Người nghèo tại Trung Quốc đang chật vật để sinh tồn
- Gia Huy
- •
Suy thoái kinh tế do đại dịch virus corona gây ra đã buộc những người dân thành thị tại Trung Quốc phải cắt giảm chi tiêu. Nhưng đối với những người công nhân nhập cư và người dân ở nông thôn, ảnh hưởng còn tệ hơn nhiều.
Li Ming, 36 tuổi, giám đốc tiếp thị của một công ty xe hơi tại Bắc Kinh, lần đầu tiên trong đời cảm thấy túng quẫn.
Khi dịch virus corona bắt đầu, doanh số bán xe hơi đã sụt giảm và cô được cho nghỉ việc tạm thời vào tháng 2. Vấn đề càng tệ hơn khi chồng cô làm việc cho một hãng hàng không, cũng bị cắt giảm 40% lương.
“Đột nhiên phân nửa thu nhập của gia đình chúng tôi bốc hơi. Tôi đã không có được một giấc ngủ ngon trong nhiều tháng. Chúng tôi có một khoản thế chấp phải thanh toán và 2 đứa con. Những điều này đang trở thành gánh nặng,” cô cho biết.
Li đã tiết kiệm được 12.000 NDT (1.700 USD) mỗi tháng bằng cách cho người giúp việc của gia đình nghỉ làm.
“Tôi đã giải thích và nói cô ấy không cần quay lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán,” cô nói.
“Sau khi im lặng hồi lâu, cô ấy đã đồng ý. Cô ấy không nói bất cứ điều gì khác ngoài việc gửi lời thăm hỏi đến những đứa con của tôi mà cô ấy đã ở cùng trong ba năm qua.”
Ngoài vấn đề nguồn nhân lực bị ảnh hưởng do COVID-19 , nền kinh tế đã đình trệ và rất ít người có khả năng thoát khỏi nó mà không bị tổn thương.
Nhưng trong khi các gia đình tầng lớp trung lưu có thể chỉ phải từ bỏ việc tiêu pha vào những đồ xa xỉ phẩm, thì những người đã ở dưới đáy xã hội đang phải đối mặt với thảm họa trước mặt tồi tệ hơn rất nhiều.
> Căng thẳng thương mại, dịch bệnh, thất nghiệp: Kinh tế TQ khó phục hồi
Tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị Trung Quốc đã tăng lên 6,2% trong tháng 2, mức cao nhất được ghi nhận, thậm chí con số này còn được cho là đã được báo cáo thấp đi. Tới tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp cải thiện khi giảm xuống còn 5,9% do nhiều doanh nghiệp đã mở cửa lại sau dịch bệnh.
Nhưng các nhà kinh tế nói rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra đối với lực lượng lao động khổng lồ của Trung Quốc.
Theo một báo cáo của Đơn vị Tình báo Kinh tế vào ngày 22/4, mức thất nghiệp của Trung Quốc có thể đạt 10% trong năm nay, tương đương khoảng 22 triệu việc làm bị mất tại khu vực thành thị.
UBS dự đoán trong một báo cáo công bố tháng trước rằng 50 đến 60 triệu việc làm đã bị mất trong lĩnh vực dịch vụ và hơn 20 triệu trong các lĩnh vực xây dựng và công nghiệp.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc dựa trên dữ liệu thu thập từ 31 thành phố lớn, nhưng tình hình tại những thành phố nhỏ và khu vực nông thôn được cho là xấu hơn nhiều. Các biện pháp giãn cách xã hội hiện vẫn đang tiếp diễn tại nhiều địa phương có thể trở thành giọt nước tràn ly đối với các doanh nghiệp ốm yếu.
“Chênh lệch giữa các vùng của Trung Quốc là rất lớn,” Hu Xingdou, một nhà kinh tế chính trị độc lập tại Bắc Kinh cho biết. “Trong khi người dân tại các thành phố lớn và các vùng ven biển đang cố gắng duy trì cuộc sống thường nhật của mình, thì người dân tại các tỉnh và những vùng nghèo đói có nguy cơ mất đi nguồn sống, hoặc thậm chí họ đã mất nó rồi.”
> Các quan chức địa phương Trung Quốc chịu áp lực trước nạn thất nghiệp gia tăng
Peng Lixiang, một người dân 38 tuổi ở làng Dayi tỉnh Sơn Đông, từng làm việc tại một nhà hàng lẩu ở Heze, một trong những thành phố nghèo nhất của tỉnh miền đông này, kiếm được khoảng 1.000 NDT (140 USD) một tháng.
Nhưng việc kinh doanh bị giáng một đòn mạnh từ cuộc khủng hoảng y tế, và người chủ đã quyết định đóng cửa nhà hàng vào tháng 2, Peng trở thành người thất nghiệp.
Peng là trụ cột của gia đình, trong khi chồng cô làm việc tự do, chỉ thỉnh thoảng mới có việc. Peng cho biết cô đang phải tìm cách xoay tiền để nuôi con gái tám tuổi và trả các khoản nợ mà họ đã vay để xây nhà.
Cô cho biết đã nộp đơn xin việc tại các nhà máy và các nhà hàng trong thành phố nhưng đều bị từ chối.
“Tôi không nghĩ là nó quá khó khăn như vậy. Tôi chấp nhận mức lương thấp, làm công việc nặng nhọc hoặc bất cứ thứ gì miễn là tôi không phải làm việc vào ban đêm bởi tôi phải chăm sóc con gái. Tôi chỉ cần một công việc,” cô nói.
