Thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục ảm đạm, mặc dù chính quyền địa phương các nơi đưa ra chính sách khuyến khích người dân mua nhà, nhưng hiệu quả không được tốt. Bên cạnh Evergrande và Shimao Group đã vỡ nợ, trái phiếu đô la Mỹ của hơn 60 công ty bất động sản ở Trung Quốc sẽ đáo hạn vào nửa cuối năm nay, điều này có nghĩa là toàn bộ ngành bất động sản ở Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng vỡ nợ.

shutterstock 2048910203
(Nguồn: Shutterstock)

Theo tờ “Thương báo Trường Giang” tại Trung Quốc đưa tin, kể từ nửa cuối năm 2021, môi trường của ngành bất động sản Trung Quốc đã thay đổi. Cùng với tác động của dịch bệnh (và các chính sách phong tỏa và kiểm soát dịch của ĐCSTQ), hoạt động kinh doanh bất động sản của các công ty đã phải hứng chịu ảnh hưởng bất lợi, và doanh số bán hàng theo hợp đồng đã giảm đáng kể.

Do thị trường bất động sản ngày càng ảm đạm, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã ban hành các chính sách khuyến khích người dân mua nhà. Các biện pháp khuyến khích như nới lỏng giới hạn hoặc nới lỏng hạn chế mua bán, giảm tỷ lệ thanh toán tiền cọc, giảm lãi suất vay mua nhà, quỹ tiết kiệm cho vay hỗ trợ và trợ cấp mua nhà, v.v. Đồng thời, các nhà phát triển bất động sản cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi khác nhau, bao gồm “0 tiền cọc”, “trả trước 10%”, “đổi nhà, đổi cũ lấy mới”, và thậm chí tung ra “đổi lúa mì lấy nhà” , “đổi tỏi lấy nhà”, “đổi dưa hấu lấy nhà” v.v.

Tuy nhiên vào ngày 9/7, ông Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei), Giám đốc Ủy ban Đối ngoại Trung Quốc và cũng là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa nhận tại Hội nghị thượng đỉnh Caixin mùa hè 2022, rằng mặc dù chính quyền địa phương khuyến khích mua nhà nhưng hiệu quả không tốt, vì kỳ vọng về thu nhập và việc làm trong tương lai của người dân Trung Quốc đã yếu đi, họ bắt đầu tích lũy tiền tiết kiệm đề phòng, thậm chí về cơ bản họ không có đủ tiền để mua nhà.

Tờ Financial Times trích dẫn dữ liệu từ công ty tư vấn Dealogic cho biết, trong nửa cuối năm nay, hơn 60 nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc phải đối mặt với việc đáo hạn trái phiếu bằng đô la Mỹ của họ, với tổng số tiền là 13,3 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 13% trong tổng số hơn 100 tỷ USD dư nợ của các trái chủ quốc tế, toàn bộ ngành đang đối mặt với làn sóng vỡ nợ.

Báo cáo tiết lộ rằng Shimao Group có khoản nợ đô la Mỹ chưa thanh toán lên tới 5,5 tỷ USD. Vào ngày 3/7, Shimao Group không trả được 1 tỷ USD tiền trái phiếu và tiền lãi. Trước thời hạn thanh toán, trái phiếu của Shimao chỉ được giao dịch ở mức 12% mệnh giá. Điều này đồng nghĩa với việc tập đoàn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Ngược lại, Evergrande Group, dẫn đầu vụ vỡ nợ năm ngoái, phải đối mặt với khoản nợ 300 tỷ USD, bao gồm 19 tỷ USD trái phiếu phát hành ra nước ngoài. Những trái phiếu này cũng có nguy cơ vỡ nợ.

Nói về nguyên nhân các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc liên tiếp vỡ nợ, nhà bình luận thời sự Miyasita Kiyokawa, cũng là người am hiểu hệ thống tài chính Trung Quốc và hệ thống chính trị, nói với Epoch Times rằng: “Một mặt, ĐCSTQ hạn chế giá nhà giảm để tránh khủng hoảng hệ thống tài chính; mặt khác, 3 lằn ranh đỏ trong ngành bất động sản ngăn các nhà phát triển bất động sản hoạt động với các khoản nợ lớn, dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ và sự kiện vỡ nợ chéo, bao gồm Evergrande, Fantasia và GoodView, v.v. “

Ông Miyashita Kiyokawa cũng nói rằng so với thu nhập của người dân, giá nhà ở Trung Quốc về cơ bản là quá cao, người dân mua không nổi, vì vậy dẫn đến một số lượng lớn các tòa nhà bị bỏ trống, xuất hiện nhiều “tòa nhà ma” và thậm chí là “thị trấn ma” không có người ở; mặc dù chính quyền địa phương đưa ra các chính sách khuyến khích mua nhà, nhưng chỉ mang tính chất giảm giá, có ít tác dụng trong việc bình ổn thị trường.

Ông nói: “Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư, dù trong nước hay nước ngoài, thị trường nhà ở Trung Quốc rất không chắc chắn, và sự không chắc chắn này đến từ hệ thống chính trị của ĐCSTQ. Bất cứ ai vào thị trường bất động sản Trung Quốc đều phải lấy lòng ĐCSTQ. Khi ĐCSTQ cần đầu tư nước ngoài thì các điều kiện đầu tư nước ngoài rất dễ thương lượng; khi ĐCSTQ cần ‘doanh nghiệp trong nước’, thì đầu tư nước ngoài sẽ không nhìn thấy sắc mặt tốt của ĐCSTQ.”