Nếu bà Pelosi thăm Đài Loan, Hoa Kỳ có thể cử hàng không mẫu hạm hộ tống
- Bình Minh
- •
Kế hoạch thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã thu hút sự chú ý của Hoa Kỳ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Đài Loan.
Gần đây, báo chí đưa tin bà Pelosi sẽ “thăm” Đài Loan vào tháng Tám. Quân đội Mỹ đang xem xét hộ tống cho chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi bằng hàng không mẫu hạm và máy bay chiến đấu.
Thứ Bảy tuần trước (23/7), tờ “Financial Times” của Anh tiết lộ, ĐCSTQ đã tức giận với kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi, và đưa ra “cảnh báo nghiêm khắc” rằng nếu bà Pelosi thực sự đến thăm Đài Loan, ĐCSTQ sẽ không loại trừ việc “thực hiện các biện pháp quân sự.”
Hôm thứ Hai (25/7), một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, như tờ Financial Times đưa tin, ĐCSTQ quả thực đã đe dọa chính quyền Biden về chuyến thăm Đài Loan có thể diễn ra của bà Pelosi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng thừa nhận nội dung liên quan của báo cáo.
Chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan gây ra bất đồng trong Chính phủ Hoa Kỳ. Một số quan chức trong chính quyền Biden tin rằng ĐCSTQ có kế hoạch tổ chức Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 vào tháng 11. Lúc này ông Tập Cận Bình sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ 3, và hiện giờ là thời điểm nhạy cảm vô cùng gây hoang mang.
Nếu cấp cao của Hoa Kỳ thăm Đài Loan vào thời điểm này, có thể gây ra những nguy hiểm như đánh giá sai lầm của ĐCSTQ, và thậm chí gây ra một cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan.
Ngày 24/7, ông Jose Rogin, người phụ trách chuyên mục của The Washington Post cho biết, quân đội Hoa Kỳ đang thực hiện một kế hoạch bảo vệ phái đoàn của bà Pelosi.
Theo thủ tục thông thường của các phái đoàn quốc hội đến Đài Loan, bà Pelosi sẽ bay trên một chuyên cơ quân sự. Các biện pháp hiện đang được Hoa Kỳ xem xét cũng bao gồm việc điều động hàng không mẫu hạm hoặc máy bay chiến đấu yểm trợ trên không.
Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập của “Thời báo Hoàn Cầu”, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, cho biết trên Weibo rằng quân đội Trung Quốc có thể điều máy bay đến để cản trở bà Pelosi, điều này sau cùng có thể gây ra một cuộc đối đầu. Ông huênh hoang rằng máy bay quân sự của ĐCSTQ có thể chọn “đồng hành” với chuyên cơ của bà Pelosi ở một khoảng cách thích hợp, “tiến vào đảo Đài Loan cùng lúc, đi qua sân bay nơi nó hạ cánh, rồi đi qua Đài Loan và trở về Đại Lục.”
Fox News đưa tin, hôm thứ Hai (25/7), người phát ngôn Đảng Cộng hòa, ông Newt Gingrich đã nói rằng bà Pelosi nên bỏ qua sự phẫn nộ của ĐCSTQ và những bất đồng trong Chính phủ Hoa Kỳ, thay vào đó hãy đến Đài Loan để chứng tỏ sức mạnh của Hoa Kỳ.
Ông Gingrich từng đến thăm Đài Loan vào năm 1997 với tư cách là Chủ tịch Hạ viện, nói rằng Trung Quốc không thể được phép chi phối chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
“Thể hiện sức mạnh là điều rất quan trọng. Hãy để những người Cộng sản Trung Quốc hiểu rằng chúng ta có (sức mạnh) thực sự và chúng ta không phải là ‘những con hổ giấy’ ‘như Mao (Trạch Đông) đã nói”, ông Gingrich nói.
Năm 1997, chỉ vài ngày sau khi thăm Bắc Kinh và Thượng Hải, ông Gingrich đến Đài Bắc gặp cựu Tổng thống Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui). Gingrich nói rằng ông đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Trung Quốc, rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu Đài Loan bị tấn công.
Ông Gingrich cho biết phản ứng mà ông nhận được vào thời điểm đó là “sự bình tĩnh”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công khai chỉ trích Gingrich sau chuyến thăm Đài Loan của ông, nhưng phản ứng chỉ giới hạn trong lời nói.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cổ vũ bà Pelosi trên Twitter: “Nancy, tôi sẽ đi cùng bà (đến Đài Loan). Mặc dù tôi bị ĐCSTQ cấm vận nhưng không bao gồm Đài Loan yêu tự do. Hẹn gặp bà ở đó!”
.@SpeakerPelosi. Nancy, I'll go with you. I'm banned in China, but not freedom-loving Taiwan. See you there!
— Mike Pompeo (@mikepompeo) July 24, 2022
Tháng Ba năm nay, một nhóm 12 người, gồm ông Pompeo và phu nhân, cùng ông Dư Mậu Xuân – cựu cố vấn chính về chính sách Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã đến thăm Đài Loan.
Cuộc khủng hoảng lớn cuối cùng ở eo biển Đài Loan xảy ra vào năm 1995-1996. Khi đó Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là ông Lý Đăng Huy đã đến thăm Hoa Kỳ. ĐCSTQ tức giận phát động một cuộc tập trận gồm các lực lượng đổ bộ đường biển, trên bộ và trên không.
Hoa Kỳ đã phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ, cử 2 biên đội tàu sân bay qua eo biển Đài Loan. Vào thời khắc cuối cùng, ĐCSTQ đã kết thúc vụ thử tên lửa và cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan kết thúc.
Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng (NSC) từ chối bình luận về việc liệu chính quyền có thúc giục bà Pelosi hủy chuyến đi hay không. Ông John Kirby, trưởng bộ phận truyền thông chiến lược của NSC, cho biết hôm thứ Sáu (22/7) rằng nhóm đã cung cấp “bối cảnh, dữ kiện và thông tin địa chính trị liên quan”, và rằng Chủ tịch Hạ viện đã đưa ra quyết định của riêng mình.
Nếu vẫn tiến hành chuyến đi, bà Pelosi sẽ là chính trị gia cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ ông Gingrich công du Đài Bắc vào năm 1997.
Từ khóa Newt Gingrich Dòng sự kiện bà Pelosi thăm Đài Loan