Giám đốc CDC Trung Quốc tiết lộ đã tiêm lẫn 3 liều vắc-xin
- Lâm Tiểu Phàm
- •
Do cộng đồng quốc tế nghi ngờ về hiệu quả của vắc-xin do Trung Quốc sản xuất, nên hiện các nước Đông Nam Á đã lần lượt chuyển hướng sang vắc-xin do các nước phương Tây sản xuất. Đã có một sự thay đổi đáng kể so với việc phụ thuộc vào Trung Quốc về khâu cung ứng vắc-xin vào đầu năm nay. Giờ đây, ngay cả ông Cao Phúc (George F. Gao), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, cũng tiết lộ rằng ông đã tiêm lẫn 3 liều vắc-xin với nhau.
Theo tờ “Nam Hoa tảo báo” (SCMP), ông Cao Phúc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí “Nhân vật Hoàn cầu” của Trung Quốc ngày 17/7 rằng ông đã được tiêm vắc-xin vào tháng 5 năm ngoái và là nhóm người đầu tiên ở Trung Quốc được tiêm vắc-xin trong nước. “Đến nay, tôi đã tiêm 3 liều vắc-xin do các nhà sản xuất khác nhau sử dụng các công nghệ khác nhau, nhưng vẫn không cảm thấy có bất kỳ sự khó chịu nào.”
Về lý do tại sao ông Cao Phúc lại phải tiêm vắc-xin liều thứ 3, và tiêm loại vắc-xin nào, cũng như liệu hành động này có nằm trong nghiên cứu có liên quan hay không, ông Cao Phúc đã không nói chi tiết.
Tại “Đại hội quốc gia về vắc-xin và sức khỏe năm 2021” ở Thành Đô ngày 10/4, trước những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Trung Quốc, nhưng vẫn bị chẩn đoán nhiễm bệnh, ông Cao Phúc trong động thái hiếm hoi đã thừa nhận rằng vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc có “tỷ lệ bảo vệ không cao”. Vào thời điểm đó, ông nói rằng các nhà chức trách đã chính thức xem xét việc liệu vắc-xin được sản xuất bằng các công nghệ khác nhau có nên được tiêm lẫn hay không.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Chile, Seychelles và Mông Cổ đã tiêm vắc-xin Trung Quốc, nhưng tỷ lệ chẩn đoán nhiễm bệnh không hề giảm mà còn tăng lên. Indonesia và Thái Lan cho biết hàng trăm nhân viên y tế đã được tiêm vắc-xin Sinovac đầy đủ, đã bị nhiễm trở lại, hoặc thậm chí mất mạng. Trong khi cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi về tính hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc, Trung Quốc cũng đã đẩy nhanh việc giới thiệu vắc-xin mRNA mới “BioNTech” do công ty vắc-xin BioNTech của Đức phát triển.
- Thái Lan: Hơn 600 nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vắc-xin Sinovac
- Singapore: Người tiêm vắc-xin Sinovac không được tính là đã tiêm chủng
Theo các nguồn tin được Caixin trích dẫn, các bộ phận liên quan đã lên kế hoạch sử dụng “BioNTech” như một biện pháp hỗ trợ tiếp theo cho những người được tiêm vắc-xin bất hoạt. Tin tức liên quan đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trong người dân Trung Quốc. Một số cư dân mạng cho rằng: “Đây phải chăng là sự thừa nhận trá hình về khả năng bảo vệ của vắc-xin trong nước?”. Một số cư dân mạng còn đặt câu hỏi: “Chẳng phải tiêm trực tiếp sẽ rẻ hơn ư? Sao lại muốn tiêm lẫn? Lẽ nào vắc-xin bất hoạt không hiệu quả?”. “Tại sao nó không thể được coi là mũi tiêm chủng đầu tiên?”
Trên thực tế, ngày 19/7, cô Vương, một công dân tại thành phố Liêu Ninh, đã phản hồi với “Vision Times”, rằng cô phát sốt sau khi tiêm vắc-xin nội địa trong tháng này. “Không có bất kỳ phản ứng bất lợi nào khi tiêm vắc-xin. Nhưng cơn sốt lại đột ngột xuất hiện vào ngày thứ 3. Tôi nằm lì ở nhà cả ngày. Lúc đó tôi thấy hơi sợ hãi, cũng may đến ngày thứ 4 thì hạ sốt.” Cô Vương cũng cho biết cô đã tiêm vắc-xin Trùng Khánh, tổng cộng cô phải tiêm 3 mũi, “không tiêm không được, đi đâu cũng bị hạn chế”.
Một người dân Liêu Ninh khác là ông Hoàng, ông cũng cho biết mình đã gặp phải một số tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin trong nước. “Tôi đã được tiêm vắc-xin Bắc Kinh, tổng cộng tiêm 2 mũi. Sau mũi đầu tiên, cổ họng của tôi bắt đầu đau, phải đau mất vài ngày, cũng không biết phải hỏi han gì. Tôi phải tiêm liều thứ hai sau 2 ngày nữa. Không tiêm không được, không thể ra khỏi cửa.” Theo ông Hoàng, nhiều người trong khu dân cư tại địa phương bị sốt, cảm lạnh, buồn ngủ, mệt mỏi và gặp các triệu chứng khác sau khi được tiêm các loại vắc-xin trong nước.
Cũng có cư dân Quảng Đông nói với “Vision Times” rằng cô ấy cảm thấy khó chịu ở cánh tay sau khi tiêm vắc-xin trong nước.
Cần lưu ý, mặc dù Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đăng thông báo trên trang web nói rằng tính đến ngày 3/7, Trung Quốc đã tiêm được 129,037 triệu liều vắc-xin virus viêm phổi Vũ Hán. Tuy nhiên, bên cạnh việc liên tục xảy ra các trường hợp nhiễm virus biến chủng Delta ở Quảng Đông, biến chủng này cũng đã được báo cáo ở Vân Nam, hơn nữa con số vẫn đang tiếp tục leo thang.
Ngoài ra, theo Kênh “Kinh doanh và Tin tức Tiêu dùng Hoa Kỳ” (CNBC), ngày 7 tháng này, trong số các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới, ít nhất 6 quốc gia đã tiếp tục tăng số ca được chẩn đoán nhiễm bệnh mỗi tuần. Trong số đó 5 quốc gia dựa vào vắc-xin của Trung Quốc, gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (74%), Seychelles (72,1%), Mông Cổ (63%), Uruguay (66,5%) và Chile (67,3%).
Theo một báo cáo nghiên cứu gần đây của Hồng Kông, sau khi tiêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc, lượng kháng thể tạo ra trong cơ thể thấp hơn 10 lần so với kháng thể do vắc-xin Pfizer-BioNTech (BNT) tạo ra. Một nghiên cứu thực tế khác ở Chile cho thấy ở những người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ bảo vệ của Sinovac là 66%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hiệu quả của BNT là 93%.
Lâm Tiểu Phàm, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa vắc-xin Trung Quốc Vắc xin COVID-19 Vắc-xin Sinovac Tiêm lẫn vắc-xin Cao Phúc CDC Trung Quốc