Mã Hiểu Hồng giúp ngân hàng Triều Tiên rửa tiền
- Tự Minh
- •
Gần đây, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức chỉ rõ Mã Hiểu Hồng và Công ty Hồng Tường ở Đan Đông do bà này điều hành đã sử dụng hàng chục tài khoản ngân hàng giả để tránh các chế tài của Mỹ với Triều Tiên, cũng như bị tình nghi có liên quan đến hoạt động rửa tiền bẩn quốc tế.
Lộ việc Mã Hiểu Hồng và ngân hàng Triều Tiên hợp tác
Gần đây, truyền thông Mỹ đưa tin, Mã Hiểu Hồng cũng như Công ty Hồng Tường đã đóng vai trò đại diện cho các công ty của Triều Tiên bị Mỹ chế tài cấm vận, bị tình nghi giúp đỡ Bình Nhưỡng trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ngân hàng Quang Tiên Triều Tiên từ năm 2004 đã mở chi nhánh tại thành phố Đan Đông ở Trung Quốc, thu được hàng tỷ đô-la lợi nhuận, dùng để phát triển vũ khí hạt nhân.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Mã Hiểu Hồng cũng như những người có liên quan trong công ty đã lợi dùng hệ thống ngân hàng của Mỹ để giúp các công ty Triều Tiên che giấu hàng trăm triệu đô-la giao dịch.
Tờ New York Times, ngày 27/9 tiết lộ nhiều chi tiết liên quan đến Mã Hiểu Hồng cũng như Công ty Hồng Tường của bà này. Ngày 3/8, một thẩm phán liên bang ở New Jersey đã gửi mật thư tố cáo Mã Hiểu Hồng, công ty của bà cùng 3 vị quan chức cấp cao. Thư tố cáo này đã được công khai vào hôm thứ Hai tuần này . Trước đó, nhân viên của Bộ Tư pháp Mỹ từng hai lần đến Bắc Kinh để thông báo với quan chức cấp cao của chính quyền Trung Quốc về hoạt động của các công ty bị tình nghi, nêu rõ Mã Hiểu Hồng và Công ty Hồng Tường giúp đỡ Triều Tiên tránh các lệnh cấm vận, cũng như giúp các công ty Triều Tiên rửa tiền.
Ngoài ra, trong tố cáo dân sự của Bộ Tư pháp Mỹ còn yêu cầu đóng băng 25 tài khoản tại ngân hàng của Trung Quốc. Nguyên nhân là Công ty Hồng Tường cũng như các công ty hỗ trợ Triều Tiên sử dụng các tài khoản này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Adam Szubin cho biết, Công ty Hồng Tường chính là một mắt xích quan trọng trong “mạng lưới chủ yếu chi viện Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân”, là đại lý của Ngân hàng Quang Tiên của Triều Tiên.
Năm 2013, Liên Hiệp Quốc ban hành nghị quyết, thông qua các chế tài phản ứng lại việc Triều Tiên tiến hành phát triển thử vũ khí hạt nhân. Sau đó, chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa chi nhánh của Ngân hàng Quang Tiên tại Trung Quốc .
Các nhân viên của Ngân hàng Quang Tiên tại Trung Quốc cũng bị chính quyền điều tra. Ngày 26/9, nhật báo Trung Ương (JoongAng) của Hàn Quốc đưa tin, các nhân viên Triều Tiên trú tại Trung Quốc cũng như các nhân viên người Trung Quốc của Ngân hàng Quang Tiên đều bị điều tra. Các giao dịch cũng như những người có liên quan đến các giao dịch của ngân hàng cũng nằm trong phạm vi điều tra.
Báo còn cho biết tháng 3 năm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra Nghị quyết số 2270 liệt chi nhánh tại Đan Đông của Ngân hàng Quang Tiên vào dạng ngân hàng phải bị phong tỏa. Tuy nhiên, theo điều tra gần đây của Trung Quốc thì ngân hàng này đã chuyển văn phòng, còn các nghiệp vụ kinh doanh đến nay vẫn chưa thể nắm rõ. Người quản lý văn phòng đã tạm thời quay lại Triều Tiên. Ngoài ra, tính bao gồm cả các nhân viên hải quan, có hơn 20 quan chức và nhân viên chính quyền ở Đan Đông đã bị điều tra do tiếp tay cho Mã Hiểu Hồng .
