Ngành thép của Trung Quốc hứng chịu ‘hai gọng kìm’
- Lâm Yên
- •
Ngành thép của Trung Quốc đang phải hứng chịu ‘hai gọng kìm’ là suy thoái trong nước và tẩy chay của nước ngoài. Báo cáo tài chính cho thấy ngành công nghiệp nhà máy thép của Trung Quốc do công suất dư thừa đang muốn tìm cách thoát khỏi khó khăn bằng cách mở rộng xuất khẩu, tuy nhiên lại nhận được tin bị áp thuế cao hơn từ các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Tổng thống Mỹ Biden hôm thứ Tư (17/4) đã kêu gọi tăng mức thuế quan chính đối với thép Trung Quốc lên 25% – mức tăng gấp 3 lần. Mặc dù thép Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhu cầu của Mỹ, nhưng một quan chức Mỹ cho biết họ đang tìm cách “đón đầu làn sóng xuất khẩu mới của Trung Quốc”.
Một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc – Tập đoàn Anshan thừa nhận trong kết quả thường niên mới nhất công bố vào tháng Ba rằng ngành thép Trung Quốc “đã bước vào giai đoạn điều chỉnh mới” với sự cạnh tranh trong nước ngày càng khốc liệt hơn, trong khi đó phải đối mặt với các chính sách thuế quan bảo hộ ở nước ngoài.
Thua lỗ và muốn mở rộng thị trường nước ngoài
Báo cáo hoạt động mới nhất của nhiều công ty thép Trung Quốc cho thấy họ đang gặp khó khăn nên đang khẩn trương thúc đẩy thị trường nước ngoài.
Trong báo cáo hoạt động hồi tháng Ba, Tập đoàn Gang thép Anshan dự đoán nguồn cung thép sẽ ở mức “cao” vào năm 2024, trong khi nhu cầu thị trường không khả quan. Công ty cho biết, cạnh tranh trong nước sẽ chỉ trở nên khốc liệt hơn, trong khi “sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ nước ngoài và sự gia tăng rủi ro thương mại quốc tế sẽ gây áp lực nhất định lên việc xuất khẩu sản phẩm thép”.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới, Tập đoàn Anshan vào năm 2022 trở thành nhà sản xuất thép lớn thứ ba thế giới. Năm 2022, Anshan lợi nhuận ròng 108 triệu RMB, nhưng năm 2023 lỗ ròng 3,25 tỷ RMB.
Báo cáo tài chính cho thấy Anshan đã bắt đầu mở rộng ra nước ngoài. Năm 2023, doanh thu nội địa của Anshan giảm 15% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 106,34 tỷ RMB, nhưng xuất khẩu tăng 18% lên 7,16 tỷ RMB. Tuy phần lớn doanh thu Anshan đến từ thị trường nội địa nhưng xuất khẩu nhìn chung vẫn có lãi, trong khi doanh thu nội địa thua lỗ.
Do thị trường bất động sản Trung Quốc trì trệ khiến nhu cầu thép trong nước giảm mạnh, hệ quả các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã tồn đọng hàng số lượng lớn.
Theo ước tính của Frederic Neumann – nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC Global Research, ngành xây dựng bất động sản của Trung Quốc vào những năm thông thường chiếm khoảng 25% nhu cầu thép toàn cầu.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng, nhu cầu thị trường về thép đã giảm mạnh, nhưng nguồn cung lại không thay đổi. Sản lượng thép của Trung Quốc năm 2023 tiếp tục tăng khoảng 3% so với năm 2022, đạt 1,2 tỷ tấn. Điều này có nghĩa là nếu các nhà sản xuất thép Trung Quốc không kiểm soát sản xuất, họ sẽ phải đối mặt với lượng sản phẩm sắt thép không thể tiêu thụ được trong nhiều năm tới.
Các công ty thép lớn khác của Trung Quốc, bao gồm nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới Baosteel, cũng hy vọng mở rộng thị trường nước ngoài và khám phá các điểm tăng trưởng lợi nhuận mới.
Nhà máy thép Tân Cương Bayi liên kết với Baosteel cho biết trong báo cáo hoạt động của họ rằng ngành thép Trung Quốc đang đối mặt “những thách thức chưa từng có”, các công ty chịu áp lực “cải tổ lớn”, phải đối mặt với “những thử thách sinh tồn nghiêm trọng”.
Thị trường bán hàng chính của Bayi Steel là ở Tân Cương, nhưng hoạt động của công ty đã mở rộng sang các tỉnh và khu vực khác như Thượng Hải và các khu vực lân cận, cũng như đến vùng Trung Á và Nga.
Một số nhà sản xuất thép vừa và nhỏ cũng đã tìm cách xuất khẩu để thoát khó.
Doanh nghiệp thép Sơn Đông (Shandong Steel) cho biết, sản phẩm của họ vào năm 2023 được xuất khẩu sang châu Âu, Hàn Quốc, Đông Nam Á và châu Mỹ. Lợi nhuận ròng năm 2022 là 553,64 triệu RMB nhưng năm 2023 lỗ ròng là 399,59 triệu RMB.
