa dân số có thể làm giảm nguồn cung lao động, giảm năng suất lao động và lấn át đầu tư, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng bị giảm.
Gần đây, Antonio Graceffo, cây viết phụ trách một chuyên mục của Epoch Times đã viết rằng sau khi hứng chịu khủng hoảng nợ, bong bóng bất động sản và tốc độ tăng trưởng chậm lại, cuộc khủng hoảng dân số già có thể là đòn giáng cuối cùng vào nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc.
Bài báo cho rằng Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đều đã và đang đối mặt với các vấn đề dân số già và lực lượng lao động giảm sút. Nhưng những quốc gia này đều có thể tồn tại trước những thay đổi về nhân khẩu học, bằng cách cải thiện trình độ học vấn và năng suất của người lao động và nâng cao chuỗi giá trị.
Do tình trạng bất bình đẳng thu nhập trầm trọng, khoảng cách thành thị – nông thôn và GDP bình quân đầu người thấp của Trung Quốc, khiến ĐCSTQ cũng không thể thực hiện sự thay đổi cơ bản này, dẫu ở trong những hoàn cảnh tốt nhất. Dù có thay đổi, kết quả này cũng phải mất nhiều thập kỷ, mới có tác động tích cực. Bài viết chỉ ra rằng ĐCSTQ không thể chờ đợi trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế của họ hiện đang cận kề khủng hoảng.
Ngày 2/12, Giáo sư Lý Đạo Quỳ (David Daokui Li) tại Học viện Khoa học Xã hội, thuộc Đại học Thanh Hoa đã phát biểu tại một diễn đàn, rằng vấn đề lớn trong nền kinh tế Trung Quốc là không đủ cầu trong nước. Ông cảnh báo, sự vận hành và phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong vài năm tới có thể là giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi cải cách và mở cửa.
Theo Ninh Hải Trung / Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Tê giác xám dân số già ở Trung Quốc Bất động sản Trung Quốc Cổ phiếu khái niệm Trung Quốc kinh tế Trung quốc Dòng sự kiện