Trung Quốc thu thập toàn bộ thông tin sinh trắc học của người dân ở Tân Cương
- Tuyết Mai
- •
Thời gian qua nhiều địa phương tại Tân Cương Trung Quốc thu thập dữ liệu sinh trắc học của người dân, ông Sophie Richardson phụ trách theo dõi tình hình nhân quyền Trung Quốc thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch, HRW) cho biết: “Thu thập số liệu sinh trắc học bao gồm cả DNA theo kiểu ép buộc đối với cả một quần thể đông người là hành vi vi phạm chuẩn mực nhân quyền quốc tế nghiêm trọng.”
Chính quyền Tân Cương thu thập mẫu DNA người dân trong vùng từ 12-65 tuổi
Ngày 13/12, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế thông báo, chính quyền Tân Cương Trung Quốc thu thập mẫu DNA, dấu vân tay, quét mống mắt và thông tin nhóm máu của người dân từ 12-65 tuổi sống trong vùng. Tổ chức này cho biết, chính quyền dùng các phương pháp khác nhau để thu thập dữ liệu sinh trắc học của người dân, trong đó thông tin DNA và nhóm máu được gọi là để “khám sức khỏe cho toàn dân” (Physicals for All), là dự án kiểm tra sức khỏe hàng năm miễn phí.
Ông Sophie Richardson, người phụ trách theo dõi tình hình nhân quyền Trung Quốc cho biết: “Thu thập số liệu sinh trắc học bao gồm cả DNA theo kiểu ép buộc đối với cả một quần thể đông người là hành vi vi phạm chuẩn mực nhân quyền quốc tế nghiêm trọng, nếu hành vi này được thực hiện âm thầm dưới vỏ bọc của một dự án dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí thì càng đáng lo ngại hơn.”
Tổ chức Quan sát Nhân quyền cho biết, hồi tháng Bảy, “Văn phòng Chỉ đạo Công tác phục vụ quản lý dân số và tên thực” vùng Aksu Tân Cương đã ra thông báo “Hướng dẫn xác minh chính xác đăng ký dân số của khu vực”, thông báo yêu cầu các cơ quan quản lý các cấp trong vùng phải “đặc biệt chú trọng, chứng thực chắc chắn, chấp hành nghiêm khắc”.
Theo hướng dẫn yêu cầu, ngoài việc thu thập thông tin sinh trắc học của nhóm người độ tuổi 12-65 trong khu vực, đối với “người cần quan tâm và người thân của họ” thì không giới hạn tuổi tác, phải “thu thập toàn bộ”. Ngoài ra, “Hướng dẫn” cũng yêu cầu thông tin thu thập phải theo tiêu chí “Thôn không bỏ sót hộ, hộ không bỏ sót người, người không bỏ sót mục, xác minh tất cả các thông tin của những người đăng ký hộ khẩu Tân Cương”.
Theo báo cáo của Tổ chức Quan sát Nhân quyền, trong tháng Sáu trước đó, địa khu Tháp Thành – Tân Cương đã ban hành Phương án thí điểm kiểm tra chính xác dân số của khu vực, theo đó bắt đầu từ tháng Bảy thực hiện thu thập thông tin sinh trắc học dân số trong vùng, việc thí điểm hoàn thành vào tháng Mười Một. Ngoài ra, trên trang web chính quyền thành phố Y Ninh và Korla cũng có thông báo về việc thực hiện xác minh đăng ký dân số chính xác, thời gian thông báo của hai nơi này là vào tháng Tám và tháng Mười năm 2017.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền cho biết, trong đưa tin của các phương tiện truyền thông và các văn bản chính thức của quốc gia có liên quan đến việc kiểm tra sức khỏe toàn dân đều không cho thấy phải thu thập thông tin DNA là một phần của việc kiểm tra sức khỏe, trong khi các cơ quan chính phủ có liên quan dường như cũng không thông báo cho công chúng hoặc người làm việc thu thập biết sẽ sử dụng và phổ biến như thế nào những thông tin y học thu thập được, hoặc là thời gian thông tin sẽ được lưu trữ. Mặc dù có báo đưa tin rằng dự án y tế quốc gia này là tự nguyện, nhưng Tổ chức Quan sát Nhân quyền lo lắng rằng mọi người bị yêu cầu, thậm chí bị buộc phải tham gia vào dự án này.
Một người dân Tân Cương giấu tên chia sẻ với Tổ chức Quan sát Nhân quyền rằng, nếu ông không tham gia kiểm tra, ông sợ bị dán nhãn “không trung thành chính trị”, và ngoài ra ông còn cho biết đã không nhận được bất kỳ kết quả kiểm tra y tế nào.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Cương lên án Tổ chức Quan sát Nhân quyền rằng đã miêu tả lại “không chính xác”. Tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Lục Cương nói rằng tình hình chung ở Tân Cương là rất tốt.
Tờ Nhật báo Yili của Đảng ủy khu tự trị Ili Kazakhstan Autonomous Prefecture Tân Cương đã đưa tin, kể từ ngày 1/6 năm ngoái Cục Công an Khu tự trị đã yêu cầu tất cả những người xin hộ chiếu, giấy thông hành Hồng Kông và Macao, Đài Loan, ngoài cung cấp bằng chứng chứng minh xuất cảnh phù hợp còn phải đi đến đồn cảnh sát nơi cư trú để thu thập DNA, dấu vân tay, vân giọng nói và thông tin hình ảnh ba chiều.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Vi phạm nhân quyền Tổ chức theo dõi nhân quyền thu thập thông tin DNA