Các quan chức địa phương Trung Quốc chịu áp lực trước nạn thất nghiệp gia tăng
- Xuân Lan
- •
Đại dịch Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong những ưu tiên của giới cầm quyền Bắc Kinh khi phải đối mặt với bức tranh u ám của tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Đây là yếu tố then chốt tạo nên tính hợp pháp cho việc ĐCSTQ cầm quyền, khiến ban lãnh đạo trung ương phải đưa việc kiểm soát thất nghiệp thành ưu tiên hàng đầu, thậm chí cao hơn việc đưa tỷ lệ tăng trưởng ổn định trở lại.
Sức ép được dồn xuống tuyến dưới, yêu cầu các địa phương nhất định phải hoàn thành các mục tiêu giảm đói nghèo vào cuối năm nay, khiến các cán bộ cấp cơ sở chịu áp lực nặng nề.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh thông điệp này qua chuyến thăm nơi tái định cư của nông dân ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây hôm 11/5: “Là thành viên của Đảng cộng sản Trung Quốc, chúng ta phải hết lòng mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân… giúp các gia đình nghèo có nhà mới và mở lớp huấn luyện để họ có thể tìm được việc làm và sống cuộc đời hạnh phúc.”
Nhưng theo các chuyên gia, những thách thức do ông Tập nêu ra nói dễ hơn làm. Họ chỉ ra rằng các công nhân nông trường dư thừa ở khắp các vùng nông thôn rộng lớn của Trung Quốc đang phải cạnh tranh với hàng triệu lao động thành thị, trong khi nguồn cung việc làm có sẵn rất hạn chế.
Nền kinh tế tăng trưởng chậm đã đặt các doanh nghiệp trước sức ép giảm bớt nhân viên. Cùng lúc đó, nguy cơ suy thoái toàn cầu do đại dịch đã làm lu mờ triển vọng hồi phục nhanh chóng vì các nhà đầu tư và người mua hàng nước ngoài tìm cách thắt chặt hầu bao của họ.
Trong tháng Hai, tỷ lệ thất nghiệp ở vùng thành thị của Trung Quốc đã lên cao kỷ lục 6,2%. Trong tháng Ba, tỷ lệ này giảm nhẹ xuống 5,9% khi nhiều doanh nghiệp hơn đã mở cửa trở lại. Tuy vậy, có rất nhiều nghi vấn về tính xác thực của những con số nêu trên.
Theo phân tích của UBS vào tháng Tư vừa qua, ước tính có 50 tới 60 triệu người trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề có thể mất việc. Ngoài ra, hơn 20 triệu người khác trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng có thể ở trong tình trạng tương tự.
Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể lên tới 10% trong năm nay, dẫn đến thêm ít nhất hơn 22 triệu lao động thành thị mất việc, theo một báo cáo của Đơn vị Tình báo Kinh tế hôm 22/4.
Hu Xingdou, một nhà kinh tế độc lập tại Bắc Kinh, nói tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc không phản ánh bức tranh thực tế.
“Bằng cách quan sát những điều đang diễn ra xung quanh chúng ta: các nhà hàng đóng cửa, các doanh nghiệp sa thải nhân viên… có thể thấy con số thực sự nhất định phải cao hơn,” ông nói, bổ sung thêm “đó là vì sao [năm nay] chính phủ trung ương đưa vấn đề việc làm thành ưu tiên hàng đầu.”
> Trung Quốc: Khủng hoảng thất nghiệp trầm trọng và nguy cơ bất ổn xã hội
Trong năm nay, tìm kiếm việc làm cho những sinh viên mới tốt nghiệp được coi như một nhiệm vụ quan trọng đối với các quan chức địa phương. Tuần vừa qua, 6 bộ của chính phủ trung ương và các cơ quan của Đảng Cộng sản đã phát động một chiến dịch đặc biệt để tìm việc cho sinh viên – ước tính đạt con số kỷ lục 8,47 triệu người trong năm nay.
