Đột nhiên ca ngợi công trạng chống dịch, ĐCSTQ có mục đích gì?
- Tuyết Mai
- •
Hôm 8/9, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức Đại hội Tuyên dương Chống dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình chủ trì lễ trao giải và có bài phát biểu. Về vấn đề này, trang Epoch Times đã có bài chỉ ra ba mục đích chính của ĐCSTQ trong việc tổ chức hoạt động này.
Ca ngợi công trạng giữa lúc hiểm họa dịch bệnh vẫn chưa hết
Sáng 8/9, tại Đại lễ đường Bắc Kinh – Trung Quốc, ĐCSTQ đã tổ chức “Đại hội toàn quốc Tuyên dương phòng chống đại dịch viêm phổi Vũ Hán”, người chủ trì là ông Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Tập Cận Bình trao huân chương. Khi ông Tập Cận Bình đọc bài phát biểu đã khoe rằng: tám tháng qua trong công cuộc chống lại dịch bệnh, ĐCSTQ lại lập nên một chiến công anh hùng trong lịch sử đấu tranh chống dịch bệnh của nhân loại.
Tại đại hội, nhà dịch tễ học Trung Nam Sơn – Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc đã giành được “Huân chương nước Cộng hòa”; những người khác được danh hiệu “Anh hùng Nhân dân” gồm có: Trương Bác Lễ (Zhang Boli) – Hiệu trưởng Đại học Y học cổ truyền Thiên Tân, Trương Định Vũ (Zhang Dingyu) – Viện trưởng Bệnh viện Kim Ngân Đàm tại Vũ Hán, và người đứng đầu nghiên cứu vắc-xin là Trần Vi (Chen Wei) – Viện trưởng Viện Kỹ thuật sinh học của Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc.
Tiếp đó, ông Tập Cận Bình đã trao phần thưởng cho “Cá nhân tiên tiến”, “Đại diện tập thể tiên tiến”, “Đảng viên ưu tú toàn quốc”, và “Tổ chức đảng tiên tiến toàn quốc” trong cuộc chiến toàn quốc chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Ngoài các chuyên gia y tế, ngay cả người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Hoa Xuân Oánh cũng có tên trong danh sách.
Như thông lệ, hoạt động của ĐCSTQ lại làm dấy lên những chỉ trích từ cộng đồng mạng xã hội người Hoa trong và ngoài nước:
– Cư dân mạng “Qingshanlan”: “Trong thế giới nô lệ, sự ngoan ngoãn sau khi bị chủ nhân đánh đòn roi đã biến thành ý thức tự giác trong sâu thẳm tâm hồn. Theo đuổi sinh tồn là chiến lược tốt nhất để anh ta sống. Họ chỉ có sợ sệt, chỉ nghe theo lời chủ nhân nói và tuân theo lời chủ nhân làm, trong lòng bọn họ chỉ có chủ nhân mà không có bản ngã.”
– Cư dân mạng “Netizen”: “Hãy để họ nghĩ về bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), đó mới là người hùng thực sự.”…
– “Hoa Xuân Oánh có công giúp ĐCSTQ chối bỏ trách nhiệm gây tai họa, chỉ là hành động bằng miệng!”
Nhưng ngay cả quan chức của WHO cũng có tiếng nói cảnh báo rằng, đến nay Trung Quốc vẫn còn các trường hợp người nhiễm virus từ nước ngoài đi vào nên cần thận trọng để ứng phó với dịch bệnh, dịch bệnh toàn cầu vẫn chưa kết thúc, hiện nay không có chỗ cho sự tự mãn, cho dù chỉ xảy ra trường hợp nhiễm đơn lẻ cũng có thể bùng phát nhiễm cộng đồng.
Nhưng thực sự không có trường hợp nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán nào ở Trung Quốc nữa sao? Cộng đồng quốc tế vẫn nghi ngờ dữ liệu do ĐCSTQ công bố.
