Mao Trạch Đông miệng nói tin vô thần luận nhưng lại biến mình thành “thần”
- Trần Tĩnh
- •
Rạng sáng ngày 9/9/1976, không khí ở Bắc Kinh như bị đông cứng lại một cách yên tĩnh. Bên trong Đại lễ đường Nhân dân, Mao Trạch Đông trút hơi thở cuối cùng, những người xung quanh im lặng như tờ, như thể người hiện diện là một vị thần ngã xuống, chứ không phải cái chết của một ông lão. Ngày hôm đó, mỗi người trong tầng lớp lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều hiểu rõ một điều: Họ không mất đi “một nhà lãnh đạo”, mà là “một vị thần sống” mà cả nước phải quỳ lạy.
Câu chuyện có thể bắt đầu từ một cuộc đối thoại bí ẩn vào cuối đời của Mao Trạch Đông. Theo hồi ức của bác sĩ chăm sóc sức khỏe thân cận của Mao, ông Lý Chí Tuy, có một lần Mao hỏi ông: “Cậu có tin rằng sau khi chết vẫn còn linh hồn không?” Lý Chí Tuy ngập ngừng một chút rồi cẩn trọng trả lời: “Tôi là một người theo chủ nghĩa duy vật.” Mao nghe xong không gật đầu, mà khẽ nói: “Thế giới này không đơn giản như cậu nghĩ đâu.”
Câu nói đó như hồn ma lơ lửng trong bầu không khí chính trị suốt thời kỳ Mao – một thứ quyền lực độc tài mang màu sắc tôn giáo.
Dưới danh nghĩa vô thần luận, là sự thật về chiến dịch tạo thần
Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tự nhận là “đảng vô thần luận”, Mao Trạch Đông còn đi đầu trong việc phê phán tôn giáo, gọi đó là “thuốc phiện của nhân dân”. Đền chùa bị đập phá, nhà sư bị đấu tố, giáo sĩ bị trục xuất, mọi thứ liên quan đến thần thánh, tín ngưỡng, siêu nhiên đều bị quy kết là “mê tín phong kiến” và bị thanh trừng triệt để.
Nhưng mỉa mai thay, ĐCSTQ hủy diệt là thần của người khác, đồng thời tỉ mỉ tạo ra một vị thần của riêng mình – Mao Trạch Đông.
Thơ từ của ông được ngâm xướng như kinh văn, “Mao chủ tịch ngữ lục” được Hồng Vệ Binh ôm trước ngực như Kinh Thánh. Hình ảnh “mặt trời đỏ” xuất hiện khắp Trung Hoa, các bức tường ở nông thôn đầy ắp khẩu hiệu “Chủ tịch Mao Vạn tuế”, thậm chí có người hàng ngày thắp hương lạy ảnh Mao, sợ rằng “tư tưởng lệch lạc” sẽ bị báo ứng.
Một thanh niên trí thức từng tham gia “lớp học tập” hồi đó từng nói: “Chúng tôi đều nói là không tin thần, nhưng trong lòng sợ nhất vẫn là Mao Chủ tịch. Ông ấy không phải thần, nhưng còn kiểm soát số phận hơn cả thần.”
Quyền lực [tín ngưỡng] của Mao tạo nên huyền thoại, tự thần thánh hóa
Mao Trạch Đông không tin vào Chúa, không lạy Phật, nhưng ông rất hiểu tinh túy của tôn giáo – bản chất của niềm tin là để kiểm soát. Ông không phản đối thần, mà là phản đối những vị thần không phải của ông.
Năm 1958, trong phong trào Đại nhảy vọt, ông kêu gọi “người có gan lớn, thì đất sản lượng cao”, bỏ qua quy luật tự nhiên, lý tính khoa học, đẩy nền kinh tế kế hoạch đến mức điên rồ. Ông tin rằng “ý chí có thể thay đổi trời đất”, điều này không phải khoa học mà là tà thuật.
Khi cả nước chết đói khắp nơi, ông vẫn ở Trung Nam Hải nói về lý tưởng: “3 năm vượt Anh, 5 năm đuổi kịp Mỹ.” Những lời như vậy không phải là suy luận lý tính của người vô thần, mà là lời hứa điên rồ kiểu “thầy pháp”.
