Giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc ‘than khóc’ trên weibo đại sứ quán nước ngoài
- Tố Nghĩa
- •
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục sụt giảm, một trong ba chỉ số A-share chính là chỉ số SSE Composite vào ngày 5/2 từng có lúc rơi xuống 2666,33 điểm, khiến không ít cư dân mạng weibo tham gia đầu tư đổ vào trang weibo Đại sứ quán Mỹ kêu gọi “giúp đỡ”. Tuy nhiên, những tin nhắn đó lại bị kiểm duyệt mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gỡ bỏ, khiến họ lại chuyển sang trang của Đại sứ quán Ấn Độ tại Trung Quốc để bày tỏ sự bất bình. Một số người thậm chí còn xin lỗi về những nhận xét phân biệt đối xử trước đây đối với Ấn Độ.
Một số nhà bình luận chỉ ra rằng sau khi bị tổn hại trên thị trường chứng khoán, ngày càng nhiều người nhìn rõ thủ đoạn lừa dối nhân dân của ĐCSTQ. Mặc dù giới đầu tư đã chịu thua lỗ trên thị trường chứng khoán, nhưng sự thức tỉnh đau đớn này có lẽ mang lại ánh sáng cho tương lai của toàn Trung Quốc.
Xóa bỏ các bình luận trên trang weibo của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 3 năm liên tiếp kể từ năm 2021. Theo Tạp chí Chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Securities), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từ ngày 5/2 đã bắt đầu hạ 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mang lại thanh khoản thị trường dài hạn khoảng 1000 tỷ nhân dân tệ. Theo thông tin, lần tỷ lệ dự trữ bắt buộc này đã giảm “vượt quá mong đợi của thị trường” về nhiều phương diện, như mức độ thực hiện, thời điểm thực hiện… Như về cường độ thì mức hạ “0,5 điểm phần trăm” là lớn nhất trong hai năm qua; về thời điểm khi thị trường dự kiến cần “làm ấm thêm một chút” và sự phục hồi kinh tế cần “đẩy mạnh hơn một chút”, đã truyền tải tín hiệu rõ ràng về việc tăng cường điều chỉnh ngược chu kỳ trong chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, động thái đã không thể “làm ấm” thị trường chứng khoán Trung Quốc, cổ phiếu A của Thượng Hải vào ngày 5/2 mở cửa ở mức dưới 2.700 điểm, có thời điểm giảm hơn 2,5%; hơn 5.000 cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến sụt giảm đến mức việc giao dịch bị tạm ngừng để ngăn chặn. Chỉ số SSE Composite đóng cửa ở 2702,19 điểm, giảm 1,02%. Tin tức thị trường chứng khoán cũng một lần nữa đứng đầu danh sách tìm kiếm nóng ở Trung Quốc, thu hút hơn 40 triệu lượt xem.
Đáp lại, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã lên mạng bày tỏ bất bình nhưng bị quản trị mạng liên tục xóa bỏ bình luận, thậm chí có những tài khoản còn bị mất chức năng gửi tin.
Trước tình hình này, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tràn vào tài khoản weibo của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc để yêu cầu giúp đỡ. Vào ngày 2/2, weibo Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã đăng một số bài đăng như: “Khoa học và Công nghệ giúp cải thiện năng lực cho các nhà khoa học bảo vệ hươu cao cổ”, “Tuyên bố nhân kỷ niệm 3 năm cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar”, nhưng khu vực bình luận bên dưới toàn là những bình luận phàn nàn về thị trường chứng khoán lao dốc và suy thoái kinh tế của cư dân mạng Trung Quốc, thậm chí có người còn ám chỉ Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình phải chịu trách nhiệm về tình trạng này.