Ngoài ra, ngày 8/9, Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo dài ca ngợi “lựa chọn tuyệt vời” của ông Tập Cận Bình trong việc ra lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán. Trong khi nhấn mạnh thành tích phong tỏa Vũ Hán cũng đã làm phai mờ vấn đề nguồn gốc dịch bệnh từ Vũ Hán lây lan ra thế giới. Bài viết đã mô tả quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán của ông Tập Cận Bình là một động thái “quyết đoán”, và một lần nữa đề cập chuyện ông Tập “đích thân chỉ đạo và trực tiếp bố trí chống dịch bệnh”, “đã kiểm soát tình hình chung và đưa ra các quyết định mang tính quyết định.”
Bài viết đề cập rằng khi ông Tập chủ trì đại hội Thường vụ Bộ Chính trị vào ngày 7/1, đã đưa ra một loạt chỉ thị quan trọng và các yêu cầu đối với công tác phòng chống dịch bệnh.
Bài viết cho biết vào ngày 18/1, ĐCSTQ đã cử một nhóm chuyên gia cấp cao đến Vũ Hán để kiểm tra. Sau khi nhóm chuyên gia này đưa ra kết luận vào ngày 19/1, “xác nhận lây truyền từ người sang người”, lập tức ngày 20/1, ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo phòng chống và kiểm soát bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, làm rõ nguyên nhân nhiễm và lây lan của virus. Sau khi nguyên nhân đã được làm rõ thì vào ngày 22/1, ông Tập đã quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán.
Nhưng từ diễn biến của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, bài viết này còn rất nhiều điều khó lý giải. Từ cuối tháng 12/2019 đến giữa tháng 1/2020, Vũ Hán đã xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng tương đương với mức độ nghiêm trọng của nạn dịch Hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) năm 2003. Nhưng qua các thông tin công khai từ địa phương đến trung ương đều không thấy các biện pháp phòng chống dịch kịp thời và hiệu quả.
Trước ngày 13/1, giới chức Vũ Hán vẫn khẳng định “không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền bệnh từ người sang người”. Mãi đến ngày hôm sau khi xảy ra trường hợp hai vợ chồng cùng bị lây nhiễm virus thì tuyên bố mới chỉnh lại thành “không thể loại trừ khả năng lây nhiễm từ người sang người ở mức hạn chế”. Vào thời điểm ngày 19/1, khi nhóm chuyên gia đưa ra kết luận “lây truyền từ người sang người” thì đã cách thời điểm vụ việc được phát hiện là 20 ngày, và virus bắt đầu lây lan nhanh chóng.
Bài viết này không đề cập gì về việc quan chức của ĐCSTQ đã bỏ lỡ 20 ngày quan trọng nhất để có thể ngăn chặn dịch bệnh. Trong thời gian này, bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) ở Vũ Hán, người đã cảnh báo dịch bệnh trên WeChat, đã bị cảnh sát giáo huấn (vào ngày 3/1), và 7 ngày sau đó ông đã nhiễm bệnh ở Vũ Hán, cuối cùng đã thiệt mạng.
Thật trùng hợp là theo tuyên bố mà người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đưa ra thì Trung Quốc đã thông báo cho Mỹ về dịch viêm phổi ở Vũ Hán ngay từ ngày 3/1, trùng với ngày bác sĩ Lý Văn Lượng bị cảnh sát nhắc nhở.
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) có nhận xét rằng hoạt động tuyên dương trong công tác phòng chống dịch bệnh của ĐCSTQ này có mục đích “biến chỉ trích thành công trạng”, nhào nặn “công cuộc phòng chống dịch hiệu quả” của ĐCSTQ do Tập Cận Bình lãnh đạo.