Ông còn hiểu rõ hơn bất kỳ lãnh tụ tôn giáo nào về cách “giả thần giả quỷ”: những câu nói thần bí, “chỉ thị tối cao” thần thánh, phong trào quần chúng sùng kính. Thậm chí Lâm Bưu còn viết trong nhật ký: “Chủ tịch Mao không lên tiếng, tôi không dám ngủ.”
Đây không còn là chính trị nữa, mà là chiến tranh tôn giáo – và vị thần duy nhất chính là Mao.
Sau khi chết càng giống thần hơn lúc sống
Sau khi Mao chết, ĐCSTQ tuy từng muốn gỡ bỏ thần thánh hóa, đưa ra khẩu hiệu “thực sự cầu thị”, Đặng Tiểu Bình thậm chí còn đưa ra “miêu luận (thuyết con mèo)” thay cho “Mao ngữ lục”, nhưng tính thần thánh của Mao chưa bao giờ biến mất. Mỗi dịp Thanh minh, vẫn có người đến Thiều Sơn chiêm bái “mặt trời đỏ”, thắp hương quỳ lạy; huy hiệu Mao, sách lời dạy của Mao đến nay vẫn được đấu giá cao trên mạng.
Đây không phải là hoài niệm thông thường, mà là một “ký ức tôn giáo chính trị” ăn sâu trong linh hồn – Mao Trạch Đông nhân danh “vô thần luận”, thực chất là xây dựng một trật tự thần quyền tuyệt đối. Suốt đời ông dùng cách của thần để cai trị người dân, đồng thời cố gắng che giấu điều này để giữ vỏ bọc “nhà cách mạng lý trí”.
Mao Trạch Đông chưa từng thực sự tin vào vô thần luận, vì ông chưa từng nghi ngờ “tính toàn năng” của bản thân. Một người vô thần chân chính sẽ thừa nhận sự nhỏ bé của cá nhân, giới hạn của hệ thống, sự không chắc chắn của chân lý – còn Mao thì tin rằng thế giới có thể vận hành theo ý chí của ông. Vì vậy, ông không phải không tin thần, mà là tin rằng chính mình là thần. Chủ nghĩa vô thần của Mao, chẳng qua là để người dân từ bỏ tôn giáo, quay sang tôn sùng bản thân ông; ông không cho bạn tin Phật, vì bạn chỉ được tin Mao; ông lật đổ mọi vị thần, chỉ để độc chiếm ngai vàng thần thánh. Lịch sử cuối cùng sẽ chứng minh: Mao Trạch Đông không phải là người phá thần, mà là người tạo thần – ông phá hủy mọi thần thánh, chỉ để ngồi lên chiếc ngai duy nhất đó.
Mao Trạch Đông cả đời nói mình là người vô thần, nhưng ông hiểu rõ sức mạnh của “thần” hơn ai hết, cũng tin rằng mình là “thần” hơn bất cứ ai.
Điều chứng minh rõ nhất là ngoài sự sùng bái cuồng nhiệt của Hồng Vệ Binh và sự thần thánh hóa của “ngữ lục”, còn có một đội quân bí mật – Đội 8341.
Con số 8341 là được tính toán ra
Cái tên 8341 nghe như một mã số bình thường, nhưng trong hệ thống ĐCSTQ lại là một trong những bí mật tối cao. Đội quân này bề ngoài là “Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương”, thực chất là cận vệ thân tín của Mao Trạch Đông, mức độ trung thành vượt xa mọi quân chủng, là “đội quân thần bí” cá nhân của Mao.
Người ta kể rằng, con số “8341” đến từ một lời tiên đoán khi Mao còn trẻ: “Ông sẽ thống trị thiên hạ 38 năm, sống đến 41 tuổi.” Nhưng cuối cùng Mao đã sống đến 83 tuổi và cai trị trong 41 năm. Ông đã bị sốc và nghĩ rằng người này đã chính xác, vì vậy ông đã đặt tên cho đơn vị bảo vệ của mình bằng con số này – không phải để phủ nhận lời tiên tri, mà là để “hấp thụ” nó như một lá bùa hộ mệnh.
Một cựu sĩ quan Đội 8341 từng tiết lộ riêng: “Chúng tôi không gọi là cảnh vệ, mà gọi là ‘người hầu của thần’.”
