Lo mọi người nghi ngờ lịch sử, Trung Quốc ra luật bảo vệ liệt sỹ
- Huệ Anh
- •
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa vào thực thi “Luật Bảo vệ Anh hùng liệt sĩ” từ tháng Năm năm nay, gần đây đã có tuyên án đầu tiên liên quan đến vụ kiện phỉ báng liệt sĩ. Tòa án xác định một người sử dụng Internet tên Hoài An Nhất (Huai Anyi) ở Giang Tô đã có phát ngôn trên mạng xã hội Weixin phỉ báng một người lính cứu hỏa hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, làm hại danh dự của người lính cứu hỏa này, buộc người phát ngôn phải xin lỗi công khai trên truyền thông. Một số học giả lo ngại rằng luật này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do nghiên cứu lịch sử. Có phân tích cho rằng cách làm của ĐCSTQ vì lo lắng bị đặt vấn đề về toàn bộ lịch sử và tính hợp pháp của chế độ.
Những “anh hùng” đã được nhìn nhận nhưng ngày càng bị nghi ngờ
Vào ngày 18/6, trên trang mạng BBC tiếng Trung đã có thảo luận về vấn đề nhạy cảm và gây nhiều tranh luận này.
Theo đó có nhận định, trong tường thuật lịch sử của Cộng sản Trung Quốc, các thời chiến tranh chống Nhật, nội chiến, chiến tranh Triều Tiên đã xuất hiện hàng loạt anh hùng, bao gồm Hoàng Kế Quang (Huang Jiguang) chặn lỗ châu mai kẻ thù, Đổng Tồn Thụy (Dong Cunrui) xả thân phá lô-cốt, Khâu Thiếu Vân (Qiu Shaoyun) bị lửa thiêu thân nhưng vẫn đứng bất động chịu mất mạng vì không muốn để lộ nơi đồng đội mai phục. Những nhân vật này đã được tuyên truyền rộng rãi, thậm chí một số đã được viết vào sách giáo khoa, ở Trung Quốc đại lục hiếm ai không biết…. Nhưng những năm gần đây, tính thuyết phục của những anh hùng này dường như đã giảm đi nhiều trong lòng công chúng. Nhiều người cho rằng chính quyền đã nhào nặn ra những anh hùng này, phóng đại những hành động của họ, thậm chí là đã hư cấu. Ví dụ, sự tích Khâu Thiếu Vân (Qiu Shaoyun, 1926 – 1952) bị lửa thiêu thân nhưng vẫn đứng bất động, nhiều người cho rằng như vậy là trái với kiến thức thông thường về sinh lý học, không thể xảy ra chuyện như vậy.
Ngoài ra, nhà sử học Hồng Chấn Khoái (Hong Zhenkuai) cựu quyền chủ biên tờ “Viêm Hoàng Xuân Thu” cũng từng chất vấn về vấn đề nhà cầm quyền tuyên truyền 5 anh hùng kháng Nhật gọi là chuyện “5 tráng sĩ núi Lang Nha (Langya)”. Trong mô tả của truyền thông nhà nước Trung Quốc, vào tháng 9/1941 tại vùng núi Lang Nha tỉnh Hà Bắc, những người lính Bát lộ quân này đã dũng cảm chiến đấu chống trả quân đội Nhật Bản cho đến khi đạn dược cạn kiệt, khi không còn đường thoát thân họ đã phi thân xuống sườn núi dốc đứng, ba người đã hy sinh.
Năm 2013, ông Hồng Chấn Khoái đăng một bài viết trên tờ “Viêm Hoàng Xuân Thu” và đã đặt vấn đề về những tuyên bố của chính quyền, đã thảo luận chuyện các chiến sĩ này nhảy ở chỗ nào và nhảy như thế nào. Ông giả định do có hai chiến sĩ may mắn sống sót nên có thể là họ chỉ trượt người xuống sườn núi mà thôi.
Những nghi ngờ của ông đã đến tai chính quyền. Người thân của “5 tráng sĩ núi Lang Nha” đã kiện ông Hồng Chấn Khoái tội xâm hại uy tín và danh dự. Tháng 6/2016, Tòa án quận Tây Thành – Bắc Kinh đã phán quyết ông Hồng Chấn Khoái phải kết thúc hành vi xâm phạm và công khai xin lỗi trên truyền thông.
Ngoài ra, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng thỉnh thoảng lên án những phát ngôn có ý đồ khác nhằm muốn viết lại lịch sử đã được Nhà nước thừa nhận, gọi đó là “chủ nghĩa hư vô lịch sử”, chẳng hạn như làm giả nhật ký của Lôi Phong (Lei Feng), hư cấu sự kiện Đổng Tồn Thụy đánh bom lô-cốt…
Thông qua “Luật Bảo vệ Anh hùng liệt sĩ”
Ngày 27/4/2018, cuộc họp thứ hai của Ban Thường vụ Nhân đại Trung Quốc đã thông qua “Luật Bảo vệ Anh hùng liệt sĩ”, có hiệu lực kể từ 01/5/2018. Đạo luật này đưa ra một loạt các quy định chi tiết, bao gồm cả việc bảo vệ tên, chân dung, uy tín, danh dự của “anh hùng liệt sĩ”, cấm xuyên tạc, phỉ báng, xúc phạm, phủ nhận những sự tích và tinh thần của họ.
