Với lượng khách hàng giảm mạnh, gần 30.000 nhà hàng mì đã đóng cửa trong nửa đầu năm nay tại Trung Quốc. Các nhà hàng mì cao cấp cũng không khá hơn. Điều này đã trở thành một mô hình thu nhỏ khác cho thấy việc thu hẹp tiêu dùng của người Trung Quốc.

quan mi Trung Quoc
Gần 30.000 nhà hàng mì Trung Quốc đóng cửa trong nửa năm. (Ảnh: Trương Học Huệ /Epoch Times)

Nhà hàng mì cao cấp là những nhà hàng mì có đơn giá hơn 40 nhân dân tệ (khoảng 140.000 VNĐ), tập trung ở các trung tâm mua sắm và các khu cao ốc văn phòng, nơi có nhóm người tiêu dùng cốt lõi là công nhân cổ trắng làm việc tại thành thị.

Dữ liệu của Qichacha cho thấy, tính đến tháng 5 năm nay, đã có 31.000 cửa hàng mì mở cửa kinh doanh và 29.000 cửa hàng mì bị đóng cửa. Tốc độ tăng trưởng ròng trong nửa đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước, khó khăn trong việc kinh doanh quán mì ngày càng lộ rõ.

Mới đây, hãng Ajisen Ramen, được mệnh danh là “nơi khởi xướng các nhà hàng mì cao cấp” ở Trung Quốc, đã công bố dữ liệu báo cáo tài chính nửa đầu năm cho thấy, công ty này “chuyển từ lãi sang lỗ”, dự kiến lỗ ròng trong nửa đầu năm nay ​​sẽ không quá 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 69,8 tỷ VNĐ). Bị ảnh hưởng bởi tin tức này, giá cổ phiếu của hãng giảm mạnh.

Theo kênh truyền thông ngành dịch vụ ăn uống hàng đầu ở Trung Quốc Đại Lục và tài liệu tham khảo nội bộ của các chủ nhà hàng vào ngày 25/8, các nhà hàng mì nổi tiếng trên Internet như Ma Jiyong, Chen Xianggui và Zhang Lala, vốn từng nổi tiếng giờ đây cũng đang dần trở nên vắng khách.

Lý do khiến các nhà hàng mì cao cấp không còn phổ biến là do phân tích nội bộ của chủ nhà hàng cho thấy, những người tiêu dùng duy nhất có thể chấp nhận mức giá cao của thương hiệu là những công nhân cổ trắng ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Khi những người lao động cổ trắng trở nên lý trí, thực dụng và có ý thức về ngân sách hơn, họ không còn sẵn sàng mua mì ở mức 30 – 40 nhân dân tệ (khoảng 105.000 VNĐ – 140.000 VNĐ). Những công nhân cổ trắng đang cắt giảm chi tiêu, thậm chí đã bắt đầu tự mang đồ ăn.

Sina Finance đã phát động cuộc thăm dò “Bữa trưa giá bao nhiêu?”. Tổng cộng có 30.000 người tham gia. Trong số đó, 4.881 người bỏ phiếu cho “dưới 10 nhân dân tệ” (khoảng 35.000 VNĐ) và 16.000 người bỏ phiếu cho 10 – 20 nhân dân tệ (khoảng 35.000 – 70.000 VNĐ). Cộng số phiếu của cả hai nhóm, có nghĩa là gần 70% người tiêu dùng đã chọn “dưới 20 tệ”.

Theo dữ liệu từ Canliyan, mức tiêu thụ bình quân đầu người hiện nay của các cửa hàng mì là 11 – 20 nhân dân tệ, chiếm 52,9%. Tỷ lệ các cửa hàng mì có đơn giá trên 40 nhân dân tệ (khoảng 140.000 VNĐ) chỉ là 8,3%.

Ngoài ra, do các yếu tố như làn sóng sa thải, công ty đóng cửa hay công ty chuyển đến khu vực có giá thuê thấp, tỷ lệ trống tại các khu kinh doanh văn phòng cốt lõi cao chưa từng thấy.