Nhiệm vụ hằng ngày của Đội 8341 vượt khỏi lĩnh vực quân sự
Họ chuẩn bị bàn ăn cho Mao, điều chỉnh độ ẩm trong phòng, ghi chép sinh hoạt hàng ngày của ông, thậm chí khi Mao ra ngoài còn phải kiểm tra trước nhiều ngày tất cả ghế ngồi, bát đũa, nhiệt độ nước, độ thông gió. Đây không phải là bảo vệ, mà là nghi lễ tế thần.
Họ thường được yêu cầu ghi chép lại những lời nói và hành động của Mao, “ngữ lục hóa (trích dẫn)” những cuộc đối thoại ngẫu hứng của ông, rồi phân phát cho các binh lính cấp dưới để “học tập lĩnh hội”, như môn đồ tụng kinh. Họ thậm chí phải lau sàn 3 lần trước khi Mao xuất hiện, quét sạch bụi trên tường, vì “nơi thần đi qua không được có vết bẩn”.
Khi Mao từng bày tỏ không thích một thuộc hạ nào đó, người đó thường sẽ biến mất khỏi vũ đài chính trị trong vài ngày. Đội 8341 không chỉ bảo vệ thân xác Mao, mà còn là đội thi hành việc phong thần và tru thần.
Nỗi sợ hãi của Mao – càng thần thánh hóa bản thân, càng sợ “quỷ”
Mao Trạch Đông vô cùng nhạy cảm với cái chết. Theo hồi ức của ông Lý Chí Tuy, cuối đời Mao rất kỵ nói đến chết, hễ ai nhắc đến ai đó qua đời trước mặt ông, ông liền sa sầm mặt, thậm chí yêu cầu khai trừ hoặc điều chuyển người đó.
Ông nhiều lần yêu cầu Đội 8341 kiểm tra phòng xem có ai bí mật đốt hương, đốt tiền giấy, nghi ngờ người bên cạnh làm “tà thuật”. Có lần ông bị mệt, một cảnh vệ già bí mật mời một “pháp sư” từ Hồ Nam cầu phúc, sau khi bị Mao biết liền bị ông mắng: “Ta mới là thiên mệnh!”
Câu nói này thực chất là sự phơi bày lớn nhất của chủ nghĩa vô thần: Nếu thật sự vô thần, cớ sao kiêng kỵ? Nếu thật sự duy vật, sao lại sợ quỷ thần?
Sau khi Mao chết, Đội 8341 nhanh chóng bị giải thể, đổi tên thành “Cục Cảnh vệ Trung ương”, phân tán thuộc về các hệ thống khác nhau. Họ không được phép tụ tập nữa, cũng không được dùng mã hiệu cũ. Họ từng là trung tâm của “nghi lễ thần quyền”, nay ngay cả ký ức cũng bị lệnh xóa bỏ.
Một cựu binh từng phục vụ 20 năm trong Đội 8341, cuối đời nói với con cháu: “Chúng ta đã canh giữ nửa đời người, không phải bảo vệ một con người, mà là một huyền thoại. Giờ thần đi rồi, chúng ta chẳng còn gì cả.”
Miệng nói phản thần, hành động thì thờ quỷ
Mao Trạch Đông không phải người vô thần, ông chỉ dùng chủ nghĩa vô thần để quét sạch đối thủ, rồi đội lên mình vương miện thần thánh. Ông phá hủy tượng Phật, đập phá nhà thờ, chỉ để nhân dân coi ông như thần để thờ phụng. 8341 là Thiên đàn ông dựng cho mình; Hồng Vệ Binh là giáo sĩ của ông; “ngữ lục” là kinh văn; “chỉ thị tối cao” là thánh dụ.
Một người vô thần thực sự sẽ không mê tín quyền lực và sùng bái đến vậy, sẽ không khiến hàng triệu người đổ máu hy sinh vì mình rồi gọi đó là “quy luật lịch sử”.
Mao Trạch Đông nói ông tin vào Marx – Lenin, nhưng trong xương tủy ông tin rằng mình là hiện thân của số mệnh, là chủ nhân của lịch sử, là vị thần định mệnh của người Trung Hoa.
Và đó chính là nghịch lý nội tại của thể chế ĐCSTQ: vừa tiêu diệt thần, vừa tạo ra thần; vừa tự xưng duy vật, vừa dựa vào thần quyền để ổn định.
Trần Tĩnh
(Bài viết chỉ đại diện cho lập trường và quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Vision Times.)
Từ khóa Mao Trạch Đông