Khi luật này được Quốc hội Trung Quốc thảo luận đã gây làn sóng tranh luận trên truyền thông và mạng xã hội.
Một số người sử dụng Internet truy hỏi, “Tiêu chí công nhận anh hùng liệt sĩ là gì?”, “Ai định nghĩa họ? Ai bầu chọn ra người định nghĩa đó?”…
Nhà sử học Trương Lập Phàm (Zhang Lifan) cho rằng trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, bất cứ nhân vật nào cũng có thể xảy ra những cách giải thích và diễn giải khác nhau. Ngay trong nội bộ ĐCSTQ, ban đầu ông Cù Thu Bạch (Ju Qiubai, 1899 – 1935) được công nhận là liệt sỹ, sau đó lại sửa thành kẻ phản bội, rồi sau đó lại sửa lại là liệt sĩ, vậy cuối cùng thì ông ấy là gì? Ngay cả bản thân quan điểm của ĐCSTQ cũng có thể thay đổi cơ mà.
Ông Trương Lập Phàm cũng chỉ ra, cần cái nhìn toàn diện và khách quan về nhân vật lịch sử, không thể dùng chính trị can thiệp vào học thuật.
Trả lời Đài Phát thanh Á châu Tự do (RFA), ông Tần Vĩ Bình (Qin Weiping) nhà bình luận chính trị Trung Quốc hiện sống ở Mỹ cho rằng, luật bảo vệ sẽ anh hùng liệt sỹ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đối với người dân bàn luận sự kiện lịch sử, qua đó củng cố vị thế của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc trong xác định vấn đề lịch sử, Chính phủ Cộng sản Trung Quốc có thể sử dụng điều này để trừng phạt những người có quan điểm khác biệt với họ.
Một số cơ quan truyền thông Hồng Kông dẫn lời giáo sư Hà Vệ Phương (He Weifang) thuộc Đại học luật Bắc Kinh cho biết, vấn đề anh hùng liệt sỹ cũng không chắc chắn, bởi vì có những người được thời đại thêu dệt giả tạo. Trong trường hợp này, những ai muốn khôi phục lại bản chất lịch sử theo tinh thần tìm kiếm sự thật từ các sự kiện lại bị xem là có ác ý, vu khống.
Đối với lý do tại sao ĐCSTQ lại cần phải tạo ra những “anh hùng” như vậy, “Bình luận Tiểu Dân” trên VOA Mỹ (tiếng Trung) cho biết, Cộng sản Trung Quốc đang lo ngại toàn bộ lịch sử và tính hợp pháp của chế độ trở thành vấn đề công luận soi mói.
Tiểu Dân chỉ ra trong những năm gần đây các anh hùng liệt sỹ mà ĐCSTQ tuyên truyền đã bị công luận đặt dấu hỏi, từ những nhân vật thời kỳ đầu của Cộng sản Trung Quốc như Lý Đại Chiêu (Li Dazhao, 1889 – 1927) và Phương Chí Mẫn (Fang Zhimin, 1899 – 1935), đến Lưu Hồ Lan (Liu Hulan, 1932 – 1947), Đổng Tồn Thụy (1929 – 1948) và Lôi Phong (Lei Feng). Thực tế, mọi người đã bắt đầu nghi ngờ toàn bộ lịch sử của ĐCSTQ chứ không chỉ là vấn đề cụ thể như chủ nghĩa anh hùng. Đây chính là nguyên nhân Cộng sản Trung Quốc lo ngại, cũng là lý do ĐCSTQ cho ra đời “Luật Bảo vệ Anh hùng liệt sỹ”. Điều này là liên quan đến tính hợp pháp giành chính quyền và cai trị của ĐCSTQ.
Ông cho biết ông không phủ nhận trong số những anh hùng liệt sỹ của Cộng sản Trung Quốc có một số người có lý tưởng, có tinh thần hy sinh. Nhưng ĐCSTQ là một tổ chức chính trị, trong đa số trường hợp lợi ích của nó trái với lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc. Trong trường hợp này, những con người lý tưởng giống như châu báu bị quăng vào vũng bùn. Có thể họ có công đối với ĐCSTQ nhưng lại có lỗi với quốc gia dân tộc. Hành động của họ trong nhiều trường hợp đã gây thảm họa cho quốc gia dân tộc. Tất nhiên, đại đa số các anh hùng liệt sỹ theo Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ là những con người bình thường bị cuốn vào dòng thủy triều của lịch sử, hành vi của họ lại được chính quyền Trung Quốc phóng đại. Như Lôi Phong, ưu điểm của nhân vật này cần được ghi nhận, chẳng hạn như giúp đỡ người khác và làm nhiều việc tốt, đó là những ưu điểm mà trong xã hội tiểu nông truyền thống được hầu hết mọi người tôn trọng, hoàn toàn không dính gì đến chủ nghĩa cộng sản.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Luật Bảo vệ Anh hùng liệt sĩ