Sau khi bị chính quyền ĐCSTQ bắt cóc kể từ tháng 8/2017, luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh hiện nay vẫn bặt vô âm tín. Nơi chính quyền giam giữ anh không được tiết lộ, và vì thế vợ anh, cô Cảnh Hòa, đã thay mặt chồng nhận giải thưởng nhân quyền Shahbaz Bhatti từ ngài David Kilgour, cựu quốc vụ khanh Canada, tại California, Mỹ.

Giải thưởng nhân quyền Shahbaz Bhatti được đặt theo tên của ngài Bộ trưởng liên bang phụ trách các vấn đề về nhóm thiểu số đầu tiên của Pakistan, ông Shahbaz Bhatti. Ông được biết tới là người đã lên án một điều luật của Pakistan nhằm trừng phạt những ai báng bổ đạo Hồi, và bảo vệ một người phụ nữ theo đạo Cơ Đốc trước án tử hình vì bị cho là báng bổ Hồi giáo. Ông bị ám sát vào năm 2011.

Giải Shahbaz Bhatti được trao cho luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh vì anh là luật sư nhân quyền dám lên tiếng bảo vệ các nhóm thiểu số bị bức hại tại Trung Quốc. “Anh đã trở thành mục tiêu của ĐCSTQ và nhà nước Trung Quốc kể từ năm 2005 vì dám bảo vệ cho các cộng đồng bị bức hại tại Trung Quốc, bao gồm nhóm Cơ Đốc giáo, nhóm các nhà khai thác than đá nhỏ lẻ, và nhóm Pháp Luân Công”, ông David Kilgour cho hay, “Cộng đồng quốc tế vô cùng kính nể anh.”

Cao Trí Thịnh
Ông David Kilgour (người thứ 4 từ trái sang) trao giải thưởng Shahbaz Bhatti tới Cao Trí Thịnh thông qua vợ anh, cô Cảnh Hòa.

Hành trình cuộc đời luật sư của Cao Trí Thịnh vô cùng cảm động. Sinh ra trong một cái hang và lớn lên dưới các vì sao, anh đã có thể chỉ là một người nông dân Trung Quốc nghèo khó. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực tự học sau khi thải hồi khỏi quân ngũ, Cao đã vượt qua kỳ thi luật và trở thành một luật sư thực thụ.

Ngay sau khi bắt đầu hành nghề luật, Cao đã nhận tư vấn pháp lý miễn phí cho người nghèo và dành một phần ba thời gian trong năm của mình để làm điều đó. Năm 2001, Cao trở thành một trong mười luật sư hàng đầu Trung Quốc trong cuộc thi hùng biện quốc gia được Bộ Tư pháp tài trợ, và được vinh danh vì đã bào chữa cho những nạn nhân của sai sót trong điều trị y tế và thu hồi đất đai.

Năm 2004, Cao Trí Thịnh công bố một bức thư ngỏ tới Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, trong đó đề cập tới việc anh không thể đứng ra bảo vệ pháp lý cho những người tập Pháp Luân Công, một môn khí công bị đàn áp tại Trung Quốc vào thời điểm đó. Cao cũng cho biết rằng sau khi tiếp xúc với những người tập Pháp Luân Công bị tra tấn trong quá trình giam giữ, anh “cảm thấy ngôn ngữ con người là không đủ để miêu tả những gì mà họ đã trải qua”.

Ngày 12/12/2005, Cao Trí Thịnh tiếp tục công bố bức thư ngỏ thứ hai tới các lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có viết:

“Ngài Hồ Cẩm Đào, ngài Ôn Gia Bảo, và tất cả người dân Trung Quốc: Đã đến lúc chúng ta nghiêm khắc nhìn lại chính mình! Trong lịch sử thế giới, chưa từng có một nhóm người nào lớn đến vậy lại phải chịu đựng một cuộc bức hại tàn bạo và kéo dài tới như thế trong thời bình chỉ bởi vì đức tin của họ. Thảm họa này đã lấy đi mạng sống của hàng ngàn người dân vô tội đáng quý và đã cướp đi tự do của hàng trăm ngàn người. Cuộc bức hại hoàn toàn vô nhân tính này đã gây đau đớn cho hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công cùng gia đình họ. Nó thật phi lý, dối trá, và vô đạo đức! Đó là một sự chà đạp người dân Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa, và đạo đức của toàn nhân loại!”

Cao chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với đài SOH vào 4 ngày sau đó rằng:

“Điều khiến tôi cảm thấy sốc nhất là việc chính quyền cho phép lạm dụng tình dục cả những công dân nữ và những công dân nam. Đó là điều mà tôi không thể tưởng tượng được. Việc hành hung bộ phận sinh dục của cả nam và nữ là thường xuyên và có hệ thống. Loại đối xử vô đạo đức và tục tĩu này đã khiến tôi ghê tởm. Hơn nữa những hành động đó lại được thực hiện bởi những kẻ mang trên mình huy hiệu quốc gia.”

