8 bóng đen bao phủ không khí kinh doanh tại Trung Quốc
- Lâm Yên
- •
Một doanh nhân người Mỹ, kiêm giáo sư tại Đại học New York (NYU – Thượng Hải) đã làm việc tại Trung Quốc hơn 20 năm, cho biết có ít nhất 8 bóng đen che phủ lên hoạt động kinh doanh và triển vọng hoạt động của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc.
Theo Forbes hôm thứ Hai (8/4), doanh nhân Cameron Johnson – đối tác cấp cao của công ty tư vấn Tidal Wave Solutions – đã tóm tắt tâm lý kinh doanh hiện tại ở Trung Quốc là: Mất niềm tin và môi trường kinh doanh ngày càng thách thức. Ông chỉ ra các yếu tố sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh doanh ở Trung Quốc.
1. Vấn đề niềm tin và bất ổn kinh tế
Ngay cả theo dữ liệu tốc độ tăng trưởng GDP của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), biểu hiện kinh tế Trung Quốc vẫn tồi tệ hơn trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và cũng phủ bóng đen lên triển vọng kinh doanh.
Bên cạnh đó, do dự và hạn chế của chính quyền trong việc kích thích tăng trưởng đang gây thêm bất an.
Khó khăn từ lĩnh vực bất động sản và nhu cầu yếu trong nước Trung Quốc đang khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn nữa, cũng như làm tổn hại niềm tin của người tiêu dùng trong nước và khiến mọi người hạn chế chi tiêu.
Sự không chắc chắn về việc làm, sự suy giảm tài sản từ thị trường bất động sản và chứng khoán cũng như khó khăn tài chính đang làm tăng thêm vấn đề.
2. Thiếu rõ ràng
Các luật và quy định (của ĐCSTQ) nhìn không rõ ràng, khiến các doanh nhân phải đoán mò và không thể tự tin trong hoạt động.
Đặc biệt là các luật nghiêm ngặt do ĐCSTQ áp đặt trong các lĩnh vực cụ thể như dữ liệu xuyên biên giới và an ninh quốc gia đã làm tăng thêm phức tạp.
3. Lộ trình chính sách
Các công ty nước ngoài và trong nước Trung Quốc đều đang cố gắng tìm hiểu lộ trình chính sách của ĐCSTQ trong 10 – 20 năm tới.
Dù trong vài thập kỷ qua, từ bất động sản, xuất khẩu, sản xuất và du lịch… cho thấy nhà chức trách Trung Quốc hướng theo lộ trình với trọng điểm là cơ sở hạ tầng và người tiêu dùng (chẳng hạn như sự mở rộng của các công ty Mỹ KFC và Disney tại Trung Quốc), nhưng lộ trình chính sách hiện tại không rõ ràng.
Thách thức đối với các công ty nước ngoài tại Trung Quốc nằm ở các lĩnh vực được nhà chức trách xem là cần nội địa hóa, đặc biệt là những lĩnh vực mà Bắc Kinh coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia – như chất bán dẫn và điện thoại thông minh.
4. Vấn đề địa chính trị
Từ khi Mỹ và Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến thương mại vào năm 2018 thì ĐCSTQ đã phải đối mặt với thách thức toàn cầu trên các châu lục, không chỉ là vấn đề với Mỹ như ban đầu.
Ví dụ: TikTok (phiên bản quốc tế của Douyin) thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance và nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology (CATL) đang phải đối mặt với sự phản kháng trong nước ở Mỹ, các biện pháp hạn chế của châu Âu và thuế quan đối với xe điện Trung Quốc, cũng như các ngành công nghiệp chính ở châu Á.
Trước tình hình địa chính trị ngày nay, các công ty nước ngoài đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu ưu tiên của họ tại Trung Quốc, đồng thời ứng phó vấn đề chuyển đổi lợi ích trong hoạt động tại Trung Quốc.
Đặc biệt, các công ty nước ngoài cũng phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung ứng và dịch vụ, khi người tiêu dùng Trung Quốc hiện ưa chuộng hàng nội địa/trong nước hơn hàng nước ngoài, ngay cả khi sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc.
5. Cạnh tranh khốc liệt trong nước
Hiện nay, trong nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc đều xuất hiện hiện tượng cung vượt quá cầu và cạnh tranh giá cả cực đoan gây triệt hạ nhau: ví dụ ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đang có sự cạnh tranh khốc liệt, các nhà sản xuất đua nhau giảm giá để tồn tại.
Ngoài ra còn có những cuộc chiến kinh doanh đang diễn ra ở nhiều ngành, chẳng hạn như thị trường cà phê, riêng Thượng Hải có hơn 7000 quán cà phê, thị trường cà phê Trung Quốc đã trở thành nơi cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới để giành khách hàng.
6. Vấn đề nhân tài
Trong vài năm gần đây, sau xu thế chung về việc người nước ngoài rời khỏi Trung Quốc do tình hình bất lợi, tốc độ nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Trung Quốc đã bắt đầu suy giảm.
Trong một số ngành nghề, việc thất nghiệp của thanh niên có thể là một thách thức, bởi vì nhiều người không có được đào tạo hoặc kinh nghiệm làm việc như thế hệ trước. Việc tuyển dụng vào các vị trí lao động chuyên nghiệp đòi hỏi kỹ năng ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến.
7. Rào cản tài chính
Các doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc có thể dễ dàng huy động được nguồn tài chính trong nước và các công ty tư nhân lớn cũng có thể tìm cách làm được điều đó. Nhưng đối với các công ty tư nhân nhỏ hơn, việc tiếp cận nguồn tài chính hợp lý vẫn là một nhiệm vụ gần như không thể thực hiện được.
8. Chi phí phúc lợi xã hội cao
Bảo hiểm xã hội của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính và gánh nặng của công ty. Theo quy định, an sinh xã hội phải chiếm 30% – 40% tiền lương của người lao động.
Trong môi trường phức tạp của Trung Quốc, các doanh nhân phải biết cân đối những vấn đề trước mắt và dài hạn: Thận trọng trước khi ra quyết định trước mắt, đồng thời cũng phải có khả năng nhìn xa trước để định hình chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Từ khóa Thị trường Trung Quốc kinh tế Trung quốc