Ngày 10/4 cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng quốc gia của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, nguyên nhân vì rủi ro tài chính của Trung Quốc gia tăng và nợ chính phủ tăng lên. Trước đó Moody’s đã hạ triển vọng xếp hạng của Trung Quốc xuống tiêu cực với cùng lý do.

Fitch
(Nguồn: 4kclips/ Shutterstock)

Ngày 10/4, Fitch – một trong ba cơ quan xếp hạng quốc tế lớn – đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng quốc gia của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Fitch cho biết trong một tuyên bố rằng việc điều chỉnh chủ yếu phản ánh những rủi ro ngày càng tăng đối với triển vọng tài chính của Trung Quốc, đặc biệt khi Trung Quốc chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào bất động sản sang mô hình tăng trưởng bền vững hơn – bối cảnh này mới cũng kéo theo triển vọng kinh tế Trung Quốc phải đối phó với sự gia tăng bất ổn hơn.

Cơ quan này cảnh báo: “Từ góc độ xếp hạng, việc tăng đáng kể thâm hụt ngân sách và nợ công ngày càng tăng của Trung Quốc trong những năm gần đây đã làm suy giảm khả năng dự phòng tài chính của nước này”.

Fitch cho biết thêm: “Chính sách tài khóa của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ thúc đẩy xu hướng nợ tiếp tục tăng, chính sách này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng vài năm tới của Trung Quốc”.

Đồng thời, Fitch duy trì xếp hạng “A+” đối với tín dụng của Trung Quốc.

Theo dự báo của Fitch, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2024 sẽ giảm xuống 4,5% từ mức 5,2% vào năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán vào tháng Hai rằng tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 4,6% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức 5,4% mà tổ chức này dự đoán vào năm ngoái, và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đến năm 2028 sẽ chậm lại còn 3,4%.

Bộ Tài chính Trung Quốc phản hồi

Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 10/4 đã phản hồi: “Thật đáng tiếc khi thấy Fitch hạ triển vọng về xếp hạng tín dụng quốc gia của Trung Quốc”.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết về những rủi ro tài chính Trung Quốc được Fitch chỉ ra: “Về lâu dài, duy trì mức thâm hụt vừa phải và tận dụng tốt nguồn nợ quý giá sẽ giúp mở rộng nhu cầu trong nước và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.

Trước thông tin truyền thông đưa tin rằng Fitch rất chú ý đến vấn đề bền vững tài chính…, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố: “Mức thâm hụt tài chính phù hợp sẽ đóng vai trò tích cực trong việc tài trợ nợ chính phủ và duy trì sự hỗ trợ cần thiết cho sự phát triển kinh tế và xã hội chất lượng cao”.

Thâm hụt tài chính quốc gia Trung Quốc dự kiến vào năm 2024 ​​là 4.060 tỷ RMB, tăng 180 tỷ RMB so với ngân sách vào đầu năm trước và tỷ lệ thâm hụt dự kiến ​​là 3%. Mục tiêu dự kiến được Trung Quốc đặt ra ​​năm nay khoảng 5% được Bộ Tài chính Trung Quốc cho là phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển.

Theo Đài VOA ngày 10/4, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis ở Hồng Kông, ông Gary Ng cho rằng việc Fitch điều chỉnh giảm triển vọng của Trung Quốc phản ánh thực tế đối với cú đánh kép vào tài chính công cộng của Trung Quốc (tốc độ tăng trưởng sụt giảm và nợ nần gia tăng) đang ở xu thế nghiêm trọng hơn. Ông cho hay điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ sớm vỡ nợ, nhưng một số nền tảng tài chính địa phương Trung Quốc có thể xuất hiện tình trạng phân cực [có thể dẫn đến không công bằng và không ổn định trong việc cung cấp tài chính cho các địa phương], đặc biệt trong bối cảnh tình hình tài chính của chính quyền cấp tỉnh xấu đi. Nhưng căng thẳng vẫn có thể được giảm bớt bằng cách bơm thêm thanh khoản và tái phân bổ nguồn lực quốc gia nếu cần.