Ngoại giao Trung Quốc tại APEC: Văn hóa Đảng và chủ nghĩa bá quyền
- Trí Đạt
- •
Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) kết thúc đã nổi lên thông tin vì chuyện tranh chấp cách diễn đạt Thông cáo Hội nghị, giới chức ngoại giao Trung Quốc đã xông vào văn phòng Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea khiến cảnh sát phải ngăn chặn. Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi được hỏi đã hỏi vặn lại rằng “nhà ngoại giao Trung Quốc là những người nho nhã sao có thể làm vậy được”. Tuy nhiên tờ Washington Post đã công bố bài viết tố cáo thủ đoạn của các nhà ngoại giao Trung Quốc, bài viết có dẫn bằng chứng về tình hình hiện trường, tác giả cho rằng sự cố này phơi bày thực trạng quan trường Trung Quốc là hệ thống chi phối từ trên xuống dưới vô cùng nghiêm ngặt.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Tiểu Long phát biểu tại họp báo Hội nghị thượng đỉnh APEC (Ảnh: Getty Images)
APEC kết thúc, “ngoại giao răn đe” của giới ngoại giao Trung Quốc trở thành đề tài
Theo CNA (Thông tấn xã Trung ương Đài Loan) đưa tin, sau khi Hội nghị thượng đỉnh APEC bế mạc ngày 18, hành vi thiếu văn hóa của Chính phủ Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh đã làm dấy lên những lời chỉ trích, đáng chú ý là bài viết trên Washington Post lên án kiểu “ngoại giao răn đe” của Trung Quốc tại Hội nghị này.
Bài viết trên chuyên trang blogger Josh Rogin của Washington Post chỉ ra, lần đầu tiên trong lịch sử gần 30 năm Hội nghị thượng đỉnh APEC không ra được Tuyên bố chung, nhưng phái đoàn Trung Quốc lại vỗ tay reo mừng vì điều này, một thái độ khiến các nhà ngoại giao trên thế giới cảm thấy ghê tởm.
Bài viết cũng cho rằng, một tuần trước khi kết thúc hội nghị, đoàn quan chức Trung Quốc đã nhiều lần giở trò khiêu khích, tỏ vẻ vị thế nước lớn, gây phiền nhiễu đòi hỏi kỳ lạ để thể hiện vị thế thống trị của ĐCSTQ, gây áp lực lên nước chủ nhà của Papua New Guinea và các nước khác phải phục tùng mọi yêu cầu của họ.
Theo Josh Rogin, một quan chức cấp cao Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh chia sẻ với ông: “Đây là thông lệ trong quan hệ ngoại giao của quan chức Trung Quốc: ngoại giao kiểu răn đe”. Josh Rogin chỉ ra rằng, “họ đi tới đi lui tự nhiên như ở nhà mình, tận dụng mọi thời cơ để gây áp lực nhằm có được những gì họ muốn”.
Bài viết cho biết, từ khi chưa khai mạc cho đến khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh, các quan chức Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội để gây sức ép hoặc âm thầm làm tổn hại nước chủ nhà và những nước thành viên tham gia hội nghị thượng đỉnh.
Ví dụ trước khi khai mạc hội nghị, giới chức Trung Quốc đã cho treo đầy cờ năm sao của họ trên khắp các đường phố ở thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, ngoài ra còn hàng loạt biển quảng cáo lớn ca ngợi sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Mặc dù những lá cờ năm sao cuối cùng đã được bỏ ra, nhưng lại được thay bằng lá cờ đỏ lớn trông không khác gì mấy lá cờ năm sao của Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc cũng cấm tất cả truyền thông quốc tế tham gia cuộc họp giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và tám quốc đảo Thái Bình Dương, chỉ cho phép truyền thông nhà nước họ (Trung Quốc) vào đưa tin.
Josh Rogin cho biết tình hình sau đó còn điên rồ hơn. Khi các nước thành viên đang bận rộn đằng sau hậu trường để hoàn thiện Tuyên bố chung, giới chức Trung Quốc tiếp tục hung hăng yêu cầu được gặp Bộ trưởng Ngoại giao của Papua New Guinea, sau khi bị từ chối đã xông vào văn phòng Bộ Ngoại giao, và cuối cùng bị cảnh sát can thiệp đuổi ra ngoài.
