Nhân vật quan trọng trong hệ thống gián điệp mạng của quân đội Trung Quốc bị vạch trần
- Trí Đạt
- •
Chính phủ Mỹ gần đây đã công bố một bản báo cáo điều tra liên quan đến thương mại không lành mạnh của Trung Quốc, người nắm giữ quan trọng của hệ thống gián điệp mạng Trung Quốc Lưu Hiểu Bắc lần đầu tiên bị vạch trần.
Theo The Washington Times đưa tin, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer gần đây đã công bố một bản báo cáo quan trọng. Báo cáo điều tra này dựa trên cơ sở kế hoạch thu thuế đối với các sản phẩm công nghệ Trung Quốc của chính phủ ông Trump và hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Mỹ.
Báo cáo này đã miêu tả hành vi thương mại không lành mạnh của Bắc Kinh, đồng thời còn nhắc đến Thiếu tướng quân đội Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Bộ Tổng tham mưu thứ 3 (3PLA) Lưu Hiểu Bắc (Liu Xiaobei) và việc ông này nắm giữ hệ thống gián điệp mạng.
Tài liệu cho thấy, 3PLA hiện là đơn vị trọng tâm của Bộ đội chi viện chiến lược (Strategic Support Force) thuộc quân đội Trung Quốc. Bộ phận chủ yếu của bộ đội này gọi là “Bộ hệ thống mạng” (Cyber Corp). “Bộ hệ thống mạng” này cũng tiếp nhận thông tin của “Căn cứ 311” của đơn vị chiến tranh tâm lý thuộc quân đội Trung Quốc, để tiến hành chiến tranh thông tin, bao gồm tuyên truyền các tin tức giả.
The Washington Times đưa tin, theo thông tin, chỉ riêng tại tổng bộ khu Hải Định, thành phố Bắc Kinh, “Bộ hệ thống mạng” đã thuê 100 nghìn hacker, chuyên gia ngôn ngữ và nhà phân tích ngôn ngữ. Các đơn vị nhánh nằm ở Thượng Hải, Thanh Đảo, Tam Á, Thành Đô và Quảng Châu.
Báo cáo điều tra này đã tiết lộ, Lưu Hiểu Bắc chỉ thị 3PLA tiến hành các hoạt động gián điệp mạng đối với các công ty Mỹ. Mục đích là cung cấp tình báo có tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp quốc hữu của Trung Quốc. Ví dụ như, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNCOOC) từng yêu cầu 3PLA thu thập thu thập thông tin của vài công ty công nghệ dầu mỏ và khí đốt của Mỹ.
Báo cáo còn đưa ra 2 vụ công ty Mỹ bị 3PLA tấn công. Trong đó có một vụ liên quan đến hacker Trung Quốc xâm nhập vào mạng lưới của công ty Mỹ, đánh cắp kế hoạch hiệp định chi tiết mà công ty này sẽ đàm phán với CNOOC. Kết quả là CNOOC đã đàm phán thành công.
Báo cáo nói: “CNOOC coi thành công trong đàm phán với công ty Mỹ là nhờ có được thông tin từ cơ quan tình báo.”
The Washington Times chỉ ra, đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ công khai tiết lộ về hacker quân sự cấp cao của chính quyền Trung Quốc. Lưu Hiểu Bắc rất có thể sẽ phải đối mặt với chế tài của Mỹ.
Một bản báo cáo “Doanh nghiệp mã nguồn mở” năm 2014 của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiết lộ, Lưu Hiểu Bắc 62 tuổi, là một chuyên gia mã hóa kiêm Bộ trưởng Bộ tổng tham mưu công nghệ trinh sát (tên gọi khác của 3PLA) thuộc quân đội Trung Quốc.
Trên mạng có rất ít thông tin liên quan đến Lưu Hiểu Bắc. Theo các thông tin công khai, Lưu Hiểu Bắc đến từ huyện Hồng An, tỉnh Hồ Bắc, năm 1977 tốt nghiệp Đại học Giao thông Tây An. Từ tháng 12/2010 đến tháng 3/2014, Lưu Hiểu Bắc đảm nhận chức Bộ trưởng 3PLA, trước đó từng làm Ủy viên chính trị của bộ này. Đầu năm 2014, trong quá trình điều chỉnh tướng lĩnh cấp chính quân, cựu Chính ủy 3PLA Mạnh Học Chính đã tiếp nhậm chức bộ trưởng 3PLA từ tay Lưu Hiểu Bắc.
Năm 2015, cựu chuyên gia về vấn đề Trung Quốc của Lầu 5 góc Mark Stark đã xác nhận Lưu Hiểu Bắc là người phụ trách của 3PLA.
Hacker quân đội Trung Quốc gây náo động quan hệ Trung – Mỹ
4 năm trước, chính phủ Mỹ từng khởi tố 5 hacker được cho là thuộc quân đội Trung Quốc, họ thuộc quản lý của Bộ đội 61398 có tổng bộ tại Thượng Hải.
Bộ đội mạng 61398 của Trung Quốc được cho là có nhiệm vụ đánh cắp các công nghệ của Mỹ.
Tháng 2/2013, Công ty Mandiant của Mỹ đã công bố báo cáo, theo đó, từ năm 2006 đến nay, bộ đội 61398 đã đánh cắp dữ liệu thông tin cơ mật lên tới hàng trăm nghìn GB
Tháng 5/2014, Bộ Tư pháp Mỹ lần đầu tiên tiến hành chính thức khởi tố 5 người nghi là hacker quân đội Trung Quốc với tội tấn công mạng đối với các công ty Mỹ, đồng thời công bố tên và hình ảnh của họ.
Công ty Mandiant tiết lộ, Bộ đội 61398 thuộc 3PLA, là một đại bản doanh của quân đội mạng của chính quyền Trung Quốc. Quân đội mạng này nằm trong một tòa nhà 12 tầng ở Phổ Đông, thành phố Thượng Hải, có phóng viên của truyền thông phương Tây đến đây để phỏng vấn chụp ảnh, đã bị quân đội ngăn cản.
Phân tích của Tình báo Mỹ cho biết, 3PA phụ trách tấn công và phòng vệ hệ thống máy tính mã hóa mạng, công nghệ tự động phiên dịch ngoại ngữ, tính toán quỹ đạo vệ tinh, thiết kế máy móc tự động; hệ thống thống tin doanh nghiệp, bao gồm mạng cáp quang liên kết giữa Trung Quốc Đại lục và Mỹ, cũng nằm dưới sự kiểm soát của 3PLA.
Năm 2016, trong thời gian quân đội Trung Quốc đang tiến hành cải cách, 3PLA không thấy có động tĩnh gì, các hacker được phân tán rải rác đến các đơn vị khác trong quân đội, tư nhân và các đơn vị tình báo.
Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc còn có một mạng gián điệp quan trọng là Bộ an ninh quốc gia, bộ này điều khiển các đơn vị gián điệp mạng, trong đó có 6 đơn vị công khai và 22 đơn vị ngầm.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa gián điệp Trung Quốc gián điệp mạng