Tuần trước, các nhà nghiên cứu độc lập của Mỹ và Hàn Quốc đã cùng đưa ra một bản báo cáo, chỉ rõ việc Công ty Hồng Tường xuất khẩu sang Triều Tiên các nguyên liệu bao gồm cả aluminum oxide, là chất có thể được dùng để chế tạo lò quay ly tâm. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
Ngày 24/9, truyền thông Đại Lục đưa tin, nguyên Bí thư Đan Đông là Tôn Triệu Lâm đã chuyển nhiệm vụ mới. Theo tư liệu công khai, Tôn Triệu Lâm từ tháng 4/2015 mới nhận chức Bí thư Thành ủy Đan Đông. Mã Hiểu Hồng bắt đầu tiến hành giao dịch với Triều Tiên từ cuối những năm 90, như vậy khả năng Tôn Triệu Lâm có liên quan đến vụ án này là không cao.
Giang Trạch Dân có liên quan đến việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên?
Một tài liệu của trang Wikileaks từng tiết lộ các tài liệu phân tích của các quan sát viên phương Tây. Theo đó, Triều Tiên hoàn toàn chưa hề phát triển được công nghệ làm tinh khiết uranium, cũng chưa hề phát triển được nhà máy cỡ như nhà máy lọc và cô tinh khiết dầu mỏ, vậy mà lại có thể phát triển được các cơ sở hạt nhân. Như vậy, cho dù là hạt nhân dân dụng hay quân dụng, Triều Tiên nhất định phải nhập nguyên liệu và cơ sở kỹ thuật từ nước ngoài.
Theo nguồn tin trong Cục Công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc, nhân viên kỹ thuật hạt nhân của Triều Tiên đã được đào tạo và huấn luyện một thời gian dài tại Trung Quốc. Nhiều báo từng đăng tin có một nhân vật trọng yếu của tập đoàn cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân liên quan đến việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tài liệu của Wikileaks cũng cho biết, điệp vụ dưới quyền của Phó thủ tướng Trung Quốc Tiền Kì Sâm đã từng gửi mật báo cho Mỹ, cho biết Triều Tiên về căn bản không hề có vũ khí hạt nhân, mà đều là do Bắc Kinh bố trí, mục đích là để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ với Đài Loan.
Theo tư liệu công khai, Tiền Kì Sâm từng là Phó thủ tướng Trung Quốc từ tháng 3/1998 đến tháng 3/2003. Đương thời chính là thời gian tại vị của ông Giang Trạch Dân. Đến tận năm 2004, ông Giang Trạch Dân vẫn nắm giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Ngoài ra, từ lúc ông Giang Trạch Dân lên nắm quyền Tổng bí thư vào tháng 6/1989, đối với việc đối ngoại, với chính quyền của cha con ông Kim Il-sung và Kim Jong-il có sự ủng hộ đặc biệt. Điều đặc biệt đáng chú ý là, ngay sau sự kiện Lục Tứ (Thảm sát Thiên An Môn) trấn áp phong trào sinh viên, Trung Quốc bị toàn thế giới cô lập về ngoại giao, ngoại trừ Triều Tiên, không có lãnh đạo cấp cao của quốc gia nào đến thăm Trung Quốc.
Xem thêm: “Đấu trường sinh tử” giữa Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình: Quyền lực bằng mọi giá
Thời gian kể từ khi ông Giang Trạch Dân lên “chấp chính”, vấn đề phát triển hạt nhân của Triều Tiên mới bắt đầu bị dư luận quốc tế chú ý đến. Ngày 30/5/1994, lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra quyết định tiến hành điều tra việc phát triển hạt nhân của Triều Tiên.
Nhà bình luận thời sự Chu Hiểu Huy từng viết bài nhận định, nếu không có sự hỗ trợ của một nhân vật quan chức cấp cao thì Mã Hiểu Hồng không thể nào có thể xuất sang Triều Tiên các loại nguyên liệu “nhạy cảm” đến như vậy.
Tự Minh
Xem thêm:
Từ khóa Triều Tiên vũ khí hạt nhân Công ty Hồng Tường Mã Hiểu Hồng Rửa tiền