Kiến lửa đỏ bước vào giai đoạn hoạt động mạnh ở Trung Quốc
- Lê Tiểu Quỳ
- •
Vào thời điểm gieo trồng nông nghiệp, kiến lửa đỏ đã xuất hiện quy mô lớn ở Trung Quốc. Gần đây truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin mơ hồ rằng kiến lửa đỏ đã bước vào giai đoạn hoạt động mạnh, nếu bị cắn có thể bị sốc, thậm chí tử vong.
Các kênh truyền thông Đại lục, gồm Socialab và The Paper, đều đưa tin về trải nghiệm của một người phụ nữ họ Hạ, và chỉ ra rằng Trung Quốc Đại Lục đã bước vào giai đoạn kiến lửa hoạt động mạnh.
Cô Hạ nói: “Bị kiến lửa đốt một lần mà tưởng như sắp mất mạng. Đêm hôm đó (vết đốt) đỏ tấy, sưng phồng, bỏng rát, chỗ lồi lên to bằng lòng bàn tay, như thể có một đầu gối khác trên chân. Trong thời gian này, cô cảm thấy vô cùng ngứa ngáy tới mức không ngủ được. Cơn đau kéo dài liên tục vì quá trình ngứa gãi, bong vảy cứ lặp đi lặp lại.”
Ông Đổng Lập Khôn, kỹ sư cao cấp tại Viện Bảo vệ Thực vật thuộc Viện Khoa học Cảnh quan Vũ Hán, chỉ ra với “Jiupai News” (Cửu Phái) rằng kiến lửa đỏ có thể đe dọa tới sức khỏe, thậm chí là an toàn tính mạng của con người và động vật.
Kiến lửa thường chung sống thành từng đàn với mật độ cao ở những khu vực mới xâm chiếm. Khi người hoặc gia súc dẫm phải tổ kiến lửa, chúng sẽ tràn ra khỏi tổ và bò lên từng đàn để đốt.
Ông cũng nhắc nhở người dân, nếu phát hiện tổ kiến lửa đỏ quanh nhà thì cần tránh đến gần tổ, cần báo ngay cho cơ quan làm vườn, lâm nghiệp, các bộ phận kỹ thuật hoặc chuyên môn liên quan. Các cơ quan phòng ngừa và kiểm soát sẽ thực thi chức năng của mình.
Ông nói, nếu chẳng may bị kiến lửa đốt, trước tiên nạn nhân cần rửa vết thương bằng xà phòng và nước, sau đó đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Theo ông Đổng Lập Khôn, đặc điểm lớn nhất của kiến lửa đỏ là tổ của chúng thường xuất hiện ở bãi cỏ, đất nông nghiệp, đất hoang, ven đường, công viên… Các hạt đất mịn đào lên từ dưới mặt đất được chất thành tổ kiến hình gò đất, bên trong có hình tổ ong.
Nhưng tổ kiến thông thường không phồng lên. Nếu bóc ra sẽ thấy rất nhiều kiến màu đỏ sậm đổ ra, có kích thước từ lớn đến nhỏ, gồm kiến chúa và kiến thợ, cả hai đều có thể đốt.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Bắc Kinh, sau khi cơ thể người bị kiến lửa đốt, vùng bị thương sẽ có cảm giác đau rát liên tục, da sẽ hình thành ban đỏ, mụn nước, sưng tấy và ngứa ngáy cục bộ, và thường gây nhiễm trùng thứ cấp.
Ngoài ra, có khoảng 2% số người bị dị ứng với protein trong nọc độc do kiến lửa đỏ tiết ra. Nhóm nhạy cảm sẽ gặp các triệu chứng như đỏ mặt, nổi mề đay, thậm chí khó thở, nôn mửa, chóng mặt và sốc. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Một phụ nữ họ Ngô đến từ tỉnh Quảng Đông cũng có trải nghiệm tương tự. Cô không may bị kiến lửa dưới gốc cây đốt. Vết thương bắt đầu có cảm giác ngứa ngáy, nóng rát. Mấy ngày sau, vết đốt sưng tấy lên và tiếp tục lan rộng. Cô đau nhức đến mức cả đêm không ngủ được.
Cô nói: “Tôi tưởng mình bị trúng độc. Vết đốt ở chân đau đớn khủng khiếp đến mức thậm chí tôi còn nghĩ đến việc cắt cụt chi.” Sau đó, bác sĩ da liễu cho biết, đó là viêm da do côn trùng cắn và kê đơn cho cô. Sau 3 ngày điều trị, cuối cùng cô cũng dần bình phục.
Điều đáng chú ý là kiến lửa cực kỳ nguy hiểm đối với con người. Trong túi nọc độc của kiến lửa có một lượng lớn nọc độc. Khi người hoặc động vật bị đốt, nọc độc sẽ được tiêm vào da. Những năm gần đây tại Trung Quốc đã xảy ra nhiều trường hợp “kiến vây quanh làng mạc, đốt người và động vật”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, năm 2016 kiến lửa đỏ đã xâm chiếm 281 quận (thành phố và huyện) của 11 tỉnh. Đến năm 2023, số liệu sẽ thay đổi thành 625 quận (thành phố và huyện) trên 12 tỉnh. Kiến lửa đỏ đã xâm chiếm 344 quận (thành phố, quận) với tốc độ lây lan rất nhanh.
Thông tin công khai cho thấy, kiến lửa được công nhận là một trong 100 loài xâm lấn nguy hiểm nhất thế giới, và có khả năng sinh sản cực kỳ mạnh mẽ. Chúng có thể tồn tại tới 4 năm và sẽ không ngừng sinh sản cho đến khi chết.
Một tổ kiến đẻ trung bình từ 2.000 đến 3.000 trứng mỗi ngày, và hầu hết chúng đều sống sót. Một tổ kiến lửa trưởng thành thông thường có thể chứa 240.000 con kiến, một tổ kiến nhỏ có thể chứa tới 80.000 con.
Mối đe dọa của kiến lửa đỏ tới sản xuất nông nghiệp cũng cần được đặc biệt cảnh giác. Chúng có thể làm giảm năng suất cây trồng từ 20%-30%.
Từ khóa kiến lửa đỏ