Sau khi Hiệp hội Quần vợt Nữ Quốc tế (WTA) thông báo đình chỉ tất cả các cuộc thi đấu ở Trung Quốc, người đứng đầu một bộ phận của kênh CGTN một lần nữa đăng tweet tuyên bố Bành Soái đã gửi email phản đối quyết định của WTA.

p3047741a4723926
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach bắt tay cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ, người bị tay vợt nữ Bành Soái tố cáo vì hành vi xâm hại tình dục. (Ảnh ghép từ Weibo)

Thẩm Thi Vĩ, là người đứng đầu một phòng ban của Mạng truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), cơ quan tuyên truyền ở nước ngoài của ĐCSTQ, tối 2/12 đã “vượt tường” đăng tweet bằng tiếng Anh nói rằng Bành Soái đã gửi email tới Chủ tịch WTA Steve Simon, bày tỏ cảm thấy bị sốc trước “quyết định không công bằng” của tổ chức này. Thẩm Thi Vĩ còn cho biết, Bành Soái đã yêu cầu ông Simon ngừng “đoạn chương thủ nghĩa” (đưa vấn đề ra ngoài ngữ cảnh) về sự riêng tư của cô và ngừng phát biểu những ngôn luận liên quan.

Hiện không thể xác nhận được những gì Thẩm Thi Vĩ nói có phải là thật hay không, nhưng người này một lần nữa đăng tweet cho Bành Soái, nghiễm nhiên trở thành một trong những “người phát ngôn thay Bành Soái”, “người phát ngôn thay” còn lại là ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của Thời báo Hoàn Cầu. 

Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc nhiều lần đưa ra hình ảnh và thư điện tử của Bành Soái. Nhưng do cái gọi là “thư bình an” của Bành Soái mà chính quyền đưa ra có nhiều điểm nghi vấn, nên đã gây sự giận giữ trong dư luận quốc tế. 

Ngày 2/12, WTA tuyên bố rằng xét thấy cáo buộc bị xâm hại tình dục của Bành Soái bị đàn áp, lo lắng nếu các giải đấu của Hiệp hội Quần vợt Nữ Quốc tế được tổ chức tại Trung Quốc vào năm tới, tất cả các vận động viên và nhân viên công tác có thể sẽ đối mặt với rủi ro, do đó tuyên bố lập tức tạm dừng tổ chức các giải đấu tại Trung Quốc, trong đó có cả Hồng Kông. 

Ông Simon cũng nói vào thời điểm đó rằng tất cả những điều này là không thể nào chấp nhận được và cũng không thể biến thành được chấp nhận. Nếu những người có quyền lực có thể trấn áp tiếng nói của phụ nữ và che đậy các cáo buộc tấn công tình dục, thì nền tảng thành lập WTA sẽ phải chịu một thất bại lớn. “Tôi sẽ không, và không thể để điều này xảy ra với WTA và các vận động viên của WTA.”

Theo Reuters, sau khi thông tin trên được đưa ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với quyết định của WTA, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ cũng đang chú ý đến tình hình của Bành Soái, không có bằng chứng rõ ràng để giảm bớt lo lắng của họ. Tổng thống Mỹ Biden cũng chỉ ra rằng ông đang xem xét tẩy chay ngoại giao.

Trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 2/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã được hỏi về việc WTA tạm ngừng tổ chức các giải đấu ở Trung Quốc. Ông Uông chỉ trả lời rằng kiên quyết phản đối hành vi chính trị hóa thể thao. Ngoài ra, Hiệp hội Quần vợt Trung Quốc (CTA) cũng đưa ra tuyên bố, bày tỏ sự phẫn nộ trước quyết định của WTA, chỉ trích WTA đưa ra quyết định đơn phương “dựa trên thông tin hư cấu”. Quyết định này của WTA sẽ không chỉ gây rắc rối và tổn hại cho nữ vận động viên này, mà còn gây tổn hại đến cơ hội thi đấu công bằng của những nữ vận động viên quần vợt khác.

Tuy nhiên, điều mà ngoại giới càng khó hiểu là việc chính quyền ĐCSTQ vì sao đến nay không hồi đáp về vấn đề xâm hại tình dục Bành Soái? Vì sao lúc đầu Bành Soái lại công khai cáo buộc ông Trương Cao Lệ? Ông Trương rốt cuộc có xâm hại tình dục Bành Soái hay không? Bành Soái vì sao không đích thân ra mặt để hồi đáp? Vì sao ông Trương lại im lặng? v.v.

Ngoài ra, Olympic Bắc Kinh sẽ được tổ chức vào ngày 4/2 năm sau. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua “Nghị quyết đình chiến tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh” vào ngày 2/12, kêu gọi tất cả các nước “đình chiến” trong thời gian diễn ra thế vận hội, nhằm đáp lại tinh thần thúc đẩy hòa bình, đối thoại và hòa giải của thế vận hội. Tuy nhiên, vì lâu nay chính quyền ĐCSTQ đàn áp những người bất đồng chính kiến, phớt lờ sự lên án của cộng đồng quốc tế. Do đó, 20 quốc gia đã chọn không ký vào nghị quyết lần này. Bao gồm các quốc gia thành viên Quad như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc; và các quốc gia thuộc “Liên minh Ngũ nhãn” của mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo ngoại trừ New Zealand. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có đa số là người Hồi giáo, cũng quyết định không ký nghị quyết này để bày tỏ sự không hài lòng với cách đối xử của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 3/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, Nghị quyết đình chiến tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh “được bàn bạc và nhất trí thông qua”.

Lê Tiểu Quỳ, Vision Times

Xem thêm: