Jack Ma: Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ có thể kéo dài 20 năm
- Trí Đạt
- •
Hôm thứ Hai (17/9) Chính phủ Trump đã thông báo chính thức áp 10% thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD (Đô la Mỹ) từ ngày 24/9, và tỉ lệ thuế sẽ tăng lên 25% từ ngày 1/1 năm tới. Động thái dẫn đến sự leo thang về căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nghiêm trọng hơn nhiều. Hôm thứ Ba (18/9), tỷ phú Trung Quốc Mã Vân (Jack Ma) cho biết rằng cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ có thể sẽ kéo dài đến 20 năm.
Tại sao Mỹ tăng dần thuế quan?
Reuters đưa tin, một quan chức cấp cao Chính phủ Trump cho biết vòng thuế quan mới sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 24/9, nhưng sẽ tăng lên 25% vào ngày 1/1 năm tới, nhằm có thời gian cho các công ty Mỹ điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ tới các nước khác.
Cho đến nay, Mỹ đã áp đặt thuế quan đối với sản phẩm Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, hy vọng sẽ buộc Bắc Kinh phải thực hiện thay đổi tình trạng bất bình đẳng thương mại, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và trợ cấp nhà nước cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.
CNBC đưa tin, hôm thứ Hai (17/9) cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kudlow nói: “Mọi người đổ lỗi cho Tổng thống Trump muốn sửa chữa hệ thống mục nát, tôi nghĩ rằng điều này là không công bằng”, ông nói. “Ông ấy chỉ thừa kế sự hỗn loạn này (hệ thống thương mại). Ông ấy đang cố gắng điều chỉnh lại. Ông ấy là một nhà cải cách. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.”
Vừa đánh vừa đàm
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã mời các quan chức cấp cao của Bắc Kinh tổ chức các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng, phía Trung Quốc hoan nghênh, nhưng cho đến nay hai bên vẫn chưa dàn xếp được bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Vào hôm thứ Ba (18/9) Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross (Wilbur Ross) cho biết, “Mục đích của chúng tôi là có thể cùng Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán mang tính xây dựng để giải quyết các vấn đề cơ bản. Do đó, có tổ chức các cuộc đàm phán không là phụ thuộc vào họ (Trung Quốc)”.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc (ĐCSTQ) thì bày tỏ sự hối tiếc đối với mức thuế mới của Mỹ, cho biết rằng Trung Quốc buộc phải có biện pháp đáp trả, điều này mang đến những bất ổn mới cho các cuộc đàm phán song phương.
Theo Reuters, Trung Quốc cho biết họ sẽ áp dụng mức thuế mới đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD trong cùng ngày mà Mỹ áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Hai bên rất khó đạt được sự đồng thuận
Bloomberg đưa tin, mặc dù Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về giải quyết tranh chấp thương mại, nhưng đường đỏ được hai bên phác thảo ra làm cho việc hòa giải rất khó đạt được. Mức độ tiếp cận thị trường và sự thay đổi mô hình xã hội chủ nghĩa mà chính quyền Trump yêu cầu là vượt xa những gì Bắc Kinh sẵn sàng đáp ứng.
Những tuyên bố của cả hai bên đều tỏ ra đặc biệt không tin tưởng nhau. Mỹ nghi ngờ Bắc Kinh xuất phát từ hai điểm: (1) ĐCSTQ không chơi đúng luật, Mỹ ngày càng xem Trung Quốc như một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia; (2) Bắc Kinh thực hiện chủ nghĩa bảo hộ mức độ cao, Chính phủ Trump cho rằng chấp nhận Trung Quốc gia nhập WTO là một sai lầm, hiện ngay cả đảng Dân chủ cũng đồng ý với Trump rằng Bắc Kinh là một đối thủ nguy hiểm.
Danh sách thuế quan của Mỹ gạt bỏ 300 danh mục sản phẩm
Sau khi lấy ý kiến công chúng, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã loại bỏ khoảng 300 loại sản phẩm trong danh sách thuế quan ban đầu, bao gồm: sản phẩm an toàn của người tiêu dùng, chẳng hạn như mũ bảo hiểm xe đạp Vista Outdoor, ghế an toàn xe hơi của trẻ sơ sinh; sản phẩm công nghệ lấy người tiêu dùng làm trung tâm như đồng hồ thông minh, thiết bị Bluetooth; hóa chất được sử dụng trong sản xuất, dệt may và nông nghiệp.
Các sản phẩm như lò nướng gas, thùng hành lý, túi du lịch, nệm, máy hút bụi và hầu hết các thiết bị kết nối Internet vẫn sẽ tiếp tục bị hạn chế thuế quan.
