Lý Thiên Tiếu: Chuyến thăm Hồng Kông của ông Tập phát đi tín hiệu gì?
- Lý Thiên Tiếu
- •
Nhà bình luận Lý Thiên Tiếu (Li Tianxiao), Tiến sĩ Chính trị học Đại học Columbia (Mỹ), đã có bài phân tích các tín hiệu ông Tập Cận Bình phát đi trong lần thăm Hồng Kông vào giai đoạn nhạy cảm này.
“Ấn tượng nhất trong chuyến thăm Hồng Kông của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là có nhiều cách làm phá vỡ quy định thông thường của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ví dụ như: ông Lương Chấn Anh bị đuổi xuống máy bay; quân đội tại Hồng Kông khi được kiểm duyệt đã hô khẩu hiệu mới lạ ngoài dự liệu; nhiều nghị viên phái dân chủ được mời tham gia tiệc chúc mừng; đài truyền hình trung ương CCTV phát đi đoạn video tuyên truyền Hồng Kông trở về Trung Quốc nhưng không có cảnh quay cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân chủ trì nghi lễ; an ninh thắt chặt chưa từng có… Những hành động mang tính đột phá và được sắp xếp từ trước này đặt ra một vấn đề: Ông Tập cố ý phá vỡ quy định thông thường rốt cuộc là muốn đưa ra tính hiệu gì?
Ông Tập Cận Bình đến Hồng Kông trong bối cảnh rất mẫn cảm là hội nghị Bắc Đới Hà và Đại hội 19 sắp diễn ra, nhiều người thuộc phe ông Giang Trạch Dân bị thanh trừng, lời kêu gọi bắt ông Giang và ông Tăng Khánh Hồng xử theo pháp luật ngày càng lớn, bản thân phe Giang cũng cảm thấy nguy hiểm nên đang đi những nước cờ liều mạng cuối cùng… Hồng Kông là một trong những trận địa ông Tăng Khánh Hồng dùng để chống lại ông Tập. Do đó từ năm 2014 đến nay rất nhiều chuyện đã xảy ra tại đây bao gồm việc ông Trương Đức Giang và Lương Chấn Anh gây ra cuộc Cách mạng Ô dù. Tờ Minh Báo (Hồng Kông) đã có loạt bài dài tiết lộ về những việc xấu của ông Trương Đức Giang và Lương Chấn Anh, vụ bắt giữ Tống Lâm và Tiêu Kiến Hoa, bí ẩn đằng sau vụ ông Lương Chấn Anh không tái nhiệm… Tất cả đều cho thấy nước cờ giữa ông Giang và ông Tập đã đến giai đoạn đấu trực diện và công khai. Hiện nay, chiều hướng ông Tập Cận Bình chiến thắng đã rõ ràng.
Do đó, lần tới Hồng Kông này của ông Tập Cận Bình ngoài việc chủ trì lễ kỷ niệm 20 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc và chúc mừng tân đặc khu trưởng, thì thông điệp quan trọng đưa ra là: ông Tập Cận Bình đã nắm được Hồng Kông, giành được thắng lợi trong việc thanh lý thế lực của phe phái ông Giang Trạch Dân ở Hồng Kông. Có thể nói, 20 năm trước, Trung Quốc đã giành được quyền làm chủ Hồng Kông; 20 năm sau ông Tập Cận Bình lại giành được các quyền kiểm soát Hồng Kông từ tay của phe ông Giang Trạch Dân. Điểm chung của những hành động phá vỡ quy tắc thông thường của ông Tập Cận Bình là để loại bỏ thế lực ông Giang Trạch Dân, nắm lấy Hồng Kông. Ví dụ như khi kiểm duyệt quân đội tại Hồng Kông, quan binh hô lớn “chào chủ tịch” chứ không phải là “chào thủ trưởng”. Khi ông Hồ Cẩm Đào mất quyền lực Chủ tịch Quân ủy Trung ương, những người như Quách Bá Hùng đều gọi ông Giang Trạch Dân là “thủ trưởng” quân đội. Nếu dùng cách xưng hô “thủ trưởng” thì tức là để lại dấu vết của ông Giang. Hơn nữa, thủ trưởng có thể có nhiều, còn chủ tịch thì chỉ có một. Ông Tập yêu cầu hô “chủ tịch” cho thấy sự khác biệt rõ ràng với ông Giang, áp đảo ông Giang. Điều này cũng cho thấy ông Tập đã nắm quyền tuyệt đối trong quân đội, chính phủ và Hồng Kông.
Việc mời nghị viên đảng phái dân chủ cũng là việc trước đây chưa từng có. Phe ông Giang Trạch Dân áp đảo đảng phái dân chủ, dùng quyền biểu quyết phủ định để gây rắc rối cho ông Tập. Ông Tập làm thế này là phủ định cách làm của phe ông Giang, cho thấy sự tôn trọng và thuận theo ý của người dân.
Ông Lương Chấn Anh lên máy bay tiếp đón liền bị đuổi xuống ngay, đây không chỉ đơn giản là làm mất mặt. Lương Chấn Anh muốn đi theo sau ông Tập Cận Bình để xuống máy bay, muốn cho người khác hiểu nhầm việc mình chấp hành theo lệnh của phe ông Giang Trạch Dân thực thi chính sách đàn áp dân chủ cũng được ông Tập Cận Bình đồng ý. Nhưng ông Tập Cận Bình lại đuổi ông Lương Chấn Anh xuống lại cho thấy ông không chấp nhận cách làm của phe ông Giang Trạch Dân cũng như không chấp nhận người của phe này.