Các cuộc đàm phán tiếp tục kéo đến ngày 18, các quan chức Trung Quốc tuyên bố có nhiều vấn đề nghi ngờ và bắt đầu tổ chức gặp gỡ trao đổi bên lề với các nước khác, còn khi vào hội nghị chính thức thì lớn tiếng rằng các nước đang “tính sổ” với Trung Quốc.
Josh Rogin cho biết các quan chức Trung Quốc phát biểu kéo dài làm mất thời gian dù biết rằng thời gian phát biểu có giới hạn và các nhà lãnh đạo khác đang chờ được phát biểu. Khi hết thời gian, hội nghị thượng đỉnh kết thúc và chủ nhà công bố không ra được Tuyên bố chung, các quan chức Trung Quốc ở trong một gian phòng gần hội trường chính đã vỗ tay tán thưởng.
“Ngoại giao răn đe”: Nền tảng từ văn hóa Đảng và chủ nghĩa bá quyền
Cuối bài viết, Josh Rogin chỉ ra rằng qua “bi hài kịch” (tragicomedy) thường thấy của giới chức Trung Quốc có thể rút ra ba kết luận.
Thứ nhất, họ cư xử ngày càng trắng trợn và gây áp lực cao, đặc biệt đối với các nước nhỏ Ấn Độ – Thái Bình Dương, Papua New Guinea là một ví dụ, đây là những nước mà ĐCSTQ vẽ ra vô số chương trình phát triển gây món nợ khổng lồ đối với họ.
Thứ hai, thiên kiến ép người và quá nhạy cảm trong hành vi của giới chức Trung Quốc rõ ràng cho thấy chính phủ Bắc Kinh đang bị Mỹ và các đồng minh của Mỹ làm cho lo sợ
Cuối cùng, hành vi của giới chức Bắc Kinh trên thực tế đã xa lánh các nước khác, điều này rõ ràng là không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, cho thấy hành động của giới chức Trung Quốc là do bị chi phối từ cấp trên xuống, làm cản trở những quyết sách tốt đẹp. Ngay cả khi phái đoàn Trung Quốc biết rằng chiến lược sẽ gây hiệu ứng phản tác dụng thì họ cũng không có quyền thay đổi.
Đối với các sự kiện trên, trong mục “Thời sự cho mọi người” của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), nhà bình luận Hoành Hà (Heng He) đã chỉ ra rằng ĐCSTQ theo đuổi triết lý đấu tranh nên hành vi thô bạo của các nhà ngoại giao Trung Quốc được khuyến khích.
Theo ông Hoành Hà, vào tháng Chín năm nay đã xảy ra sự cố ở Nauru khi quan chức ĐCSTQ cắt ngang phát biểu của người khác. Hành vi tương tự kiểu này phổ biến sớm nhất khi các quan chức ĐCSTQ đối xử với các nhà bất đồng chính kiến, dân chủ, và các nhân vật tôn giáo. Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York và Hội đồng Nhân quyền ở Geneva Thụy Sĩ, trong quá trình phát biểu của các nhóm người lưu vong Trung Quốc ở nước ngoài (như nhóm tôn giáo và đại diện của các nhóm độc lập ở Tân Cương) thường bị đại diện ngoại giao của ĐCSTQ thô lỗ cắt ngang, còn những hành vi này lại được ĐCSTQ ủng hộ và khuyến khích, giới truyền thông nhà nước còn khoe khoang rằng họ là những anh hùng bảo vệ phẩm giá và hình ảnh của Trung Quốc.
Ông Hoành Hà cho biết, hai nhà ngoại giao của ĐCSTQ là Sa Tổ Khang (Sha Zukang) và Lý Triệu Tinh là điển hình của lối ứng xử lỗ mãng này, thậm chí có khi họ còn xung đột bằng vũ lực với nhà ngoại giao nước ngoài, nhưng có vẻ hành vi của họ lại được truyền thông trong nước ca ngợi. Điều này đã khuyến khích các nhà ngoại giao ĐCSTQ vi phạm các nghi thức ngoại giao cơ bản ở nước ngoài.
Ông giải thích rằng văn hóa Đảng của ĐCSTQ theo đuổi triết lý đấu tranh, không chú trọng lễ nghĩa và văn minh, điều này khiến các quan chức trong nước sau khi được tạo thói quen đã áp dụng hành vi thô bạo này trên trường quốc tế. Nhiệm vụ lớn nhất của các quan chức ĐCSTQ là duy trì chính sách chính trị của ĐCSTQ, còn hệ thống giáo dục và văn hóa lễ nghĩa truyền thống của Trung Quốc không cổ súy hành vi như vậy. Trong quá khứ, quan chức ngoại giao cứng rắn đối phó với bạo quyền phương Tây là một dấu hiệu của vinh quang. Bây giờ họ sử dụng cách tiếp cận tương tự với các nước thế giới thứ ba hoặc các quốc gia nhỏ. Cách hành xử này trên quốc tế bị xem là “ỷ lớn hiếp nhỏ”, là một biểu hiện của chủ nghĩa thực dân. Đây cũng là lý do giải thích cho những thất bại ngoại giao của ĐCSTQ.
Nhà bình luận độc lập Ngô Cường (Wu Qiang) là cựu giảng viên khoa chính trị tại Đại học Thanh Hoa Trung Quốc cho rằng, phong cách ngoại giao thô bạo này cũng thể hiện rõ chủ nghĩa bá quyền của ĐCSTQ.
Ông Ngô Cường cho biết, qua tìm hiểu về thói quen và hành vi của giới ngoại giao Trung Quốc, trong đó có những hành vi tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York và Hội đồng Nhân quyền ở Geneva Thụy Sĩ trong những năm gần đây, cho thấy sự kiện tại hội nghị thượng đỉnh lần này họ xông văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea là hoàn toàn không phải chuyện lạ. Cách làm này của quan chức Trung Quốc sẽ chỉ phản tác dụng, khiến các nước càng nhận rõ mối đe dọa địa chính trị của Trung Quốc. Thứ nữa, ở các nước Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương, sau Hội nghị Bandung (Hội nghị Á-Phi) vào năm 1955, ĐCSTQ đã vung tiền để xuất khẩu cuộc cách mạng ý thức hệ. Sau năm 1965, chính sách của họ đã thất bại ở các nước như Indonesia, Đông Timor, Campuchia.
Ngô Cường kết luận rằng, nhìn từ quá khứ xuất khẩu vũ khí và cách mạng ý thức hệ vào các nước Đông Nam Á, cho đến giờ là công khai thể hiện vai trò bá quyền, cho thấy phong cách ngoại giao của ĐCSTQ đã có mầm mống từ trong lịch sử.
Đã bị lên án là “Hồng vệ binh”
Hình ảnh xấu xí của giới ngoại giao ĐCSTQ đã sớm bộc lộ và cộng đồng quốc tế đều biết rõ. Trước đó vào Tháng Mười, với tư cách là đại diện cho hình ảnh ngoại giao của Trung Quốc, bộ mặt hắc ám của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng gây vô số chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.
Ngày 25/10, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông đưa tin, do vấn đề cuộc chiến thương mại cũng như Biển Đông làm xung đột thương mại Trung-Mỹ leo thang, vì thế chuyến thăm Bắc Kinh vào Tháng Mười của ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã bị giới chức Bắc Kinh cư xử lạnh nhạt.
>>Lập trường hỗn loạn của TQ đối với Mỹ qua việc ông Pompeo bị lạnh nhạt
Nguồn tin dẫn lời người quen thuộc tình hình cho biết, Pompeo hy vọng sẽ gặp Tập Cận Bình nhưng đã bị từ chối. Sau đó ông gặp Vương Nghị, cuộc gặp kéo dài chưa đến một giờ và gần như trong suốt thời gian này Vương Nghị liên tục chỉ trích chính quyền Trump. Thậm chí trước khi kết thúc cuộc gặp, Vương Nghị và phái đoàn còn không thèm đãi Pompeo một bữa ăn. Đây là cách hành xử vô cùng tệ hại trong ngoại giao quốc tế.
Trước đó, ngày 01/06/2016, trong buổi họp báo tại Canada, khi một nữ phóng viên Canada chất vấn về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, ông Vương Nghị đã lỗ mãng cáo buộc câu hỏi của nữ phóng viên là đầy thành kiến và ngạo mạn, thậm chí còn thẳng thừng quát rằng phóng viên này “không có quyền chất vấn về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc”. Cách ứng xử này đã làm giới truyền thông chính thống phương Tây phải kinh ngạc không dám tin là sự thật.
Trang tin ZAKZAK tại Nhật Bản sau đó đã công bố một bài viết kể về văn hóa ứng xử của ông Vương Nghị, qua đó ngoài nhắc lại chuyện câu hỏi nhân quyền của phóng viên Canada, tác giả bài viết cũng kể lại sự kiện hồi Tháng Tư cùng năm khi Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio thăm Trung Quốc cũng từng phải chịu cảnh bị đối xử tệ hại như vậy. Là quan chức đứng đầu về ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị “gây thù địch khắp nơi”.
Chế độ cộng sản cực đoan là một trong những căn nguyên chính phá hủy nền tảng văn hóa ứng xử tốt đẹp của con người, làm cả các nhà ngoại giao đại diện cho hình ảnh của đất nước cũng trở nên thô lỗ, làm trò cười trên trường quốc tế.
Có thể dẫn thêm một nhân vật đáng kể khác là ông Lý Triệu Tinh (Li Zhaoxing), cựu Ngoại trưởng và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Vị cựu thủ lĩnh ngành ngoại giao Trung Quốc này là cũng thô lỗ không kém Vương Nghị, để lại nhiều ấn tượng không tốt trước cộng đồng quốc tế, từng bị truyền thông Mỹ ví là “đại sứ Hồng vệ binh”. Vấn đề phải lưu ý là ông Lý Triệu Tinh là nhân vật thuộc phe cánh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.
Theo hồi ký của cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney tiết lộ, vào mùa xuân năm 2002, khi ông mời ông Phó chủ tịch Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào đến thăm Mỹ, Cheney muốn trò chuyện riêng để hiểu những suy nghĩ thực sự của Hồ Cẩm Đào. Sau bữa ăn trưa, Cheney mời riêng Hồ Cẩm Đào vào thư phòng. Nhưng không ngờ, người đi cùng Hồ khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lý Triệu Tinh vì muốn bám sát theo dõi Hồ Cẩm Đào nên tự ý xông vào ngồi giữa Cheney và Hồ Cẩm Đào. Chuyện này đã khiến ông Hồ Cẩm Đào tức giận.
Vào tháng Chín năm nay, du khách Trung Quốc ở Thụy Điển đã bị khách sạn gọi cảnh sát đuổi ra khỏi cửa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối việc cảnh sát Thụy Điển ứng xử thô bạo với công dân Trung Quốc, được nước nên truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng hùa vào. Nhưng diễn biến bất ngờ trong sự kiện lần này là đa số người dân Trung Quốc thừa nhận phần sai thuộc về du khách Trung Quốc, không còn hùa theo quan điểm của giới quan chức. Trong vụ việc này, biểu hiện của Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tùng Hữu (Gui Cuiyou) bị nhiều người ví là đại diện cho hình ảnh xấu xí tổng thể của các nhà ngoại giao Trung Quốc: Hồng vệ binh.
Sau khi bùng nổ vụ việc du khách Trung Quốc tại Thụy Điển, Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển đã có phản ứng cứng rắn hiếm thấy, viên Đại sứ Quế Tùng Hữu đã liên tục lên tiếng trên truyền thông. Khi trả lời truyền thông địa phương, ông Quế Tùng Hữu lên án cảnh sát Thụy Điển là “Cánh tay thô bạo ném một du khách bình thường tay không tấc sắt vào vùng nghĩa trang hoang dã, thật quá kinh khủng!”
>>Vì đâu Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển có thái độ ngang ngược?
Nhà bình luận thời sự Ngô Cường, cựu giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa Trung Quốc tố cáo vụ việc là quan chức Trung Quốc muốn “tự đánh bóng hình ảnh”, ông nói: “Đại sứ của Trung Quốc tại Thụy Điển đã lợi dụng chuyện xung đột dân sự nhỏ này nâng quan điểm lên bình diện ngoại giao để được truyền thông Thụy Điển quan tâm, qua đó tô điểm hình ảnh cá nhân của ông ta trong giới ngoại giao Trung Quốc”.
Ngô Cường chỉ trích nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc không khác gì “Hồng Vệ binh”, mục đích để thể hiện lòng trung thành với Đảng. Ông nói: “Cơ quan ngoại giao là cơ quan quan trọng hàng đầu của Chính phủ Cộng sản Trung Quốc, vì thế có thể khẳng định là nơi bảo thủ nhất theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong kỷ luật làm việc họ phải tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật Đảng, từ suy nghĩ đến hành động phải thể hiện làm sao hết mực trung thành; những người làm việc trong hệ thống này vô cùng bảo thủ, cứng nhắc, đó là nơi của những người cánh tả điển hình”.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Hồng vệ binh Ngoại giao Trung Quốc Văn hóa đảng APEC 2018