Người dân Trung Quốc tức giận vì đề xuất Quỹ sinh đẻ
- Tuyết Mai
- •
Gần đây liên tiếp có thông tin về việc Trung Quốc xóa bỏ hoàn toàn kế hóa gia đình, còn có nhiều học giả Trung Quốc kiến nghị thiết lập “Quỹ sinh đẻ” và thu thuế đối với những gia đình không sinh con. Sự việc này khiến dư luận chỉ trích mạnh mẽ và bàn tán sôi nổi trên internet.
Ảnh minh họa từ Getty Images
Có bình luận cho rằng, quyền sinh đẻ là quyền cơ bản của con người, chính phủ thông qua các phương thức như thiết lập quỹ sinh đẻ để “trợ sản”, chẳng khác nào là cách biến tướng phạt tiền đối với nhóm người không có mong muốn sinh con.
Quỹ sinh đẻ và thu thuế đối với những gia đình không sinh con
Ngày 14/8, Nhật báo Tân Hoa thuộc quản lý của tỉnh ủy Giang Tô đăng một bài viết nói, trong 2 – 3 năm tới, tỷ lệ dân số mới sinh của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với xu hướng giảm mạnh. Hiện tại Đại lục đang đối mặt với khủng hoảng dân số già hóa, kiến nghị cần lựa chọn các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để khuyến khích sinh đẻ, trong đó kế hoạch trung hạn được kiến nghị là thiết lập chế độ quỹ sinh đẻ.
Biện pháp cụ thể là, tất cả những công dân dưới 40 tuổi mỗi năm lấy một tỷ lệ mức lương nhất định để nộp quỹ sinh đẻ. Sau khi những công dân sinh con thứ 2 hoặc hơn thì có thể làm đơn xin trả lại phí đã nộp vào quỹ sinh đẻ, cùng với đó, cũng có thể có được phí trợ cấp để làm thủ thuật dừng đẻ. Nhưng đối với gia đình chưa có con thứ 2, thì họ phải đợi đến khi nghỉ hưu mới có thể lấy lại được.
Trang tin news.163 tại Đại lục đưa tin, Tiến sĩ kinh tế học Hồ Kế Diệp cho rằng, Trung Quốc Đại lục không những phải thiết lập “Quỹ sinh đẻ” để “khuyến khích sinh đẻ”, mà còn phải tiến hành thu “thuế chăm sóc xã hội” đối với những vợ chồng không sinh con, “quá khứ, Trung Quốc áp dụng kế hoạch hóa gia đình, thu thuế chăm sóc xã hội đối với những gia đình có số con quá mức quy định, nhưng tương lai khuyến khích sinh đẻ, cần phải thu thuế đối với những gia đình không sinh con, những gia đình này sau khi họ già sẽ không có thế hệ sau, là chiếm dụng tài nguyên xã hội, do đó tương lai cần phải thu thuế đối với gia đình không muốn sinh con này.”
“Gia đình không muốn sinh con” (DINK) thông thường là chỉ những cặp vợ chồng thuộc tầng lớp làm công ăn lương không sinh con cái. Vợ chồng “hai thu nhập, không con cái”. DINK phân thành loại hình chủ động tự biết và bị động tiêu cực. Loại chủ động tự biết là chỉ những cặp vợ chồng có khả năng sinh con, nhưng lại không muốn sinh con; loại bị động tiêu cực là chỉ cặp vợ chồng do vợ hoặc chồng hoặc cả hai không có khả năng sinh con.
Những thông tin liên quan đến kế hoạch này bị cư dân mạng phản ứng.
Có cư dân mạng nói, “Khuyến khích sinh con bằng cách thưởng thì tôi hiểu được, nhưng tiền mồ hôi nước mắt bị dùng để uy hiếp phải sinh con thì sao?”, “về sau không sinh con thì đều phải nộp tiền cho người khác nuôi con, đi ngoài đường có người gọi tôi là mẹ không đây?”, “10 năm trước, sinh con phải nộp tiền, 10 năm sau, không sinh con vẫn phải nộp tiền?!”
Sau đó, ông Hồ Kế Diệp đăng lời giải thích trên tờ “Tin tức Hồng Tinh” (cpkud.com) tại Đại lục cho biết, dư luận đã hiểu sai cách nghĩ của ông, ông nói không phải là để mọi người nộp tiền, mà là do phí chăm sóc xã hội thu trong quá khứ gánh vác.
Nhưng điều đáng chú ý là, hồi đầu tháng này, tờ Nhân dân Nhật báo cũng từng đăng một bài viết khuyến khích sinh đẻ, và có ý nói ý thức sinh con là “quốc sự”.