Kể từ cuối năm ngoái khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát ở Vũ Hán, đã nhanh chóng lây lan khắp Trung Quốc và cả thế giới. Cộng đồng quốc tế đã không ngừng chất vấn về phản ứng chậm chạp cũng như cố tình che đậy dịch bệnh của nhà cầm quyền ĐCSTQ khi dịch bệnh khởi phát, đã bỏ lỡ thời gian quan trọng nhất trong việc kiểm soát dịch bệnh bùng phát. Trong khi tại Trung Quốc, thực tế dịch bệnh vẫn còn đó và thỉnh thoảng lại có sự kiện bùng phát tập thể trở lại. Ví dụ vào tháng Sáu, virus lại bùng phát ở Bắc Kinh, và sau đó lan ra nhiều vùng tại Đại Lục; vào giữa tháng Bảy, đã bùng phát ở Urumqi Tân Cương, sau đó lan ra tất cả các vùng của Tân Cương; vào cuối tháng Bảy, bùng phát ở Đại Liên – Liêu Ninh, sau đó nhanh chóng lan đến những nơi khác như Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang, Phúc Kiến và Bắc Kinh…
Ba mục đích chính trong việc ĐCSTQ tổ chức đại hội khen thưởng
Câu hỏi là tại sao ĐCSTQ lại nóng lòng tổ chức “Lễ ăn mừng” khi dịch bệnh vẫn đang liên tục bùng phát trên khắp Đại Lục? Phóng viên của Epoch Times đã tổng hợp thông tin chỉ ra các mục đích sau đây.
Thứ nhất là ĐCSTQ muốn thông qua hoạt động này để giảm áp lực chỉ trích từ trong Đảng:
Nhà bình luận thời sự Sangpu nói với Đài Á châu Tự do (RFA) rằng mục đích ông Tập Cận Bình muốn tổ chức đại hội tuyên dương chống dịch để tăng cường uy quyền phát ngôn và giành công trạng, nhằm giảm áp lực chỉ trích trong Đảng và tăng uy thế đối với những kẻ thù chính trị trong nội bộ đang hăm he hạ bệ ông.
Chỉ mới gần đây, sau khi ĐCSTQ thúc đẩy tăng cường giảng dạy bằng tiếng Hán ở Nội Mông, gây nguy hại cho văn hóa Mông Cổ, không chỉ gây làn sóng phản kháng mạnh mẽ từ người Mông Cổ mà còn bị “thế hệ Đỏ” thứ hai của ĐCSTQ chất vấn lên án.
Ngày 5/9, hàng chục người bao gồm cả nguyên lão “thế hệ Đỏ” thứ hai nổi tiếng là ông Mã Hiểu Lực (Ma Xiaoli) từng là “thanh niên trí thức cũ đồn trú tại Nội Mông” đã ký tên chung cáo buộc nhà cầm quyền ĐCSTQ “không có cái nhìn tổng thể, thiếu trình độ chính trị”.
Bức thư ngỏ lên án cách làm của nhà cầm quyền gây thù oán đối với đồng bào Mông Cổ là vô cùng tồi tệ và cần phải chấm dứt. Bức thư bày tỏ lo ngại Nội Mông sẽ trở thành Tân Cương thứ hai, khiến dư luận xót xa, đồng thời nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề “lòng dân ủng hộ”.
Vào ngày 7/9, cựu giáo sư Thái Hà (Cai Xia) của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ (thuộc “thế hệ Đỏ” thứ hai) đang ở Mỹ, đã chuyển tiếp bức thư ngỏ.
Trước đó vào ngày 6/9, bà đã chia sẻ trên Twitter thể hiện ủng hộ người Mông Cổ, chỉ trích tình trạng chính quyền chuyên chế tàn bạo ĐCSTQ gây hủy diệt văn hóa. Bà nói: “Toàn thể nhân dân Mông Cổ chống lại tình trạng chính quyền chuyên chế tàn bạo gây hủy diệt văn hóa, các cán bộ đảng viên Mông Cổ đứng cùng với nhân dân của dân tộc mình, trong số họ có những cán bộ giữ các vị trí lãnh đạo.”
