Đưa người vào các tập đoàn lớn: ĐCSTQ muốn quốc hữu hóa DN tư?
- Trí Đạt
- •
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại không ngừng leo thang và nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái nhanh chóng, gần đây thông tin về “công tư hợp doanh mới” tiếp tục xuất hiện. Hiện tại, chính quyền thành phố Hàng Châu tỉnh Chiết Giang sẽ thuyên chuyển 100 quan chức đến 100 doanh nghiệp lớn như Alibaba làm “đại diện sự vụ chính phủ”. Có cư dân mạng cho rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang muốn nuốt chửng doanh nghiệp tư nhân.
Ngày 20/9, trang mạng của chính quyền tỉnh Chiết Giang “Zhejiang Online” đưa tin, chính quyền thành phố Hàng Châu sẽ thuyên chuyển 100 cán bộ các cơ quan đến trú tại 100 doanh nghiệp trọng điểm như Alibaba, Geely, Wahaha, v.v, để làm “đại diện sự vụ chính quyền”, phụ trách “liên hệ” giữa chính quyền và doanh nghiệp, cũng như phục vụ cho cái gọi là “Kế hoạch Ngành sản xuất mới” vừa được chính quyền Hàng Châu đề xuất.
Bài viết nêu rõ, những quan chức được điều chuyển đến 100 doanh nghiệp trọng điểm này chỉ là “lô đầu”, điều này dường như cho thấy trong tương lai tất cả các doanh nghiệp tư nhân sẽ có người của chính quyền đóng trú.
Thông tin nói trên đã khiến cư dân mạng có nhiều bàn tán: “Công tư hợp doanh lại tái diễn”, “Muốn quốc hữu hoá doanh nghiệp tư nhân đây mà.” “Tất cả các lĩnh vực đều muốn vào và chiếm hữu.” “Thành lập chi bộ đảng còn chưa đủ sao? ĐCSTQ lại muốn trực tiếp phái người nhúng tay vào doanh nghiệp tư nhân.”
Đồng thời, trên mạng còn lan truyền thông tin, chính quyền thành phố Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây đã bắt đầu thí điểm, phái kế toán tiếp quản tài vụ của doanh nghiệp tư nhân. Những dấu hiệu này cho thấy, việc chính quyền địa phương dần dần kiểm soát doanh nghiệp tư nhân có thể sẽ là bố cục chung trên toàn Trung Quốc. Từ năm ngoái, chính quyền đã cưỡng chế tất cả các doanh nghiệp trên toàn quốc thiết lập đảng ủy để tiếp nhận sự lãnh đạo của ĐCSTQ.
Một cựu giáo sư tại một trường đại học ở Thượng Hải cũng chia sẻ trên Twitter, chính quyền thành phố Hàng Châu sẽ phái “đại diện sự vụ chính quyền” đến trú tại 100 doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng Trung Quốc như Alibaba hay Wahaha. Mục đích thực sự của họ là: (1) Muốn hoàn toàn quản lý, kiểm soát việc kinh doanh và tài vụ của doanh nghiệp tư nhân, không chừa khe hở nào; (2) Không để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội cho nguồn tiền chảy ra ngoài; (3) Để cho những doanh nghiệp tư nhân này nộp nhiều thuế hơn nữa cho chính phủ; (4) Tạo điều kiện để cho doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân hợp tác và cuối cùng là tiêu diệt doanh nghiệp tư nhân. Việc này cũng nêu rõ hai vấn đề lớn, thứ nhất là chính phủ đã cạn tiền, thứ hai là chính phủ đang có xu thế quốc hữu hoá doanh nghiệp tư nhân.
Ông Hàn Liên Triều – học giả nổi tiếng và cũng là chuyên gia vấn đề Trung Quốc, thành viên của “Uỷ ban Ứng phó nguy cơ hiện tại: Trung Quốc” đã chia sẻ trên Twitter: “Gần đây, chính quyền các cấp của ĐCSTQ đã phái quan chức đến giám sát tài vụ và quản lý tiền bạc trong các doanh nghiệp tư nhân, những người tham gia bao gồm kế toán toàn thời gian của nhà nước và ăn lương của chính phủ. Hiển nhiên, tài vụ của ĐCSTQ đã tự cho thấy nguy cơ, và họ muốn tiến hành một phong trào vơ vét mồ hôi nước mắt của người dân. Trước đó việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân chẳng qua cũng chỉ là động tác giả. Làm lớn, làm mạnh doanh nghiệp nhà nước và làm suy yếu, chèn ép doanh nghiệp tư nhân là quan điểm chính của thời đại mới Tập Cận Bình.”