Ross: Thuế quan mới ít tác động đến Mỹ
Hôm thứ Ba, chia sẻ với CNBC, Ross cho biết rằng mức thuế 10% trên 200 tỷ USD sẽ là 20 tỷ USD một năm, chỉ là một phần nhỏ trong tỷ lệ lạm phát của Mỹ là 1%. “Tác động của thuế quan mới đối với Mỹ là rất nhỏ, bởi vì đợt áp thuế mới này được phân tán trong hàng nghìn sản phẩm”.
Jack Ma: Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ có thể kéo dài 20 năm
Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), tại cuộc họp nhà đầu tư Alibaba vào hôm thứ Ba (18/9), Jack Ma cho biết rằng cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ nhằm tranh giành địa vị thống trị toàn cầu này sẽ kéo dài trong 20 năm và có thể tiếp tục sau khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.
Jack Ma nói: “Trong ngắn hạn, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Mỹ và châu Âu sẽ chìm trong rắc rối. Điều này sẽ kéo dài trong một thời gian dài. Nếu muốn trong ngắn hạn tìm được giải pháp, câu trả lời là không có”.
Jack Ma chỉ ra rằng Trung Quốc phải củng cố nền kinh tế trong nước và chuyển mục tiêu thương mại từ Mỹ sang Đông Nam Á và châu Phi.
Bởi vì lĩnh vực kinh doanh trên nền internet của Alibaba làm cho ngành công nghiệp Mỹ mua sắm hàng hóa từ Trung Quốc, Jack Ma cho biết Alibaba cũng sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ leo thang, nhưng điều này cũng đem đến một cơ hội chưa từng có nếu có thể tận dụng tốt thời cơ.
Jack Ma cho rằng nếu Mỹ tiếp tục tăng cường thuế quan đối với Trung Quốc, Trung Quốc nên chuyển hoạt động kinh doanh sang các nơi khác trên thế giới.
Xung đột Trung – Mỹ trong 5 vấn đề quan trọng khác ở châu Á
Theo Bloomberg, các nhà chiến lược địa chính trị châu Á lo ngại rằng cuộc tranh chấp thương mại này có thể kéo theo xung đột lây lan lớn hơn, trong đó phải kể 5 khu vực đáng chú ý.
Bắc Triều Tiên: Các cuộc đàm phán hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên đang bước vào một giai đoạn quan trọng, tuần này Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng. Trước khi đưa ra một thời gian biểu cho cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân, Kim Jong-un đã yêu cầu trước hết phải đạt được tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên.
Là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc có khả năng phá hoại các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chống lại chế độ của Kim Jong-un, có khả năng trì hoãn kế hoạch từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào hôm thứ Hai (17/9), đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đổ lỗi cho Nga, vì Nga đã làm suy yếu các biện pháp trừng phạt chống Bắc Triều Tiên. Nhưng chính ông Trump đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh giúp đỡ chế độ của Kim Jong-un trong suốt thời gian hai năm qua, đặc biệt là khi căng thẳng thương mại Trung – Mỹ leo thang.
Đài Loan: Kể từ khi Trump đắc cử, Đài Loan luôn là một điểm “đau khổ” đối với Bắc Kinh. Trước khi Trump nhậm chức, trên Twitter, ông đã đăng tải một cuộc trò chuyện qua điện thoại với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Sau đó, Trump ngày càng không hài lòng về chính sách một Trung Quốc, chính sách đã thống trị quan hệ Trung – Mỹ từ những năm 1970. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp lại rằng, đối với Trung Quốc thì chính sách một Trung Quốc là vấn đề không thể thương lượng.
Việc Bắc Kinh đã gây áp lực để các nước phải cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, buộc các công ty nước ngoài phải xem Đài Loan là lãnh thổ thuộc Trung Quốc khiến Nhà Trắng cảm thấy khó chịu. Vào tháng Tám, Mỹ đe dọa sẽ xem lại mối quan hệ với El Salvador do nước này cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Biển Đông Việt Nam, Biển Hoa Đông và người Duy Ngô Nhĩ: Ngoài ra, các vấn đề như Biển Đông Việt Nam, Biển Hoa Đông và việc bắt giam cải tạo lên tới cả triệu người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) và những nhóm người khác cũng là những vấn đề khiến tình hình xung đột Trung – Mỹ ở châu Á vô cùng nan giải.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa chiến tranh thương mại Mỹ Trung Jack Ma chiến tranh thương mại