【中共强力压制蒙族干部反抗文化灭族暴政】蒙古族民众全民反抗文化灭族暴政,蒙古族党员干部与本民族民众站在一起,其中有任领导职务的官员。中共极权专制对蒙族公职人员卡脖子断生路,勒令必须送孩子上学,如不服从,便以撤职、降职、开除、停发一切待遇、强押孩子进园等流氓做法,进行恐吓、压制。 pic.twitter.com/W4V1gf9eTs
— 蔡霞 (@realcaixia) September 6, 2020
Mạng tin tức SET News (Đài Loan) đưa tin rằng “thế hệ Đỏ” thứ hai đang ủng hộ cuộc đấu tranh của người Mông Cổ, đặc biệt như Mã Hiểu Lực và Thái Hà… Động thái này khẳng định tuyên bố của bà Thái Hà rằng “Thế hệ Đỏ thứ hai có nhiều người chống Tập Cận Bình, ngày Tập Cận Bình mất quyền lực không còn xa”.
Thứ hai là nhằm chối bỏ trách nhiệm của ĐCSTQ trong che giấu dịch bệnh, quảng bá mô hình chính trị ĐCSTQ.
Tính thời điểm muộn nhất trong vấn đề virus viêm phổi Vũ Hán bùng phát thì cũng đã vào ngày 1/12/2019, nhưng hệ thống ĐCSTQ đã che giấu sự thật dịch bệnh “lây truyền từ người sang người”, mãi đến ngày 17/1/2020, ông Tập Cận Bình mới lần đầu công khai thông tin về bùng phát dịch bệnh, khi đó đã cách thời điểm bùng phát dịch hơn nửa tháng, đã bỏ lỡi thời điểm tốt nhất để phòng chống dịch bệnh.
Nhưng trong đại hội khen thưởng này, nhà cầm quyền ĐCSTQ không những không đề cập đến trách nhiệm liên quan che giấu dịch bệnh mà còn ca ngợi.
Đài RFA dẫn ý kiến của nhà bất đồng chính kiến Hồ Giai (Hu Jia) ở Bắc Kinh chỉ ra rằng những người cầm quyền ĐCSTQ đặc biệt hy vọng thoát khỏi trách nhiệm và hình ảnh tiêu cực của họ trong vấn đề để lây lan dịch bệnh, vì vậy luôn muốn làm nổi bật cái gọi là “trận chiến đẹp nhất” trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.
Hồ Giai cho biết các nhà chức trách ĐCSTQ không ngừng hành động để giảm thiểu trách nhiệm của họ; ở mức độ nào đó thì các hoạt động tuyên truyền giáo điều kiểu tẩy não này của chính quyền ĐCSTQ đã mang lại hiệu quả nhất định.
Học giả chính trị Trung Quốc Ngô Cường (Wu Qiang) nói với BBC Tiếng Trung rằng việc ĐCSTQ tổ chức đại hội biểu dương công trạng ngay trước cuộc tổng tuyển cử Mỹ và đại hội thượng đỉnh Trung Quốc-EU (hiện chưa quyết định chính thức), nhằm cho thấy “mô hình chống dịch của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thành công” để chống lại áp lực và lên án từ quốc tế đối với ĐCSTQ.
Ông Ngô Cường nói rằng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình không nhắc gì về nguồn gốc của virus và trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, chỉ thấy “lấy thành tích công trạng phủ lên trách nhiệm”.
Tổng thống Mỹ Trump thường xuyên công khai cáo buộc ĐCSTQ che giấu dịch bệnh, đồng thời cũng tuyên bố trong cương lĩnh tranh cử tiếp theo của ông rằng ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc che giấu dịch bệnh.
Thứ ba là nhằm gia cố địa vị của ông Tập Cận Bình.
Nhà bình luận thời sự Hồng Kông Lưu Nhuệ Thiệu (Johnny Y.S. Lau) nói với BBC tiếng Trung rằng buổi lễ biểu dương công trạng này thực chất chỉ là hoạt động tuyên truyền “ngợi ca công đức” của ông Tập Cận Bình.
“Vô số hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ nhằm nhấn mạnh vai trò lãnh đạo chính trị của Tập Cận Bình, chuẩn bị cho Đại hội 20 của ĐCSTQ, liên tục củng cố hình ảnh lãnh đạo của Tập Cận Bình”, ông Lưu Nhuệ Thiệu chia sẻ.
Tuyết Mai (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Phòng chống dịch bệnh Tập Cận Bình Dòng sự kiện viêm phổi Vũ Hán Lý Văn Lượng