Từ hai năm trước, Nhật báo Phố Wall (WSJ) đưa tin, chính quyền Bắc Kinh đang chuẩn bị cưỡng chế mua cổ phần của một số doanh nghiệp công nghệ lớn nhất tại Trung Quốc Đại lục, trong đó bao gồm Tencent, Weibo và một công ty thuộc Alibaba, với ý đồ trực tiếp giành quyền đưa ra quyết sách của những doanh nghiệp này. Tiếp sau đó, một số cổng thông tin mạng hàng đầu lên tiếng kêu gọi “Trở về Kinh tế kế hoạch” (mô hình kinh tế tập trung), “Cống hiến cho đảng bất cứ lúc nào”.
Gần đây, Jack Ma đã chính thức tuyên bố nghỉ hưu và rời khỏi Tập đoàn Alibaba mà ông sáng lập, ngoại giới phần lớn đều cho rằng Jack Ma buộc phải làm như vậy. Sau đó 10 ngày, Mã Hóa Đằng cũng từ nhiệm đại diện pháp nhân của Tencent Credit. Tờ Thời báo Tài chính tại Anh đưa tin, Alibaba và Tencent từng từ chối giao dữ liệu cho vay của khách hàng cho cơ quan do ĐCSTQ thành lập, vì thế mà có nghi ngờ cho rằng Mã Hóa Đằng bị ép rút lui.
Ông Lưu, một cựu phóng viên về Tài chính Kinh tế chia sẻ với Đài Á châu Tự do, chính quyền chắc chắn sẽ kiểm soát tài chính của các doanh nghiệp lớn trong tay của họ; từ việc Jack Ma rồi đến Mã Hoá Đằng, dù là chính quyền kiểm soát tài chính hay là tranh đoạt lợi ích nhóm nội bộ, đều sẽ xuất hiện những thay đổi ngày càng lớn trong các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn.
Ông Lưu nói: “Trong môi trường Trung Quốc, nếu không cho ĐCSTQ quản lý, ĐCSTQ sẽ khiến doanh nghiệp chết từng giây từng phút. Hiện nay cũng đã quay trở lại giống thời kỳ ĐCSTQ xây dựng chính quyền, Tập đoàn Bảo hiểm An Bang đã bị tịch thu tài sản 8 – 90 tỷ Nhân dân tệ.”
Trước đó, ông Lục Bỉnh Khôn, học giả Kinh tế tại Đại học Giang Tây cũng chia sẻ quan điểm với Đài RFA rằng, chính quyền mong muốn thông qua những phương thức nói trên để mở rộng sự độc quyền, để chiếm được tài sản nhiều hơn: “Tôi cũng đọc được những thông tin liên quan, cái gọi là mô thức cải cách hỗn hợp doanh nghiệp Trung ương, theo cách hiểu của tôi nó tương tự như thời kỳ đầu, tức mô thức doanh nghiệp “công tư hợp doanh” thời kỳ đầu ĐCSTQ xây dựng chính quyền. Thông tin như thế này xuất hiện, không phải là ngẫu nhiên, việc này và cả một đoạn thời gian vừa qua, toàn bộ cục thế chính trị của ĐCSTQ đều đang đi lùi, dường như đang quay trở lại thời kỳ ‘Kinh tế kế hoạch’. Nó là một mô hình thu nhỏ phản ánh xã hội Trung Quốc đang đi lùi.”
Trên thực tế, trong mấy năm chống tham nhũng vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã mượn cơ hội để “tiếp quản” những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu, trong đó có Tomorrow Resources Technology của Tiêu Kiến Hoa, Tập đoàn An Bang của Ngô Tiểu Huy và Tập đoàn Năng lượng Hoa Tín (CEFC China Energy) của Diệp Giản Minh, v.v.
Hiện chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang kéo theo kinh tế Trung Quốc đi xuống nhanh chóng. Khủng hoảng kinh tế rất có khả năng dẫn đến khủng hoảng chính trị. Nhiều thông tin chỉ ra, có thể ĐCSTQ đang muốn quay lại “Kinh tế kế hoạch” (Kinh tế tập trung) để mong vượt qua khủng hoảng chính trị.
Được biết, “công tư hợp doanh” là một phong trào chính trị thời kỳ đầu khi ĐCSTQ thành lập chính quyền, thông qua việc điều người đến doanh nghiệp tư nhân để từng bước tiếp quản quyền kinh doanh của doanh nghiệp, sau đó là tiếp tục thông qua việc mua bán mang tính tượng trưng để cưỡng đoạt tất cả tài sản của doanh nghiệp tư nhân với giá cực thấp, và đưa vào “quốc hữu”. Cuối cùng, những nhà tư bản này bị đả đảo, đấu tố thậm tệ trong Cách mạng Văn hoá.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Alibaba Doanh nghiệp tư nhân kinh tế kế hoạch ĐCSTQ kiểm soát doanh nghiệp tư nhân