Học giả kinh tế Mã Quang Viễn có bài viết chỉ ra, “Bỏ kế hoạch hóa gia đình cần phải trở thành một quốc sách cơ bản, nhưng một số người tuyệt đối không được có ý đồ phát tài từ việc này, tuyệt đối không thể thay đổi cách làm rồi lại muốn thu tiền, khấu trừ tiền lương cá nhân vào quỹ sinh đẻ là cách nghĩ vô sỉ không có mức độ.”
Chuyên gia giáo dục Hùng Bỉnh Kỳ cũng có một bài viết trên tờ “Tân Kinh báo” chỉ ra, “chính quyền Trung Quốc muốn khuyến khích sinh đẻ, thì đừng có mong muốn nghĩ cách để người dân gánh vác chi phí sinh đẻ, thậm chí tìm cách để tăng thêm chi phí sinh đẻ. Chi phí này nên do quốc gia gánh vác.”
Tình hình thực hiện chính sách sinh đẻ của Trung Quốc
Từ khi Trung Quốc xóa bỏ chính sách chỉ sinh 2 con, tỉ lệ sinh không hề tăng, ngược lại lại giảm.
Ngày 26 – 29/10/2015, Tại Hội nghị trung ương 5 khóa 15 Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố xóa bỏ chính sách sinh hai con, nhưng theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới khi đó, tỉ lệ sinh tổng hòa của Trung Quốc năm 2015 là 1,62 thấp hơn so với mức bình quân thế giới là 2,45.
Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, sau khi Trung Quốc xóa bỏ toàn diện chính sách 2 con vào năm 2016, dân số mới sinh của Trung Quốc là 17,86 triệu người, tỉ lệ sinh là 0,01295; năm 2017 lại không tăng mà có xu hướng giảm, dân số mới sinh chỉ có 17,23 triệu người, tỉ lệ sinh là 0,01243.
Học giả về Vấn đề dân số và sinh đẻ Hà Á Phúc chia sẻ với tờ Nhật báo Hoa Hạ rằng, mặc dù Ủy ban Y tế Sức khỏe Trung Quốc chưa công bố số liệu dân số mới sinh vào nửa đầu năm nay, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, số liệu năm nay sẽ ít hơn so với nửa đầu năm ngoái.
Học giả nghiên cứu về vấn đề dân số Trung Quốc Dịch Phú Hiền chia sẻ với Đài Á châu Tự do rằng, kế hoạch phúc lợi “thúc đẩy sinh đẻ” của chính phủ Trung Quốc sẽ không có hiệu quả quá lớn nào đối với người dân. Bởi vì đối với các gia đình thông thường mà nói, một chút phúc lợi của chính phủ so với chi phí nuôi dưỡng dạy dỗ trẻ cũng chỉ như muối bỏ bể.
Trên thực tế, từ cuối những năm 1970, Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh chính sách một con, không chỉ dẫn đến hiện tượng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, mà còn khiến cho nguồn nhân lực lao động hàng năm dần dần giảm xuống. Bloomberg News từng chỉ ra, Trung Quốc đang phải trả một cái giá đắt về kinh tế cho việc thực thi chính sách “kế hoạch hóa gia đình” 36 năm.
Vì sao xóa bỏ kế hoạch hóa gia đình lại bị chỉ trích?
Trương Thanh – Người sáng lập Tổ chức Quyền phụ nữ Trung Quốc tại Mỹ chỉ ra, thời kỳ đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng chính quyền, phụ nữ phá thai ngoài việc được chồng và bác sĩ đồng ý ra, còn phải nghe theo chỉ thị của tổ chức ĐCSTQ, còn hiện nay, xóa bỏ chính sách sinh con, có lẽ lại quay lại thời những năm 1950, “tử cung của phụ nữ đều dưới sự kiểm soát của đảng để sinh con, mang thai, phá thai, hoặc không thể mang thai”.
Nhiều cư dân mạng cũng liên tiếp biểu đạt cách nghĩ của mình. Có người nói, chính phủ muốn người dân tích cực sinh con, phải “giải quyết hết các vấn đề dân sinh mà người dân quan tâm (an toàn thực phẩm, trị bệnh, nhà ở), thì tự nhiên sẽ sinh con đẻ cái.”
Cũng có người bùi ngùi nói: “Trước đây sinh vượt kế hoạch sẽ bị phạt, đang mang thai chưa sinh ra, thai 8 tháng cũng sẽ bị lôi đi phá, sau đó lại tiếp tục cưỡng chế phẫu thuật tuyệt dục,…”, “hiện nay, không dám sinh con nữa, thì lại cưỡng chế phải sinh, không sinh thì phải nộp tiền cho Quỹ sinh đẻ, đây không phải là cách biến tướng để phạt tiền hay sao?”
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Chính sách một con kế hoạch hóa gia đình Quỹ sinh đẻ