Còn về kênh truyền hình trung ương CCTV và kênh Phượng Hoàng của Hồng Kông phát đoạn video chủ đề Hồng Kông trở về với Trung Quốc nhưng lại thiếu cảnh quay cận cảnh chính diện ông Giang Trạch Dân, việc này cũng không đơn giản là sơ xuất hay chểnh mảng, mà là biểu thị ông Giang Trạch Dân không còn địa vị nữa, đã bị cho ra rìa.
Việc bảo vệ nghiêm ngặt là nhằm phòng vệ phe ông Giang tấn công. Ông Tập đã nắm được Hồng Kông nhưng chưa thực sự thanh trừng hết tàn dư của phe ông Giang Trạch Dân nên vẫn cần phải đề phòng. Câu nói, ông Tập Cận Bình tới thăm Hồng Kông đã phá vỡ quy định thông thường của Đảng Cộng sản Trung Quốc có ý là ông Tập Cận Bình đã nắm được Hồng Kông, nhưng không phải vì thế mà ông lơ là thiếu cảnh giác.
Một tín hiệu quan trọng khác phát ra trong chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình là ông Trương Đức Giang và Lương Chấn Anh thuộc phe ông Giang sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc đã làm rối loạn Hồng Kông trong những năm qua. Điều này được biểu đạt qua lời phát biểu công khai của ông Tập trong lễ nhậm chức tân đặc khu trưởng: “Một nước hai chế độ, trong khi Hồng Kông gặp những tình hình mới, vấn đề mới, cần phải thực hiện “toàn diện và chuẩn xác” chính sách “một nước hai chế độ”, “không đi sai, không thay đổi””. Lời phát biểu này thực chất là đang hỏi tội ông Trương và ông Lương đã làm biến dạng “một nước hai chế độ”, làm Hồng Kông mất ổn định và thụt lùi.
Sự phá hoại “một nước hai chế độ” của phe Giang thể hiện tại 2 đặc điểm:
Thứ nhất, từ sau năm 1997, thay đổi “người Hồng Kông cai trị người Hồng Kông” thành “người phe Giang cai trị Hồng Kông”. Ông Tăng Khánh Hồng và ông Trương Đức Giang thao túng người đứng đầu Hồng Kông, lập pháp và tổ chức thân Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức phản động để chi phối Hồng Kông và Ma Cao.
Thứ hai là bằng việc “người phe Giang cai trị Hồng Kông” đạt được mục đích làm loạn Hồng Kông. Ông Giang Trạch Dân đem chính sách hủ bại cai trị đất nước vươn tới Hồng Kông, các thái tử Đảng làm loạn và nguy kinh tế và cuộc sống của người dân Hồng Kông bằng việc đầu tư đất đai, địa ốc, cổ phiếu, rửa tiền. Mặt khác là dần dần xóa bỏ nền dân chủ mà người Anh đã để lại cho Hồng Kông. Đồng thời tước bỏ quyền tuyển cử của người dân, đem chính sách đàn áp Pháp Luân Công ở Đại Lục đến Hồng Kông. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, phe ông Giang Trạch Dân tìm cách ngăn cản ông Tập thanh trừng tham nhũng nên đã biến Hồng Kông trở thành trận tuyến chống lại ông Tập, vì thế mà không tiếc hủy hoại Hồng Kông, làm dấy lên nhiều sự kiện biểu tình lớn nhằm buộc ông Tập dùng vũ lực trấn áp để giá họa và lật đổ ông Tập. Tuy nhiên kế hoạch này không thành công. Ông Tập đã phản kích lại mạnh mẽ, ngăn cản ông Lương Chấn Anh tái nhiệm, hiện nay ông Trương Đức Giang cũng đã rớt đài. Bài phát biểu trong lần thăm Hồng Kông này của ông Tập trên thực tế là xác định tội của ông Lương Chấn Anh và ông Trương Đức Giang.
Cuối cùng, lần này ông Tập nhắc tới “quy tắc một nước hai chế độ ổn định và đi xa hơn”. Ở đây có hai điểm có thể bàn luận:
Thứ nhất, “một nước hai chế độ” là hình thức quá độ hữu hiệu trong tình hình có sự khác biệt lớn giữa chế độ chính trị tại Đại Lục và Hồng Kông, có thể giữ sự tự do cho Hồng Kông, giữ được nền pháp trị và sự phồn vinh cho Hồng Kông.
Thứ 2, sau khi Hồng Kông trở về với Đại Lục sẽ bị chính quyền chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc ăn mòn dần, do đó thiết lập “một nước hai chế độ” chính là để đề phòng ngừa sự ăn mòn này. Sau 20 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, thời gian đã chứng minh, chính quyền chuyên chế Đảng Cộng sản Trung Quốc và phe phái ông Giang Trạch Dân đã làm rối loạn Hồng Kông. Đây cũng chính là hai đại họa của “một nước hai chế độ”. Do đó thanh trừng phe phái ông Giang Trạch Dân và giải thể Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có thể làm cho Hồng Kông ổn định và phồn vinh lâu dài.”
Lý Thiên Tiếu
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Lương Chấn Anh Giang Trạch Dân Tăng Khánh Hồng Trương Đức Giang Chủ quyền Hồng Kông Hồng Kông