Có cư dân mạng bình luận: “Tôi thực sự cảm thấy khó chịu, đất nước rộng lớn với 1,4 tỷ dân mà thậm chí không có nơi nào để người ta có thể nói ra sự thật. Weibo các phương tiện truyền thông chính thức không bao giờ dám mở khu vực bình luận của họ, nơi để mọi người có thể lên tiếng lại là weibo của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc. Đây thực sự là một nỗi xấu hổ thế kỷ. Những người bị tổn thương nhất trong bối cảnh này là những người từng tin vào tương lai của Trung Quốc…”; một cư dân mạng khác viết rằng tài khoản weibo của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc “đã trở thành bức tường than khóc cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc”…
Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), khi xu hướng bình luận trực tuyến này trở thành làn sóng, tính đến tối ngày 4/2 đã có tới 140.000 bình luận dưới bài báo về hươu cao cổ nói trên, khiến người ta ví von đây là “sự kiện hươu cao cổ”, “phong trào hươu cao cổ”… Quản trị mạng Internet của ĐCSTQ phải thúc đẩy hoạt động gỡ bỏ các bình luận trên quy mô lớn. Tuy nhiên, một số cư dân mạng Trung Quốc vẫn để lại tin nhắn theo kiểu chuyển tiếp khiến quản trị viên mạng không thể xóa được.
Có cư dân mạng phản ảnh rằng sau khi anh để lại tin nhắn dưới bài đăng hươu cao cổ trên weibo của Đại sứ quán Mỹ, không chỉ tài khoản Sina Weibo của anh mà cả các tài khoản xã hội trực tuyến khác được đăng ký bằng cùng số điện thoại di động cũng bị cấm.
Cư dân mạng chuyển sang trang của Đại sứ quán Ấn Độ
Biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng ĐCSTQ khiến nhiều người dùng cách tiếp cận mới, họ chuyển sang nền tảng Weibo của Đại sứ quán Ấn Độ.
Trong khi cổ phiếu A của Thượng Hải thường xuyên chạm đáy thì thị trường chứng khoán Ấn Độ lại tăng trên 72.000 điểm. Tháng 1 năm nay, giá trị thị trường của thị trường chứng khoán Ấn Độ đã vượt qua thị trường chứng khoán Hồng Kông và trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 4 trên thế giới.
Trong khu vực bình luận bên dưới bài đăng “Vasant Mela” do Đại sứ quán Ấn Độ tại Trung Quốc đăng vào ngày 2/2, mặc dù quản trị mạng ĐCSTQ tiếp tục xóa bình luận nhưng tính đến tối ngày 5/2 vẫn có hơn 3.400 bình luận, được biết đến là số lượng bình luận cao gấp hàng chục đến 100 lần những bài đăng khác trước đó.
Trong những bình luận, một số cư dân mạng cho biết:
“Anh Ba (cách gọi đùa cợt của cư dân mạng Trung Quốc đối với người Ấn Độ), tôi yêu bạn.”
“Chúng tôi không nên gọi là Anh Ba, chúng tôi phải gọi các bạn là Ông Ba, xin hãy cứu chúng tôi.”
“Trước đây tôi lên án, nhưng bây giờ tôi ủng hộ các bạn, tôi đã sai, tôi xin lỗi.”
“Anh Ba, hãy tha thứ cho tôi vì tôi là ếch ngồi đáy giếng.”
“Hãy cứu lấy thị trường chứng khoán Trung Quốc, cảm ơn người anh em Ấn Độ.”…
Ngoài ra có cư dân mạng viết thẳng: “Các người định tăng lên 100.000 điểm à? Người dân Ấn Độ vui quá.”
“Tôi ghen tỵ với thị trường chứng khoán Ấn Độ, thật tuyệt vời!”
“Đất nước Ấn Độ vĩ đại có thị trường tài chính tuyệt vời!”….
Bài học để người Trung Quốc thức tỉnh
Học giả tài chính Trung Quốc He Jiangbing phân tích trên RFA rằng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc không liên quan trực tiếp đến chính sách của ngân hàng trung ương mà liên quan đến nền kinh tế và niềm tin.