Chen Peipei, một sinh viên 22 tuổi mới tốt nghiệp tại đại học Shantou tỉnh Quảng Đông, cho biết trong ba tháng qua cô đã nộp hàng chục đơn xin việc, nhưng đều không thành công. “Tôi vẫn cố hết sức để tìm việc nhưng có cảm giác thất bại mơ hồ trong tâm,” cô nói.
Vấn đề thất nghiệp trở thành tiêu điểm trong các cuộc họp chính phủ suốt hai tháng qua và được coi là ưu tiên của đất nước trong cuộc họp Uỷ ban thường vụ Bộ chính trị ngày 17/4.
Các biện pháp tạm thời
Tại cuộc họp Hội đồng Nhà nước ngày hôm sau (18/4), Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh vấn đề việc làm là ưu tiên hàng đầu trong việc duy trì ổn định. “Không việc làm có nghĩa là không thu nhập và không tạo ra sự thịnh vượng,” ông nói. “[Chúng ta cần] nỗ lực hết sức để ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt.”
Ngay sau đó, một thông báo từ chính quyền Thượng Hải ngày 29/4 chỉ đạo cho các doanh nghiệp nhà nước đảm bảo ít nhất một nửa số nhân viên mới tuyển của họ là sinh viên vừa tốt nghiệp.
Vũ Hán – thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc và là nơi virus corona xuất hiện đầu tiên – đã thông báo mục tiêu 250.000 việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và khuyến khích thưởng cho doanh nghiệp 1.000 NDT cho mỗi sinh viên họ tuyển dụng.
Nhưng một số chuyên gia đã nghi ngờ tính hiệu quả và bền vững của các biện pháp do chính quyền các địa phương đưa ra. Trợ cấp và miễn thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ thuộc vào nguồn thu của chính quyền địa phương, hiện cũng đang trong tình trạng rất căng thẳng.
“Các công ty khởi nghiệp cần hỗ trợ tài chính, nhưng các ngân hàng lớn luôn chần chừ trong việc hỗ trợ họ,” ông Hu, một nhà kinh tế, nói. “Chính quyền địa phương có thể làm được rất ít.”
Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi xung đột kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ, cùng với những lời kêu gọi ở phương Tây về việc rút các doanh nghiệp khỏi Trung Quốc, có thể dẫn đến mức suy giảm hơn nữa trong các ngành công nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu, cũng như khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.
“Thị trường quốc tế tương lai, cũng như các quan hệ của Trung Quốc với các nước khác, có tác động rất lớn đến nền kinh tế Trung Quốc,” ông Hu nói.
“Việc làm là một ưu tiên cấp thiết tại Trung Quốc. Giữ việc làm ổn định là bảo vệ cuộc sống người dân và bảo vệ chế độ,” ông Chen Daoyin, một nhà phân tích chính trị độc lập và cựu giáo sư ở Thượng Hải, cho biết.
Theo ông Chen, nạn thất nghiệp đang gia tăng cũng sẽ phá hoại cam kết của ĐCSTQ trong việc “tạo hạnh phúc cho nhân dân” như lời ông Tập cam kết.
“Nếu có một làn sóng thất nghiệp, giai cấp trung lưu sẽ trượt xuống đáy xã hội trong khi đáy sẽ sụp đổ, khiến Đảng không thể làm cho người dân ấm no hạnh phúc và Đảng sẽ mất tính hợp pháp của nó,” ông nói. “Điểm cốt yếu là cần đảm bảo việc làm và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân.”
Đối mặt với tình trạng việc làm ảm đạm hiện tại, các chuyên gia dự đoán sẽ có nhiều ưu đãi hơn trong năm nay với mục đích chuyển đổi khu vực nông thôn và mở rộng chương trình chống đói nghèo của chính phủ.