Shandong Steel cho biết hàng năm họ cũng có “một lượng nhỏ xuất khẩu”. Lợi nhuận ròng của công ty năm 2023 giảm 20%, trong khi tổng khối lượng xuất khẩu tăng 26% so với cùng kỳ năm trước đạt 1,56 triệu tấn. Các khu vực bán hàng “chủ chốt” ở nước ngoài của công ty là Trung Đông và Đông Nam Á.
Nhiều nước điều tra chống bán phá giá từ Trung Quốc
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, xuất khẩu thép Trung Quốc năm 2023 là 90,26 triệu tấn, tăng 36%; nhập khẩu là 7,65 triệu tấn, giảm 28%.
Nếu so sánh về lượng, lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc năm 2023 vượt tổng lượng thép tiêu thụ của Mỹ vào năm 2022.
Giờ đây, các công ty thép Trung Quốc này đang vận chuyển lượng kim loại tồn đọng ra nước ngoài với giá cực thấp, theo đó các nước như Brazil, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ…. đều đang tiến hành điều tra chống bán phá giá.
Theo dữ liệu chính thức từ nhà nước Trung Quốc, trong 12 tháng tính đến tháng Hai năm nay, xuất khẩu thép của Trung Quốc sang Ấn Độ đã tăng 84% so với cùng kỳ lên khoảng 3 triệu tấn, còn xuất khẩu thép sang Việt Nam tăng 78% lên gần 10 triệu tấn.
Trong cùng kỳ, xuất khẩu thép của Trung Quốc sang Brazil tăng 55%, xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng 58% và xuất khẩu sang Mexico tăng 14%.
Vào tháng Ba, Chính phủ Brazil bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép tấm carbon và thép mạ màu từ Trung Quốc, Mexico từ tháng 9/2023 bắt đầu điều tra đinh thép dùng cho bê tông từ Trung Quốc, còn Việt Nam đang điều tra dây thép và Philippines đang điều tra trụ thép.
Hôm thứ Tư tuần trước (17/4), Tổng thống Mỹ Biden đã công khai đề xuất áp mức thuế mới 25% đối với một số sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc. Ông Biden cũng chỉ đạo hợp tác với Mexico để hạn chế dòng thép và nhôm Trung Quốc vào Mỹ thông qua nước này (Link).
Theo dữ liệu từ cơ quan chức năng Mỹ, nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào năm 2014 đạt gần 3 triệu tấn nhưng năm 2023 đã giảm xuống còn 600.000 tấn (trị giá 900 triệu USD), trong khi tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ là 25,6 triệu tấn.
ĐCSTQ phủ nhận cáo buộc năng lực sản xuất dư thừa
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây rằng tình trạng sản xuất hàng hóa của Trung Quốc hiện nay quá lớn, thế giới không thể hấp thụ được sản lượng công nghiệp ngày càng tăng của nước này. Bà nói: “Khi thị trường toàn cầu tràn ngập các sản phẩm của Trung Quốc với mức giá bị áp quá thấp, đó là nguy cơ cho khả năng tồn tại của các công ty Mỹ và nước ngoài khác”.
Năm nay trùng với cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 ở Mỹ, theo đó vấn đề thương mại với Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành chủ đề chính trong cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đã gây ra làn sóng xuất khẩu giá rẻ vào thị trường toàn cầu.
Giám đốc Kim Hiền Đông (Jin Xiandong) của Văn phòng Nghiên cứu Chính sách – Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, đã bác bỏ những lời chỉ trích gần đây từ Mỹ. Quan chức Trung Quốc này lập luận rằng quan điểm cáo buộc việc Trung Quốc xuất khẩu nhiều xuất phát từ tình trạng dư thừa công suất “là không thể đứng vững”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, trong bối cảnh các công ty thép Trung Quốc đang ngày càng sự áp lực việc loại bỏ tình trạng sản xuất dư thừa, việc ông Biden kêu gọi tăng thuế báo trước những nỗ lực toàn cầu ngày càng tăng nhằm hạn chế các sản phẩm thép do Trung Quốc sản xuất. Tình trạng khó khăn của các nhà máy thép Trung Quốc cũng làm dấy lên nghi ngờ về những nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm hạn chế tình trạng dư thừa công suất công nghiệp.
Năm 2015, Bắc Kinh đưa ra cái gọi là chính sách “cải cách cơ cấu phía cung”, chủ yếu nhắm vào ngành thép, cũng như các ngành công nghiệp nhôm, xi măng và than. Thời cố Thủ tướng Lý Khắc Cường, Bắc Kinh cho biết họ đã đạt được tiến bộ trong vấn đề này. Nhưng giờ đây, với việc quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang gặp khó khăn sau dịch COVID-19, vấn đề dư thừa công suất một lần nữa trở thành tâm điểm tranh luận.
Như một động thái trả đũa, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Sáu (20/4) cho biết họ sẽ áp dụng mức thuế 43,5% đối với axit propionic nhập khẩu từ Mỹ. Axit propionic được sử dụng trong sản xuất thực phẩm, dược phẩm và thuốc trừ sâu. Mặc dù bề ngoài đây đơn thuần là động thái thương mại, nhưng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc thì nhiều khả năng đó là tín hiệu cho thấy leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Từ khóa thép trung quốc chiến tranh thương mại Mỹ Trung