Ông giải thích thêm rằng những kỳ vọng kinh tế hiện tại của thị trường Trung Quốc và sự xấu đi trong quan hệ Trung-Mỹ đang ảnh hưởng đến xu hướng này: “Vì Trung Quốc là ‘công xưởng của thế giới’ nên cần duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng. Khách hàng lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ, tiếp theo là châu Âu, tiếp nữa là Nhật Bản, Úc, Canada… Mối quan hệ tốt với các nền kinh tế định hướng thị trường lớn này là rất quan trọng, điều này không thể giải quyết được bằng cách cắt giảm chuẩn dự trữ và lãi suất của ngân hàng trung ương”.
Một điều quan trọng – vấn đề cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa truyền thông chính thức của ĐCSTQ và các nhà đầu tư Trung Quốc.
Ví dụ cơ quan ngôn luận chính của ĐCSTQ là Nhật báo Nhân dân vào ngày 2/2 đã có bài: “Cả nước tràn ngập bầu không khí lạc quan”, nêu rõ lời ca ngợi của Bí thư Đảng Cộng sản Đức là bà Renate Koppe đến thăm Trung Quốc, cho hay bà Koppe cảm thấy rằng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể về nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và mức sống chung của người dân. Bài báo đặc biệt dẫn lời bà Koppe nói: “Cả đất nước tràn ngập bầu không khí lạc quan, điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi”.
Hay như một bài viết tiêu biểu khác trước đó (xuất bản vào tháng 6/2016) có tựa đề “Trung Quốc dự kiến sẽ bước vào giai đoạn thu nhập cao từ năm 2024”, ở đầu bài viết: “Hiện nay nước ta đã bước vào giai đoạn thu nhập trung bình cao”. Bài báo của nhà nghiên cứu Zheng Bingwen tại Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Lý thuyết Chủ nghĩa Xã hội Đặc sắc Trung Quốc – Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc này cũng nêu rõ: “Chỉ cần về chính trị không để xảy ra những sai lầm mang tính đảo lộn, không có những vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế, thì hệ thống sẽ không có những biến động lớn, chắc chắn trong 6 – 7 năm nữa, đất nước Trung Quốc sẽ thành công vượt qua ‘bẫy thu nhập trung bình’”.
Một nhà bình luận tài chính kỳ cựu là Wang Jian nói thẳng: “Từ bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc, bài viết này là cái chốt để công luận nhìn vào [truyền thông nhà nước Trung Quốc]”.
Ông cho hay, suốt năm qua cho thấy các biện pháp kích thích của ĐCSTQ ở mức vừa phải, do đó có xu hướng cho rằng nhà chức trách còn ‘giữ đạn dược’ để khi cần thiết mới tung ra. Nhưng ông tin rằng chính quyền đã hết đạn, và họ không thể làm được gì nhiều trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc suy thoái, hoặc có thể chính quyền cũng đang làm nhiều việc nhưng những việc đó không có ý nghĩa gì nhiều.
Một người chuyên bình luận thời sự khác là Đường Hạo (Tang Hao) đã phân tích trên Vision Times, cho rằng ĐCSTQ đã không ngừng thúc đẩy quảng bá công luận “ánh sáng kinh tế Trung Quốc”, nhưng thị trường chứng khoán cho thấy ngày càng u ám, nếu nhìn vấn đề từ một góc độ khác có thể coi là điều tốt, vì nhiều người sau khi bị hại mới tỉnh ngộ để hiểu được thủ đoạn lừa dối đối với người dân, hiểu được những chiêu trò ‘lùa gà’; thứ hai, những đòn thức tỉnh trong đau đớn của các nhà đầu tư như vậy mới soi sáng cho con đường phía trước của Trung Quốc.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Người Trung Quốc chứng khoán Trung Quốc Dòng sự kiện