Hứa hẹn mới của Trung Quốc hỗ trợ hơn 50 tỷ USD cho châu Phi
- Mộc Vệ
- •
Ngày 5/9 tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình thông báo trong 3 năm tới sẽ hỗ trợ tài chính cho châu Phi thêm 360 tỷ nhân dân tệ (khoảng 51 tỷ USD), vấn đề lại làm dấy lên tranh luận về ‘bẫy nợ’ từ Trung Quốc.
Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi được tổ chức 3 năm một lần tại Bắc Kinh, diễn đàn này luôn là kênh chính của Trung Quốc để cung cấp các khoản vay cho châu Phi. Việc Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với châu Phi cũng làm dấy lên lo ngại khiến các nước châu Phi rơi vào bẫy nợ.
Theo Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của ĐCSTQ, 52 nước châu Phi và các thành viên của Liên minh châu Phi đã ký các văn bản hợp tác với Trung Quốc để cùng xây dựng “Vành đai và Con đường”. Hợp tác Trung Quốc – châu Phi này đã xây dựng và nâng cấp gần 100.000 km đường bộ, hơn 10.000 km đường sắt và gần nghìn cây cầu cùng gần một trăm bến cảng. Ngoài cơ sở hạ tầng còn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như phát triển xanh, y tế, tài chính và đổi mới kỹ thuật số.
Tờ DW của Đức đưa tin rằng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” chủ yếu cung cấp các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở các nước đang phát triển, theo đó châu Phi là trọng tâm. Tuy nhiên, giới quan sát có quan điểm cho rằng sáng kiến này đã trở thành gánh nặng cho các nước châu Phi khi nhiều nước hứng chịu các khoản nợ kếch xù [và thường phải trả giá bằng hy sinh chủ quyền quốc gia].
Theo báo cáo cuối năm 2022 của tổ chức nghiên cứu Chatham ở Anh, Trung Quốc là chủ nợ lớn của nhiều nước châu Phi, các khoản vay từ nhà nước Trung Quốc chiếm 12% tổng nợ của châu Phi.
Doanh số bán vũ khí sang châu Phi tăng
Theo BBC, khi quan hệ Trung – Mỹ tiếp tục xấu đi, Trung Quốc cần các nước châu Phi lặp lại ý kiến của Trung Quốc về các vấn đề như Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương. Đồng thời, sau Chiến tranh Nga-Ukraine, sự hiện diện của Nga ở châu Phi giảm sút. Đặc biệt về mặt bán vũ khí, Trung Quốc nhanh chóng đuổi kịp và trở thành nước chủ chốt bán vũ khí cho châu Phi.
Cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy từ năm 2019 đến 2023, Trung Quốc đã cung cấp vũ khí quy mô lớn cho hơn 20 quốc gia châu Phi, như bàn giao tàu chiến cho Djibouti và Mauritania, máy bay không người lái cho Nigeria và Congo.
Nhiều tướng lĩnh châu Phi được đào tạo tại Học viện chỉ huy quân đội Thạch Gia Trang của Trung Quốc.
Vào tháng 8 năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Zimbabwe Chu Đỉnh (Zhou Ding) phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm rằng, “những ký ức quý giá về sự đoàn kết và hợp tác quân sự giữa hai nước là di sản chung của chúng ta, và những ký ức này tiếp tục định hình và tạo động lực cho mối quan hệ ngày nay”.
Trung Quốc xây căn cứ quân sự ở Djibouti
BBC đưa tin, năm 2017, Trung Quốc đã thành lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại quốc gia châu Phi Djibouti, với hơn 1.000 binh sĩ đồn trú tại đây, điều này khiến các nước phương Tây lo ngại. Djibouti nằm trên bờ biển phía tây của Vịnh Aden, trấn giữ lối đi từ Biển Đỏ đến Vịnh Aden. Từ đây có thể đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez để đến Địa Trung Hải, trực tiếp tới lục địa châu Âu; về phía đông, tuyến đường dẫn thẳng đến Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương. Tuyến đường hàng hải này là một trong những hành lang thương mại quan trọng nhất trên thế giới.
Vị trí chiến lược quan trọng của Djibouti đã khiến các nước khác như Mỹ, Ý, Pháp, Nhật Bản thiết lập căn cứ quân sự tại đây.
Lầu Năm Góc Mỹ đã chỉ ra trong “Báo cáo Phát triển An ninh và Quân sự Trung Quốc” năm 2020 rằng ngoài căn cứ quân sự ở Djibouti, Trung Quốc “có thể sẽ xem xét và lên kế hoạch” xây dựng các cơ sở khác ở nước ngoài để hỗ trợ cho hải quân, không quân và lực lượng mặt đất của quân đội nước này. Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola… đều là những điểm đến tiềm năng.
Trung Quốc muốn trở thành lãnh đạo của phương Nam toàn cầu
Ông Lưu Bình (bút danh), một học giả gốc Hoa nghiên cứu quan hệ quốc tế, nói với Đài Á Châu Tự do rằng Trung Quốc đang cố gắng giành quyền thống trị ở phương Nam toàn cầu về các vấn đề chính trị toàn cầu, và trung tâm hấp dẫn của phương Nam toàn cầu là Châu Phi. Châu Phi có ý nghĩa chiến lược truyền thống đối với Trung Quốc.
Ông Lưu Bình nói: “Chính là để giúp Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến nhân quyền và các vấn đề ngoại giao, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan, tại Liên Hợp Quốc. Quan trọng là cái gọi là làm nổi bật sự khác biệt của nam bán cầu với thế giới dân chủ chính là điều Trung Quốc coi trọng nhất. Trung Quốc muốn đóng vai trò lãnh đạo ở nam bán cầu trong cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ và phương Tây”.
Mộc Vệ (t/h)
Từ khóa châu Phi quan hệ Trung Quốc - châu Phi