Hôm 10/4, chính quyền tỉnh Phúc Kiến đã đưa ra kế hoạch hướng 600 sinh viên mới tốt nghiệp về làm việc ở khu vực nông thôn. Những ứng viên thành công sẽ nhận một khoản trợ cấp sinh hoạt và các khoản vay nợ sinh viên của họ được chính quyền địa phương chi trả, lên tới 2.000 nhân dân tệ một năm.
Khoảng một tháng sau, tỉnh Quảng Đông cũng thông báo một kế hoạch tương tự, tuyển dụng 2.000 sinh viên mới tốt nghiệp làm việc hai năm ở nông thôn.
“Tôi nghĩ sẽ có nhiều ưu đãi hơn để khuyến khích sinh viên tốt nghiệp về nông thôn, họ sẽ làm công chức đảng trong làng, hoặc hỗ trợ làm các công việc trực tuyến hoặc mở công ty khởi nghiệp sau “lưỡng hội” vào cuối tháng Năm,” Wei Jianguo, cựu thứ trưởng thương mại đề cập đến kỳ họp Quốc hội sắp tới tổ chức tại Bắc Kinh.
> Căng thẳng thương mại, dịch bệnh, thất nghiệp: Kinh tế TQ khó phục hồi
Một vấn đề khác đối với chính phủ Trung Quốc là “thuốc giải độc” cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 có thể sẽ không có hiệu lực cho lần này. Trung Quốc đã thoát khỏi đại suy thoái với gói kích thích 4 nghìn tỷ NDT (564 tỷ USD), nhưng đã chất một gánh nợ lớn cho chính quyền các địa phương và công ty nhà nước, đồng thời trì hoãn quá trình chuyển đổi nền kinh tế của đất nước.
Ông Wei nói rằng chấn thương năm 2008 đã dẫn tới những vấn đề kéo dài như nền kinh tế dư thừa năng lực sản xuất.
“Lần này chúng ta phải tập trung vào cải cách cơ cấu kinh tế và chất lượng,” ông nói, bổ sung rằng điểm chính yếu là thúc đẩy tiêu dùng nội địa và cải thiện chất lượng tiêu dùng. Mặc dù Trung Quốc đang đối mặt với suy thoái kinh tế, ông dự đoán mức tăng trưởng tiêu dùng của đất nước năm 2020 có thể vẫn đạt mức 8% như năm trước.
Tuy vậy, không phải tất cả các nhà kinh tế đều lạc quan. Liang Qidong, phó giám đốc của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Liêu Ninh nói cần đầu tư trong những lĩnh vực như xây dựng hệ thống 5G, trung tâm dữ liệu và các tuyến đường sắt tốc độ cao.
“Phương cách hiệu quả nhất để bù đắp cho suy thoái kinh tế là đầu tư, nhưng những khoản cũ không hiệu quả, vì thế chúng ta phải [tập trung vào] cái gọi là “hạ tầng cơ sở mới,” ông nói.
Ông Liang chỉ ra vấn đề đau đầu nhất của đất nước là nhóm người lao động nhập cư trẻ từ nông thôn, khi họ không có khả năng trở lại làm nông nếu họ không tìm được việc làm trong thành phố. “Nếu họ không tìm được việc làm trong thành phố đồng thời không thể trở về [làm ruộng] ở làng quê của họ… điều này có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội,” ông nói.
Các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc đã cảm nhận được tác động của suy thoái. Wu Yadi, 28 tuổi, chủ một cửa hàng đồ trang sức trên Taobao, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, cho biết anh đã phải cắt giảm người làm công từ hơn 40 người trong năm ngoái xuống còn 10 người. Mặc dầu vậy, việc này cũng không giúp doanh nghiệp của anh tránh khỏi thua lỗ trong năm nay.
Tuy nhiên, anh Wu vẫn bộc lộ sự lạc quan, tin rằng tình hình vẫn có thể đảo ngược. “Nhiều bạn bè tôi cảm thấy tương lai ảm đạm, nhưng tôi tự tin vào năng lực của bản thân và đội ngũ của mình,” anh nói.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa thất nghiệp do COVID-19 Dòng sự kiện suy thoái kinh tế