Giới trẻ Trung Quốc ngày nay nói gì về ước mơ?
- Lý Quảng Tùng
- •
Ba lĩnh vực nhà ở, giáo dục và chăm sóc y tế ở Trung Quốc cực kỳ đắt đỏ, cộng thêm tình trạng tìm kiếm việc làm khó khăn, lương thấp khiến giới trẻ không dám ước mơ và nản chí khi muốn sinh con.
Ngày nay, nhiều người trẻ tại Trung Quốc không tìm được việc làm, nhưng mặt khác nhiều người lại phàn nàn về việc thường xuyên phải tăng ca. Chính vì nhiều nhân viên tự nguyện tăng ca để giữ việc, nên một công việc vốn dĩ cần 3 người, lại chỉ được chia cho 2 người, thậm chí 1 người.
Chi phí lao động mà doanh nghiệp tiết kiệm được sẽ không được sử dụng để tuyển dụng nhân viên mới, mà dành cho các mục đích khác. Kết quả là ngày càng có nhiều người thất nghiệp, và nhiều người thậm chí không tìm được việc làm.
Trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ làm điều này là bình thường, dù sao họ cũng muốn tồn tại. Nhưng các doanh nghiệp tư nhân lớn, doanh nghiệp nhà nước cũng đều làm như vậy. Nói thẳng ra là họ không tôn trọng, không quan tâm đến thời gian riêng tư của người lao động, không có ranh giới giữa công việc và cuộc sống.
Nhiều người nói giới trẻ ngày nay không có ước mơ. Có người chỉ giả vờ ngây thơ, thực ra họ biết rõ vấn đề mãi mãi nằm ở sự phân chia lợi ích. Nói chung, có quá nhiều người trong xã hội này chỉ ở trong vùng an toàn, vấn đề là họ không chấp nhận bước ra, để những người trẻ tuổi tiến vào.
Một thanh niên 22 tuổi tốt nghiệp đại học, hoặc một thanh niên 25 tuổi tốt nghiệp cao học phải nhận mức lương ba cọc ba đồng trong thời gian thử việc, phải vùi đầu làm việc 10- 12 giờ mỗi ngày. Sau khi trở thành nhân viên chính thức sau 6 tháng, họ vẫn chỉ nhận được mức lương thấp, và lại tiếp tục nỗ lực làm việc, không có ngày nghỉ, không dám nghỉ ốm.
Hãy nhìn vào giá nhà cao ngất ngưởng, liệu những người trẻ tuổi còn dám ước mơ? Vào những năm 1970, sau vài năm làm việc, mọi người còn được phân nhà. Đến năm 2000 cải cách nhà ở được thực hiện, người lao động vẫn có thể mua một căn nhà với giá trị thấp hơn.
Những người sau thập niên 1980 phải nghiến răng rút ví trả tiền đặt cọc mua nhà và trả góp sau một thời gian dài, mới có thể sở hữu được một căn hộ. Còn những người sau thập niên 1990, 1995, sau năm 2000 phải đối mặt với giá nhà đất đắt đỏ hiện tại, với mức lương không mấy thay đổi so với 10 năm trước, thậm chí còn xảy ra hiện tượng cắt giảm lương trong toàn ngành.
Khuyến khích những người trẻ phải sống trong hoàn cảnh cùng cực ấy không được nghĩ đến những vấn đề thực tế, không được nghĩ cách kiếm tiền nuôi sống bản thân, mà phải có ước mơ, thì làm sao họ dám ước mơ?
Họ rút sạch lương hưu của cha mẹ để bắt đầu khởi nghiệp, thua lỗ và mất trắng sau 3 năm, cuối cùng đành phải tìm việc với mức lương bèo bọt mỗi tháng, và còn phải chật vật thi công chức.
Các chuyên gia thường nghĩ về lý do vì sao những người trẻ tuổi không kết hôn và không sinh con, câu trả lời chẳng phải rất rõ ràng sao? Ai là người không thích tìm một nửa của mình, cùng chung sống và tận hưởng cuộc sống hạnh phúc?
Có ai thích phải tăng ca vào cuối tuần, hay mỗi lần xin nghỉ về nhà thăm cha mẹ vẫn phải ôm máy tính để viết email, điền vào các biểu mẫu hải quan? Chẳng phải vì hoàn cảnh sống quá khó khăn, họ không thể mua nhà và sinh con hay sao?
Những người trung niên và cao tuổi thường nói với giới trẻ rằng phải có ước mơ, hãy bước ra khỏi vùng an toàn của mình và vùng vẫy. Điều này liệu có khả thi?