Cao Trí Thịnh - Kỳ II: Từ đỉnh cao của danh vọng đến trắng tay
Anh Vương Bân, một người tập Pháp Luân Công, bị tra tấn, bị mổ lấy nội tạng vào ngày 24/9/2000. Chứng cứ được trang minghui.org, một trang web của Pháp Luân Công tại hải ngoại đăng tải.

Kể từ đó, Cao Trí Thịnh bị chính quyền ĐCSTQ liên tục bức hại:

  • Ngày 17/1/2006, Cao thoát khỏi một cuộc ám sát của mật vụ Trung Quốc.
  • Ngày 15/8/2006, Cao bị cảnh sát bí mật bắt cóc tại nhà riêng của chị gái. Toàn bộ tài sản của anh bị tịch thu. Cảnh sát dọn vào nhà Cao để theo dõi vợ và hai con anh.
  • Ngày 22/9/2006, Cao bị kết án treo, bị buộc phải thú nhận toàn bộ những gì anh công bố là “bịa đặt”.
  • Sau khi được thả, Cao công bố việc mình bị ngược đãi 54 ngày trong tù, và việc vợ con anh bị đưa ra làm sức ép buộc anh phải “nhận lỗi”. Cao tiếp tục bị cảnh sát bắt đi một thời gian ngắn, rồi bị đưa về quản thúc tại gia.
  • Ngày 22/9/2007, sau khi Cao công bố thư ngỏ tới cộng đồng quốc tế về thực trạng nhân quyền tại Trung Quốc, anh lại bị cảnh sát mật bắt đi.
  • Cao được thả sau đó, và công bố về việc mình đã trải qua một lần tra tấn dã man trong suốt 10 ngày bằng dùi cui điện, bị cảnh sát mật dùng tăm tre xuyên vào bộ phận sinh dục.
  • Sau thế vận hội Bắc Kinh 2008, con gái lớn của Cao là Cảnh Cách bị từ chối nhập học. Cô bé đã suy sụp tinh thần, rơi vào trầm cảm, tự hành hạ bản thân, và cố gắng tự tử nhưng không thành.
  • Tháng 2/2009, vợ Cao cùng hai con trốn thoát khỏi Trung Quốc sau nhiều năm sống trong sự quấy nhiễu và giám sát.
  • Cũng trong tháng 2/2009, Cao tiếp tục bị cảnh sát mật bắt cóc, bị bí mật kết án và chỉ xuất hiện ngắn ngủi vào tháng 3/2010.
  • Tháng 4/2010, Cao một lần nữa mất tích.
  • Tháng 12/2011, thông tin về việc Cao bị tù giam 3 năm được công bố.
  • Cao được thả ra vào ngày 7/8/2014.
  • Sau đó, Cao Trí Thịnh bị quản thúc tại gia, bị từ chối chăm sóc y tế và ở trong tình trạng sức khỏe rất kém.
  • Cao Trí Thịnh trốn thoát khỏi nhà vào ngày 13/8/2017 và bị bắt cóc khoảng 3 tuần sau đó. Cho đến hiện nay, ĐCSTQ không công bố nơi giam giữ anh.

Người ta không thể hiểu được lý do tại sao Cao Trí Thịnh, bất chấp sự ly tán của gia đình, bất chấp những tra tấn dã man, lại vẫn có thể kiên cường bảo vệ chính nghĩa. Cao Trí Thịnh đã từng có cơ hội trốn khỏi Trung Quốc, nhưng anh đã thề sẽ ở lại để chứng kiến một thời đại bi thương của lịch sử, và để chứng kiến sự hồi sinh của nhân tính tại Trung Quốc.

Luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh - Kỳ cuối: Một di sản về lòng nhẫn nại và dũng khí

Cao Trí Thịnh đã để lại một di sản rất lớn khi là một trong những luật sư nhân quyền đầu tiên dám động tới những bất công lớn trong xã hội Trung Quốc. Anh đã tạo nên một phong trào nhân quyền quan trọng. Tiếp bước anh, rất nhiều luật sư nhân quyền khác đã xuất hiện, họ dám vượt qua rào cản của ĐCSTQ, dám công khai bảo vệ cho các cộng đồng tín ngưỡng bị đàn áp tại Trung Quốc trong các phiên tòa.

“Anh đại diện cho những gì mà Trung Quốc có thể trở thành. Đó là một Trung Quốc có dân chủ, có nhân quyền, có luật pháp thực sự”, ông Edward McMillan-Scott, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu chia sẻ.

“Cao Trí Thịnh là Mahatma Gandhi và Nelson Mandela của Trung Quốc”, ông David Kilgour nói sau lễ trao giải Shahbaz Bhatti.

Luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh từng 2 lần được đề cử cho giải Nobel vì Hòa bình.

Xem thêm: Chuyền đề Cao Trí Thịnh – Dũng khí vượt qua sợ hãi

Minh Nhật tổng hợp