Dữ liệu cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2024, tỷ lệ trống ở các thành phố hạng nhất Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến lần lượt là 18,3%, 15,77%, 18,4% và 27,0%. Điều này cũng khiến những quán mì giá cao tọa lạc tại các khu thương mại cốt lõi này dần dần rời xa nhóm khách hàng cổ trắng mục tiêu của họ.

Đối mặt với lượng khách hàng sụt giảm và lợi nhuận giảm, nhiều nhà hàng mì cao cấp bắt đầu giảm giá và tham gia vào cuộc chiến giá cả.

Xiao Noodles đã tung ra gói ưu đãi dành cho công nhân dưới 20 nhân dân tệ (khoảng 70.000 VNĐ). Tại Meituan, Dianping và các kênh khác, nhiều cửa hàng thậm chí còn tung ra chương trình mua sản phẩm theo nhóm với giá 11,9 nhân dân tệ (khoảng 42.000 VNĐ).

Chen Xianggui (Trần Hương Quý) cũng nhiều lần tung ra chương trình khuyến mãi với giá 9,9 nhân dân tệ cho một tô mì (khoảng 35.000 VNĐ).

Trên các nền tảng như Meituan và Douyin, giá một bát ramen (mỳ Nhật) tại Zhang Lala (Trương Lạp Lạp) đã giảm xuống còn 13,9 nhân dân tệ (khoảng 49.000 VNĐ). Ma Jiyong (Mã Quý Vĩnh), Chen Xianggui (Trần Hương Quý) và Zhang Lala (Trương Lạp Lạp) đều đã triển khai dịch vụ “mì không giới hạn”.

Ngoài ramen và mì trộn, một số nhà hàng mì đã bắt đầu bổ sung thêm các món ăn thuộc các nhãn hiệu Ramen, như Chen Xianggui đã bổ sung thêm sủi cảo, roujiamo (màn thầu nhân thịt), đồ ăn nhẹ vùng Tây Bắc, v.v..

Các cửa hàng mì chỉ là một mô hình thu nhỏ của ngành công nghiệp ăn uống Trung Quốc. Toàn bộ ngành công nghiệp ăn uống ở Trung Quốc đã chứng kiến ​​lợi nhuận sụt giảm trong nửa đầu năm nay. Các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống niêm yết ở Trung Quốc liên tục công bố kết quả hoạt động nửa đầu năm, cho thấy lợi nhuận sụt giảm và thường xuyên thua lỗ trong báo cáo.

Ngoài ra, Tang Palace (Đường Cung Trung Quốc), Tai Hing (Thái Hưng), Jiumaojiu (Cửu Mao Cửu), Chabaidao (Trà Bách Đạo), Starbucks, Luckin Coffee (Thụy Hạnh) và các công ty khác cũng phải chịu sự sụt giảm lợi nhuận ở các mức độ khác nhau. Trong đó một số công ty cung cấp dịch vụ ăn uống chứng kiến ​​lợi nhuận giảm hơn 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 350 tỷ VNĐ).

Về vấn đề này, ông Uông Quốc Ngọc, Chủ tịch Công ty TNHH Dịch vụ ăn uống Nanchengxiang (Nam Thành Hương) Bắc Kinh, đã phân tích thị trường ăn uống hiện nay.

Ông nói: “Giá cả giảm, lợi nhuận giảm, mùa cao điểm không thịnh vượng và mùa đông khó khăn đang trở thành một tín hiệu nguy hiểm. Số tiền bạn kiếm được trong nửa đầu năm có thể sẽ mất hết vào mùa đông. Đừng nghĩ rằng những ngày kiếm tiền vẫn còn ở sau lưng bạn, càng về sau có lẽ càng khó khăn hơn, đừng hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn trong một vài năm tới.”

Lưu Nghị / Epoch Times

Xem thêm: