Ngoại trưởng Blinken: Trung Quốc “tội phạm hóa việc thực hành tôn giáo”
- Tiến Minh
- •
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo thường niên về tình trạng tự do tôn giáo trên khắp thế giới vào thứ Tư (12/5), trong đó chỉ trích Bắc Kinh bức hại người theo đạo Thiên chúa, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Phật tử Tây Tạng, đồng thời xử phạt một quan chức cộng sản Trung quốc cấp cao.
Khi công bố Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo rằng quan chức Cộng sản Trung Quốc Yu Hui, cựu Chánh văn phòng Thành Đô chuyên đàn áp tôn giáo, cùng với người thân trong gia đình sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
“Ông ta bị nêu đích danh vì dính líu đến những hành vi vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, cụ thể là việc giam giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công vì đức tin của họ,” ông Blinken nói.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét tất cả các biện pháp thích hợp để thúc đẩy những kẻ vi phạm phải có trách nhiệm giải trình về việc lạm dụng nhân quyền của họ ở Trung Quốc,” ông Blinken nói thêm.
Báo cáo khảo sát dài 2.400 trang đã xem xét chi tiết việc thực hành tôn giáo ở khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, phần nói về Trung Quốc là dài nhất.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã trích dẫn các báo cáo về các vi phạm nhân quyền liên tục và dai dẳng của chính quyền Trung Quốc, bao gồm tra tấn, lạm dụng thân thể, bắt bớ, giam giữ, ép buộc truyền bá tư tưởng của Đảng Cộng sản và chết khi bị giam giữ của các tín đồ tôn giáo.
Ông Blinken nói với các phóng viên: “Trung Quốc đang tội phạm hóa trên diện rộng việc thực hành tôn giáo và tiếp tục phạm tội chống lại loài người và diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và thành viên của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác.”
Bộ Ngoại giao cũng viện dẫn một khoảng cách rất lớn giữa các quyền tự do tôn giáo kiểu Trung Quốc và cách đối xử thực tế với tôn giáo. Các quan chức Trung Quốc bị hạn chế và chỉ được tham gia vào “các hoạt động tôn giáo bình thường,” mà không xác định thế nào là “bình thường”.
Tại khu vực Tây Tạng, vẫn có các báo cáo về “những vụ người cưỡng bức bị mất tích, bắt giữ, tra tấn, lạm dụng thể chất và giam giữ kéo dài không qua xét xử chỉ vì họ hành đạo”.
Còn ở Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ phải chịu đựng việc bị nhồi sọ chính trị, tra tấn, lạm dụng thể chất và tâm lý, cưỡng bức triệt sản, lạm dụng tình dục và cưỡng bức lao động, cùng với các đày đọa khác, chỉ vì tôn giáo và sắc tộc của họ.
Trong một động thái khác, ông John Kerry, đặc phái viên của Mỹ về khí hậu, đã nói tại Quốc hội hôm thứ Tư rằng chính quyền Biden đang cân nhắc việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với pin mặt trời và các sản phẩm khác được cho là sản xuất ở Tân Cương sử dụng nhân công cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.
Trung Quốc chỉ công nhận 5 tôn giáo chính thức: Phật giáo, Lão giáo, Hồi giáo, Tin lành và Công giáo. Và về nguyên tắc, để tổ chức các buổi thánh lễ, các nhóm tôn giáo trên phải đăng ký và gia nhập 1 trong 5 “hiệp hội tôn giáo yêu nước” được Nhà nước công nhận, mặc dù có nhiều nhóm không chính thức hoạt động mà không được công nhận.
Báo cáo cho thấy chính phủ Trung Quốc “đang tiếp tục chiến dịch ‘Hán hóa’ 2019 – 2024 để đưa tất cả tín ngưỡng và thực hành tôn giáo phù hợp với học thuyết của ĐCSTQ, bao gồm yêu cầu các giáo sĩ thuộc mọi tín ngưỡng tham gia các buổi thuyết giảng chính trị, giám sát các buổi lễ, kiểm duyệt trước các bài thuyết giáo, và sửa đổi cả kinh sách tôn giáo”.
Năm 1999, Washington đã liệt kê Trung Quốc vào nhóm “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” – một thuật ngữ để bày tỏ mối quan ngại về việc nước này đàn áp tín ngưỡng và tôn giáo – và vẫn duy trì danh sách này kể từ đó. Vào năm 2020, Trung Quốc là một trong 10 quốc gia như vậy được nêu tên, cùng với những quốc gia khác là Iran, Myanmar, Nga, Nigeria và Ả Rập Saudi.
Theo Hội đồng Nhà nước, nội các của Trung Quốc, đất nước 1,4 tỷ dân này có hơn 200 triệu tín đồ tôn giáo, nhưng các nhóm dân sự ở nước ngoài ước tính gần gấp đôi con số đó – và có vào khoảng 5.500 nhóm tôn giáo tín ngưỡng.
Hoa Kỳ ước tính rằng Phật tử chiếm khoảng 18,2%, Thiên chúa giáo 5,1%, người Hồi giáo 1,8%, tín đồ của các tín ngưỡng dân gian 21,9% và người vô thần khoảng 52,2% dân số. Người theo đạo Hindu, đạo Lão và đạo Do Thái chỉ chiếm dưới 1%.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận về báo cáo. Tuy vậy, Bắc Kinh thường xuyên lên án Mỹ vì những gì họ cho là “can thiệp, đạo đức giả và cố gắng áp đặt các tiêu chuẩn nhân quyền của mình lên phần còn lại của thế giới.”
Vào tháng 3/2021, Bắc Kinh đã công bố một báo cáo dài 18 trang phân tích hồ sơ nhân quyền của Mỹ, trong đó trích dẫn tình trạng bất công bằng chủng tộc, bạo lực súng đạn và phản ứng của Mỹ đối với đại dịch. Bản báo cáo nói rằng Hoa Kỳ “luôn coi mình là một ngoại lệ và vượt trội” và “tự coi mình là “cái gọi là ‘thành phố trên đồi’ và ‘ngọn hải đăng của nền dân chủ’”.
Đáp lại, viên chức cao cấp trong Văn phòng Tự do Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Daniel Nadel nói rằng Hoa Kỳ luôn đón nhận việc giám sát vì đất nước không phải lúc nào cũng tuyệt đối hoàn hảo. Ông nói thêm rằng nước Mỹ còn có một loạt các cơ quan pháp quyền, truyền thông tự do, cơ quan tư pháp độc lập và các cuộc bầu cử định kỳ “để bạn có thể bỏ phiếu tống khứ nó đi” khi các quan chức có sai sót.
“Đại đa số công dân của Trung Quốc không được hưởng những quyền cơ bản như vậy”, ông nói, “Họ chỉ đơn giản là một đối tượng chịu sự quản lý của chính phủ họ, chứ không phải là những người được tham gia vào chính phủ.”
“Không nghi ngờ gì khi chính phủ CHND Trung Hoa là một trong số những kẻ chống phá tự do tôn giáo tồi tệ nhất trên toàn thế giới,” ông Nadel kết luận.
Tiến Minh
Xem thêm:
Từ khóa Bức hại Pháp Luân Công đàn áp người Duy Ngô Nhĩ Antony Blinken báo cáo tự do tôn giáo thường niên