Mới đây, tại một hội chợ việc làm do Đại học Kinh tế Luật Hà Nam Trung Quốc tổ chức đã đăng tuyển các vị trí bồi bàn, đầu bếp, lễ tân, rửa bát đĩa với mức lương thấp nhất chỉ 2.000 nhân dân tệ (khoảng 287 USD).
Điều này khiến người ta vô cùng bất ngờ: Chẳng lẽ sinh viên của trường Đại học Kinh tế Luật, được mệnh danh là “trường Đại học Kinh tế Luật tốt nhất Hà Nam” lại bị phá giá đến mức như vậy? Người ta nói rằng học vấn là cách tốt nhất để thay đổi số phận của một người, nhưng sự thật là gì?
Nhân viên văn phòng có bằng thạc sĩ, nhân viên thu ngân có bằng cử nhân, nhân viên bảo vệ có bằng cao đẳng ngày càng nhiều… Đây chẳng phải là hiện tượng đáng buồn hay sao. Chúng ta đã loại bỏ kỷ nguyên những người lao động nhập cư giá rẻ, nhưng lại mở ra kỷ nguyên của những sinh viên đại học giá rẻ.
Hãy làm một phép tính đơn giản và tính toán chi phí sinh con là bao nhiêu:
- Các chi phí khác nhau khi mang thai khoảng 30.000 nhân dân tệ (khoảng 4.306 USD).
- Phí tiêm phòng cho trẻ, phí khám bệnh, tiền sữa bột, tiền tã lót và các loại đồ chơi nhỏ khác trước khi trẻ được 3 tuổi, cộng lại ít nhất là 70.000 – 80.000 nhân dân tệ (khoảng 10.048 – 11.484 USD).
- Trong thời kỳ mẫu giáo, nếu may mắn giành được một suất vào trường mẫu giáo công lập, học phí hàng tháng sẽ là hơn 500 tệ (khoảng 72 USD). Nếu học trường mẫu giáo tư thục thì vài nghìn tệ mỗi tháng (1.000 tệ = khoảng 144 USD). Tính cả tiền dinh dưỡng, đồ ăn, đồ chơi, học phí của đứa trẻ trong giai đoạn này, cũng phải tiêu tốn khoảng 50.000 tệ (khoảng 7.178 USD).
- Trong thời gian giáo dục bắt buộc kéo dài 9 năm, tính cả các loại phí học thêm, ăn uống và sinh hoạt phí, ít nhất sẽ tiêu tốn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 28.710 USD).
- Trong thời gian học trung học, học phí, tiền học thêm, chi phí sinh hoạt sẽ tiêu tốn khoảng 200.000 nhân dân tệ (khoảng 28.710 USD).
- Trong thời gian học đại học, học phí + phí ăn ở + sinh hoạt phí + các chi phí linh tinh sẽ tổng cộng hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.351 USD) trong 4 năm.
Theo ước tính thận trọng nhất, từ khi sinh ra đến khi tốt nghiệp đại học, một đứa trẻ cũng cần hơn 600.000 nhân dân tệ (khoảng 86.109 USD). Cộng với các khoản chi tiêu thêm, nuôi con trưởng thành, phải đến 1 triệu tệ (khoảng 143.516 USD). Phải bỏ ra số tiền chu cấp tốn kém như vậy để nuôi con lớn, nhưng chúng lại không tìm được việc làm, lương tháng 3.500 tệ (khoảng 502 USD) cũng khó kiếm.
Theo số liệu, nếu so sánh chi phí nuôi con đến 18 tuổi trên toàn thế giới với bội số GDP bình quân đầu người, ở Úc là 2,08 lần, Pháp là 2,24 lần, Thụy Điển là 2,91 lần, Đức là 3,64 lần và Hoa Kỳ là 4,11 lần, Nhật Bản là 4,26 lần. Trung Quốc là 6,9 lần, gần như cao nhất thế giới! Nói cách khác, sinh con ở Trung Quốc có thể là một công việc kinh doanh thua lỗ hoàn toàn. Ba lĩnh vực nhà ở, giáo dục và chăm sóc y tế ở Trung Quốc cực kỳ đắt đỏ, khiến người ta nản chí khi muốn sinh con!
Theo Lý Quảng Tùng, aboluowang
Từ khóa Thanh niên Trung Quốc Giới trẻ Trung Quốc Nằm ngửa Người Trung Quốc Dòng sự kiện