Mô hình sản xuất do nhà nước lãnh đạo của TQ gây căng thẳng thương mại toàn cầu
- Văn Long
- •
Dù nền kinh tế Trung Quốc suy thoái nhưng những dấu hiệu cho thấy họ vẫn quyết định tăng đầu tư vào sản xuất. Có chuyên gia cho rằng lẽ ra phải thúc đẩy nhu cầu trong nước để kích thích tiêu dùng, nhưng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình nhất quyết thúc đẩy mô hình sản xuất do nhà nước lãnh đạo, làm dấy lên lo ngại cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Vẫn kiên định thúc đẩy mô hình sản xuất đầu tư quy mô lớn
Chính quyền Bắc Kinh gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư sản xuất quy mô lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế và tăng cường năng lực công nghiệp, nhưng chính sách này đã gây ra căng thẳng ngày càng gia tăng trong quan hệ thương mại quốc tế. Vấn đề Trung Quốc tiếp tục mở rộng sản xuất đang gây sức ép lên các công ty trên toàn thế giới, và làm dấy lên mối lo ngại rộng rãi về một đợt chiến tranh thương mại toàn cầu mới.
Theo Wall Street Journal (WSJ) hôm 23/8, do luật về khí hậu được Chính phủ Mỹ ban hành 2 năm trước và hàng tỷ đô la giảm thuế cũng như các chính sách cho vay của Chính phủ, công ty khởi nghiệp CubicPV ở Massachusetts có kế hoạch đầu tư 1,4 tỷ USD vào Texas xây dựng nhà máy sản xuất tấm bán dẫn ở Saskatchewan. Nhưng do tình trạng dư thừa công suất liên quan của Trung Quốc khiến giá cả thị trường toàn cầu bị bóp méo, hệ quả là vào đầu năm nay, CubicPV đã buộc phải tạm dừng kế hoạch xây dựng nhà máy.
Cùng lúc đó, công ty khai thác quặng sắt và sản xuất thép CAP của Chile cũng đang phải hứng chịu tình trạng kim loại giá rẻ bị Trung Quốc bán phá giá và buộc phải đóng cửa nhiều nhà máy thép lớn.
Thông tin chỉ ra, chính quyền Bắc Kinh đang tăng cường đầu tư vào sản xuất để khôi phục sức sống kinh tế, nâng cao khả năng phục hồi của ngành và cố gắng tránh gây ra làn sóng tẩy chay quốc tế. Tuy nhiên, chiến lược này đã gây căng thẳng thương mại trên toàn thế giới. Quyết định gần đây của Liên minh châu Âu về việc áp dụng thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất về căng thẳng thương mại. Đồng thời, các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Anh cũng đã bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm Trung Quốc.
Một số cố vấn chính sách chỉ ra nền kinh tế Trung Quốc cần thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào sản xuất và xây dựng, thay vào đó ưu tiên kích thích nhu cầu trong nước để tăng trưởng bền vững hơn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định thúc đẩy các mô hình sản xuất do nhà nước lãnh đạo như xe điện, chất bán dẫn và năng lượng xanh là bước quan trọng trong việc cải thiện tầm nhìn sản xuất của Trung Quốc. Thay vì hướng tới cân nhắc ngắn hạn trong vấn đề hiện tại dư thừa năng lực sản xuất, các chính sách của ông Tập Cận Bình tập trung vào việc thiết lập chuỗi cung ứng công nghiệp toàn diện để đối phó với các lệnh trừng phạt quốc tế tiềm tàng.
Thông tin chỉ ra, biện pháp mở rộng năng lực sản xuất của Bắc Kinh về lâu dài có thể gây vấn đề bảo hộ thương mại tăng cường hơn. Nếu Trung Quốc không tìm được đủ thị trường để hấp thụ năng lực sản xuất mới, nước này có thể phải đối mặt với những thách thức kinh tế và thương mại nghiêm trọng hơn. Tình trạng này sẽ có tác động sâu sắc không chỉ đối với chính Trung Quốc mà còn đối với thị trường toàn cầu và hệ thống thương mại quốc tế.
Những nỗ lực vẫn ở mức khẩu hiệu
Kể từ đầu năm 2023 khi chính quyền Bắc Kinh chấm dứt chính sách ‘Zero COVID’ phòng chống dịch bệnh toàn cầu này, giới chức ĐCSTQ đã kỳ vọng sự phục hồi kinh tế sẽ dẫn đến người tiêu dùng “chi tiêu trả thù”. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc vốn chịu đòn nặng nề trong thời kỳ thực hiện ‘Zero COVID’ kéo dài 3 năm, đã gặp phải những biến chứng hiếm gặp, khiến “3 động cơ lớn” (gồm bất động sản, xuất khẩu và đầu tư) mà trong thời gian dài trước đó giúp kinh tế Trung Quốc nhanh chóng tăng trưởng đã bị đình trệ, lần lượt rơi vào tình trạng suy thoái chung. Trong bối cảnh đó, chính quyền Bắc Kinh vẫn đặt mục tiêu kinh tế cho tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) năm 2024 là 5%.
Vào tuần trước khi Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường chủ trì phiên họp toàn thể lần 5 của Chính phủ, đã nhắc lại rằng phải kiên quyết hoàn thành các mục tiêu hàng năm về nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế và tập trung vào kích thích tiêu dùng.