Peng không phải là người duy nhất gặp khó khăn tìm kiếm việc làm tại các thành phố và thị trấn trung bình ở Trung Quốc. Đó là lý do tại sao có đến hàng triệu công nhân nhập cư, giống như Cao Jin, 39 tuổi, đành phải quay lại vùng quê ven biển sau nhiều tháng sống trong phong tỏa.
Hôm 1/4, Cao đã khởi hành từ Suizhou, một thành phố phía bắc tỉnh Hồ Bắc đến Quảng Đông, trung tâm sản xuất của nước này, nơi anh hy vọng được tiếp tục làm công việc của mình là giám sát dây chuyền sản xuất cho một nhà máy tại Phật Sơn chuyên sản xuất các tấm gia nhiệt cho các thiết bị điện.
Nhưng sau khi trải qua 12 ngày cách ly trong ký túc xá nhà máy, Cao được cho biết công việc duy nhất có sẵn cho anh là làm việc ca đêm từ 6 giờ tối đến 4 giờ sáng, năm ngày một tuần với mức lương tối thiểu theo quy định của chính phủ là 2.000 NDT (khoảng 80 USD) một tháng – bằng khoảng một phần tư mức lương mà anh từng hưởng.
“Nó còn xa mới đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt của tôi tại Phật Sơn, nói chi đến việc hỗ trợ cho gia đình tôi tại Hồ Bắc,” anh cho biết.
Cao nói rằng anh đã cố gắng trình bày hoàn cảnh với ông chủ, nhưng được cho biết bởi số đơn hàng đã giảm 50%, do vậy số lượng dây chuyền sản xuất cũng phải cắt giảm từ 10 xuống 5. Khoảng một nửa số công nhân đã bị mất việc, và hiện nhà máy chỉ còn khoảng 300 người.
“Tôi không còn lựa chọn nào khác là từ chức,” anh nói.
Sau đó, anh Cao dành thêm vài ngày ở Phật Sơn để tìm việc làm khác nhưng không thành công.
Phật Sơn là nơi tập trung các nhà sản xuất thiết bị gia dụng, phần lớn doanh số của họ phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài.
> Trung Quốc: Khủng hoảng thất nghiệp trầm trọng và nguy cơ bất ổn xã hội
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm 6,6% tính theo đồng đô la Mỹ so với cùng kỳ năm 2019, sau khi giảm 17,2% trong tháng 1 và tháng 2 cộng lại.
Tháng 4 đã chứng kiến mức tăng trở lại 3,5% so với năm ngoái do một số đối tác thương mại của Trung Quốc đã làm việc lại, nhưng phần lớn mức tăng này được cho là do mức thấp của năm ngoái.
Rosealea Yao, một nhà phân tích của Gavekal Dragonomics, nói rằng khả năng phục hồi của Trung Quốc sẽ không chắc chắn bởi vì hậu quả của nhu cầu toàn cầu yếu đi.
“Xuất khẩu trong tháng 4 đã tốt hơn dự kiến, nhưng các đơn hàng mới đã giảm mạnh và tác động toàn diện do sự sụp đổ tăng trưởng tại Mỹ và châu Âu vẫn chưa được đo đếm,” bà cho biết.
Mặc dù Bắc Kinh đã cố gắng chuyển nền kinh tế nội địa sang hướng tiêu dùng trong nước và trong lĩnh vực dịch vụ, nhưng phần lớn các việc làm của Trung Quốc vẫn liên quan trực tiếp đến nhu cầu của nước ngoài.
Dựa trên những số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Gavekal cho biết con số này vào khoảng 87 triệu việc làm trong năm 2019, trong đó 61 triệu việc làm trong ngành sản xuất và dịch vụ.
Báo cáo cho biết động thái tăng tốc các dự án cơ sở hạ tầng có thể bù đắp một số tổn thất việc làm trong nước nhưng không có khả năng bù đắp tất cả.
Anh Cao, một công nhân nhập cư, người đã trải qua hơn một thập kỷ trong ngành sản xuất, nói rằng trước đây anh chưa bao giờ chứng kiến một thị trường việc làm khó khăn như vậy.
“Tôi không biết năm tới kinh tế sẽ tốt hơn không, nhưng chắc chắn năm nay tôi sẽ không làm việc trong ngành sản xuất nữa. Tôi có thể sẽ đi đến một thành phố nào đó ở phía bắc và kiếm công việc làm nghề trang trí,” anh nói.
Đó có thể là một lựa chọn sáng suốt, vì lĩnh vực bất động sản có dấu hiệu khởi sắc nhờ các khoản vay rẻ hơn và có sẵn hơn, cùng với việc thay đổi chính sách của chính phủ.
“Những thay đổi trong hệ thống đăng ký hộ khẩu thời gian gần đây, cũng như cải cách đất đai có thể làm tăng thêm nhu cầu bất động sản và xây dựng. Ngoài ra, chính phủ cũng có kế hoạch tăng gấp đôi việc cải tạo các thị trấn cũ,” Wang Tao, nhà kinh tế tại UBS, nhận định.
Những thay đổi mới nhất trong hệ thống đăng ký hộ khẩu có thể giúp các công nhân nhập cư dễ dàng đăng ký thường trú nhân hơn, bà cho biết.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, thu nhập khả dụng của cư dân thành thị trong quý đầu tiên đã giảm 3,9% so với năm ngoái, trong khi con số này đối với cư dân nông thôn là 4,7%.
Gia Huy (theo Inkstone)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện thất nghiệp ở Trung Quốc kinh tế Trung Quốc sau đại dịch