Trước tình trạng nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu, ông Lý Cường đề xuất các chính sách và biện pháp mới, nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng nhu cầu trong nước, thúc đẩy tiêu dùng… Theo đó cũng xem xét các biện pháp nhằm tăng thu nhập hộ gia đình ở cả khu vực nông thôn và thành thị Trung Quốc, bằng cách cung cấp hỗ trợ phù hợp dựa trên nhu cầu của các nhóm khác nhau.
Ông Lý Cường nhấn mạnh cần “những nỗ lực lớn” để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc liên tục trở lại; “cần nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để mở rộng nhu cầu trong nước, tập trung thúc đẩy tiêu dùng”; khuyến khích chính quyền địa phương hướng theo các ngành công nghiệp mà địa phương đó có lợi thế…
Lý Cường cũng hứa “mở cửa cao đối với bên ngoài”; làm tốt công tác “ổn định việc làm cho các nhóm chủ chốt”; “nghiên cứu xây dựng các chính sách thúc đẩy tăng thu nhập của người dân thành thị và nông thôn”; “nâng cao mức độ hợp pháp hóa công việc của chính phủ và tập trung vào việc giảm chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả hành chính”…
Trước đó vào ngày 25/6, ông Lý Cường đã có bài phát biểu đặc biệt tại Diễn đàn Davos Mùa hè. Giải thích cách Trung Quốc cân bằng nhu cầu kích thích ngắn hạn với những thách thức dài hạn như nợ cao, dân số già và tiêu dùng chậm chạp. Ông cũng nói rằng chính quyền Bắc Kinh đang dựa trên khái niệm “củng cố nền tảng và bồi bổ nguyên khí” trong y học cổ truyền Trung Quốc, để điều tiết nền kinh tế Trung Quốc một cách đúng đắn và cải thiện nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Lý Cường cho rằng điều cơ bản nhất là xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa ngắn hạn và dài hạn, đồng thời kết hợp giữa điều trị triệu chứng và trị nguyên nhân gốc rễ.
Về vấn đề “củng cố nền tảng và bồi bổ nguyên khí”, ông Lý Cường giải thích rằng nền kinh tế sau vài năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh giống như một người bệnh nặng mới khỏi, theo lý thuyết của y học cổ truyền Trung Quốc thì lúc này không nên “dùng thuốc mạnh” [bồi bổ nhiều quá], mà cần phải điều chỉnh một cách từ từ mà đúng đắn để dần dần khôi phục “nguyên khí”.
Điều đáng chú ý là nhận xét của Lý Cường về việc “điều tiết” nền kinh tế Trung Quốc “không dùng thuốc mạnh” không những không được truyền thông chính thức trích dẫn mà còn bị xóa khỏi Internet, vì tìm kiếm không còn cho ra kết quả rõ ràng.
Vì sao các biện pháp chưa mang lại kết quả mong đợi
Trong khoảng một năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, từ việc dỡ bỏ các hạn chế khác nhau về mua nhà, đến cung cấp các khoản vay mua nhà lãi suất thấp, từ thúc đẩy trao đổi hàng tiêu dùng lấy hàng cũ đổi hàng mới, đến cung cấp chiết khấu mua xe điện, Bộ Tài chính ĐCSTQ vào tháng 7 công bố phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn và hỗ trợ chính quyền địa phương kích thích chi tiêu… Tuy nhiên, các biện pháp cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Thông tin của Đài VOA Mỹ hôm 17/8 đã chỉ ra, hệ thống quan liêu quen với tư duy “trọng cung”, luôn không sẵn lòng đối mặt với nguyên nhân chính khiến mức tiêu dùng yếu, vấn đề không phải là người tiêu dùng không muốn chi tiền, mà là họ lo lắng quá nhiều và cuộc sống quá khó khăn. Giải pháp cho vấn đề này không phải là “kích thích”, mà là thay đổi vai trò then chốt của tiêu dùng trong nền kinh tế vĩ mô.
Thành viên Huang Yiping của Ủy ban Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, gần đây trong một bài phát biểu trước công luận đã kêu gọi thay đổi triết lý chính sách “nặng đầu tư, nhẹ tiêu dùng”, kêu gọi Bắc Kinh tăng cường kích thích tiêu dùng và thậm chí yêu cầu Chính phủ phát tiền trực tiếp cho người dân.
Ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với thách thức tương đối nghiêm trọng về tình trạng dư thừa công suất, chính sách kích thích tiếp theo có thể sẽ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn về tình trạng dư thừa công suất. Ông cho rằng định hướng chính sách ngắn hạn của Chính phủ cần nâng tầm quan trọng của việc theo đuổi lạm phát vừa phải lên ngang bằng với việc theo đuổi tăng trưởng kinh tế tốc độ trung bình, đặt ra phạm vi tăng trưởng (2% – 3%) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và làm rõ các mục tiêu chính sách. Ông cũng kêu gọi tăng cường các chính sách kinh tế vĩ mô và thực hiện các khoản chi tiêu tài chính đã được sắp xếp xong, trong đó bao gồm cả chính sách “cho phép người lao động nhập cư định cư tại các thành phố” và “trực tiếp phân phối tiền cho người dân thường”.
Từ khóa Dư thừa sản xuất Tập Cận Bình kinh tế Trung quốc